Phía sau đồng tiền ảo Bitcoin: Người tạo ra Bitcoin – Anh là ai?

Thứ Ba, 10/09/2013, 18:45

Xung quanh đồng tiền ảo Bitcoin tồn tại những điều chưa được lý giải, và cho tới bây giờ ẩn số thú vị nhất vẫn là danh tính của người đã sáng tạo ra Bitcoin. Tờ The New Yorker mới đây cho đăng tải 6 “nhân vật” thuộc diện tình nghi mang danh tính Satoshi Nakamoto, nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng bởi vì khả năng che giấu thân phận quá hoàn hảo tới mức hoang tưởng của Satoshi.

Có chăng chỉ là vài tiểu tiết: Satoshi Nakamoto bắt đầu Bitcoin, tung lên mạng một thứ tiền ảo tự do tham gia các giao dịch năm 2008. Chẳng tiết lộ tên tuổi, không một bức ảnh được đăng tải, Satoshi bí ẩn lưu lại chút vết tích cuối cùng vào năm 2011 và biến mất cho tới bây giờ. Thực ra nhân vật này hoàn toàn có thể lộ mặt, nhưng vẫn muốn chơi trò trốn tìm. Vẫn là bí mật, và một trò chơi chưa có hồi kết…

Thoắt ẩn, thoắt hiện

Satoshi Nakamoto đột nhiên xuất hiện trên mạng Internet vào năm 2008 khi công bố một công trình nghiên cứu về nền tảng tiền tệ ảo được lên ý tưởng từ năm 2006. Tháng 1/2009, Satoshi bắt tay xây dựng phiên bản Bitcoin đầu tiên và hoàn thiện trong vòng 6 ngày. Thời gian đầu, nhân vật bí ẩn này rất tích cực tham gia diễn đàn về Bitcoin, thường xuyên trả lời thư và ý kiến của các thành viên. Cho dù Bitcoin mang tính chất là một dự án nguồn mở, mọi chỉnh sửa và hiệu đính đều do Satoshi tự thực hiện trong năm đầu tiên.

Lần cuối cùng ghi nhận sự xuất hiện của Satoshi vào khoảng giữa năm 2010, sau khi anh chuyển giao việc phát triển Bitcoin cho một nhân vật tên là Gavin Andresen tiếp quản. Tháng 4/2011, Satoshi tiết lộ đang có những dự định mới nhằm nâng tầm Bitcoin. Từ sau lần phỏng vấn này, không một bức thư nào được Satoshi trả lời, Gavin Andresen mất liên lạc với Satoshi. Ông chủ Bitcoin bặt vô âm tín!

Cái tên Satoshi Nakamoto thực chất có thể là bí danh của một cá nhân, một nhóm người, hoặc thậm chí là một tổ chức chính phủ. Trong tiếng Nhật, Satoshi Nakamoto có nghĩa là "tư duy tích cực và nhạy bén bên trong tổ chức", tức là xuất hiện khả năng đây chỉ là ám hiệu chỉ tính chất của công việc liên quan tới công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, các dữ liệu thu thập được chỉ rõ vấn đề không hề đơn giản khi lại tồn tại hồ sơ cá nhân của một anh chàng Satoshi "nào đó", 37 tuổi, đang sống ở Nhật Bản. Nhân vật này rất thành thạo tiếng Anh, nhưng trong các văn bản lại cố ý thay đổi giọng của người Mỹ hoặc người Anh bản địa như muốn che giấu quốc tịch thật sự. Có người cho rằng Satoshi gồm ít nhất 2 thành viên, với khẩu ngữ khác nhau, bị pha trộn nhiều phong cách nói tiếng Anh. Mọi hoạt động của Satoshi rất tự do, không giờ giấc, khó xác định vị trí cụ thể. 

Dựa trên những dữ liệu ít ỏi, Satoshi được mô tả là người cực kỳ thông minh và rất giỏi xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính. Một nhà toán học giỏi lập trình, thông thạo mật mã và "trùm" săn thông tin trên mạng dù giới chuyên gia đều đồng ý rằng phong cách lập trình của Satoshi vẫn chỉ thuộc dạng "tay mơ". Tuy vậy, rõ ràng Satoshi phải là một chuyên gia tầm cỡ, bởi lẽ chỉ sau một thời gian ngắn được tung ra thị trường, Bitcoin trở nên lớn mạnh và tham gia các giao dịch với tốc độ chóng mặt. Đây là minh chứng cho thành công và tầm nhìn rộng của nhân vật này khi Satoshi bị ám ảnh về hoạt động của hệ thống ngân hàng trước khi đưa ra "giải pháp công nghệ hiệu quả" Bitcoin.

Ai có thể là Satoshi Nakamoto? 1 - Jed McCaleb, 2 - Gavin Andresen, 3 - Shinichi Mochizuki.

Ông chủ Bitcoin có thể là "một" người…

Nhiều suy luận hướng tới Gavin Andresen, trưởng nhóm phát triển dự án Bitcoin. Con người này có ảnh hưởng nhất tới việc định hình và thiết kế hoạt động cho đồng tiền ảo Bitcoin, với kiến thức lập trình uyên thâm và tác phong làm việc khiến giới kỹ sư tin học trên toàn thế giới đều phải ngưỡng mộ, lại được chính Satoshi trao quyền tiếp quản dự án.

Gavin Andresen được coi là vị anh hùng Bitcoin, âm thầm cống hiến cho sự lan tỏa của thứ tiền tệ ảo trên khắp các giao dịch toàn cầu, nhưng rất khiêm tốn và luôn chối bỏ các đóng góp lớn lao này khi đối diện với giới truyền thông. Một đồng nghiệp của Andresen tiết lộ rằng con người này hội tụ những tố chất của Satoshi, và hoàn toàn có thể chính là "gã" đeo mặt nạ bí ẩn sáng tạo nên Bitcoin.

Tất nhiên, Gavin Andresen hoàn toàn phủ nhận, và công khai rằng "Tôi và Satoshi là hai người xa lạ, không hề có bất cứ liên quan nào tới nhau" ở hội thảo Bitcoin 2013 tổ chức tại San Jose, California. Thậm chí, Andresen còn ám chỉ cách mã hóa ký tự và sử dụng ngôn ngữ máy tính trong lập trình của anh đối lập với phong cách của Satoshi.

Một cái tên khác gây được nhiều chú ý là Jed McCaleb, người sáng lập sàn giao dịch Mt. Gox (sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất ở Tokyo) và tạo nên một cơn bão tranh cãi ở quốc gia này trong bối cảnh mức thuế doanh nghiệp đang tăng cao, cũng như các bê bối tham nhũng, quan liêu có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Cũng xuất hiện một số bằng chứng cho biết, Jed McCaleb che giấu tung tích gốc Nhật, trong khi thực tế nhân vật này đang xây dựng cả một "đế chế tiền ảo" ở Nhật. McCaleb tạo ra một trong những mạng chia sẻ dữ liệu lớn nhất năm 2000 tên gọi eDonkey - một minh chứng cho thấy khả năng lập trình và am hiểu thuật toán rất gần gũi với việc xây dựng nền móng căn bản của đồng tiền Bitcoin.

Sau này, Jed McCaleb đã đem rao bán giao dịch Mt. Gox, tuyên bố lý do rằng đã mất hoàn toàn hứng thú với máy tính và công nghệ "dù Bitcoin rất tuyệt, nên cần tồn tại để thống trị loài người". Jed McCaleb từng là một tín đồ Bitcoin, rất "cuồng" thứ tiền ảo này, và thậm chí còn tự viết những phần mềm nhằm hỗ trợ cải tiến giao dịch Bitcoin. Thế nhưng, anh nhanh chóng vỡ mộng vì "thứ vàng ảo" đã lấy toàn bộ thời gian của Jed McCaleb, khiến anh biến thành một con nghiện công nghệ với những việc làm vô ích.

Tuy nhiên, Jed McCaleb lại gây bất ngờ khi bày tỏ muốn phát triển Ripple, một phiên bản cải tiến hoàn thiện hơn Bitcoin. Chính điều này khiến Jed McCaleb càng bị nghi ngờ là Satoshi khi nhân vật bí ẩn này từng phát đi thông điệp sẽ sớm nâng cấp Bitcoin trong tương lai không xa.

Nói về Satoshi Nakamoto, người ta còn nghĩ ngay tới nhà toán học lập dị người Nhật Shinichi Mochizuki, thiên tài đã đưa ra một chứng minh dài 500 trang cho giả thuyết ABC (một trong những ẩn số thú vị nhất của toán học hiện đại), trong đó đề xuất một mối quan hệ giữa các số nguyên và hiện đang được kiểm chứng. Điều thú vị không chỉ là giả thuyết được giải quyết mà các kỹ thuật và hiểu biết được giới thiệu còn là những công cụ rất mạnh để giải quyết các vấn đề trong lý thuyết số. Và nếu thành sự thực thì đây được coi là một trong những thành tựu đáng kinh ngạc nhất của toán học trong thế kỷ XXI.

Với trình độ đáng kinh ngạc như vậy, khả năng Shinichi Mochizuki tạo ra Bitcoin… khi rảnh rỗi lên tới hơn 90%. Nhà toán học này rất giống nhân vật bí ẩn Satoshi khi đem lời giải của giải thuyết ABC tung lên mạng (chứ không nhờ cậy sự tham vấn của đồng nghiệp ở viện toán học), rồi biến mất. Mochizuki từ chối giải thích và để mặc cho các nhà nghiên cứu về công trình của ông lúng túng. Người ta cho rằng ông làm thế để che mắt thời gian ngồi lập trình, tô vẽ cho sản phẩm Bitcoin và tích lũy kiến thức về mã hóa. Với trí thông minh khác thường và năng lực toán học, không khó để đưa Shinichi Mochizuki vào diện "tình nghi" cùng những cuộc điều tra thầm lặng về cuộc đời con người này trước khi biết thực sự ông có làm nên đồng tiền ảo hay không.

Phác thảo chân dung Satoshi Nakamoto trên máy tính - ông chủ bí ẩn của đồng tiền ảo Bitcoin.

…hoặc cũng có thể là nhiều người

Một trong giả thuyết kỳ quặc nhất là việc Bitcoin là sản phẩm lũng đoạn kinh tế của một chính phủ, hoặc là các cơ quan chính phủ nào đó. Bitcoin được sử dụng làm vũ khí chống lại đồng đôla Mỹ, tài trợ cho các quỹ đen hay tác động tiêu cực tới các thành phần kinh tế. Giả thuyết đáng sợ nhất về Satoshi ấy là khi nhân vật này được chính phủ một quốc gia nào đó dựng lên như một màn chắn cho âm mưu kiểm soát toàn bộ các giao dịch tài chính trong và ngoài nước.

Việc sử dụng rộng rãi tiền ảo Bitcoin là điều không thể ngăn chặn, khi ấy Bitcoin tự nhiên trở thành một sức mạnh tài chính mới với tầm ảnh hưởng hoặc tích cực hoặc tiêu cực, phụ thuộc rất lớn vào ý đồ của người sáng tạo Satoshi. Mỹ cho rằng Bitcoin đang "ăn" dần ảnh hưởng của đồng đôla Mỹ trên toàn cầu, trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) lại quan ngại tới sự suy giảm vị thế của đồng euro.

Một số chuyên gia cho rằng Bitcoin là sản phẩm của châu Âu, bởi lẽ EU đã từng đề xuất và bỏ phiếu tán thành sự hoạt động của tiền ảo ngay khi Bitcoin trở nên "sốt" trên toàn cầu. Và nghi ngờ này tập trung vào nước Đức khi quốc gia này phê chuẩn sự tồn tại hợp pháp của Bitcoin.

Số khác lại cho rằng Satoshi thực chất là một nhóm những cá nhân yêu công nghệ và quyết tâm tạo ra đồng tiền ảo Bitcoin vì mục đích giải trí. Nghi ngờ này tập trung vào nhân vật Michael Clear, sinh viên 23 tuổi tốt nghiệp ngành mật mã Trường đại học Trinity (Úc). Năm 2008, cậu sinh viên năm nhất đã nhận giải thưởng xuất sắc về khoa học máy tính, lại tham gia nghiên cứu, sáng tạo và phát triển một loại mật mã chuyên biệt sử dụng trong mạng ngang hàng (một loại mạng kết nối trong đó hai hay nhiều tin và truy cập các thiết bị  như máy in máy chữ?).

Chàng trai trẻ này được vinh danh tại một hội thảo về mật mã năm 2011, trở thành tâm điểm báo chí khi diễn thuyết rất ấn tượng về cảm tưởng trước sự lớn mạnh của Bitcoin. Michael Clear vô tình bày tỏ mong muốn tham gia phát triển đồng tiền ảo, và gợi ý tới việc sáng tạo một đồng Bitcoin thứ hai cho riêng anh. Trả lời câu hỏi của phóng viên, Clear cho biết "Tôi không phải là Satoshi, mà nếu đúng như vậy thì chẳng đời nào tôi lại nói với nhà báo các anh". Một số người tin rằng Clear nói thật vì với tuổi đời còn quá trẻ, anh không thể tạo nên một thứ vũ khí giao dịch có sức mạnh lớn như thế được. 

Khi điều tra được mở rộng, những sự thật thú vị lại được hé lộ. Michael Clear không làm việc đơn độc mà nhận được sự hỗ trợ từ cả một nhóm chuyên gia. Theo đó, báo chí nghi ngờ Satoshi gồm 4 thành viên, ngoài Michael Clear còn có Donal O'Mahony - giáo sư trực tiếp giảng dạy Clear ở đại học, Hitesh Tewari - trợ lý nghiên cứu của giáo sư Donal và Michael Peirce - bạn cùng khoa với Clear. Nhóm 4 người này đã công bố rất nhiều nghiên cứu về đồng tiền ảo Bitcoin, đặt tên nhóm là CMG (chuyên gia về mật mã Bitcoin). Tuy nhiên, chưa một cá nhân nào công khai thảo luận về Bitcoin dù tên của họ xuất hiện với tần suất dày đặc trong các ấn bản về loại tiền ảo này.

Ngoài ra, tờ The New Yorker đã nhảy vào cuộc truy tìm tung tích chủ nhân bí ẩn của đồng Bitcoin bằng hai trang báo đề cập tới một tấm bằng sáng chế. Tấm bằng này xuất hiện chỉ 3 ngày trước khi tên miền Bitcoin.org được đăng ký và chính thức đi vào hoạt động. Chủ nhân của tấm bằng sáng chế kỳ lạ này là 3 kỹ sư chẳng mấy tên tuổi: Neal J. King, Charles Bry và Vladamir Oksman. Thế mạnh của họ được coi là nền tảng để Satoshi "bí ẩn" tạo nên một công cụ giao dịch lũng đoạn giới tài chính: kỹ thuật mã hóa, các phương thức điện toán và giao tiếp qua mạng máy tính.

Tất nhiên, 3 người này cũng từ chối nhận danh hiệu Satoshi, tới mức Neal J. King tức giận chửi xối xả vào phóng viên của tờ The New Yorker: "Ý kiến ngu xuẩn, tồi tệ. Tại sao các vị cứ mất công đi tìm cái người đã tạo nên Bitcoin trong vô ích như vậy? Tốt nhất nên dành thời gian mà nghiên cứu thuật toán của Satoshi Nakamoto dựa trên những lợi ích nó đem lại khi giải quyết các vấn đề liên quan tới máy tính và giao dịch".

Ba kỹ sư này tranh cãi với các chuyên gia rằng, Bitcoin dù sớm hay muộn sẽ phá hủy nền tài chính và mở đường cho những giao dịch ngầm phi pháp. "Tiền ảo chẳng bao giờ xuất hiện ở thế giới thực, chỉ có những ý nghĩ điên rồ của lũ nhẹ dạ, cả tin vào thứ tiền mờ ám này mới giúp Bitcoin tồn tại". Không rõ những phát ngôn này nhằm mục đích gì, có phải là che giấu bản chất của người đã tạo ra Bitcoin hay không, nhưng chúng đã hé mở sự thật về tính nguy hiểm và khó kiểm soát của đồng tiền ảo này trong thực tại…

Anh Doãn (theo The New Yorker)
.
.