Phá thai trái pháp luật – đừng đùa với tính mạng

Chủ Nhật, 27/05/2012, 21:20

Nghe người ta mách, D. tìm đến một bà lang ở Chăm Mát, TP Hòa Bình, chuyên phá thai. Bà lang đặt vào âm đạo của cô một đoạn que tươi không rõ là loại cây gì. Hai ngày sau, thai chưa ra nhưng D. bắt đầu sốt cao liên tục, có dịch màu đen ra theo đường âm đạo mà chị em cùng phòng tập thể nói rằng mùi rất hôi. Ngày thứ tư thì sức khỏe D. suy sụp nghiêm trọng buộc phải đến bệnh viện thì được chẩn đoán là nhiễm trùng máu do phá thai. Sau tám ngày hôn mê thì cô D. qua đời...

Những vụ việc đau lòng

Nhận được yêu cầu giám định, các giám định viên pháp y Bộ Công an khẩn trương đến địa bàn xảy ra vụ việc là xóm Nghẹ, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mai Châu cho biết, chị Khà Thị Bình, 18 tuổi, trú xóm Nghẹ, Vạn Mai do phá thai mà chết… Chị Bình sau khi học xong phổ thông đã đi làm lao động phổ thông dưới Hà Nội, có người yêu quê ở Thanh Hóa…

Đã làm rõ hai cán bộ y tế xã Bao La, Mai Châu phá thai cho chị Bình là Hà Thị Thuần, Trạm trưởng và Hà Thị Thái, cán bộ của trạm. Cả hai khai đã nhận của nạn nhân tiền ca phá thai là 2.000.000 đồng. Việc phá thai được làm tại nhà riêng của Hà Thị Thuần ở xóm Păng, xã Piềng Vế, Mai Châu lúc 15h ngày 26/9/2011, khoảng 17h kết thúc và 18h cùng ngày chị Bình tử vong.

Kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy nạn nhân bị thủng tử cung ở đoạn eo, thủng thành âm đạo, tụ máu khối cơ thắt lưng sát cột sống, rách mạc treo ruột, chảy máu ra ngoài theo đường âm đạo và chảy máu trong ổ bụng, chết do mất máu cấp tính. Vì thế, toàn thân nạn nhân nhợt nhạt và sau này làm xét nghiệm vi thể (soi các mô cơ thể trên kính hiển vi) không còn tế bào máu trong lòng mạch.

Nhiều tổn thương rất nặng như vậy cho thấy các nhân viên y tế đã sử dụng phương pháp phá thai bằng thìa nạo và những thao tác phá thai rất thô bạo do trình độ kỹ thuật phá thai non kém. Bởi lẽ, tử cung là một khối cơ trơn có tính chất dai và chắc hơn cơ vân (cơ bắp) và cơ tim, nhưng khi có thai cơ tử cung trở nên rất mềm vì thế mọi động tác khi tiến hành thủ thuật phá thai phải hết sức khéo léo, mềm mại và thận trọng. Đặc biệt phải thăm khám kỹ để xác định thân tử cung đổ về hướng nào và khẳng định được tuổi của thai nhi (tính bằng tháng) để không phá khi thai già tháng rất nguy hiểm cho tính mạng của sản phụ…

Đây rõ ràng là một ca phá thai trái pháp luật (PTTPL) vì Nghị định 23/HĐBT ban hành năm 1991, hiện có hiệu lực thi hành quy định tại điều 32: Nghiêm cấm các cơ sở y tế và cá nhân làm các thủ thuật nạo thai, phá thai, tháo vòng tránh thai nếu không có giấy phép do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp. Hai nhân viên y tế này phá thai với mục đích tiền bạc tại nhà riêng chứ không phải tại trạm xá…

Nếu phá thai đúng theo quy định y tế, hiện có hai phương pháp là nạo thai bằng thìa nạo và phương pháp Kovac. Mỗi phương pháp đều có nhược điểm là những tai biến hay biến chứng chết người cho dù tiến hành ở nơi có đủ phương tiện, thuốc men cấp cứu…  Sau này có thêm phương pháp hút điều hòa kinh nguyệt (thực chất là phá thai rất sớm trong những ngày đầu mang thai); gần đây có thêm phương pháp phá thai bằng thuốc (gọi là phá thai nội khoa - Xin cảnh báo rằng phá thai bằng thuốc không phải là không có tai biến chết người như băng huyết, nhiễm trùng…).

Giám định pháp y tử thi những nạn nhân chết do PTTPL thấy ngoài các phương pháp kể trên, các đối tượng hành nghề này còn sử dụng các biện pháp được coi là "gia truyền" rất… lang băm và thường thấy ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ở Hòa Bình có những bà lang vườn phá thai bằng que dâu. Bà lang Tình (tên thật là Bùi Thị É), 74 tuổi,  ở huyện Lạc Sơn đã "hành nghề" phá thai 32 năm theo "bí quyết gia truyền" của mẹ bà để lại và đồn rằng thai to mấy cũng nhận phá. Trong khi những phương pháp phá thai chính thống tại các cơ sở y tế, bệnh viện nhà nước đều có quy định nghiêm ngặt về tuổi thai được phép phá. Nhiều ca tai biến sản khoa nghiêm trọng đã xảy ra khi bà lang Tình "hành nghề"…

Có tận mắt chứng kiến những tai biến hay biến chứng của những ca phá thai kiểu lang vườn mới thấy kinh hãi. Cô Nguyễn Thị D. quê ở Thái Bình, có thai với người yêu nhưng hai người chưa có đủ điều kiện kinh tế để làm đám cưới nên quyết định phá thai. Nghe người ta mách, D. tìm đến một bà lang ở Chăm Mát, TP Hòa Bình, chuyên phá thai. Bà lang đặt vào âm đạo của cô một đoạn que tươi không rõ là loại cây gì. Hai ngày sau, thai chưa ra nhưng D. bắt đầu sốt cao liên tục, có dịch màu đen ra theo đường âm đạo mà chị em cùng phòng tập thể nói rằng mùi rất hôi. Ngày thứ tư thì sức khỏe D. suy sụp nghiêm trọng buộc phải đến bệnh viện thì được chẩn đoán là nhiễm trùng máu do phá thai. Sau tám ngày hôn mê thì cô D. qua đời.

Giám định pháp y thấy phần phụ từ âm đạo đến tử cung, ống dẫn trứng, vòi trứng, buồng trứng có màu đen như bùn và cũng mủn như bùn, mùi hôi rất khó chịu, tình trạng tổn thương này còn lan cả vào ổ bụng. Dấu hiệu nhiễm trùng máu biểu hiện rất nặng ở khắp các phủ tạng. Những tổn thương trầm trọng này do loại vi khuẩn Gram âm (thường có trong đường sinh dục nữ) tiết ra độc tố mạnh hơn nhiều so với vi khuẩn Gram dương (thường có ở đường hô hấp hay họng, da…). Chị em phụ nữ không lạ gì sốt hậu sản là nhiễm trùng do nguyên nhân sót rau khi sinh, nhưng đây là biến chứng nhiễm trùng xảy ra ngay trong giai đoạn thực hiện các thủ thuật phá thai (thai chưa ra khỏi tử cung) thường thấy khi phá thai kiểu lang vườn.

Nguyên nhân đơn giản là "thuốc" không được vô trùng. Trong thời kỳ mang thai cơ tử cung không co bóp vì sẽ gây xảy thai (trừ khi bị nhiễm độc, chấn thương, dùng thuốc…). Các đoạn cây tươi được dùng làm "thuốc" kia chắc chắn có chứa các hoạt chất gây co bóp cơ tử cung thì mới đạt được mục đích. Thế nhưng nếu "thuốc" bị xử lý theo phương pháp hiện đại như dùng nhiệt, hóa chất sẽ làm biến tính các hoạt chất và mất tác dụng. Mặt khác, cây que cứng sẽ làm tổn thương niêm mạc âm đạo tạo ra cửa mở cho vi trùng xâm nhập vào mô và máu.

Hòa Bình là tỉnh có nhiều ông lang, bà lang "hành nghề" phá thai bằng que dâu như ở huyện Yên Thủy, Vụ Bản, Lạc Sơn, TP Hòa Bình.

Lạ là cho đến nay vẫn còn nhiều ca phá thai theo kiểu rất Trung cổ, kiểu như ngày xưa dùng kim đan, lông ngỗng để chọc thủng màng ối thai. Một người là bộ đội xuất ngũ ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội cũng hành nghề phá thai chui mặc dù khi ở quân ngũ anh này không làm đến hộ lý chứ chưa nói có chuyên môn cao hơn. Anh ta cắt thân đèn pin làm mỏ vịt, dùng nan hoa xe đạp uốn cong để kéo thai nhi ra. Chị Nguyễn Thị L. là nạn nhân đầu tiên mà anh ta hành nghề đã chết do thủng tử cung, mất máu.

Tỉ lệ nạo phá thai ở nước ta vẫn rất cao. (Ảnh minh họa).

Bà lang Vi Thị Quyết (còn gọi là bà Cấn) ở xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An được ca ngợi là "phá thai rất tài tình", đã phá hàng trăm ca và chính là "thần chết" của chị Vi Thị Xiên ở bản Mứt, xã Hành Dịch cùng huyện. Bà này lấy một đoạn que nhỏ như chiếc nan hoa xe máy, dài khoảng 10cm, tẩm thuốc gì không rõ rồi đưa vào cổ tử cung. Về đến nhà chị Xiên đau bụng dữ dội phải quay lại thì bà rút que ra rồi đặt que khác vào… Mấy ngày sau chị Xiên lại đau bụng dữ dội, người rũ ra, xanh như tàu lá, nhập viện trong tình trạng hôn mê, tràn dịch dưới da và tử vong ngay khi sơ cứu.

Y tá thôn Quang Bá Tòng ở bản Quạnh, xã Châu Thôn, Quế Phong, Nghệ An dùng hai bao cao su lồng với nhau buộc vào đầu ống nhựa đưa vào tử cung để bơm thuốc xông thai cho chị Lô Thị Thêm ở bản Đọn Phạt, xã Cắm Muộn. Sau khi bơm thuốc chị Thêm đau bụng dữ dội. Tòng rút ống nhựa ra, tiêm thuốc trợ lực…

Đến khoảng 9h tối chị Thêm lại đau bụng dữ dội, Tòng lại tiêm thuốc trợ sức nhưng sản phụ càng đau dữ hơn. Tòng vội vàng đưa chị đến phòng khám đa khoa xã nhưng trên đường đi chị Thêm rũ xuống nên được đưa về nhà Tòng và tử vong sau ít phút. Tòng thỏa thuận được với chồng chị Thêm (người phải nuôi 6 đứa con, 3 đứa do vợ trước sinh, 3 đứa là con chị Thêm) là lo mai táng cùng với đền bù 40 triệu đồng và hai bên làm giấy cam đoan không báo chính quyền. Vụ việc vẫn bị phát hiện và tử thi Lô Thi Thêm được khai quật để giám định pháp y.

Nguyên nhân gia tăng PTTPL và mức xử phạt cần đủ sức ngăn chặn, răn đe

Nói cho khách quan thì phá thai nói chung đang là vấn nạn. Thống kê mới nhất của Guttmacher Institute cho biết, Việt Nam đứng ở mức những nước có tỉ lệ phá thai cao nhất, khoảng gần 2 triệu ca/năm (theo GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, TP HCM là 1,2 - 1,6 triệu ca/năm).

Theo thống kê mới nhất của Hội Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam có tỉ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên (từ 15-19 tuổi) cao nhất Đông Nam Á. Mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi này, trong đó nhiều em nạo hút thai nhiều lần. Phá thai ở tuổi vị thành niên - thanh niên chiếm 22% tổng số các vụ phá thai cả nước và có khuynh hướng ngày càng tăng…

Người ta đã phân tích quá nhiều và đầy đủ về nguyên nhân gia tăng mạnh các ca phá thai là do tình trạng giới trẻ quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng, trong khi việc giáo dục giới tính trong nhà trường, gia đình chưa thực sự mang lại kết quả.

Hệ lụy từ Internet.

Việc giới trẻ với bản năng tình dục mạnh mẽ tiếp cận các trang web đen, phim ảnh khiêu dâm …, dẫn đến quan niệm "thoáng" về quan hệ tình dục và vứt bỏ lối sống truyền thống là chỉ quan hệ tình dục sau hôn nhân, trong khi lại không biết gì nhiều về tính dục và sức khỏe sinh sản nên có thai ngoài ý muốn là không tránh khỏi. Rồi sự nghèo khó và nhiều bất cập trong hệ thống pháp luật về phá thai, cũng như thiếu những quy định cụ thể để hạn chế việc phá thai đang tràn lan không thể kiểm soát…

Về PTTPL chưa có ai thống kê số lượng trên cả nước, nhưng qua những vụ việc do Pháp y Bộ Công an trực tiếp giám định, do pháp y địa phương tiến hành và các kênh thông tin có thể khẳng định số người chết do PTTPL hàng năm không nhỏ, chưa kể những người chịu hậu quả của phá thai như vô sinh, suy giảm sức khỏe nhiều mức độ khác nhau hay mắc các bệnh phụ khoa mà họ không tiết lộ hoặc chấn thương tâm lý biểu hiện bằng trạng thái trầm uất, cảm giác tội lỗi và ngược lại là kích động, hung hãn...

Luật pháp nước ta cấm PTTPL tại Điều 243 Bộ luật Hình sự: Tùy theo mức độ hậu quả xấu, người tiến hành PTTPL có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm. Trên các phương tiện thông tin đại chúng có một chương trình kế hoạch hóa gia đình lồng ghép với chương trình lương thực toàn cầu, tuyên truyền vận động liên tục, thường xuyên và có cả một hệ thống trạm y tế, bệnh viện từ xã đến trung ương để đón nhận những người phá thai theo đúng luật, nhưng những vụ PTTPL vẫn không giảm mà lại tăng lên, bởi tình trạng phá thai nói chung tăng đương nhiên các ca PTTPL cũng gia tăng.

Theo chúng tôi, ngoài những nguyên nhân chung của tình trạng PTTPL gia tăng còn phải kể đến những lý do sau đây: Tuy không hoàn toàn nhưng không ít người còn nặng nề về tâm lý con hoang; không chồng mà chửa, vì thế khi đã lỡ thì lén lút, giấu giếm phá thai để giữ kín thông tin. Điều này làm cho việc điều tra thủ phạm nhiều khi rất khó khăn bởi thái độ bất hợp tác của người "được" phá thai, để bảo vệ mình và cả người đã phá thai "giúp" mình.

Mặt khác, sự phiền hà của bộ phận không nhỏ nhân viên ngành y tế với "văn hóa phong bì" và thái độ đối xử thiếu tôn trọng người bệnh. Sự nghèo khó và giao thông khó khăn là lý do để những người ở vùng sâu vùng xa tìm đến những nơi phá thai đã kể trên.

Những lý do trên và động cơ tiền bạc là mảnh đất nuôi sống tình trạng PTTPL. Vì tiền, người ta liều lĩnh phá thai già tháng ngay cả khi bệnh viện nhà nước đã từ chối hay nhân viên y tế phá thai trong cơ sở y tế nhà nước mà không lập bệnh án hoặc phá thai ngay tại nhà mình và làm thủng tử cung, sản phụ tử vong do mất máu cấp như ở Hòa Bình, Hà Đông...

Hiện nay, phá thai trong đó có mục đích lựa chọn giới tính diễn ra tràn lan không kiểm soát, thì luật pháp lại rất đơn giản chỉ có: "Các cơ sở y tế chuyên khoa phải thực hiện các yêu cầu của (…) về (…), nạo phá thai theo nguyện vọng…". "Các bệnh viện chuyên khoa phụ sản, bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố mới được quyền phá thai bệnh lý, phá thai to". "Nghiêm cấm các cơ sở y tế, và cá nhân làm các thủ thuật nạo thai,… nếu không có giấy phép do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp" và "Nghiêm cấm: "Cản trở, cưỡng bức việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình"; "Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức".

Không ai nghi ngờ mục đích xã hội của phá thai nhưng không phải là khuyến khích, vì thế pháp luật cần có những quy định chi tiết, chặt chẽ hơn cho việc phá thai.

Đối với việc PTTPL cần được xử phạt nặng hơn mới đủ sức ngăn chặn, răn đe, vì mức xử phạt nhẹ nhất (trong khung hình phạt đã dẫn ở trên) hiện chỉ có một năm tù là thấp

Nguyễn Văn
.
.