Phóng vệ tinh đánh giá tác động của sự biến đổi khí hậu

Thứ Ba, 14/06/2011, 18:30

Vệ tinh thăm dò trọng trường và chuyển động của đại dương - GOCE (ảnh 1)
Cách đây 2 năm, Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) phóng vệ tinh GOCE để thu thập thông tin chi tiết về những vấn đề liên quan đến trọng lực trái đất. GOCE dài 5m, cân nặng 1.050kg - được đặt trên quỹ đạo tương đối thấp cách trái đất 260km giúp nắm bắt được sự biến đổi nhỏ nhất của trọng trường trái đất.

Hiện nay, GOCE đã thu thập được vài dữ liệu thô giúp các nhà khoa học hiểu được tác động của sự thay đổi khí hậu đối với mực nước biển, mảng băng và sự chuyển động của đại dương.

Vệ tinh thuộc EOS - Aqua (ảnh 2)

Được phóng năm 2002, Aqua là một trong các vệ tinh của EOS, trung tâm cuộc  nghiên cứu lâu dài của NASA về hành tinh và những quy trình của nó. Nhiệm vụ của Aqua là cung cấp cơ sở khoa học để hiểu phạm vi, động lực và sự liên quan của sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Được trang bị hệ thống cảm biến, Aqua thu thập số liệu về mây, lượng mưa, nhiệt độ quyển khí, nhiệt độ mặt biển v.v…

Nói tóm lại, Aqua làm công việc thu thập mọi dữ liệu liên quan đến khí hậu trái đất.

Vệ tinh Terra của EOS

Được phóng năm 1999, Terra là vệ tinh đầu tiên trong Chương trình quan sát trái đất (EOP) của NASA. Trước đó được gọi là EOS-AM1, Terra được trang bị 5 hệ thống cảm biến từ xa được thiết kế để giám sát trạng thái môi trường trái đất và những thay đổi đang diễn ra trong hệ thống khí hậu của trái đất. Terra cũng thu thập dữ liệu về tình trạng ô nhiễm trên thế giới.

Vệ tinh Sứ mạng đo đạc lượng mưa nhiệt đới (TRMM) (ảnh 3)

Vệ tinh TRMM được phóng tháng 11/1997 với mục tiêu thu thập dữ liệu về sự di chuyển giữa nhiệt và hơi nước giữa đại dương và khí quyển. TRMM thuộc dự án của NASA, đo đạc lượng mưa vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của trái đất. Nó cung cấp dữ liệu dùng cho thử nghiệm các mô hình khí hậu và sự liên quan của chúng.

TRMM được trang bị 3 công cụ chính, trong đó mới nhất là Radar đo lượng mưa được thiết kế để cung cấp những bản đồ 3D về cấu trúc bão do Cơ quan Quốc gia phát triển không gian của Nhật Bản (NASDA) xây dựng.

Vệ tinh Landsat 7 (ảnh 4)

Landsat 7 được phóng thành công từ căn cứ không quân Vandenburg ngày 15/4/1999. Vệ tinh cân nặng 226,7kg, được thiết kế cho quỹ đạo 705km lập bản đồ trái đất với chu kỳ lặp lại là 16 ngày. Landsat 7 được lập chương trình hoạt động trong 5 năm, với khả năng truyền 532 hình ảnh mỗi ngày.

Mục tiêu chính của Landsat 7 là cập nhật cho kho dữ liệu hình ảnh vệ tinh toàn cầu.

Formosat 3/COSMIC (F3C) (ảnh 5)

Formosat3/COSMIC (F3C) được phóng thành công từ căn cứ không quân Vanednberg, California, ngày 15/4/2006, để phục vụ cho sứ mạng không gian phối hợp Mỹ - Đài Loan nghiên cứu thời tiết, khí hậu, thời tiết không gian và trắc địa. Tất cả 6 vệ tinh nhỏ giống hệt nhau - mỗi vệ tinh mang một thiết bị thu sóng radio GPS tiên tiến, một thiết bị quan trắc và một thiết bị phát tín hiệu.

Tất cả được triển khai thành công trên quỹ đạo cách trái đất 500km.

CloudSat

Được phóng trên rocket Delta II ngày 28/4/2006, CloudSat là vệ tinh quan sát trái đất của NASA. Thiết bị quan trọng nhất của CloudSat là radar định hình mây 94 GHz. Vệ tinh được phát triển tại Trung tâm Phát triển tên lửa đẩy của NASA ở Pasadena, California, với sự hợp tác của Cơ quan Không gian Canada (CSA). Vệ tinh sử dụng radar để đo đạc độ cao và tính năng của mây và khí hậu, giúp giải quyết những vấn đề về sự ấm lên toàn cầu.

CloudSat bay theo đội hình cùng với vài vệ tinh khác (Aqua, Aura, CALIPSO và PARASOL của Pháp).

CALIPSO (ảnh 6)

Vệ tinh được xây dựng ở Trung tâm Không gian Cannes Mandelieu trong chương trình phối hợp phát triển vệ tinh giám sát môi trường của NASA (Mỹ) và CNES (Pháp). Vệ tinh được phóng trên rocket Delta II ngày 28/4/2006, với nhiệm vụ giám sát aerosol và mây trong 24 giờ/ngày.

Mục đích của vệ tinh là giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các hệ thống khí hậu và dự đoán những thay đổi trong đó

Thục Miên (tổng hợp)
.
.