Phòng chống dịch bệnh nguy hiểm Ebola: Đồng loạt vào cuộc

Thứ Tư, 03/09/2014, 17:00

Có thể nói rằng, chưa khi nào thế giới chịu tác động của nhiều dịch bệnh nguy hiểm như thời điểm này. Chỉ trong thời gian ngắn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liên tục đưa ra các cảnh báo trước nguy cơ các chủng virus nguy hiểm rình rập, tấn công và cướp đi mạng sống của con người.

Đặc biệt, trước những diễn biến bất thường của dịch bệnh Ebola tại Tây Phi, ngày 8/8 vừa qua, WHO đã phải ra Tuyên bố về tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh Ebola vì dịch Ebola có thể trở thành nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng quốc tế, do khả năng lây lan quốc tế là đặc biệt nghiêm trọng.

Nỗi lo của thế giới về dịch Ebola hoàn toàn có cơ sở, khi những ngày qua, số người mắc và tử vong vẫn không ngừng gia tăng, do độc lực cao của virus, khiến tỉ lệ tử vong lên tới 90%, trong khi hiện chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số liệu mới nhất của WHO cho biết, hiện đã có 2.127 trường hợp mắc, trong đó có 1.145 tử vong do virus Ebola. Mối lo lớn nhất trước dịch Ebola là không chỉ có tốc độ lây truyền nhanh chóng, mà các dịch bệnh mới nổi thường biến đổi gen khôn lường. Khả năng lây nhiễm của Ebola rất cao, nên Bộ Y tế lo ngại về vấn đề tiếp xúc với người bệnh, với người chăm sóc, mai táng bệnh nhân nếu xảy ra dịch.

Bên cạnh đó, không có đường bay thẳng từ châu Phi về Việt Nam, trong khi Cảng Hàng không Việt Nam không có danh mục các khách về từ vùng dịch, nên khó kiểm soát. 

Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, ngay sau khi WHO Tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, ngày 9/8, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tổ chức một hội nghị khẩn cấp với các bộ, ngành liên quan để bàn biện pháp ứng phó với dịch Ebola.

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế và các ngành, địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng với mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh. Cố gắng không để dịch bệnh vào Việt Nam, nhưng nếu dịch bệnh xảy ra, phải chủ động các phương án, kế hoạch ứng phó hiệu quả. Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL)cần có biện pháp hạn chế công dân đi du lịch, làm việc ở các nước có dịch bệnh.

Trên tinh thần đó, các bộ, ngành và địa phương đã nhanh chóng triển khai hàng loạt biện pháp tích cực để phòng, chống dịch Ebola. Bộ Y tế lập tức tổ chức cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tính chất nguy cấp của dịch bệnh Ebola: Đó là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thuộc nhóm A, có khả năng lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp mắc Ebola, song nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, qua người Việt Nam đi du lịch, lao động, học tập ở các nước đang có dịch bệnh trở về, đặc biệt là nguy cơ lây lan từ các khách đi qua Việt Nam và đến từ các thị trường du lịch đông đúc như Thái Lan.

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola tại sân bay Nội Bài.

Những ngày qua, Bộ Y tế đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh: xây dựng Kế hoạch phòng chống, ứng phó kịp thời với 3 tình huống và dù hiện nước ta chưa có dịch, nhưng cũng đã khởi động một số nội dung của tình huống 2, đồng thời, kích hoạt Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp (EOC) để kết nối và hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp. Bộ Y tế có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tăng cường giám sát phòng, chống bệnh Ebola; yêu cầu áp dụng tờ khai y tế với khách nhập cảnh từ vùng dịch ở tất cả các cửa khẩu quốc tế từ ngày 15/8 và do diễn biến nhanh của dịch, các cửa khẩu đã áp dụng từ  ngày 11/8.

Hội đồng chuyên môn cấp Bộ, gồm các giáo sư đầu ngành có kinh nghiệm điều trị được thành lập và đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola, giúp các bệnh viện chủ động v.v… Tuần qua, nhiều lớp tập huấn cho nhân viên y tế ở các tuyến về cách điều trị Ebola đã được mở. Hiện, Bộ Y tế vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các tổ chức quốc tế khác, để chủ động triển khai giám sát các tác nhân gây bệnh.

Cho đến nay, không chỉ Bộ Y tế có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Ebola, mà hầu hết các ngành, địa phương đều có kế hoạch riêng. Ngày 11/8, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương trong toàn quốc, để triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh Ebola. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị Công an cửa khẩu phối hợp với ngành y tế triển khai giám sát hành khách từ vùng dịch vào Việt Nam.

Trong tình huống có đối tượng không tuân thủ việc giám sát, cách ly, lực lượng Công an có thể sẽ tiến hành cưỡng chế cách ly. Cùng với thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Ebola, Bộ Công an đã xây dựng Kế hoạch hành động phòng, chống bệnh Ebola.

Bộ Ngoại giao cũng đã có công điện khẩn gửi cơ quan ngoại giao Việt Nam ở các nước, thông báo tình hình dịch Ebola và yêu cầu hướng dẫn người Việt Nam ở các nước có dịch cách phòng, tránh bệnh. Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu các doanh nghiệp dừng đưa du khách đến các vùng dịch; quan tâm đến sức khỏe của khách du lịch và người lao động; chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo 3 kịch bản của Bộ Y tế: chưa có dịch, dịch rải rác và dịch bùng phát, để có đáp ứng về quan sát, phòng bệnh, điều trị.

Để phối hợp trong vấn đề phòng dịch được hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương có các biện pháp tích cực: Bộ Ngoại giao cần khuyến cáo mọi người hạn chế đến vùng dịch và khi tình huống xấu xảy ra, có thể rút toàn bộ nhân viên ngoại giao về nước theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tại các cửa khẩu quốc tế, Bộ Giao thông vận tải cần đặc biệt lưu ý việc áp dụng tờ khai y tế, nhất là các cửa khẩu đường bộ ở phía Bắc.

Việc kiểm tra giám sát các loại động vật có khả năng gây bệnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần được siết chặt cũng như khi tiêu hủy phải đúng quy định. Bộ Y tế đánh giá cao vai trò của Bộ Công an trong việc chỉ đạo an ninh hàng không kiểm tra hộ chiếu khách nhập cảnh, để biết họ có từ vùng dịch về không, giúp ngành y tế phân loại đối tượng theo dõi, cách ly và điều trị y tế.

Đại diện WHO và CDC đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có hành động kịp thời trong việc phòng, chống dịch Ebola, cũng như làm tốt công tác truyền thông, để thông tin đầy đủ, kịp thời, tránh gây hoang mang cho cộng đồng. WHO và CDC đều cam kết sẽ đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống bệnh Ebola trên mọi phương diện.

Du khách đến từ vùng có dịch khai tờ khai y tế trước khi nhập cảnh.

Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất:  Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM thì suốt tuần qua, công tác phòng chống dịch bệnh Ebola được thực hiện rất nghiêm túc với sự phối hợp cùng công an cửa khẩu và các hãng máy bay. Và mặc dù WHO cho biết virus Ebola ít có khả năng lây theo đường không khí nhưng bộ phận kiểm dịch vẫn chia thành 3 ca, mỗi ca gồm lãnh đạo, bác sĩ, nhân viên xử lý y tế, lái xe chuyên dùng và 4 máy đo thân nhiệt, bảo đảm có mặt cả ngày lẫn đêm tại khu vực dành cho khách nhập cảnh, cũng như bảo đảm từ khâu tiếp nhận đến cách ly, vận chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới.

Một bác sĩ đang trực tại đây cho chúng tôi biết: "Hàng ngày, ca trực báo cáo tình hình cho Trung tâm kiểm dịch, đặc biệt là danh sách hành khách đến từ vùng có dịch để Trung tâm phối hợp với ngành y tế địa phương theo dõi. Trường hợp nghi ngờ có người nhiễm bệnh, ca trực sẽ báo ngay về Ban Giám đốc Trung tâm. Thông tin này sẽ được chuyển đến các cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế và thành phố ngay lập tức".

Vẫn theo vị bác sĩ nêu trên, từ ngày 11 đến 16/8, sau khi áp dụng tờ khai Ebola, đã có 33 hành khách phải khai báo y tế, gồm 32 người quốc tịch Nigeria và 1 người  ngoài châu Phi nhưng chưa phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Ebola nơi những khách này. Tuy vậy, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM vẫn đề nghị họ cung cấp địa chỉ và số điện thoại để liên lạc khi cần thiết.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã thống nhất với Cảng vụ Hàng hải TP HCM, kiểm dịch y tế Vũng Tàu về quy trình phối hợp phòng chống dịch Ebola tại Cảng Sài Gòn và tại vị trí phao số 0 thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Theo thông tin mà chúng tôi ghi nhận thì chủ trương kiểm dịch và dự phòng của Việt Nam phù hợp với chủ trương của WHO, nghĩa là  không kiểm soát 100% những người nhập cảnh, mà chỉ kiểm soát những người đến từ vùng có dịch bởi lẽ mỗi ngày, có từ 7.000  đến 10.000 khách nhập cảnh Việt Nam. Nếu kiểm tra toàn bộ số người này thì chưa chắc đã hiệu quả.

Về công tác chuẩn bị điều trị, ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bộ Y tế đề nghị nên có thêm các trạm điều trị dã chiến tại sân bay Tân Sơn Nhất vì TP HCM là nơi mà khách từ Tây Phi đến hoặc quá cảnh nhiều nhất so với cả nước. Trong trường hợp cần thiết,  có thể huy động những bệnh viện ở gần sân bay như bệnh viện các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân cùng tham gia.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, dự kiến toàn bộ khoa Nhiễm D của bệnh viện sẽ được dành riêng cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola: "Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị xong phòng cách ly áp lực âm để cách ly người bệnh. Thuốc men, vật tư y tế, trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế cũng đã đầy đủ. Do chưa có thuốc đặc trị virus Ebola nên bệnh viện chủ yếu dự phòng máu, dịch truyền, kháng sinh và thiết bị lọc máu cho bệnh nhân".

Trước đó, chiều 17/8, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp theo dõi cuộc diễn tập do bộ phận kiểm dịch y tế cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất phối hợp với Viện Pasteur TP HCM thực hiện. Với tình huống giả định là phát hiện 1 hành khách nghi nhiễm Ebola nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất. Theo kịch bản này, khi vào nhà ga đến, máy đo thân nhiệt phát hiện một nam hành khách có hiện tượng sốt. Anh này lập tức được mời vào khu vực kiểm tra y tế, được phát khẩu trang và quần áo phòng hộ, được kiểm tra lại nhiệt độ cơ thể, theo dõi biểu hiện lâm sàng đồng thời nhân viên y tế tiến hành điều tra yếu tố dịch tễ.

Nhận thấy khách có biểu hiện nhiễm virus Ebola, nhân viên y tế đề nghị bệnh nhân cung cấp thông tin về những người ngồi cạnh trên máy bay đồng thời yêu cầu mặc quần áo phòng hộ. Tiếp theo, khách được Công an cửa khẩu và Hải quan làm thủ tục nhập cảnh ngay tại khu vực kiểm tra y tế. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên xe chuyên dùng để đưa vào phòng cách ly. Tại đây, các bác sĩ tiến hành khử trùng, khám sàng lọc, thực hiện hội chẩn để xác định bệnh lý trước khi chuyển vào BV Bệnh Nhiệt đới. Khu vực kiểm dịch y tế được khử trùng sàn nhà, bàn ghế và các vật dụng đã tiếp xúc với bệnh nhân. Toàn bộ phương tiện di chuyển bệnh nhân cũng được khử trùng.

Song song với những việc này, kiểm dịch viên lấy thông tin về chuyến bay, máy bay mà người bệnh vừa đi rồi báo cho hãng hàng không để tiến hành khử trùng máy bay, gồm hàng ghế mà khách nhiễm bệnh đã ngồi cùng hai hàng ghế phía  trước và phía sau.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa xuất hiện trường hợp nào nhiễm virus Ebola. Tuy nhiên, do Việt Nam đang có nhiều công dân sống và làm việc tại những quốc gia có dịch nên khả năng lây nhiễm rất cao.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: "Ngành Y tế nước ta có cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ khá hơn các nước châu Phi nên chúng ta không nên quá lo lắng về việc bùng phát dịch. Tuy nhiên phải kiểm soát ngay từ đầu, không để một ca bệnh nào có thể lọt vào Việt Nam vì nếu có, nó sẽ lây lan nhanh chóng. Việc kiểm soát dịch bệnh Ebola phải được phối hợp nhuần nhuyễn giữa khối kiểm dịch, khối dự phòng và khối điều trị"

Thanh Hằng - Vũ Cao
.
.