Phi scandal bất thành game show?

Thứ Ba, 23/05/2017, 16:02
Vì nhiều lý do lợi nhuận và hợp đồng đã ký kết... buộc các nhà sản xuất phải tung nhiều chiêu trò để lôi kéo quảng cáo, tác động đến công chúng cho mỗi chương trình truyền hình thực tế (game show). Nhưng hiện tượng các vụ việc lình xình (thường gọi chung là scandal) ngày càng tăng theo cấp số nhân và không ít chương trình còn có sự giúp sức của giám khảo đã khiến khán giả ngao ngán.


Nở rộ… scandal

Nhắc đến những chương trình truyền hình thực tế là phải nhắc đến những chiêu trò để tạo sự thu hút đối với người xem. Dù vô tình hay hữu ý, thì những chiêu trò, đôi khi quá đà trở thành scandal ấy cũng là một "cứu cánh" cho nhiều chương trình game show thực tế.

Chương trình “The face” phát trên sóng truyền hình.

Nếu thường xuyên theo dõi thì có thể nói chương trình nào cũng gắn với vô số các lình xình như câu chuyện Minh Hằng "đớp giọng" trong "Bước nhảy hoàn vũ" rồi "chọn áo đỏ" trong "Cặp đôi hoàn hảo"; đến việc lộ clip dàn xếp kết quả trong "Giọng hát Việt" hay việc uống nhầm axít của thí sinh cuộc thi Vietnam's Got Talent; Anh Thúy đeo mặt nạ, đổi tên là Huyền Minh, tự kể một câu chuyện không có thật về đời mình để tham gia X-Factor...

Đó là chưa kể đến việc mua tin nhắn bình chọn, trình diễn ca khúc không xin phép, đạo bản phối. Các thí sinh chửi bới, nói xấu nhau; giám khảo cứ việc nói thật sốc và "choảng" nhau chan chát... Chính vì thế, khán giả ngày càng hồ nghi, vì lợi nhuận, BTC - nhà sản xuất bất chấp dư luận, nhà quản lý và cả thí sinh tham gia, miễn sao chương trình "nóng" và tăng số lượng người xem vì bất cứ lý do gì.

Rõ ràng bản chất của chương trình truyền hình thực tế chỉ là một chương trình giải trí đơn thuần, là cuộc chơi vui vẻ. Vậy nên khi về đến với các nhà sản xuất thì vấn đề chỉ là, cuộc chơi càng nhiều chiêu trò, càng nhiều ầm ĩ thì càng thu lợi.

Có lẽ vì thế mà có người đã không ngại tuyên bố: "Không scandal, không chiêu trò, không có... truyền hình thực tế" và với những gì đã diễn ra thời gian qua, câu này ít nhiều phản ánh đúng thực tế. Khi mà chương trình buộc phải theo luật, phải có đạo diễn và cắt dựng bài bản theo đúng quy trình có gay cấn, cao trào để đẩy cảm xúc người xem, khiến người xem tưởng rằng họ đang được mục kích một diễn biến hoàn toàn tự nhiên thì làm sao có chuyện thật hay công bằng, sòng phẳng cho một cuộc chơi.

Còn nhớ trước đây chương trình "Giọng hát Việt" mời nhạc sĩ Phương Uyên - người từng dính scandal lộ việc dàn xếp kết quả "Giọng hát Việt" mùa đầu tiên và buộc phải rút lui khỏi vị trí này, tiếp tục vào vai trò giám đốc âm nhạc, đã khiến dư luận không ngần ngại cho rằng: BTC quyết đối đầu, bất chấp dư luận để tạo sự chú ý của khán giả ngay khi mùa thứ hai "Giọng hát Việt" khởi động? Và quả thật cho đến khi cuộc thi "The Voice 2013" đi gần đến cuối chặng đường, khán giả dường như chỉ nhớ đến mỗi cái tên Phương Uyên là người đã dính vào nghi án scandal "dàn xếp kết quả" của "The Voice 2012" trước đó.

Hay mới đây, lùm xùm giữa Hồ Ngọc Hà và Minh Hằng cũng gây ầm ĩ dư luận. Thực hư ra sao chỉ có người trong cuộc mới biết, nhưng chắc chắn ban tổ chức chương trình The Face 2017 sẽ rất vui mừng khi mà scandal này chắc chắn sẽ giúp cuộc thi đều đặn xuất hiện trên mặt các báo cho đến lúc kết thúc chương trình

"...tiền thầy bỏ túi"

Thế nhưng, điều lạ lùng là các scandal thường tự xuất hiện và biến mất, còn nhà sản xuất thì thường im thin thít, lặn mất tăm, thật hiếm có nhà sản xuất đứng ra giải quyết. Câu chuyện của Trấn Thành là một ví dụ. Lý do của Đài Truyền hình Vĩnh Long đưa ra vô cùng hợp lý do Trấn Thành bị cho là dùng ngôn ngữ dung tục và có vấn đề trong cách trình diễn. Thế nhưng nhà đài Vĩnh Long quên mất họ mới là những người phải chịu trách nhiệm đầu tiên về việc quyết định ai lên sóng và lên như thế nào; thay vì đó họ lại vui mừng như bản thân đã làm được việc tốt, đáng khen ngợi và hùa vào trách cứ anh chàng diễn viên này như là những người không liên quan?

Hương Giang và Trấn Thành - hai gương mặt quen thuộc với những lình xình thời gian qua.

Vụ việc còn chưa hết nóng thì đến câu chuyện ồn ào giữa Hương Giang Idol và Trung Dân. Câu chuyện trở nên rất lùm xùm khi mà nhà sản xuất ngó lơ vụ việc và cư xử tuyệt tình bằng cách cắt phần lên sóng của Trung Dân... Hương Giang Idol và Trấn Thành đều sai. Nhưng khiến cho câu chuyện trở nên tồi tệ như thế này thì nhà sản xuất mới chính là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất.

Thực ra, không chỉ đến bây giờ, công chúng mới thấy sự biến mất của các nhà sản xuất mà là rất nhiều những scandal trước đây, cũng chỉ có nghệ sĩ hoặc là các giám khảo ra mặt giải quyết. Còn nhà sản xuất, tỏ ra đứng về phía bị khán giả hồ nghi lại chính là những người tạo ra scandal.

Đã từ rất lâu, người nghệ sĩ không còn là nhân vật trung tâm, linh hồn của chương trình, mà thay vào đó là những hợp đồng kinh tế, là những lượt xem và cái tỉ lệ rating đầy mùi tiền bạc.

Chưa bao giờ chất lượng truyền hình bị phàn nàn như hiện nay. Nhưng tìm mãi không ra cách giải quyết, có lẽ chính vì chúng ta bỏ quên trách nhiệm của các nhà sản xuất mà chỉ lên án những nghệ sĩ.

Loại bỏ “trò hề” trên sóng

Cách đây mấy năm, khi các chương trình truyền hình thực tế bắt đầu lên sóng đã tạo ra làn gió mới trong làng giải trí Việt. Không những công chúng hồ hởi đón nhận mà các sao cũng nhiệt tình tham gia để được điểm mặt chỉ tên hằng ngày trên sóng truyền hình. Nhưng tiếc rằng, việc lạm dụng quá mức, khai thác ồ ạt, đua nhau làm đã khiến cho các chương trình đang ngày càng nhạt dần.

Được độc quyền trong cuộc chơi  này, các nhà tổ chức tha hồ thao túng. Họ sẽ có mọi quyền với người chơi: người chơi phải làm theo đúng những gì nhà tổ chức yêu cầu, tạo ra những tình huống đúng như tính toán, thậm chí còn không được sáng tạo.

Điều này đã được thể hiện trong nhiều cuộc chơi khiến cho bây giờ truyền hình thực tế đã không còn kịch tính đến phút cuối đối với khán giả. Bởi với sự phát triển như vũ bão của các kênh truyền hình hiện nay, thì tiêu chí của nhà đài cũng ngày càng trở nên dễ dãi. Đơn giản là nếu khó quá thì lấy đâu ra chương trình mà lấp sóng? Vậy nên chính họ nhiều lúc cũng đành nhắm mắt làm ngơ. Và rõ ràng, so với các chương trình khác thì game show tuy bị chê nhưng vẫn câu được quảng cáo, vẫn có lượng người xem nhất định. Vì thế, mặc cho khán giả phản đối, kêu ca, nhà đài cũng đành... kệ!

Bản chất của các game show là dành sự sáng tạo tối đa cho người chơi, còn nhà tổ chức chỉ giữ cho luật chơi được tuân thủ. Nhưng nhiều khi tư duy của nhà tổ chức lại khác, họ phải chú trọng vào lợi nhuận, làm sao để kiếm được nhiều tiền nhất, vì thế mà chỉ cần "hot" để độ phủ sóng càng nhiều càng tốt. Chương trình vì thế mà mất đi bản chất thực. Vì thế, đã đến lúc chính nhà sản xuất cũng như nhà đài cần có động thái tích cực hơn để các chương trình mới mẻ hơn và sáng tạo hơn, những chương trình thực tế nhân văn, ý nghĩa hay đơn giản là giải trí lành mạnh đến với công chúng.

Đây là vấn đề khó đang được đặt ra với nhà sản xuất và cả nhà đài. Thế nhưng, ở cái thời mà ngồi một chỗ cũng xem được truyền hình khắp thế giới thì nhà đài và nhà sản xuất cũng cần và nên sớm thay đổi. Nếu không chính họ sẽ tự đào thải chính mình khi người xem sẵn sàng chuyển kênh hoặc tắt tivi. Đừng vì lợi nhuận để rồi buộc khán giả phải xem những “trò hề” trên sóng.

Con sâu làm rầu nồi canh?

Theo nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, cách đây hơn 10 năm, truyền hình chủ yếu chỉ có những game show bình thường do nhà đài tự nghĩ ra, không có sự tính toán về “chiêu trò”. Nhưng chỉ khoảng 5-7 năm trở lại đây, nó phát triển rầm rộ. Một số chương trình có vài scandal hay chuyện này nọ, đó là những thiếu sót khó tránh được nhưng phải khẳng định là chỉ mang tính cá nhân chứ không phải hệ thống. Ở các cuộc thi lựa chọn, những người làm nghề chuyên môn sẽ phải có tính định hướng vì đương nhiên trên sóng truyền hình không thể trình diễn những thứ vớ vẩn, nhố nhăng được.

Thí sinh tham dự “Giọng hát Việt”.

“Khi nhà sản xuất đầu tư một chương trình, chả có ai điên mà tạo dư luận bất lợi cho sản phẩm của mình. Bao giờ họ cũng mong muốn chương trình thành công. Thành công về hiệu ứng xã hội là điều tiên quyết, thứ hai là trong các chương trình, kể cả chương trình nghệ thuật vẫn phải mang tính định hướng. Tất cả những tính toán của nhà tổ chức phải luôn mang đến cái lợi đầu tiên. Một công ty truyền thông để sống lâu dài họ không thể sống theo kiểu chụp giật, ăn xổi, làm bất cứ vấn đề gì cũng phải có chiến lược, bài bản. Nếu nói đến scandal thì cũng phải hỏi đến các trang web, báo, đài... Chính họ, đôi khi vì sự thiếu hiểu biết, vì cách làm việc chụp giật đã vô tình tạo ra những scandal ngoài ý muốn. 

Thực ra nếu dùng từ “chương trình được biên tập” là đúng nhưng nói dàn xếp để thế nọ thế kia thì chưa đúng lắm. Có những chuyện mình có thể tạo ra chẳng hạn thí sinh này nhà rất nghèo, thí sinh kia nỗ lực... Nhưng có những trường hợp không kiểm tra chuẩn được hết nhân thân... nên mới có chuyện này nọ.

Tuy nhiên, bản thân tôi cũng không dám khẳng định hoàn toàn không có, nhưng giả sử nếu có cũng ít và chỉ là con sâu làm rầu nồi canh mà thôi. Thực lòng tôi nghĩ nhiều lúc mọi người cũng hơi thái quá đối với các game show. Cũng có các chương trình mang tính nhân văn, đáng khen ngợi. Phải nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan. Đừng nên vì một vài chương trình, một vài scandal được thổi phồng, quy kết mà có cái nhìn quy chụp. Nếu có thể thì nhà đài nên có định hướng hoặc thảo luận với các công ty lớn bên cạnh những chương trình giải trí có lợi nhuận cao thì cũng nên sản xuất các chương trình có tính giáo dục thiết thực...”.

Dành thêm giờ cho những chương trình có ý nghĩa

Còn theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, mặc dù là người không thích tivi nhưng công việc buộc phải xem các format nước ngoài và phải đọc, nghiên cứu để làm hay tư vấn. Theo ông thì thị trường Việt Nam là một thị trường cũng rất lạ, thích những cái mới, thích hoành tráng và chóng chán. Dẫn theo các nhà sản xuất chương trình cũng vậy, thường những mùa đầu tiên sẽ tập trung, đầu tư để "lấy điểm" có khi phải chịu thiệt. Những mùa sau lại dễ dãi hơn, “thơ” hơn hoặc lúc đó họ không còn tập trung nữa vì đang đi tìm show mới để đáp ứng người xem.

Ông Dũng cho rằng truyền hình phát mỗi ngày và có phần thực tế thì chuyện scandal xảy ra cũng là chuyện thường. Quan trọng với scandal đó chúng ta giải quyết như thế nào? Chúng ta nhìn nhận được gì? Chương trình nào có vấn đề thì cần được phân tích, mổ xẻ, rồi cho ra quyết định. Cái đó có thể gọi chia sẻ cùng nhau phát triển.

Quy luật thị trường sẽ đào thải, có sự chọn lọc nhất định. Thế nên bên cạnh các chương trình thực tế nên đề nghị đài phải để dành thêm giờ cho những chương trình có ý nghĩa, có thẩm mỹ, có lý tưởng, có văn hóa xuất hiện nhiều hơn trên sóng truyền hình dù là doanh thu chưa cao”.

Thái Dương
.
.