Viết tiếp về những “kỳ án” liên quan đến ông Lê Hồng Phương:

Phải sớm làm rõ phiên đấu giá bất thường nhà 36 Nguyễn Thị Diệu-TP HCM

Thứ Tư, 20/08/2008, 17:00
Sau khi Chuyên đề ANTG số 777 ra ngày thứ tư (30/7/2008) có bài “Những “kỳ án” dân sự có liên quan đến ông Lê Hồng Phương: “Bao giờ những sai phạm này bị xử lý?”, nội dung  có nêu việc công chứng viên (CCV) Nguyễn Đình Sang (Phòng Công chứng số 1, Sở Tư pháp TP HCM) đã chứng nhận vào Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá căn nhà 36 Nguyễn Thị Diệu (NTD) trước thời điểm diễn ra bán đấu giá.

>>Những "kỳ án"dân sự có liên quan đến ông Lê Hồng Phương

Sau khi báo phát hành, Tòa soạn Báo CAND - Chuyên đề ANTG đã nhận được thư phản hồi của Phòng Công chứng số 1 và cá nhân CCV Nguyễn Đình Sang.

Trong hai thư này cho rằng sau khi ông Hoàng Ngọc Tài (anh em “cột chèo” với ông Lê Hồng Phương) trúng đấu giá, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP HCM (địa chỉ 19/5, Hoàng Việt, phường 4, Tân Bình) lập hợp đồng đúng quy định sau đó CCV Sang mới ký xác nhận vào nhưng không ghi ngày giờ vào hợp đồng công chứng.

Mấy ngày sau, Trung tâm chuyển hồ sơ đến Phòng Công chứng số 1 để đóng dấu, khi kiểm tra lại hồ sơ, do thấy còn bỏ trống phần giờ phút nên ông Sang ghi vào ngày giờ theo giấy mời là 8h 30’ thay vì ghi giờ ký văn bản mua bán tài sản đấu giá.

Ông Sang cho rằng, đây là lỗi kỹ thuật trong quá trình ghi chép, đánh máy nhưng không làm thay đổi sự thật phiên đấu giá tài sản. Tuy nhiên, trước đây, vào ngày 2/6/2008, khi chúng tôi gặp trực tiếp CCV Nguyễn Đình Sang để tìm hiểu về sai sót trên thì được ông giải trình khác hẳn so với bây giờ.

Cụ thể, ông Sang bảo do có “thói quen” ghi thời gian công chứng trùng với giấy mời nên ngay sau khi có hợp đồng mua bán tài sản ông đã ghi là 8 giờ 30 phút thay vì đúng là khoảng  9h 10’. Trong khi đó theo thư phản hồi thì ông Sang lại tường trình phải mấy ngày sau ông mới ghi giờ vào.

Những biện minh “tiền hậu bất nhất” của ông Sang cũng không phải là vấn đề quan trọng, cái quan trọng nằm ở chỗ “giấy trắng mực đen” đã thể hiện CCV Sang xác nhận hợp đồng trước thời điểm bán đấu giá mà đây là cơ sở để chúng tôi phản ánh trong bài viết nói trên. Và sự thật về phiên bán đấu giá ấy như thế nào mới là vấn đề chính mà chúng tôi đề cập đến chứ không phải riêng gì “công đoạn” công chứng của ông Sang.

Tài liệu thể hiện công chứng trước khi bán đấu giá nnhà 36 Nguyễn Thị Diệu.

Trở lại cuộc đấu giá căn nhà 36 NTD để thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 161/DSPT ngày 29/5/2005 diễn ra vào ngày 16/5/2006, tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP HCM (thành phần tham gia gồm có: ông Nguyễn Đình Sang (CCV), ông Vũ Duy Bội (Chấp hành viên - CHV), ông Lê Hồng Phương - người được thi hành án, ông Nguyễn Hoàng Huy (đấu giá viên), bà Nguyễn Thị Huyên (chuyên viên - thư ký) và hai người tham gia “đấu giá” là bà Lê Thị Kim Phụng - chị ruột ông Phương và ông Hoàng Ngọc Tài - em cột chèo ông Phương) mà dư luận cho rằng không bình thường thể hiện những điểm sau:

Thứ nhất, vào ngày 12/1/2006, CHV Vũ Duy Bội (Phòng Thi hành án dân sự TP HCM) - người được ủy quyền đứng tên bán tài sản đấu giá đã chủ trì buổi định giá tài sản là nhà 36 NTD để làm căn cứ tổ chức bán đấu giá. Hội đồng này đã thống nhất giá trị căn nhà 36 NTD là 3.872,53 lượng vàng SJC.

Tuy nhiên, chỉ gần 2 tháng sau, cụ thể là ngày 9/3/2006, CHV Vũ Duy Bội lại lập Hội đồng định giá tài sản để định giá lại căn nhà 36 NTD và thống nhất giảm 5% (gần 400 lượng vàng) so với giá đã định lần 1.

Trong khi đó theo điểm C, khoản 5, điều 43 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 thì việc định giá lại chỉ được tiến hành với điều kiện quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày định giá mà tài sản chưa bán được.

Thứ hai, phiên đấu giá nhà 36 NTD - một tài sản có giá trị hàng ngàn lượng vàng, lại nằm ở vị trí đắc địa thuộc trung tâm thành phố vậy mà người tham gia đấu giá chỉ có hai người, lại là chị ruột và anh em “cột chèo” với ông Lê Hồng Phương - người được thi hành án của một bản án gây xôn xao dư luận.

Để rồi ông Hoàng Ngọc Tài dễ dàng trúng đấu giá chỉ qua 3 vòng đấu mang tính thủ tục (họ quy định mỗi lần “đấu” chỉ được chênh lệch 6 lượng so với giá khởi điểm - PV)  chứ không phải “quyết đấu” hàng chục vòng như nhiều cuộc đấu giá tài sản lớn khác cũng tại trung tâm này. Vậy phải chăng cuộc đấu giá này đã diễn ra một cách “bí mật” để dìm giá nhà 36 NTD?

Nghi ngờ này là có cơ sở, bởi trên trang web của Sở Tư pháp TP HCM còn lưu lại thông báo bán đấu giá tài sản cho thấy, trong ngày 16/5/2006 có 6 tài sản là nhà, đất được đem ra bán đấu giá nhưng không hề có nhà nào mang số 36 NTD. Đặc biệt hơn là một đồng nghiệp của CHV Vũ Duy Bội là CHV Võ Văn Mẫn cũng đã từng giúp ông Phương âm thầm bán căn nhà 207 Nguyễn Tri Phương, phường 9, quận 5...(?!). --PageBreak--

Để bạn đọc rộng đường dư luận và hiểu hơn về sự cấu kết giữa ông Lê Hồng Phương và những người thực thi pháp luật trong việc thi hành án chúng tôi xin trở lại vụ việc này  như sau: Theo bản án phúc thẩm hình sự số 208/HSPT ngày 24/2/1998 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM thì vợ chồng Hà Thị Xuân đã vay mượn nợ và chiếm đoạt của 34 người với số vốn trên 2,3 tỉ đồng, hơn 400 lượng vàng  và 49.473 USD (trong đó, riêng ông Lê Hồng Phương có cho vợ chồng Hà Thị Xuân vay 1 tỉ đồng).

Từ cơ sở này tòa tuyên phạt Hà Thị Xuân tù chung thân và Lê Minh Quy 8 năm tù giam. Về phần dân sự,  tuy căn nhà 207 Nguyễn Tri Phương đã được ông Diệp bán cho Hà Thị Xuân nhưng do căn nhà này thuộc sở hữu Nhà nước và chưa bán hóa giá cho ông Hà Văn Diệp nên tòa tuyên: “Giao cho ông Lê Hồng Phương, đại diện vợ chồng Hà Thị Xuân, Lê Minh Quy xin mua căn nhà 207, Nguyễn Tri Phương.

Nếu Nhà nước cho mua, sau khi hoàn tất thủ tục mua nhà của Nhà nước, căn nhà kể trên của vợ chồng Xuân, Quy sẽ được cơ quan thi hành án cho phát mại theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được, trừ các chi phí sau đó ưu tiên trả cho ông Hà Văn Diệp 20 lượng vàng, còn lại chi trả đều theo tỉ lệ phần trăm số nợ mà bị cáo còn thiếu của tất cả các bị hại”.

Khoảng 20 ngày kể từ khi bản án tuyên, ông Lê Hồng Phương có đơn yêu cầu thi hành án và CHV Võ Văn Mẫn, Phó phòng Thi hành án dân sự TP HCM lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ thi hành bản án. Để giúp ông Phương âm thầm bán căn nhà này,  ngày 6/2/1999, ông Võ Văn Mẫn lập một biên bản giải quyết thi hành án với nội dung chính là:

Ông Diệp trả lại cho bà Xuân 50 lượng vàng đã nhận để hủy hợp đồng mua nhà trước đây; ông Hà Văn Diệp và ông Lê Hồng Phương tự thỏa thuận sẽ làm thủ tục mua nhà hóa giá sau đó chuyển tên cho ông Lê Hồng Phương, các chi phí mua hóa giá này ông Phương chịu.

Riêng 50 lượng vàng trả lại cho bà Xuân sẽ nộp vào phòng thi hành án để trả nợ cho các bị hại”. Từ biên bản này, chẳng bao lâu sau căn nhà đã được mua hóa giá đứng tên ông Hà Văn Diệp và “màn kịch” do ông Phương đạo diễn đã được chuyển nhượng một cách âm thầm căn nhà này cho ông Phương không thông qua bán đấu giá, không báo cho các bị hại biết...

Tệ hại hơn nữa là một số tài sản khác của vợ chồng Xuân, Quy như  2 xe Dream, 2 đồng hồ đeo tay và nhiều nữ trang đều được CHV đem ra “bán đấu giá” nhưng cuối cùng cũng bán lại cho ông Phương và người nhà ông Phương với cái giá rẻ mạt.

Trở lại căn nhà 36 NTD, tuy ông Hoàng Ngọc Tài là người trúng đấu giá nhưng từ phiếu đề xuất thu - chi mà Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP HCM lập ngày 19/5/2006, lại có biểu hiện việc thu (vàng do ông Hoàng Ngọc Tài nộp) và chi cho CHV Vũ Duy Bội (người được ủy quyền đứng tên bán tài sản đấu giá) chẳng qua chỉ trên giấy tờ, thực chất là cấn trừ qua số vàng 3.611,96 lượng mà ông Phương được thi hành án theo bản án phúc thẩm số 161/DSPT ngày 20/5/2005 (bản án này đã bị tuyên hủy).

Xâu chuỗi lại những sự việc khó hiểu nêu trên là có cơ sở để khẳng định phiên đấu giá nhà 36 NTD là không bình thường và để làm sáng tỏ thì cần phải có sự điều tra, kết luận của cơ quan chức năng. Rất tiếc rằng Báo CAND cũng như Chuyên đề ANTG đã nhiều lần phân tích những dấu hiệu “không bình thường” của quá trình bán đấu giá nhà 36 NTD nhưng đến nay vẫn chưa được kiểm tra, xem xét, xử lý dứt điểm

Nhóm PVĐT
.
.