Phát điên với “vàng trắng”

Chủ Nhật, 13/10/2013, 06:55

Quý hiếm và có giá trị dinh dưỡng cao nên từ xa xưa, dân gian ví tổ yến là “vàng trắng”. Theo thời giá hiện nay, nếu là tổ, mỗi kilôgam tổ yến, được khai thác từ đảo yến, dao động từ 70 đến 80 triệu đồng. Gặp yến huyết thì giá còn “khiếp” hơn, lên đến cả trăm triệu đồng. trị giá hơn 2 cây vàng, nên ví tổ yến là “vàng trắng” cũng chẳng có gì quá đáng.

Vì chuộng giá trị dinh dưỡng của thứ tổ chim mà ngày trước chỉ vua chúa mới được dùng nên dù giá cả đắt đỏ là thế nhưng tổ yến vẫn được nhiều người nhiều giới mua dùng. Phàm thứ gì giá cả đắt đỏ nhưng thiên hạ vẫn cứ tranh nhau mua, thì thứ ấy rất được dân kinh doanh và nhất là phường gian thương chú trọng dòm ngó. Thế nên không kém gì sừng tê giác, nhân sâm, nấm linh chi…, thị trường vàng trắng hiện đang rất hỗn loạn với đủ kiểu rao bán om sòm từ thế giới ảo đến đời thật, từ "vàng" được khai thác tự nhiên đến "vàng" nuôi, "vàng" được chế tác từ các phụ gia độc hại!

Nói tổ yến đại bổ, điều đó miễn bàn bởi bất kỳ ai khi quyết định mua tổ yến cũng đều ít nhiều hiểu rõ giá trị của nó. Thứ tổ yến có giá trị hiện nay là tổ yến được khai thác từ hệ thống các đảo yến của tỉnh Khánh Hòa, nằm trong phạm vi vùng biển của thành phố Nha Trang. Viết trong Xứ trầm hương về danh mục các món đặc sản nổi tiếng ở Khánh Hòa, nhà văn Quách Tấn đã xếp yến sào ở vị trí quán quân, được thể hiện qua câu vè: "Yến sào Hòn Nội/ Vịt lội Ninh Hòa/ Tôm hùm Bình Ba/ Nai khô Diên Khánh/ Cá trầu Võ Cạnh/ Sò huyết Thủy Triều/ Đời anh cay đắng đã nhiều/ Từ đây ngọt sớm ngon chiều cùng em".

Hòn Nội nằm trong quần thể đảo yến ở Khánh Hòa gồm hơn chục đảo lớn nhỏ, do Công ty Yến sào Khánh Hòa trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa, quản lý và khai thác. "Yến sào Hòn Nội" là thương hiệu nổi tiếng lâu nay nên bị phường con buôn ma mãnh ăn theo, nhái nhại đủ kiểu mà mấy năm trước, lãnh đạo Công ty Yến sào Khánh Hòa đã phải làm công văn gửi khắp nơi kêu cứu cũng như để các cơ quan truyền thông tuyên truyền cho người dân khỏi phải “dính đòn” kẻ gian. Nói như thế để khẳng định rằng đã có rất nhiều người lâm cảnh dở khóc, dở cười vì mua phải yến sào Hòn Nội có nguồn gốc trời ơi vốn được giới buôn chào bán ầm ĩ không chỉ trong khu vực thành phố Nha Trang mà tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt tại TP HCM, thị trường tiêu thụ “vàng trắng” sầm uất nhất nước. 

Yến huyết được rao bán trên thị trường đa phần chẳng phải là yến huyết thứ thiệt.

1. "Chưa khi nào yến sào được bán nhiều, bán bừa bãi, bán đủ chủng loại và bán với đủ thứ giá như hiện nay. Chẳng hề có mức giá đồng nhất, mỗi nơi bán mỗi giá khác nhau cho mặt hàng quý hiếm này. Nơi bán 3 triệu đồng một lạng nhưng cũng có nơi bán với giá 7-8 triệu đồng. Có nơi đề giá 5 triệu với cam kết tổ yến của mình là "hàng thiên nhiên", nơi khác bảo với giá tiền ấy chỉ có thể ăn được yến nuôi.

Chia sẻ này của ông Lê Văn Bỉnh, 62 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, một giáo chức về hưu. Ông Bỉnh cho biết, vợ ông bị ung thư phổi, đã qua các giai đoạn hóa trị nên cần được tẩm bổ để lấy lại sức. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết yến sào rất tốt cho phổi nên ông quyết định mua cho bà nhà dùng. Nhưng càng tìm hiểu, ông Bỉnh càng rối bởi thị trường yến sào "loạn” quá, loạn đến không tưởng, ai bán cũng nói hàng của mình tốt còn hàng nơi khác không đảm bảo chất lượng.

"Còn giá cả như tôi đã nói, vô thiên lủng chẳng biết đường nào mà  lần. Đuối quá, với suy nghĩ tiền nào của đó nên tôi chọn mua loại chất lượng cao và… ôm hận" - ông Bỉnh tâm sự.

Theo lời kể của ông Bỉnh, ông mua "vàng" từ giới thiệu của một người quen. Người bán cho ông 1 lạng yến trắng với giá 6 triệu đồng và yến huyết với giá gần gấp đôi là một phụ nữ khoảng 40 tuổi. Chị ta nói nguồn hàng của mình được nuôi từ đảo Phuket ở Thái Lan nên chất lượng tuyệt hảo: "Dùng hết tổ yến trắng, khi đụng đến tổ yến huyết thì tôi phát hiện đó là tổ yến tầm bậy. Vì lúc ngâm để chế biến tôi thấy một sợi màu đỏ bé xíu hiện ra. Dù chẳng biết nó là thứ gì nhưng tôi biết chắc mấy tổ yến tôi mua là đồ tầm bậy" - ông Bỉnh cay đắng, nói.

Ông Bỉnh không phải là trường hợp hiếm hoi mua phải "vàng trắng" dỏm. Thực tế thì có rất nhiều người lâm nạn kiểu này nhưng dù sao, như ông Bỉnh còn may bởi kịp phát hiện sự thật phũ phàng.

"Kỳ thực có nhiều người lâu nay dùng tổ yến sào trời ơi mà cứ ngỡ đó là hàng thật, nhất là ở thời buổi vàng thau lẫn lộn như hiện nay, tổ yến sào được rao bán khắp nơi nhưng chẳng có cơ quan nào đưa ra những khuyến cáo giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật và hàng giả. Nhiều trường hợp người bán chơi chiêu, tung ra rả những thông tin khuyến cáo người mua thận trọng khi mua phải tổ yến không rõ nguồn gốc kém chất lượng trong khi mình thì đang kinh doanh thứ tổ yến ấy" - ông N.V.Hoàng, giám đốc một công ty kinh doanh tổ yến, một trong những người đầu tiên thành công với mô hình yến nuôi trong nhà, ngán ngẩm.   

Yến sào - mặt hàng quý tộc được bán tràn lan tại nhiều chợ ở TP HCM.

2. Không phải đợi đến bây giờ mà gần 2 năm trước, người viết đã từng điểm qua thị trường "yến sào bị xào" với điểm nhấn là những tổ yến huyết, thứ tổ yến được xem là "hàng loại 1" vì giá trị bổ dưỡng của nó. Nhiều người, từ người mua lẫn kẻ bán đều tin chắc như đinh đóng cột hoặc cố tin rằng bình thường, tổ yến có màu trắng hoặc vàng nhưng sau nhiều lần bị bóc lấy tổ, ở mẻ khạc nhổ tinh chất cuối cùng, không còn nhiều nước dãi, con chim yến khạc luôn cả máu để… làm nhà. Mà máu được gọi theo Hán-Việt là huyết, nên mới sinh ra cụm từ "yến huyết".

Ấy là người ta tin như thế, và vì tin như thế nên giá tổ yến huyết bao giờ cũng đắt, đắt gấp đôi, có khi gấp ba tổ yến thường. Những tiểu thương bán yến ở các chợ An Đông, chợ Bình Tây, chợ Bến Thành… và  người của các công ty yến sào khi có khách hỏi tới yến huyết bao giờ ca tụng hết lời rằng “nó quá bổ, quý hiếm”, sau đó hét với giá ngất ngưởng.

Khách mua tổ yến, đa phần là người lắm tiền. Bởi chỉ có người lắm tiền mới có tiền mua thứ thực phẩm bổ dưỡng giá trị mà ngày trước chỉ vua chúa mới được dùng. Người ta mua yến vì nhiều lẽ, nhưng cái lẽ lớn nhất bởi họ biết nó rất bổ, đặc biệt là yến huyết. Nhưng có một điều mà người ta chẳng hề biết, và cũng chẳng mấy khi nghĩ đến là có đúng là tổ yến huyết mình mua được là từ nước dãi có lẫn máu của loài chim yến? Và cứ cho là như thế đi, ai cũng biết tổ yến huyết vô cùng hiếm, vậy mà tại sao, đâu đâu cũng thấy người ta rao bán yến huyết, ai kinh doanh mặt hàng tổ yến cũng vỗ ngực xưng tên mình sẵn sàng cung cấp nguồn yến huyết với số lượng không giới hạn. Tổ yến huyết ở đâu mà lắm thế?!

Lẽ tất nhiên, bận ấy, cái bận gần 2 năm trước ấy, người viết đã giải thích theo bật mí của những người thợ sào chĩa (thợ khai thác tổ yến) ở Khánh Hòa, rằng chẳng có chuyện con yến khạc nước dãi lẫn máu ra tạo tổ. Nói như thế để khẳng định rằng, cái màu đo đỏ của tổ yến huyết chẳng phải từ máu mà là kết tinh của quá trình trao đổi chất. Yến làm tổ trên vách đá có nhiều oxyd sắt thì tổ yến nguyên thủy từ màu trắng ngà sẽ dần chuyển đỏ, từ đó chứa nhiều nguyên tố vi lượng hơn tổ bình thường, nên bổ hơn tổ yến bình thường.

Chuyện về tổ yến huyết chỉ đơn giản như vậy nhưng vì ngờ nghệch, vì thiếu hiểu biết, vì bị phường con buôn "thuốc"… những người lắm tiền sùng tín yến huyết… lãnh đủ.

Nói là "lãnh đủ" bởi khi bỏ ra cả trăm triệu đồng cho 1kg tổ yến huyết "bổ nhất trần đời" có nguồn gốc mờ ám kia, đồng nghĩa với việc ai đó mua tổ yến kém chất lượng, có khi tiềm ẩn độc chất về nhà để ngày ngày nạp vào cơ thể.  Ăn phải thứ tổ yến như thế, tiền mất đã đành mà còn gánh thêm bi kịch bổ đâu không thấy, chỉ thấy bổ ngửa mà thôi. Công thức tạo tổ yến sào dỏm, rất đơn giản. Bọn gian chỉ việc mua mủ trôm về ngâm cho nở rồi trộn với yến vụn, yến loại bét sau đó đổ khuôn tạo dáng và sấy khô, vậy là xong, khách ăn vào vẫn có cảm giác sừng sực, thơm thơm đặc trưng của tổ yến.

Nhưng đó là cách tạo tổ yến của phường con buôn còn chút nhân tâm. Đa phần kẻ gian thường có tâm lý hốt trọn gói, đã lỡ làm đồ giả thì giả tới bờ tới bến, hiếm khi chơi cái chiêu nửa thật nửa giả kia. Tổ yến được cho là giả chỉ có mủ trôm, chất tạo mùi lẫn tạo sợi có nguồn gốc của Trung Quốc, tất cả nguyên liệu như thế được cho vào khuôn, rồi thêm rong biển xay nhuyễn tạo màu đỏ, gắn thêm vài cọng lông tơ vào cho giống được bứng từ vách đá cheo leo, vậy là thành cái tổ yến huyết… mà nhiều người tin đó là hàng thứ thiệt.

Nhân viên một công ty đang phân loại tổ yến nuôi sau khi thu gom về. Ảnh do ông Hoàng cung cấp.

3. Ấy là những tin liên quan đến tổ yến dỏm, quanh chuyện tổ yến được khai thác ở các đảo yến và tổ yến có "xuất thân" từ các nhà yến, cũng có nhiều chuyện để bàn. Giá tiền của hai loại tổ yến này chênh lệch khá cao, ví như tổ yến đảo được bán với giá 7 triệu đồng một lạng thì giá tổ yến nuôi chỉ bằng phân nửa, có khi thấp hơn. Chính sự chênh lệch giá này khiến nhiều người mờ mắt và gian dối trong kinh doanh.

"Rất khó để có thể phân biệt đâu là tổ yến tự nhiên, đâu là tổ nuôi trong nhà yến. Dân trong nghề lắm khi còn nhầm lẫn nói chi người tiêu dùng, chỉ biết mua bằng niềm tin. Thế nên chỉ cần bán tổ yến nuôi bằng giá tổ yến khai thác tự nhiên, người ta đã lời khủng rồi, nói gì đến yến giả" - ông Hoàng phân tích và lưu ý: "Hiện nay nhiều nơi kinh doanh chè yến với giá vài trăm ngàn đồng một chén rất được thực khách chuộng vì được tận mắt chứng kiến cảnh người của quán chế biến. Nói thật, ăn như vậy chẳng mấy bổ béo gì, bởi làm sao biết được yến được nấu chè là yến tự nhiên hay yến nuôi. Mà chất lượng giữa yến tự nhiên và yến nuôi khác xa một trời một vực".

Theo phân tích của ông Hoàng, hàm lượng dinh dưỡng của tổ yến tự nhiên rất cao nhờ con yến sống ở môi trường hoang dã, phạm vi kiếm ăn rộng, nguồn thức ăn dồi dào và nhờ tổ được làm ở vách đá tiếp thêm sinh khí từ sóng gió đất trời: "Yến nuôi thì có bổ béo là bao. Con yến sống trong những ngôi nhà yến ẩm thấp chẳng sinh khí gì, lại phải cạnh tranh thức ăn với các bầy đàn khác vì có quá nhiều nhà yến được xây sát nhau nên thể trạng của nó kém, nên cái tổ nó tạo nên chẳng mấy chất lượng...”.

Khép lại bài viết này, chúng tôi xin mượn lời nhắn của Đông y sĩ Nguyễn Văn Minh với lưu ý từ hơn 20 năm trước khi nhắc đến tổ yến sào trong cuốn “Dược tính chỉ nam”: "Yến có 3 thứ, thứ đen rất xấu, thứ đỏ khó kiếm được, thường chỉ có thứ trắng thôi. Thứ yến sào của ta ở Bình Định, Quảng Nam cũng tốt, còn yến của Tàu thì nhiều thứ lắm. Công dụng của yến sào bổ phổi, chữa được mọi chứng ho lao hay ho ra huyết. Nhưng những bệnh nhẹ dễ chữa thì mới nên dùng. Còn những bệnh nặng quá, dùng nó cũng ít hiệu quả. Nhưng về bổ, nhất là bổ phổi,  thì nó cũng là một vị đại bổ vậy"

N.Thành Dũng
.
.