Phim “Ký sự Thăng Long”: Bức tranh toàn cảnh miền “địa linh nhân kiệt”

Chủ Nhật, 11/10/2009, 14:50
52 tập phim "Ký sự Thăng Long" là một món quà đầy thiết thực và ý nghĩa kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Tập đầu tiên của bộ phim sẽ bắt đầu lên sóng VTV1 vào lúc 18 giờ ngày 10/10/2009.

Cái khó ló cái khôn

Quả thật, Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim khai thác. Vậy nên, ở bất kỳ chủ đề nào về Hà Nội cũng được các nhà làm phim tận dụng một cách tối đa. Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn năm tuổi đang đến gần, không ít những dự án làm phim về đề tài Hà Nội bung ra, một cách hồ hởi và khẩn cấp.

Sự hiện diện của "Thăng Long nhân kiệt", series "Những ngôi chùa cổ" đang được trình chiếu trên truyền hình, tiếp đến mở màn cho trò chơi "Hà Nội 36 phố phường" sẽ được phát sóng cũng vào ngày hôm nay,  rồi dự án phim "Mái ấm" bao gồm 40 tập về Hà Nội, và "Thiên Đô" dài 90 tập viết về thời Vua Lý Công Uẩn dời đô, phim Quang Trung Hoàng đế...

Chưa hết, cũng vào đầu tháng 10 này, Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS) và Công ty Truyền thông BHD sẽ chính thức khởi quay loạt phim ký sự tài liệu "Thăng Long ngàn năm thương nhớ" với độ dài kỷ lục 120-140 tập. Tuy nhiên, cũng giống như những bộ phim ký sự khác về Hà Nội, phim có dung lượng ngắn chỉ khoảng 10 phút/tập.

Không ít người tỏ ra nghi ngại những thước phim về đất và người nơi đây đã, đang và sắp được phát sóng liệu có khiến cho những nhà làm phim hoang mang và e ngại về sự trùng khớp đề tài và ý tưởng, cách thể hiện? Và liệu rằng khán giả có bội thực vì trong tương lai không xa, trên bàn tiệc, thực đơn đem ra đều mang một vị cũ kỹ, quen thuộc, dễ gây ra cảm giác "chán và ngán?!".

Nhà hát lớn, Hà Nội.

Tổng đạo diễn "Ký sự Thăng Long" Bùi Duy Khánh thừa nhận đề tài Hà Nội không còn là mới mẻ với người dân của thủ đô hay cả nước. Một rừng tư liệu về Hà Nội rộng mênh mông... chọn câu chuyện để kể không phải đơn giản.

Trách nhiệm của đoàn làm phim là thu gom lại để giới thiệu một cách xúc tích nhất, khiến ông trăn trở. Trong cái khó lại ló cái khôn, một ý tưởng được đưa ra, lấy tiêu chí, bất cứ đề tài nào cũng tìm ra những cốt truyện thú vị, những câu chuyện lạ, chưa từng được công bố, hoặc ít người biết, còn lạ lẫm với người xem... "Tất cả những điều đó, tưởng đơn giản nhưng rất khó khăn". Tuy nhiên, ông Khánh phấn chấn: "Nếu như Ký sự Thăng Long khác đi tìm những câu chuyện ở phương trời xa lạ thì ở Thăng Long ký sự đi tìm cái lạ ở ngay trong những cái đã cũ hàng ngày".

Tổng đạo diễn Bùi Duy Khánh khẳng định: "Khi xem Ký sự Thăng Long sẽ thấy phong cách của các đoàn làm phim khác". Cái khác mà Tổng đạo diễn đề cập ở đây là: Phong cách của các phim khác là lấy không gian, những vùng đất lạ làm chuẩn, nên bất kỳ hình ảnh nào cũng đủ làm nên độ hấp dẫn người xem, lời bình không phải là cốt yếu nhất.

Còn với “Ký sự Thăng Long” thì lời bình rất quan trọng và chắc chắn phải mang tính hàn lâm hơn những dòng phim kia. Và ông cũng khẳng định: Yếu tố lời bình chiếm 50-60% thành công cho một bộ phim. Đạo diễn Bùi Duy Khánh lý giải: "Nếu chỉ chụp tấm bia đá hay cây đa cổ mà thiếu đi lời bình thì chả khác gì vật vô tri mà thiếu đi cái hồn, cái cốt, cái cốt lõi ở bên trong sự việc...".

Ở từng tập phim "Ký sự Thăng Long" sẽ là câu chuyện mở không có kết, đưa ra nhiều phương án để người xem tự suy luận... Và mỗi người sẽ tiếp cận câu chuyện với suy tưởng khác nhau  nhưng chắc chắn xem "Ký sự Thăng Long" sẽ thêm một ngưỡng cửa hiểu biết về Thăng Long - Hà Nội.

Biến "không thể thành có thể"? 

Những cái mới trong câu chuyện cũ, hàng chục những địa danh thường ngày gần gũi, quen thuộc hay những âm hưởng của một Hà Nội xưa cũ đôi khi vang lên từ đâu đó như một sự nuối tiếc. Đó là "Từ Hoa Lư đến thành Đại La", "Hoàng thành Thăng Long", "Bia tiến sĩ kể chuyện", "5 cửa ô", "Đào Nhật Tân", "Chuyện mái Nhà hát Lớn", "Tòa nhà Khải Trí Tiến Đức", "Tên các phố Tây ngày trước", "Con gái phố cổ", "Cuộc thi hoa hậu đầu tiên"...

Thành Cổ Loa.

Để tìm ra lối thể hiện mới không phải dễ dàng vì cái khó khăn đầu tiên là dung lượng của một tập phim chỉ kéo dài 15 phút. Thực chất mỗi một tập phim ký sự này chỉ có độ dài 12 đến 13 phút (vì chương trình còn dành ra vài phút để quảng cáo) lại thêm sức ép thời gian phát sóng đã ấn định, không được để "thủng sóng"...

Tuy vậy, các nhà làm phim vẫn biến điều không thể thành có thể,  nên chắc chắn khán giả sẽ cảm thấy thú vị về các thông tin của "Ký sự Thăng Long" đưa ra. Với nhan đề phim "Cây cầu vượt qua ba thế kỷ" nói về cây cầu Long Biên, ngay trong thời điểm hoàn thành nó đứng thứ hai trong "tứ kiệt cầu thế giới", 4 cây cầu đẹp nhất thế giới lúc bấy giờ. Tuy kiến trúc của người Pháp, nhưng nguyên vật liệu là của đất nước Việt và do những người thợ Việt đã xây dựng nên cây cầu bắc ngang qua dòng sông Hồng. 

Kiến trúc, lịch sử của Nhà hát Lớn đã quá quen thuộc, nhưng những viên đá lợp dưới mái Nhà hát Lớn không phải ai cũng biết. Tập 1 của phim với tên gọi "Về nơi đá hát" kể về những viên đá được đặt trên mái của Nhà hát Lớn lại chính là những viên đá của huyện Mường Lay (tỉnh Lai Châu cũ), làm cho người xem ngạc nhiên thú vị.

Tập 2, làm sáng rõ cho câu hỏi cách lợp mái  của Nhà hát Lớn có gì khác với bạt ngàn những ngôi nhà lợp đá khác trên đường phố của thủ đô. Và đá Lai Châu có gì khác với các đá khác?...

Đi tìm trả lời cho câu hỏi "Thục Phán An Dương Vương là ai?" đó là 2 tập ký sự về thành Cổ Loa. Nhân vật có thực nhưng người ta đưa ra ba đến bốn thuyết, và câu chuyện với kết cấu mở để cho khán giả mặc sức suy tưởng. Trong sách sử có ghi Thục Phán là người đất Ba Thục, con vua Thục ở Trung Hoa. Nhà Tần đánh nên phiêu dạt đến phía nam thành tù trưởng.

Có giả thiết cho rằng Thục Phán là tù trưởng vùng Cao Bằng. Gần đây Tiến sĩ Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng ban Di tích lịch sử của Bảo tàng Hà Nội, cho rằng Thục Phán An Dương Vương là người miền núi phía bắc nhưng không phải Cao Bằng mà ở Lào Cai - Yên Bái.

Vì theo dòng chảy của nền văn minh sông Hồng, thì chắc chắn tù trưởng di chuyển từ Lào Cai đến đỉnh thứ hai của tam giác sông Hồng xuống, còn nếu đi từ Cao Bằng xuống thì ngăn núi cách sông. Thứ hai, việc phát hiện ra hàng loạt các di chỉ khảo cổ tại Loa Thành cho thấy các di chỉ khảo cổ như khiên, giáo, mác, công cụ sản xuất, đồ đồng Đông Sơn có niên đại và họa tiết giống như những di chỉ khảo cổ thu thập được tại Lào Cai - Yên Bái.

Tất cả những lập luận đưa ra trái chiều không quan trọng với “Ký sự Thăng Long” vì đưa ra nhiều phương án để người xem tự suy luận là đích cuối cùng mà đoàn làm phim muốn hướng đến.

Gò Đống Đa gắn với chiến thắng của Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh  đuổi hàng vạn quân Thanh, nhưng 13 gò xưa kia giờ chỉ còn lại 1 gò duy nhất, đồn rằng khi xưa đây là nơi chôn xác quân nhà Thanh. Vậy vị trí 12 gò khi xưa bị san bằng đi nằm ở đâu thì không phải ai cũng biết? Hay nhân vật Đặng Tiến Đông có phải là đô đốc Long không? Điều này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Các nhà làm phim đã chọn 4 cây đa thiêng Hà Nội mang ý nghĩa gắn với lịch sử trường tồn của thủ đô. Những cây đa đã song hành cùng năm tháng, nó như chứng nhân của lịch sử, trên những thân cây còn sứt sẹo tên rơi, đạn lạc.

Lịch sử của những cây đa ở khu phố thế nào, mặc dù cuộc sống thường nhật bon chen, tấc đất tấc vàng nhưng những cây đa này như vùng đất thiêng  không ai dám xâm phạm. Những cây đa ở trên những con phố cổ Hà Nội ở phố Hàng Gai, ngõ Gạch đã bị những quán hàng chen lấn  giờ chỉ còn lại 1/3 gốc đa, nhưng không ai dám chặt đi, người ta vẫn để nó sống.

Hay cây đa ở đền Bà Kiệu, cây đa Nhà Bò, cây đa được gọi là "Hoa hậu Đông Dương" ở trong khuôn viên báo Nhân Dân, trên phố Hàng Trống và mỗi cây đa là một câu chuyện về số phận riêng biệt... Cùng với rất nhiều các câu chuyện đề tài Hà Nội lý thú khác.

Hy vọng không chỉ "Ký sự Thăng Long" mà những bộ phim ký sự khác về Hà Nội thường được coi như "phim cúng cụ" sẽ không chỉ được phát sóng trên truyền hình vào dịp kỷ niệm ngày đại lễ rồi lại cất vào kho. Mà, thực chất, với giá trị của nó, mỗi tập phim rất ngắn này là những bài học lịch sử thú vị và bổ ích cho môn học lịch sử tại các trường phổ thông trong cả nước.

Hiểu biết về lịch sử, thêm trân trọng, yêu mến, gìn giữ những gì chúng ta đang có, đấy cũng là trách nhiệm của mỗi người dân Việt góp một phần vào kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm đang đến gần

Trần Mỹ Hiền
.
.