Phim nước ngoài về Việt Nam: Cần nhiều hơn những cuộc “dạo chơi” công phu

Thứ Sáu, 13/10/2017, 08:15
Sau một khoảng thời gian có khá nhiều những tác phẩm điện ảnh về Việt Nam do các nhà sản xuất nước ngoài đầu tư thực hiện rất thành công rồi… ngắt quãng, năm 2017, những bộ phim có “xuất xứ” khá đặc biệt này bắt đầu xuất hiện trở lại.

Đây là những tác phẩm nhiều công phu và tâm huyết của người thực hiện. Tuy nhiên, nếu tính việc góp phần mang lại những sắc thái mới mẻ hơn trong diện mạo điện ảnh, chuyển tải nhiều thông điệp sâu sắc về văn hóa, đất nước, con người Việt một cách rộng rãi thì dường như tâm huyết và công phu cũng chưa hẳn đã đủ đầy .

Một làn gió mát

Những ngày đầu tháng 10, người yêu mến Thủ đô Hà Nội đón nhận một thông tin rất vui: Bộ phim “Hà Nội của tôi” được chắp cánh từ tình yêu Hà Nội của một người Pháp, hơn thế còn là một cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam được giới thiệu rộng rãi đến khán giả qua truyền hình. Tác giả kiêm “người dẫn chuyện” của bộ phim là ông Jean Noel Poirier có 9 năm sống tại Việt Nam.

Trong thông tin phát đi trước thời điểm phim lên sóng thì người xem sẽ có dịp thấy một Hà Nội rất đặc biệt như “duy trì được sự ngẫu hứng, chủ động tức thời, một tinh thần tự do hành động mà nếu như không có nó, một thành phố dần sẽ mất đi cá tính và sự đặc sắc của mình”. Và “5 năm là khoảng thời gian mà Jean Noel Poirier, một nhà ngoại giao có kiến thức sâu sắc về người Việt và ngôn ngữ, sống tại Hà Nội và khám phá nơi đây.

Cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Jean-NoEl Poirier trong phim “Hà Nội của tôi”.

“Hà Nội của tôi” mang một hoài bão: đó là đem đến cho những cư dân của Hà Nội cũng như tất cả người dân Việt Nam một cái nhìn cá nhân đầy cảm xúc về vẻ đẹp và những nét quyến rũ không ngờ về thủ đô của họ”. Đó là “Hà Nội của ngày nay, rộn rã và ồn ào, lộn xộn và sáng tạo, vừa cũ kỹ vừa hiện đại khiến ông nhớ lại Paris ngày trước.

Hà Nội là một thành phố nơi mỗi con đường là một vở diễn sống động không ngừng, nơi những xưởng thợ thủ công và các quán cà phê bám lấy vỉa hè, nơi mùi nấu nướng tỏa ra từ căn bếp, bay qua những khoảng sân và níu bước khách bộ hành”… Một bộ phim như thế chắc chắn là mong ước được thưởng thức, khám phá của không ít khán giả, đặc biệt là với những người yêu mến Thủ đô ngàn năm văn hiến này.

Quả thực, theo từng bước chân của người dẫn chuyện khám phá nhiều ngõ ngách của phố phường Hà Nội, khán giả có dịp thấy một Hà Nội với diện mạo đúng như mô tả: rộn rã và ồn ào, lộn xộn và sáng tạo, cũ kỹ và hiện đại. Đó không chỉ là các “công trình” dân sinh vô cùng sáng tạo của các cư dân mới của Thủ đô – những ngôi nhà được cơi nới tối đa từ các tòa nhà cũ mang đậm dấu ấn kiểu Pháp mà còn là sự “sáng tạo” tự do đến lộn xộn những kiến trúc “không giống ai” của người Việt tứ xứ mưu sinh ở Thủ đô.

Những khung nhà sắt cơi nới, những bức tường “bơi” ra không gian chung đến mức ánh sáng mặt trời vất vả lắm mới lọt xuống mặt đất, những đường dây điện, truyền hình nhằng nhịt trên các cột điện được tác giả ví von rất thơ rằng nhìn như những sợi tóc trên mái tóc rối đã khiến người xem không thể không bật cười.

Ngược lại, Hà Nội thơ mộng hay sống động chỉ có thể cảm nhận được qua ca khúc nhạc Trịnh hay lời nhân vật chính, lời giới thiệu phim. Sự hiện diện về khoảng cách giữa ngôn ngữ của văn chương với ngôn ngữ hình ảnh của điện ảnh khá rõ ràng.

Nhiệt huyết thôi chưa đủ

Trước “Hà Nội của tôi”, khán giả trong nước cũng từng đón nhận một tin rất vui khác là đạo diễn Oliver Lorelle – một trong những người làm điện ảnh nổi tiếng của Pháp, từng được vinh danh và có nhiều kịch bản phim được đánh giá cao tại các giải thưởng điện ảnh danh giá thế giới “trình làng” dự án phim “Bầu trời đỏ”. Sau hàng loạt những dấu ấn của điện ảnh Pháp trong các phim về Việt Nam: “Đông Dương”, “Người tình”, “Mùi đu đủ xanh”… thì “Bầu trời đỏ” là một tác phẩm được đặt rất nhiều kỳ vọng.

Coi thiên nhiên Việt Nam như một nhân vật chính và phim được quay hoàn toàn tại Việt Nam, đặc biệt là nhiều địa điểm nổi tiếng như hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), vùng Đồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang”. Không quá khó hiểu khi phim được kỳ vọng sẽ tiếp tục ghi dấu ấn nào đó đặc biệt cho Việt Nam qua bản đồ điện ảnh thế giới.

Trong thông tin ban đầu  về  “Bầu trời đỏ” được phát đi cũng khẳng định, phim xoay quanh chuyện Philippe – một anh lính trẻ người Pháp bị điều đến tham chiến tại Việt Nam. Khi biết mình phải tra tấn Thi - một cô gái trẻ của lực lượng Việt Minh bị bắt vì đấu tranh cho độc lập dân tộc, anh bị sốc nặng.

Philippe quyết định bỏ trốn cùng cô. Trong hành trình tưởng chừng vô định giữa rừng nhiệt đới hoang vu, họ tự vấn và đối chất. Giữa thiên nhiên hoang dã nhưng tuyệt đẹp bên Hồ Ba Bể, tách biệt khỏi thế giới, khỏi cuộc chiến tranh, họ dần khám phá chính bản thân mình. Tình yêu cũng dần nảy nở…

Tuy nhiên, chiến tranh chỉ là bức phông nền để tôn lên câu chuyện tình yêu của hai nhân vật chính. Trong phim, khán giả sẽ có dịp chiêm ngưỡng một Việt Nam tuyệt đẹp với những nét đặc trưng của phong cảnh miền Bắc. Vùng núi hùng vĩ của tỉnh Hà Giang hứa hẹn nhiều hấp dẫn qua những cảnh cuối của bộ phim…

Sau đó, đạo diễn Oliver Lorelle còn chia sẻ rằng “Bầu trời đỏ” là một dự án phim kỳ công và nhiều khó khăn nhưng ông quyết tâm thực hiện vì đã dành nhiều tâm huyết, tìm hiểu rất kỹ về đề tài phim. Bối cảnh phim là thời gian đầu của chiến tranh Đông Dương và ông biết nhiều người lính Pháp đến Việt Nam thời kỳ này đã bị Việt Nam chinh phục, chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh, trở nên yêu mến đất nước này, nhiều người lấy phụ nữ Việt Nam làm vợ, đưa về nước sinh sống.

Cảnh phim “Bầu trời đỏ”.

Hơn nữa, thời điểm xảy ra chiến tranh là thời khắc mà con người dễ bộc lộ những ưu điểm và nhược điểm, đặc biệt là những ưu điểm về lòng quả cảm, sự can trường, lòng vị tha. Thế nhưng lâu nay, đề tài về chiến tranh Đông Dương có rất ít tác phẩm điện ảnh Pháp khai thác. Nhà sản xuất phim Pháp không muốn đầu tư vào phim về đề tài này.

Khi ông đưa kịch bản đi giới thiệu, hầu hết các nhà sản xuất đều từ chối với lý do đề tài này rất khó làm phim thương mại. Khi đi xin tài trợ, một đài truyền hình đã thẳng thừng từ chối vì cho rằng ở thời điểm này, hình ảnh một anh lính Pháp quay lại bắn vào đồng đội của mình thì không ổn… Rất may, dù có nhiều khó khăn nhưng cuối cùng cũng có nhà sản xuất chịu đầu tư làm phim.

Ngay việc tuyển chọn nữ diễn viên chính cũng rất vất vả. Ông đã rất muốn chọn nữ diễn viên Việt Nam nhưng không thành. Lý do là nữ diễn viên Việt Nam, nếu có ngoại ngữ thì cũng nói tiếng Anh, không nói được tiếng Pháp. Để chọn diễn viên ưng ý, ông đã vào cả các trường đào tạo dạy tiếng Pháp, hy vọng tìm được diễn viên phù hợp, có khả năng nói tiếng Pháp. Sau khi thử rất nhiều, ông vẫn không tìm được gương mặt ưng ý vì họ là diễn viên nghiệp dư, không diễn được các cảnh nam nữ thân mật với nhau, đặc biệt là những cảnh liên quan đến trút bỏ y phục… 

Rất may, quá trình thực tế quay phim tại Việt Nam, Oliver Lorelle “gặp nhiều thuận lợi nhờ dấu ấn của một số bộ phim Pháp từng quay ở Việt Nam đã rất thành công như “Người tình”, “Đông Dương”…

Thiên nhiên rất đẹp, hùng vĩ, thơ mộng nhưng cũng đầy bí ẩn, chưa từng xuất hiện trên phim Pháp của vùng núi phía Bắc hứa hẹn nhiều đặc biệt cho tác phẩm. Phim lấy bối cảnh chiến tranh nhưng chuyện phim là về tình yêu, chiến tranh chỉ là phông nền vì tác giả muốn hướng đến đối tượng khán giả trẻ. Tình yêu nảy nở khi con người có sự giao thoa với nhau, biết lắng nghe, cảm thông và họ sẽ có những ảnh hưởng lẫn nhau để cùng thay đổi. Đây là thông điệp có giá trị với mọi thời đại chứ không chỉ có thời chiến…

Đạo diễn Oliver Lorelle (giữa) giao lưu tại Việt Nam khi đưa “Bầu trời đỏ” đến Hà Nội.

Oliver Lorelle cũng chia sẻ rằng ông tạm thời bằng lòng với kết quả lao động của bản thân và êkip làm phim, cho rằng bộ phim đã chuyển tải được thông điệp mà mình muốn chuyển tải.

Thế nhưng đạo diễn có bề dày thành tích của điện ảnh Pháp và thế giới này cũng không khỏi băn khoăn nghi ngại về sự đón nhận của khán giả với “đứa con tinh thần” đặc biệt của mình. Và, nghi ngại này đã không phải không có lý khi khán giả được xem một bộ phim về Việt Nam nhưng vẫn cảm thấy nhiều lấn cấn bởi nhân vật nữ chính và nhiều người Việt khác trong phim có những ứng xử có vẻ khá lạ so với chính họ…

Nhiều chưa hẳn đã hay

Trao đổi quanh câu chuyện này, nhà văn Chu Lai cho rằng ngày càng có nhiều người sáng tạo các tác phẩm về Việt Nam, trong đó các tác phẩm điện ảnh là một tín hiệu rất đáng mừng. Là người có rất nhiều tác phẩm viết về đất nước, con người Việt Nam, nhà văn thực sự rất vui vì khi nghệ sĩ sáng tác về vùng đất nào đó thì họ phải yêu và hiểu về nó. Nhưng ông cũng rất hiểu, người viết nhiều không hẳn đã viết hay.

Với các văn nghệ sĩ trong nước viết về chính đất nước mình, có khi lại không phát hiện ra những điều thú vị, những cái lung linh của nó. Lý do là ở quá lâu cùng một nơi, quá quen thuộc với nó,  con người khó phát hiện ra những điều mới mẻ. Nhưng người ngoại quốc nhiều năm tìm hiểu về Việt Nam, thậm chí nhiều năm sống ở Việt Nam sẽ  có thể khám phá, nhìn thấy những góc khuất mà chưa chắc người trong nước đã nhìn thấy.

Chính phát hiện của họ sẽ tạo nên sự rung cảm mà nhiều người Việt nhìn vào có khi giật mình nhận ra cuộc sống hàng ngày trôi qua với biết bao những muộn phiền khiến mình không thấy được vẻ đẹp sâu xa của nó.

Nhà văn cũng bày tỏ sự tin tưởng, nếu người sáng tác văn học, nghệ thuật trong đó có điện ảnh về Việt Nam nhìn Việt Nam với góc nhìn thiện cảm, chân thành thì sẽ cho ra những tác phẩm thành công, mở ra được những chiều sâu về lịch sử, văn hóa mà người ta cảm thấy yêu đất nước Việt Nam hơn. Và biết đâu, sau khi xem tác phẩm của họ sẽ có những văn nghệ sĩ như ông nghĩ ra được ý tưởng nào đó để “ngồi vào bàn để viết”.

Tất nhiên, xuất phát điểm của họ luôn phải là những cái nhìn thiện cảm chân thành, biện chứng và thẩm mĩ. Nếu nhìn theo cách phiến diện, chỉ thấy cái ngổn ngang, ngột ngạt của đất nước hiện tại mà chưa nhìn sâu vào bên trong đó với những chặng đường lịch sử sâu thẳm với rất nhiều uẩn khúc của đất nước sẽ không thấy được những chồi non của cuộc sống thì tác phẩm sẽ khó được đón nhận…

Minh Hải
.
.