Pháp muốn thay thế người Anh tại Ấn Độ

Thứ Năm, 15/03/2018, 14:06
Trong chuyến thăm, từ ngày 9 đến 12-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn biến Paris thành cửa ngõ cho New Delhi vào EU. Hiện tại, Pháp chỉ là một đối tác thương mại rất khiêm tốn của Ấn Độ.

Đặt chân xuống New Delhi vào cuối ngày 9-3, Tổng thống Cộng hòa Pháp cùng phu nhân Brigitte Macron, dẫn theo đoàn tùy tùng gồm năm bộ trưởng và nhiều nghị sĩ cùng lãnh đạo các tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ gồm cả các doanh nghiệp mới thành lập. Ông đi đến đất nước đông dân thứ hai trên thế giới với tham vọng tăng cường sự hiện diện của Pháp, mà cho đến nay vẫn rất mờ nhạt.

Theo Paris, thị trường Ấn Độ vẫn còn quá "hạn chế" đối với các nhà đầu tư Pháp. Thương mại giữa hai nước mặc dù được cân bằng, nhưng vẫn yếu và chủ yếu tập trung trong lĩnh vực hàng không: Ấn Độ chỉ là khách hàng thứ 18 của Pháp trên quy mô quốc tế. Mục đích của chuyến thăm Ấn Độ lần này, ông Macron muốn đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và môi trường và để thảo luận về một thỏa thuận tự do thương mại do trước đó vài tuần Ấn Độ đã dỡ bỏ thuế hải quan, đặc biệt với những tấm pin mặt trời nhập khẩu hoặc phụ tùng ôtô.

Lợi dụng sự ra đi của người Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2019, ông Macron muốn Pháp thay thế Vương quốc Anh trở thành cửa ngõ cho Ấn Độ tới cựu lục địa.

Nhờ được chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước, ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, khoảng 13 tỉ euro hợp đồng đã được ký kết. Paris và New Delhi cũng ký một thỏa thuận hợp tác trên Ấn Độ Dương.

Theo điện Elysée, 20 hợp đồng với tổng cộng 13 tỉ euro được ký, trong đó chủ yếu là thỏa thuận bán động cơ máy bay của hãng Pháp Safran với công ty hàng không Ấn Độ SpiceJet. Ngoài ra là nhiều hợp đồng trong lĩnh vực môi trường, xây dựng đô thị, công nghệ hàng không... Bên cạnh đó, Phủ Tổng thống Pháp cũng thông báo, gần như chắc chắn, là 6 lò phản ứng hạt nhân EPR của Pháp sẽ được Ấn Độ mua vào cuối năm nay, theo một thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân Jaitapur vừa được ký kết.

Về thỏa thuận hợp tác Pháp-Ấn ở Ấn Độ Dương, Paris sẽ mở cửa các căn cứ hải quân tại khu vực này (ở Djibouti, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và đảo Réunion) cho tàu chiến Ấn Độ sử dụng. Việc mở cửa các căn cứ hải quân Pháp là điều rất được New Delhi trông đợi, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng tại vùng biển chiến lược truyền thống của Ấn Độ. Trước Pháp, Ấn Độ từng có hai thỏa thuận hợp tác sử dụng cảng quân sự với Mỹ (ký kết năm 2016) và Singapore (2017).

Tổng thống Pháp duyệt đội danh dự tại Ấn Độ.

Sang ngày 11-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức khai trương Liên minh Năng lượng mặt trời tại New Delhi. Mục tiêu của liên minh này là thúc đẩy mạnh năng lượng mặt trời tại các quốc gia đang phát triển, đa số nằm ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, vốn có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng cũng là nơi điện mặt trời rất kém phát triển.

Một trong các nguyên tắc chính của Liên minh Năng lượng mặt trời là tập hợp nhu cầu của hàng chục quốc gia thành viên, để đưa ra các đơn đặt hàng chung, nhờ vậy mà hạ được giá cả. Đây cũng chính là đề nghị của Ấn Độ, khi gọi thầu 500.000 máy bơm sử dụng năng lượng mặt trời, để đáp ứng như cầu của nhiều nước châu Á và châu Phi.

Mục tiêu liên minh đề ra là huy động được 800 tỉ euro, từ đây đến 2030, cho đầu tư và nghiên cứu. Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Macron nhấn mạnh Pháp sẽ chi thêm 700 triệu euro thông qua các khoản cho vay và các khoản viện trợ nhằm phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại các nước đang phát triển từ nay đến năm 2022.

Phát biểu trước các nhà đầu tư và các nhà lãnh đạo thế giới đến từ 20 quốc gia, chủ yếu là các nước châu Phi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã cam kết Ấn Độ sẽ giảm đáng kể lượng khí thải carbon thông qua việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, nhấn mạnh "chúng ta phải đảm bảo rằng một công nghệ năng lượng mặt trời hiệu quả và chi phí thấp phải sẵn có với tất cả các nước".

Ông Modi kêu gọi tăng cường năng lượng mặt trời trong số các nguồn năng lượng hiện nay. Ấn Độ là quốc gia gây ô nhiễm lớn thứ 3 trên thế giới, đang phát triển mạnh trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và đang dần trở thành một trong những thị trường năng lượng sạch lớn nhất thế giới.

Trước đó, Ấn Độ đã cam kết đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 40% nguồn năng lượng của nước này, chủ yếu là nguồn năng lượng mặt trời.

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp rất được báo chí hoan nghênh. Nổi bật trên báo chí Ấn Độ ngày 10-3 là hình ảnh Thủ tướng Ấn Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ôm nhau thắm thiết, ngay khi nguyên thủ Pháp bước xuống cầu thang máy bay. Một cử chỉ mang dấu ấn riêng của Thủ tướng Ấn Độ, chỉ dành cho các lãnh đạo được quý mến nhất. Điều mà báo chí Ấn Độ giờ đây gọi là “phong cách ngoại giao âu yếm”.

Tuần báo Ấn Độ cũng dành nhiều trang để giới thiệu về quan hệ đặc biệt giữa hai lãnh đạo Pháp - Ấn, bất chấp việc họ chênh nhau đến 27 tuổi. India Today ca ngợi: “Đó là hai thủ lĩnh có tầm nhìn sáng suốt về những nhu cầu của đất nước mình, họ không sợ phải dùng đến các biện pháp phi truyền thống”.

Emmanuel Macron, người chỉ ghé thăm Ấn Độ một lần tại Bangalore khi còn làm việc cho Ngân hàng Rothschild, thông qua chuyến thăm cấp nhà nước lần này muốn thuyết phục người Ấn về niềm đam mê của mình đối với đất nước họ. Theo giới quan sát, đó là điều khó xảy ra dù rằng Tổng thống Pháp đã mặc trang phục truyền thống của người Ấn và nhảy múa trên nền nhạc Punjabi, cũng như giống Thủ tướng Canada Justin Trudeau thể hiện trong chuyến thăm Ấn Độ của ông vào tháng 2-2018.

Nhưng trong lời tựa cuốn sách “Cách mạng” của mình, phiên bản chữ hindu, phát hành vào tháng 12-2017, ông Macron nói rằng ông thường suy nghĩ đến câu của Gandhi: "Bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới".

Đan Kô (tổng hợp)
.
.