Phim “Cậu Vàng” và câu chuyện chuyển thể văn học sang điện ảnh

Thứ Bảy, 30/01/2021, 14:11
“Cậu Vàng” được kỳ vọng là một trong những phim Việt ra rạp ấn tượng vào những ngày đầu năm mới 2021. Đây là kịch bản ấp ủ hàng chục năm của cố NSND Bùi Cường, chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Nhưng, “Cậu Vàng” không được như kỳ vọng, nếu không nói là khiến khán giả thất vọng. Một lần nữa, vấn đề chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch bản điện ảnh lại được đặt ra.


Thất vọng với “Cậu Vàng”

Cho đến những ngày này, sau hơn 2 tuần ra rạp, bộ phim “Cậu Vàng” vẫn bám trụ rạp, tuy nhiên các suất chiếu không được xếp vào khung giờ vàng vì vắng khách. Suất chiếu tôi xem vào lúc 3h chiều chỉ có vỏn vẹn 10 người lớn tuổi và phần đa tò mò xem phim... “tệ” đến mức nào.

Dù đạo diễn trẻ Trần Vũ Thủy cũng đã biết lôi kéo khán giả bằng những câu chuyện ngôn tình, câu khách nhưng kịch bản rời rạc và những mảnh ghép không đầu không cuối của “Cậu Vàng” đã không thể đánh lừa khán giả. Theo số liệu của Box Office Việt Nam, “Cậu Vàng” có số vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng nhưng doanh thu sau 2 tuần ra rạp chỉ được 3 tỷ đồng. Thời gian tới cũng không kỳ vọng gì hơn.

Cảnh trong phim “Cậu Vàng”.

“Cậu Vàng” được biết đến là kịch bản của NSND Bùi Cường. Trước khi mất, ông vẫn dành nhiều tâm huyết và dự định cho tác phẩm này để tri ân nhà văn Nam Cao và đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa và bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, bộ phim làm nên tên tuổi của NSND Bùi Cường. Kịch bản “Cậu Vàng” được viết dựa vào 3 tác phẩm của nhà văn Nam Cao: “Chí Phèo”, “Lão Hạc” và “Sống mòn”. Đó là một hướng đi tốt gợi mở không gian sáng tạo cho đạo diễn. Nhưng, ở đây, “Cậu Vàng” giống như một vở kịch được đạo diễn vụng về.

Trong “Lão Hạc”, Binh Tư là nhân vật ném bả chó, còn trong phim, Binh Tư có dáng dấp của Chí Phèo, ở tù về, vóc người cao lớn vạm vỡ trong khi suốt ngày say xỉn. Binh Tư được xây dựng như một anh hùng thảo khấu, đứng lên bao vệ kẻ yếu.

Nhân vật vợ Ba trong truyện được xây dựng là một cô gái ở tận miền Nam, nhà nghèo nên đành từ bỏ mối tình của mình đi làm vợ lẽ Bá Kiến. Chẳng hiểu vì sao, cái thời nghèo khó, đi lại khó khăn ấy mà Bá Kiến phải lặn lội tận vào Nam để kiếm về một cô vợ Ba, chỉ với mục đích đẻ con trai nổi dõi tông đường dù đã có Lý Cường.

Nhiều chi tiết đã được tác giả bồi đắp thêm để tăng tính hấp dẫn và kịch tính của truỵện nhưng lại thiếu logic. Nhân vật Lý Cường rắp tâm chiếm đoạt vợ ba của Bá Kiến nhưng không phải lúc cô mới về làm lẽ mà phải đợi đến khi cô ta mang bầu, dù thời gian để có bầu kéo dài và rất khó khăn.

Rồi một chi tiết nữa là người yêu của vợ ba Bá Kiến từ miền Nam xa xôi bỗng đột ngột xuất hiện ở làng quê Bắc Bộ dưới danh nghĩa của một gánh hát, chàng ta lại đa tài đến mức vừa biết chơi đàn nhị lại vừa biết điều khiển rối nước, toàn đặc sản của văn hóa Bắc Bộ trong khi anh ta là người miền Nam. Đi tìm người yêu nhưng anh chàng cũng không có kế hoạch gì cụ thể.

Nhân vât Lão Hạc (do nghệ sĩ Viết Liên đảm nhiệm) cũng khá hời hợt dù suốt ngày cụ ngồi đó, trong ngôi nhà tranh lụp xụp ca thán về việc khổ nhưng khán giả không hiểu được ngọn nguồn nỗi khổ của ông nên cũng khó đồng cảm. Chi tiết thi vị hóa khi Lão Hạc nhờ thầy giáo viết thư cho con và đút vào ống nứa thả trôi sông với niềm tin con sẽ nhận được xem chừng chả ăn nhập gì với tính cách, bối cảnh của nhân vật. Nó mang tính cường điệu và diễn kịch.

Đạo diễn Trần Vũ Thủy và nghệ sĩ Viết Liên (vai Lão Hạc).

Các nhân vật trong phim, hời hợt, thiếu số phận, thiếu tích cách. Có vẻ, tác giả định lấy cậu Vàng làm điểm kết nối nhưng không thành công vì cậu Vàng bị cường điệu hóa. Ngoài lỗi sơ đẳng mà khán giả phán ứng khi đạo diễn dùng chó Nhật chứ không phải chó ta thì cậu Vàng trong phim phần nào bị huyền thoại hóa, có sức mạnh phi thường khiến mọi người phải sợ hãi.

Cảnh kết của phim khiến tôi liên tưởng đến truyện cổ tích hay một vở kịch theo mô típ ở hiền gặp lành. Vợ Ba được giải cứu và lên xe ngựa cùng người yêu trở về quê. Bá Kiến, khi con trai trưởng Lý Cường bị chó cắn chết đã hóa dại, con trai Lão Hạc đã kiếm đủ tiền về chuộc người yêu. Tất cả cái kết đó là sự sắp đặt một cách khiên cưỡng chứ không đi theo tuyến tính hay logic của cuộc sống.

Ê-kíp đầu tư phục dựng bối cảnh làng quê Bắc Bộ nhưng không tái hiện được đời sống kham khổ của người dân trong thời kỳ nạn đói hoành hành. Đấy là chưa kể đến kỹ thuật quay phim. Nhiều đoạn mờ, nhòe. Màu sắc phim thiếu hài hòa, nhất là những cảnh hồi tưởng quá khứ, một số tiếng động bị lệch khỏi hình, khi Lý Cường tát tay sai, vài giây sau mới có âm thanh...

Chuyển thể từ tác phẩm văn học - Giới hạn nào cho vừa?

Đạo diễn Trần Vũ Thủy chia sẻ: “Phim lấy cảm hứng từ truyện “Lão Hạc” nhưng phát triển theo hướng khác thay vì trung thành nguyên tác. “Tôi nghĩ, việc sáng tạo vẫn giữ được tinh thần gốc, vì bố vợ tôi đã được cụ Hồng - con gái lớn của nhà văn Nam Cao, tán đồng về nội dung phóng tác. Chúng tôi không tái hiện cuộc sống nghèo khổ tức 1945 mà hướng đến một tác phẩm về luật nhân quả, bài học về đối nhân xử thế”, Trần Vũ Thủy nói.

Nhưng bài học gì với điện ảnh cũng phải đi ra từ câu chuyện, từ số phận con người có thể chạm đến cảm xúc khán giả hay không. Ở “Cậu Vàng” có vẻ như bài học đó được đặt lên vai một chú chó bé nhỏ. Rõ ràng, việc chuyển thể từ tác phẩm văn học sang phim là một bài toán không dễ, nhất là khi tác phẩm văn học đó quá nổi tiếng. Nếu bê toàn bộ tác phẩm và mô phỏng thành phim, chắc chắn cũng sẽ kém hấp dẫn.

Phim “Làng Vũ đại ngày ấy” của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa.

Vậy sáng tạo thế nào cho vừa, phóng tác thế nào cho hợp lý? Đạo diễn Lưu trọng Ninh, người nhiều năm ấp ủ đưa “Truyện Kiều” lên màn ảnh rộng cho rằng: “Mỗi đạo diễn đều có quyền chọn góc nhìn của mình để khai thác các tác phẩm văn học, không nên lệ thuộc vào nguyên tác, bởi thời đại chúng ta sống đã khác và câu chuyện phải luôn có sự kêt nối với đương đại. Nhưng, khai thác thế nào, góc nhìn ra sao đòi hỏi tài năng của người đạo diển, để nhân vật không bị bóp méo hay quá xa rời hiện thực”.

Thực tế, điện ảnh Việt Nam đã có rất nhiều bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học thành công và nhận được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế. “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm hay nhất của nhà văn Tô Hoài trong tập “Truyện Tây Bắc”. Ông đã chuyển thể thành kịch bản và bộ phim do Mai Lộc đạo diễn đã giành giải “Bông sen Bạc” trong Liên hoan phim Việt Nam lần 2 năm 1973. Phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” sản xuất năm 1982 do NSND Phạm Văn Khoa đạo diễn, với kịch bản chuyển thể từ 3 tác phẩm của nhà văn Nam Cao (gồm “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc”). Còn phim “Chị Dậu” cũng do đạo diễn Phạm Văn Khoa dựng chuyển thể từ tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố...

Sau này còn có “Chuyện của Pao” của đạo diễn Nguyễn Quang Hải chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy đã đạt giải “Cánh diều Vàng” của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2006... “Đừng đốt” của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chuyển thể từ hai cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm...

“Cô gái đến từ hôm qua” - bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khá thành công.

Một hiện tượng thành công trong việc chuyển thể đó là các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diễn Victor Vũ) và “Cô gái đến từ hôm qua” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) đều là những bộ phim được khán giả đón nhận và giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước.

Rõ ràng, tác phẩm văn học là mảnh đất màu mỡ cho các đạo diễn có thể khai thác, khám phá, tạo nên những tác phẩm điện ảnh tốt. Phóng tác hay chuyển thể dựa hoàn toàn vào bản gốc là lựa chọn của đạo diễn. Thuận lợi của con đường này là các giá trị của tác phẩm đã được định hình. Nhưng, đó cũng là áp lực cho đạo diễn, khi chọn cách chuyển thể như thế nào để không trở thành tác phẩm minh họa cho nguyên tác mà vẫn được công chúng đón nhận. Đó hẳn chưa bao giờ là bài toán dễ dàng, đòi hỏi tài năng của người đạo diễn.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng: “Mỗi người có một cách đọc văn bản khác nhau, đặc biệt là được cải biên dưới một hình thức nghệ thuật khác nhưng như thế không có nghĩa là người ta có quyền phá nát tinh thần của tác phẩm gốc, đặc biệt là những tác phẩm văn chương kinh điển”. Theo anh, “Cậu Vàng là một tác phẩm cải biên lỗi và giả”.

Có ý kiến cho rằng, với sự phóng tác tự do, rời rạc và có phần tự nhiên của “Cậu Vàng”, nếu đạo diễn chọn một lối kể chuyện mang tính viễn tưởng hay siêu thực, chắc hẳn “Cậu Vàng” sẽ thành công hơn. Tiếc thay.

Lan Tường
.
.