Phát hiện một protein trong sữa mẹ chống lại được HIV

Thứ Bảy, 02/11/2013, 14:30

Theo các kết quả nghiên cứu, sữa mẹ vốn dĩ chứa một protein gọi là Tenascin C (hay TNC) trong sữa mẹ có thể được sử dụng làm vũ khí chống lại HIV cho trẻ em cũng như người lớn dương tính với HIV hay có lây nhiễm virus. Nghiên cứu vừa được công bố trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences vào ngày 17/10 vừa qua.

Trong suốt nhiều thập niên, giới chức y tế và các nhà khoa học trên thế giới hết sức bối rối trước sự việc kỳ lạ liên quan đến HIV: chỉ khoảng 10 đến 20% trẻ nhỏ bú sữa mẹ bị lây nhiễm virus từ mẹ. Trong khi đó, các xét nghiệm thực hiện lại cho thấy HIV thực sự hiện diện trong sữa mẹ, do đó những đứa bé này được cho là tiếp xúc với virus rất nhiều lần hằng ngày trong vài tháng đầu đời (hay thậm chí vài năm).

Mới đây, một nhóm nhà khoa học và bác sĩ Đại học Duke đã tìm được câu trả lời về hiện tượng khó hiểu này. Theo kết quả nghiên cứu, sữa mẹ vốn dĩ chứa một protein gọi là Tenascin C (hay TNC) có tính năng vô hiệu hóa hoạt động lây nhiễm của HIV, và trong phần lớn các trường hợp, ngăn chặn virus lây từ mẹ sang con trong quá trình bú sữa.

Nhóm nhà khoa học kết luận, protein TNC có thể được sử dụng làm vũ khí chống lại HIV cho trẻ em cũng như người lớn dương tính với HIV hay có lây nhiễm virus. Nghiên cứu vừa được công bố trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences vào ngày 17/10 vừa qua.

Trước đây, protein TNC được đánh giá có vai trò trong tiến trình chữa lành vết thương nhưng tính năng kháng khuẩn và kháng virus của nó thì chưa hề được biết đến. Khám phá của nhóm nhà khoa học Đại học Duke có thể dẫn đến các chiến lược mới tiềm tàng chống HIV.

Bà Sallie Permar, phó giáo sư nhi khoa, miễn dịch học, vi trùng học và di truyền học phân tử Đại học Duke - lãnh đạo cuộc nghiên cứu, giải thích: "Protein TNC hoạt động bằng cách bám dính vào lớp vỏ ngoài HIV, và một trong những điều đáng quan tâm là TNC có khả năng giới hạn chính xác nơi nào cần bám trên lớp vỏ này".

Nhóm nghiên cứu của Sallie Permar phát hiện thấy TNC bám dính vào vùng trọng yếu nhất trên lớp vỏ HIV mà thường khóa chặt vào cơ quan thụ cảm gọi là CCR-5 ở bên ngoài các tế bào T (của hệ miễn dịch) cho phép virus gắn chặt lớp vỏ của nó vào màng tế bào T để truyền ADN của virus vào bên trong. Một khi vùng này bị TNC chặn lại thì con đường tấn công bình thường của HIV sẽ bị phong tỏa do đó tính lây truyền hiệu quả của virus bị giảm sút đáng kể hay nói khác đi là khó thể tấn công tế bào T. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng các yếu tố tự nhiên khác có trong sữa mẹ có lẽ cũng đóng vai trò phối hợp với TNC để chống lại sự lây nhiễm của HIV.

Bà Sallie Permar nhận định: "Rõ ràng là còn có nhiều yếu tố kháng virus và kháng khuẩn khác nữa trong sữa mẹ phối hợp cùng với TNC, bởi vì chúng tôi nghiên cứu các mẫu sữa chứa rất ít TNC song vẫn hoạt động chống HIV một cách hiệu quả".

Măc dù các yếu tố này chưa được xác định rõ ràng song phát hiện mới về TNC cũng giúp chứng minh những thay đổi mới đây trong tài liệu cố vấn của Liên Hiệp Quốc là đúng - trong đó khuyên các bà mẹ dù dương tính với HIV cũng nên cho con bú sữa mẹ nếu cả hai mẹ con đều có sử dụng các loại thuốc kháng virus. Bởi vì, dưỡng chất cũng như tính năng tăng cường hệ miễn dịch của sữa mẹ làm hạn chế đáng kể khả năng lây truyền HIV khi cho con bú.

Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học đã sử dụng mẫu sữa từ những phụ nữ không bị nhiễm HIV để tìm hiểu xem TNC hoạt động chống virus như thế nào. Theo Sallie Permer, các bước nghiên cứu tiếp theo là xác định xem vùng nào của TNC tích cực bám dính vào lớp vỏ HIV và nó có thể ngăn ngừa hiệu quả sự lây truyền virus nơi động vật hay không. Nếu nghiên cứu thành công, TNC sẽ được tích hợp trong thuốc chống HIV để giảm nguy cơ lây truyền virus nơi người lớn.

Bà Sallie Permar cho biết: "Mặc dù chúng ta có thuốc kháng retrovirus giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nhưng không phải bà mẹ nào cũng được xét nghiệm tìm HIV, và chưa đến 60% các bà mẹ nhận được thuốc phòng ngừa, đặc biệt ở những quốc gia nghèo. Thế cho nên, chúng ta cần có những chiến lược thay thế để phòng ngừa sự lây truyền HIV từ mẹ sang con. Do đó, nghiên cứu của chúng tôi là vô cùng quan trọng".

Theo đánh giá toàn thế giới năm 2011 của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), ước khoảng 330.000 trẻ em nhiễm HIV từ mẹ trong thời gian mang thai hay sau khi sinh, hoặc do bú sữa mẹ. Theo Sallie Permar, đồng tác giả nghiên cứu Harold Erickson - giáo sư tiến sĩ sinh học tế bào Đại học Duke - nằm trong số những nhà khoa học đầu tiên xác định và mô tả TNC trong thập niên 80 thế kỷ trước.

Sallie Permar giải thích: "TNC là protein giúp chữa lành vết thương, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình sửa chữa mô. TNC cũng được biết có vai trò quan trọng trong sự phát triển của phôi thai. Nhưng, tính năng kháng virus của TNC cũng như sự hiện diện của nó trong sữa mẹ chưa từng được mô tả trước đây".

Sallie Permar khẳng định, trong tương lai TNC sẽ là liệu pháp ngừa HIV an toàn bởi vì protein là thành phần tự nhiên trong sữa mẹ, đồng thời TNC cũng giúp tránh được vấn đề HIV kháng các loại thuốc kháng retrovirus thường làm phức tạp cho sự chữa trị cho những người dương tính với HIV.

Sallie Permar cho biết, loại virus phổ biến nhất làm suy yếu hệ miễn dịch gọi là HIV-1 có thể lây truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, các số liệu thống kê tiết lộ chỉ có 1 trong 10 bà mẹ dương tính với HIV truyền virus sang cho con mình. Các nhà khoa học cho rằng cũng có vài protein khác trong sữa mẹ cũng có tính năng vô hiệu hóa HIV như TNC nhưng hiện không ai biết đích xác đó là những protein gì

An An (tổng hợp)
.
.