Phạt vạ giữa rừng già

Thứ Tư, 16/04/2014, 13:20

Để bảo vệ buôn làng tránh những mối nguy hại từ dịch bệnh và những lối sống, hành xử gây nguy hại khiến dân làng bị Yang (thần linh) phạt dẫn đến mất mùa, người và gia súc đổ bệnh và chết, hàng trăm năm trước, tổ tiên nhiều tộc người thiểu số ở Tây Nguyên đã đề ra những hình phạt lạ kỳ. Theo đó những ai vi phạm luật tục đều bị phạt tội “chém”.

“Chém” theo giải thích của các bậc cao niên người Bahnar, Jrai, M’nông, Ê-đê… là không phải bị “đao phủ” hạ lưỡi đao sắc lẹm cho đầu lìa khỏi cổ như kiểu trừng trị của các triều đại phong kiến, mà là chém vật nuôi để tế thần và đãi làng. Trong xã hội của các tộc người, từ chuyện ăn uống, săn bắn, chặt cây rừng, bán ruộng rẫy đến các mối quan hệ xã hội vượt lề khuôn khổ như chửa hoang, ngoại tình, loạn luân, thông dâm, phá thai đều bị chế tài bằng các hình thức phạt vạ nghiêm khắc và lạ đời như thế.

Không chỉ bị phạt “chém”, trong trường hợp nghiêm trọng, người vi phạm còn bị phải bồi thường cho người bị hại và đuổi ra khỏi làng. Với hình phạt này, người bị trừng trị xem như cầm chắc… cái chết!

1. Tộc người có những hình thức phạt vạ lạ kỳ đầu tiên mà chúng tôi đề cập là người Bahnar ở  Kom Tum. Hai anh em nhà dân tộc học Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi trong ghi chép “Les Bahnar de Kontum” (Người Bahnar ở Kon Tum) hơn 50 năm trước cho biết hình phạt dành cho những ai mắc tội gồm 2 hình thức, pơkra (tạ lỗi) và pơsơru (bồi thường).

Khi một người phạm tội, tùy mức độ nặng nhẹ mà "quan tòa" là tơm-pơlei sẽ tụ họp các vị lão làng (kra pơlei) cùng dân làng kết tội, đề ra hình thức xử phạt theo luật tục rồi lấy biểu quyết. Nếu số đông đồng ý với hình phạt ấy thì việc thi hành án được tiến hành ngay lập tức.

Tại làng KonJơ-Ri thuộc xã KonRơ-wa (thành phố Kon Tum), trước khi nói về các mức phạt vạ dành cho những ai vi phạm luật tục, bà H'Siu, hơn 60 tuổi, giải thích về ông quan tòa tơm-pơlei ngày trước của buôn làng mình. Theo bà H'Siu, dịch theo ngôn ngữ của người Bahnar thì tơm-pơlei là "gốc làng". Sở dĩ có cụm từ ấy bởi chính ông tơm-pơlei là người đầu tiên lập làng, mà gọi theo cách người miền xuôi là "thành hoàng".

Nhiệm vụ của vị "thành hoàng" trên núi cao này là hướng và bắt dân làng phải ăn ở theo luật tục nhằm tránh xâm phạm  đến những điều kị húy làm ô danh, vấy bẩn các vị thần linh. Như thế sẽ khiến các vị thần nổi giận trừng phạt dân làng. Ai vi phạm, đích thân vị trưởng làng này sẽ triệu tập hội đồng phân xử.

- Ông  tơm-pơlei giữ chức trong bao lâu, thưa cụ?

- Ô, khi nào ông chết thì thôi. Nếu ông không có con cháu thì làng mới được bầu một lão làng khác lên thay.

Về chuyện phạt vạ, cuộc trò chuyện với bà H'Siu và từ ghi chép của các nhà dân tộc học cho biết mức phạt tạ lỗi và bồi thường của người Bahnar trả giá bằng cả chục con trâu mộng!

"Nếu hai người đánh nhau, ông tơm-pơlei đem xử, tùy nặng nhẹ mà ông bắt người có lỗi bồi thường cho người bị đánh heo, trâu hay bò. Nhẹ thì phạt con gà ghè rượu, nặng hơn phạt con heo, ghè rượu. Bị thương nặng phạt 1 - 2 con trâu (hoặc bò). Rồi còn phải mổ con heo, mang ghè rượu đãi làng".

- Nếu gây chết người bị phạt những gì, thưa cụ?

- Phải bồi thường cho nhà người chết đến 10 con trâu kia.

Về tội gian dâm hay thông dâm, luật tục Bahnar quy định người gian phu (hay dâm phụ) phải bồi đền cho vợ (hoặc chồng) của mình một con trâu, một con heo và một ghè rượu. Không những thế, đôi gian phu dâm phụ còn phải cùng nhau làm một con heo, ché rượu cúng tạ lỗi thần linh những mong xóa bỏ cho mình cái tội nhơ nhớp. Luật tục cũng cho phép người vợ (hoặc chồng) bị “cắm sừng” được quyền bỏ người đã phản bội mình mà không phải bồi hoàn gì cả.

Quanh chuyện xử gian phu dâm phụ can tội gian dâm, luật tục Bahnar cũng lường trước những trường hợp phát sinh, ví như chuyện dâm phụ sau đó có chửa và đẻ con. Bà H'Siu cho biết, nếu trai chưa vợ gái chưa chồng chưa được cha mẹ cho cưới mà ăn nằm với nhau thì phải làm lễ tạ thần, rồi phải cưới nhau. Là anh em họ làng không cho cưới. Nếu đẻ con thì người đàn ông phải có trách nhiệm nuôi đứa trẻ cho đến khi nó biết đi rẫy (đủ tuổi trưởng thành-PV), khi ấy nó tùy ý đi theo cha hoặc mẹ. 

Dẫu không còn hiệu dụng như ngày trước nhưng trong một chừng mực nào đó việc phạt vạ theo luật tục vẫn còn giá trị trong đời sống của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên.

2. Với người M'nông ở Đắk Lắk, những tội liên quan đến vấn đề hôn nhân gia đình cũng bị xử phạt nặng, đặc biệt là các tội thông dâm, ngoại tình và loạn luân. Luật tục M'nông quy định hình phạt dành cho tội loạn luân với bà con gần như "lấy" chị, "lấy" em, "lấy" con… phải cúng xóa điều nhơ nhuốc ấy bằng lợn, chó, vịt, dê, sau đó bị cấm không được đi qua những con đường có suối (vì sợ suối ô nhiễm làm cho cá chết), đường có rẫy (sợ mất mùa) và không được quan hệ với buôn làng. Với những cặp loạn luân nếu vẫn nhất quyết muốn ăn đời ở kiếp với nhau sẽ bị trục xuất ra khỏi làng, điều đó đồng nghĩa với việc họ chỉ còn con đường vào rừng lập tổ ấm.

"Vào rừng sợ lắm, dễ bị cọp bắt, trăn quấn, rắn cắn, voi giày… Ở trong rừng đau bệnh không ai giúp, cây đè, lũ cuốn không ai cứu, rồi cũng chết thôi" - bà H’Siu nói thế.

Hồi dũng sĩ săn voi rừng Amakông qua đời vào ngày 3/11/2012, khi đến đưa tiễn ông về với thần linh, còn nhớ lúc trò chuyện với chúng tôi về chuyện phạt vạ, ông Kông, người con trai của cụ Ama Kông (gọi theo cách của người M'nông thì Amakông có nghĩa bố thằng Kông-PV) bật mí những điều ấy. Tội loạn luân dễ dẫn đến những tai vạ cho làng như dịch bệnh, tai nạn, mất mùa nên theo ông Kông, cũng vì sợ những tai ương ấy mà tổ tiên người M'nông đã lên án, cấm đoán những trường hợp ngoại tình (hay thông dâm).

Người M'nông cho rằng trai gái khi nên vợ nên chồng là hợp lẽ tự nhiên và hợp ý thần linh. Nếu một trong hai người vì cớ gì đó mà phản bội nhau, ví như người vợ lén chồng hẹn nhân tình ngoài rừng ngoài rẫy rồi lén lút ngủ chung với nhau sẽ gây ra đại họa cho người chồng bị “cắm sừng” là "chồng ốm chết ngay", và những đứa con đáng thương sẽ bị gầy ốm, bệnh tật không rõ lý do, chữa mãi không hết.

Giữa tháng 3 vừa rồi, khi tham dự lễ hội đua voi Đắk Lắk, được tổ chức tại xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn), quê hương của “vua voi” Amakông, có dịp trò chuyện với cụ bà K'Liu là người bản xứ, tôi lại được nghe những điều tương tự như lúc cụ Amakông nói về tội thông dâm ngày nào. Theo cụ K'Liu, hành động thông dâm được luật tục ví như "Mang cứt chồn đổ vào đống lúa/ Đem cứt sóc phết vào ngọn tranh" nên cần phải bị phạt nghiêm để răn đe, cho chừa bỏ thói xấu.

- Vậy hình phạt cho tội thông dâm là gì, thưa cụ?

- Phải đền heo, đền rượu, phải mổ trâu, mổ heo, cúng lợn, cúng ché tạ lỗi với yang và dân làng đó!

Hỏi "đền heo đền rượu" cho ai, cụ K'Liu nói cho người chồng bị "cắm sừng" và cho người vợ có chồng bị quyến rũ. Với trường hợp người đàn ông ngoại tình, luật tục cũng phạt vạ tương tự như thế. Cụ bà K'Liu cho biết nếu không chịu thi hành án thì kẻ vi phạm sẽ bị trục xuất khỏi buôn làng, như thế là cầm chắc cái chết nên y, thị phải vay mượn để đóng phạt, từ đó dẫn đến nghèo khó, nợ nần đến suốt đời. Hỏi từ trước đến giờ có ai bị phạt vạ kiểu như thế thì cụ ý nhị nói, do hình phạt quá nặng nên không ai dám vi phạm!

Tìm về nguồn cội phạt vạ giữa rừng già, chúng tôi còn biết tổ tiên các tộc người Ê-đê, Bahnar, Jrai… còn lên án và ban hành hình thức phạt vạ với những ai hãm hiếp trẻ em, vu khống người khác ngoại tình, trộm cắp, đánh người, giết người. Thậm chí vợ chồng cự cãi nhau, con cái hỗn xược với ông bà cha mẹ, anh em bất hòa cũng bị già làng đem luật tục ra xử tội.

Tùy mức độ nặng nhẹ mà người vi phạm sẽ bị già làng phạt heo hoặc trâu.

3. Trong quá trình tìm hiểu về các hình thức phạt vạ nơi rừng sâu của các tộc người thiểu số tại Tây Nguyên, chúng tôi nhận thấy rằng trong rất nhiều trường hợp, nhờ ý thức được bổn phận và nhờ được giáo dục tốt nên các hình thức phạt vạ theo luật tục hiếm khi được áp dụng. Bởi người dân ở các buôn làng sống rất chuẩn mực. Chẳng như người ở phố, đồng bào vùng cao tại Tây Nguyên hầu như không tham lam, không hung hăng, không dám sống lệch chuẩn vốn dễ dẫn đến các tội lỗi nảy sinh như trộm cắp, ẩu đả dẫn đến thương vong!

Như nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên, người M'nông rất tôn trọng mả mồ người chết và khi một người trút hơi thở cuối cùng, lúc an táng tang chủ sẽ tiến hành chia nhiều của cải cho người chết để làm sinh kế ở thế giới ma.

Do đó những kẻ xâm phạm mồ mả để lấy cắp tài sản sẽ bị xử rất nặng: "Bới mồ mả hồn ma giận/ Nó sẽ về bắt người đi theo…/ Người nào đào bới mồ mả/ Bắt nó chôn lại đàng hoàng/ Rồi chém một con trâu và đền một con voi…" - trích luật tục M'nông.

Hẳn nhiên, đánh giá, nhận xét trên chỉ là ghi nhận, là thiển ý của chúng tôi. Và cũng nói rõ rằng trên hành trình đến với núi rừng Tây Nguyên tìm hiểu các hình thức phạt vạ của các tộc người, chúng tôi dành sự quan tâm đặc biệt đến hình phạt dành cho tội ngoại tình (hay thông dâm). Qua đó mới thấy không chỉ người Bahnar hay M'nông, người S’tiêng ở tỉnh Bình Phước cũng rất lên án những kẻ lén chồng lén vợ đi “ăn vụng”  vì xem đó là cội nguồn của sự tha hóa, băng hoại đạo đức. Vì những lẽ đó nên hình phạt của người S'tiêng dành cho loại tội danh này vô cùng nghiêm khắc.

Có một điều lạ là luật tục S'tiêng khi xử tội ngoại tình thường nghiêng nặng hình phạt về phía người đàn ông ngoại tình. Khi bị chồng của nhân tình "bắt tại trận" thì kẻ lén vợ đi "ăn phở" (ở chung làng) không chỉ đền heo, trâu mà còn phải bồi thường 5-6 cái chiêng để cúng tạ lỗi với thần linh, trường hợp ở khác làng thì phải bồi thường gấp đôi con số ấy.

- Nếu người phụ nữ có chồng đi ngoại tình có thai thì luật tục xử như thế nào, thưa già?

- Ô, làng sẽ bắt tình nhân cưới bà ta thôi!

- Chỉ như thế thôi sao, thưa già?

- Làng còn bắt đền cho người chồng những đồ sính lễ nè, bắt đền trâu, heo, chiêng ché nữa…

Đó là tâm sự của già làng Điểu Griêmm ở Sóc Bom Bo. Ông lưu ý luật tục phạt tội loạn luân, tội phá thai và nhất là tội ngoại tình rất nặng và không khoan nhượng. Nếu người bị phạt không đủ điều kiện thì người thân, dòng họ người ấy phải có trách nhiệm nộp phạt… Thế nhưng già Griêm cho biết, từ trước đến giờ, ông chưa phải lần nào đứng ra phân xử, xét tội người làng vì những tội danh ấy!

Khép lại câu chuyện phạt vạ giữa rừng già, chúng tôi muốn truyền gửi thông điệp rằng theo thời gian, khi luật tục nói chung của các tộc người quy định hình phạt "lấy một đền ba" phải nhường chỗ cho luật pháp hiện hành "lấy một đền một" đã không còn đủ sức răn đe ngăn chặn các hành vi vi phạm. Điều này khiến không ít già làng cảm thấy buồn vì lớp người trẻ giờ đây ít biết tôn trọng luật tục như thế hệ cha ông. Nhưng dẫu sao, so với nơi thị thành thì các tệ nạn trộm cướp, ngoại tình, loạn luân trong cộng đồng các dân tộc vùng cao mà chúng tôi đề cập họa hoằn lắm mới xảy ra

N.Thành Dũng
.
.