“Cô Sao” – Vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam:

“Phá tan kiếp gông xiềng ngục tù…”

Thứ Sáu, 29/01/2016, 11:55
Với tác phẩm nhạc kịch “Cô Sao” người ta nhớ về một giai đoạn hào hùng và đầy bi tráng của dân tộc theo lý tưởng của Đảng, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Người ta nhớ về lần đầu tiên âm nhạc Việt Nam có một vở nhạc kịch mang tầm quốc tế. Người ta nhớ về nhạc sĩ Đỗ Nhuận, một trong nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.


Bắt nguồn cảm xúc từ câu thơ đầy tính triết lý sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do”. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác vở nhạc kịch (Opera) “Cô Sao” với chủ đề cách mạng giải phóng con người.

Đây là vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam thế kỷ XX. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác vở nhạc kịch “Cô Sao” trong thời gian từ năm 1960 đến 1963 và lần đầu tiên được công diễn tại Thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 20 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1965). ho đến nay đã hơn 50 năm từ lần đầu tiên vở nhạc kịch “Cô Sao” ra mắt khán giả.

Với tác phẩm nhạc kịch này người ta nhớ về một giai đoạn hào hùng và đầy bi tráng của dân tộc theo lý tưởng của Đảng, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Người ta nhớ về lần đầu tiên âm nhạc Việt Nam có một vở nhạc kịch mang tầm quốc tế. Người ta nhớ về nhạc sĩ Đỗ Nhuận, một trong nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Những người yêu âm nhạc Việt Nam và những người sống trong giai đoạn cùng thăng trầm với lịch sử đất nước hẳn sẽ không quên vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, vở opera "Cô Sao". "Cô Sao" ngay từ khi ra mắt đã dậy lên làn sóng chào đón của khán giả vì phản ánh chân thực và xúc động thân phận kiếp người cùng khổ trong xã hội nửa thực dân nửa phong kiến của nước ta.

"Cô Sao" được viết nên bởi một nhạc sĩ tài hoa và cuộc đời cũng chìm nổi, lênh đênh với những biến cố thăng trầm trong những năm sống dưới ách cai trị của thực dân. Tác giả, cha đẻ của tác phẩm hiểu sâu sắc về thân phận kiếp người bé mọn nhưng đầy ước mơ và hoài bão để được giải phóng dưới ách cai trị gông cùm của thực dân Pháp.

"Cô Sao" tên vở nhạc kịch cũng là tên của cô gái vùng rừng núi Tây Bắc. Vở nhạc kịch gồm có 3 màn.

Một cảnh trong vở “Cô Sao”, năm 1976.

Màn I: Tây Bắc vào những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945, con người nơi đây sống kiếp lầm than cơ cực dưới ách cai trị của bọn thực dân, quan lang, phìa tạo… cùng bao hủ tục lạc hậu. Cô Sao (A Sao), người con gái Thái xinh đẹp như cây măng rừng, mồ côi cha mẹ, thân phận côi cút nhưng đã phải đối đầu với bao tai ương nghiệt ngã và bất công nơi rừng núi Sơn La âm u.

Thân phận A Sao nằm trong mưu mô của mụ vợ ba tên Công sứ Pháp. Cô Sao bị vu cho là có ma cà rồng trong người. Theo hủ tục của người xưa cô phải sống cô độc, xa lánh dân bản, một mình lẻ loi trong khu rừng gần nhà tù Sơn La.

Tại đây A Sao được anh Hà - một người tù chính trị và chị Vân - cán bộ hoạt động bí mật giác ngộ về lòng yêu nước, chí căm thù giặc. A Sao dần dần thoát khỏi tâm lý sợ hãi, hoang mang. Thời thế thay đổi. Phát xít Nhật chiếm đóng Đông Dương lăm le hất cẳng thực dân Pháp. Mụ Ba bỏ tên Công sứ Pháp câu kết với tri châu Đèo Văn Hưng bày trò hóa kiếp ma cho A Sao, rồi đốt nhà cô, bắt cô vào đội múa xòe mua vui cho bọn quan lang.

Màn II: Bị quan lang phìa tạo áp bức bóc lột, sưu cao thuế nặng, bắt cống nạp sản vật mãi không chịu xiết, cụ Sình (dân tộc Mông) cùng bà con xuống núi để phản kháng trước dinh của tri châu Đèo Văn Hưng. Cụ Sình bị quân lính của tên Đèo Văn Hưng bắt cùm rồi tra tấn dã man. Tên Đen, một tay sai thân Nhật mê sắc đẹp của A Sao, tìm mọi cách tán tỉnh, mua chuộc, dọa nạt, A Sao cương quyết kháng cự và tìm đường trốn thoát. Được cụ Sình, một người nằm trong cơ sở cách mạng chỉ đường lên núi Phượng Hoàng để đến với Cách mạng.

Màn III: Một ngày xuân đẹp trời năm 1946, trong đoàn quân giải phóng Sơn La. A Sao và anh Hà vui mừng gặp lại nhau, cùng hát chung bài ca: “Bầu trời đã hết sương mờ, có tiếng ca hòa tiếng thơ núi ngàn. Bên nhau niềm tin chiến thắng, phá tan kiếp gông xiềng ngục tù…”. Tây Bắc đã được hồi sinh như một miền thiên nhiên huyền thoại trong nhịp xòe và giai điệu dân ca của các dân tộc anh em: Kinh, Thái, Tày, Mông… Trong ngày vui đồng bào Tây Bắc hướng về miền Nam thân yêu, A Sao tiễn anh Hà cùng đoàn quân đi giải phóng miền Nam giành độc lập tự do cho đất nước.

"Cô Sao" được công diễn lần đầu tiên năm 1965 do Nhà hát Giao hưởng - Nhạc Vũ kịch Việt Nam dàn dựng nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Năm 1976, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, vở nhạc kịch "Cô Sao" được dàn dựng với một phiên bản ngắn gọn hơn và tên vở nhạc kịch không lấy tên là "Cô Sao" mà chuyển thành "A Sao" tên cô gái Thái nhân vật chính trong vở nhạc kịch.

Bản chép tay nhạc kịch “Cô Sao” và hình vẽ minh họa nhân vật của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Cả hai lần đều do Nhà hát Giao hưởng Nhạc - Vũ kịch Việt Nam dàn dựng với các đạo diễn, chỉ huy dàn nhạc, họa sĩ, biên đạo múa… tên tuổi như: đạo diễn Võ Bài, Vũ Hà, chỉ huy dàn nhạc Trần Quý, Đỗ Dũng, An Ngọc, họa sĩ Bùi Huy Hiếu, Trần Mậu, biên đạo múa Nguyễn Việt, Đoàn Long cùng các ca sĩ nổi tiếng: Ngọc Dậu, Kim Định, Thúy Hà, Hoàng Hoa (vai A Sao), Quang Hưng, Quý Dương (vai Hà), Y Đơn, Trần Hiếu, Hoàng Ba (vai cụ Sình), Viễn Lữ, Tâm Trừng (vai mụ Ba), Trung Kiên (vai Đen).

Trải qua một khoảng thời gian khá dài cho tới năm 2012, nhân kỷ niệm tròn 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, cũng là năm kỷ niệm 55 thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2012), nơi nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nguyên là Tổng thư ký đầu tiên của Hội trong suốt hai nhiệm kỳ I và II (1957- 1983), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam dàn dựng lần thứ 3 vở nhạc kịch "Cô sao". Lần này, với sự khôi phục tổng phổ, biên tập, bổ sung phối khí của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội  nhạc Việt Nam, con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, may mắn là thời gian tuy khá dài kể từ ngày đầu tiên cha anh đặt bút xây dựng vở nhạc kịch opera "Cô Sao" đến nay đã hơn nửa thế kỷ, vậy mà anh vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn hơn 1.000 trang chép tay tổng phổ vở nhạc kịch. Bên cạnh những dòng tổng phổ về vở nhạc kịch, nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn cao hứng dùng bút chì phác họa nhân vật bằng hình vẽ.

Tác giả thấu hiểu thân phận kiếp người trong bối cảnh xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến để rồi xây dựng nên hình tượng người chiến sĩ cách mạng đầy tính thuyết phục như anh Hà, cụ Sùng, chị Vân, hay người được giác ngộ cách mạng như cô gái Thái, A Sao, là bởi  nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có một đời sống phong phú được tích tụ lại cùng từ thân phận của người dân nghèo lao động.

Trong hồi ký, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã kể về tuổi thơ nhọc nhằn của mình khi đất nước đang trong cảnh loạn ly, dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo tại Hải Dương, cha nằm trong đội kèn Tây người Pháp, từ nhỏ nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được làm quen, tiếp xúc với âm nhạc từ tiếng đàn của người cha, lẫn tiếng còi tàu của nhà máy tơ, xi măng gần nhà, tiếng sáo của bác nông dân, tiếng trống mỗi khi làng có hội…

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tìm tòi và khám phá, chỉnh lý từ bản tổng phổ của cha mình để đưa ra mắt khán giả thưởng thức “Cô Sao” lần thứ 3.

Chính những âm thanh tưởng chừng như bình thường đó đã thôi thúc và nuôi dưỡng tâm hồn sáng tạo, dạt dào cảm xúc để ông trở thành nhạc sĩ sau này. Ngày còn nhỏ nhạc sĩ cùng bố mẹ và chị gái phải thuê một gian phòng nhỏ trong một gia đình giàu có để làm chỗ cư trú, sống qua ngày. Một lần bà chủ nhà mất tiền đã nghi oan cho Đỗ Nhuận, khi đấy ông mới là một cậu bé. Cậu bé Nhuận nước mắt vòng quanh, và bà chủ nhà thì vô cùng cay nghiệt nên đã mắng chửi cậu. Uất quá, cậu đã dùng dao chém vào chính tay mình thề mình không ăn trộm tiền của bà chủ. Máu chảy trên tay ròng ròng, cậu lẳng lặng bỏ ra bờ sông ngồi nhìn tàu thuyền qua lại nơi bến sông.

Chiều hôm đó cậu đi về nhà thì cũng vừa lúc bà chủ nhà phát hiện chính con gái bà lấy tiền. Bà chủ nhà nói xin lỗi cậu bé qua quýt một hai câu rồi thôi. Nhưng, sự hiểu lầm đó không chỉ đã gây nên vết thương trên tay mà còn gây nên vết thương lòng của cậu bé. Cậu nhận ra rằng, trong xã hội ấy người ta có thể chà đạp bất kỳ một nhân vật khốn cùng và nghèo khó nào. Hiểu cặn kẽ về cái nghèo cái khổ của những người dân cùng cực trong xã hội, nên nhạc sĩ đã có cái nhìn đầy cảm thông mang tính nhân văn khi ông xây dựng hình tượng về người dân lao động trong xã hội cũ.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một chiến sĩ cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi còn là một thanh niên, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã chịu cảnh lao tù, đòn roi tra tấn của kẻ thù. Ông bị địch bắt nhốt vào nhà giam ở Sơn La. Chính trong gông cùm, xiềng xích ông đã viết  những ca khúc cách mạng: “Côn Đảo”, “Hận Sơn La”, “Tiếng gọi tù nhân”… và thai nghén vở "Cô Sao".

Ông là nhạc sĩ duy nhất trong thế hệ đầu của tân nhạc được đào tạo bài bản tại Nhạc viện Tchaikovsky từ năm 1960 đến 1962. Ý tưởng ấp ủ vở nhạc kịch "Cô Sao" từ những ngày ở nhà tù Sơn La dưới chế độ thực dân đến chuỗi ngày dài hoạt động cách mạng sau này, rồi được Nhà nước cử sang học âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky. Ngay sau khi về nước, nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch theo truyền thống opera phương Tây, ông sáng tác vở nhạc kịch "Cô Sao", một mốc son chói sáng, vở kịch opera đầu tiên của Việt Nam.

Ngay sau khi ra mắt vở nhạc kịch "Cô Sao" lần đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1965, đã gây nên tiếng vang và vở diễn đã đến với các vùng miền khác của đất nước. Hơn 50 năm qua ê kíp chung tay dàn dựng, tham gia vào vở nhạc kịch đã không ít người như nhạc sĩ Đỗ Nhuận, họa sĩ Bùi Huy Hiếu… đã vĩnh viễn đi xa. "Cô Sao" của ngày hôm nay nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ Đỗ Nhuận lại được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tiếp nối cha mình, tự tay kỹ lưỡng phối khí lại.

Thể hiện vai chính Cô Sao lần thứ 3 này là Hà Phạm Thăng Long, giọng ca soprano của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, ở bản trước đây thể hiện giọng hát opera là ca sĩ Ngọc Dậu, Lê Dung. Trong khi ra mắt vở “Cô Sao” lần thứ 3, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cùng với Hội Âm nhạc Việt Nam và Nhà hát Giao hưởng Nhạc - Vũ kịch Việt Nam diễn vở nhạc kịch "Cô Sao" tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, với mong muốn tri ân nhân dân cùng các chiến sĩ cách mạng đã từng bị giam cầm ở nhà tù nơi mà trước đây cha mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng bị tù đày và cũng là nơi tác giả ấp ủ hình thành ý tưởng xây dựng nên tác phẩm đồ sộ "Cô Sao".

"Cô Sao" với sự rực rỡ và tươi mới mở đầu cho dòng âm nhạc opera Việt Nam. Một vở nhạc kịch ăm ắp chất thơ, mang lý tưởng của người Cộng sản tháo bỏ gông cùm đế quốc, xóa bỏ chế độ thực dân để giải phóng đất nước, giành độc lập tự do đưa Việt Nam vững bước tiến lên.

Trần Mỹ Hiền
.
.