Phóng viên chụp ảnh hiện trường các vụ án mang biệt danh “chiếc bàn cầu cơ”

Thứ Ba, 24/01/2017, 11:29
Arthur Fellig "Weegee" (1899-1968) là một nhiếp ảnh gia kiêm phóng viên ảnh chuyên chụp hiện trường các vụ án. Ông bắt đầu nổi tiếng từ thập niên 30 - 40 thế kỷ trước, khi chụp các vụ án nhiều ẩn khuất và cảnh đường phố ở khu đông New York.

Nghệ danh "Weegee" kèm theo tên Fellig có nghĩa là "chiếc bàn cầu cơ" bởi niềm đam mê và linh cảm nghề nghiệp đặc biệt luôn khiến ông có mặt tại hiện trường tội ác và các biến cố lớn trước cả cảnh sát.

Thực ra, ông không hề có khả năng tiên đoán hay giác quan thứ sáu tốt hơn một cảnh sát điều tra hay người lính cứu hỏa, đơn giản là ông có cảm quan nhạy bén và luôn chộp được những hình ảnh giá trị mà bất kỳ tòa soạn nào cũng muốn được đăng đầu tiên. Dù không có thẻ hành nghề phóng viên, hằng đêm Weegee vẫn dừng ở các điểm cố định trong phân khu Manhattan để kiểm tra các máy đánh chữ Teletype đã được các đặc vụ sử dụng, nhằm xác định vị trí và lần theo những thông tin thời sự nóng hổi.

Weegee The Famous (1963).

Không dừng ở đó, ông còn được cấp quyền lắp đặt radio chuyên dụng dành riêng cho cảnh sát trên chiếc xe 1938 Chevy Coupe của mình. Tại thời điểm đó, Weegee là phóng viên ảnh duy nhất có đặc quyền này. Ban đêm ông đậu xe sau sở cảnh sát và luôn mở radio để có thể theo dõi tất cả các cuộc hội thoại. Điều này giúp ông kịp thời nắm bắt tin tức từ cảnh sát và lực lượng cứu hỏa vào bất cứ lúc nào.

"Tôi không còn phải phụ thuộc vào máy Teletype ở trụ sở cảnh sát. Tôi có đôi cánh của tôi. Tôi không cần phải chờ các vụ án đến với mình. Tôi có thể theo dấu chúng. Radio cảnh sát chính là chiếc cần câu của tôi. Máy ảnh là cuộc đời, là tình yêu, là chiếc đèn thần Aladdin của tôi”.

Weegee chụp đám trẻ đang ngủ trong một lối thoát hiểm ở chung cư Rivington Street.

Bằng phương thức sản xuất ảnh nhanh và sớm nhất, Weegee chính là một trong những phóng viên tiên phong tạo nên khái niệm "nóng bỏng tay" trong việc cập nhật tin tức của cánh báo chí. Ông luôn thủ trong cốp xe sau những đồ nghề của dân nhiếp ảnh như hóa chất phòng tối, đèn flash, máy ảnh dự phòng và xì gà. Tác phong luôn luôn sẵn sàng "trực chiến" của Weegee là một khái niệm còn khá mới mẻ vào thời của ông.

Weegee luôn có thể sản xuất hình ảnh rất nhanh để gửi cho các tòa soạn đúng lúc chuẩn bị in số báo ngày mới. Các tòa soạn đương nhiên luôn ưu ái sử dụng những hình ảnh "hot" của ông để minh họa cho các tin bài liên quan đến các vụ án mạng hoặc tội phạm vừa mới xảy ra.

Weegee tự học nghề chụp ảnh và gần như không được đào tạo chính quy ở bất cứ đâu. Không ngừng tự rèn giũa kỹ năng của mình bằng kinh nghiệm tác nghiệp thực tế, ông còn để tâm tìm tòi cách tạo dấu ấn riêng trong công việc. Nhiều hình ảnh hiện trường vụ án được ông chụp vào ban đêm bằng máy ảnh 4×5 dòng Speed Graphic và bóng đèn chớp.

Yếu tố kỹ thuật này tạo hiệu ứng tương phản cao cho hình ảnh, khiến chúng mang nét độc đáo và khác lạ. Bởi vì hình ảnh của ông chủ yếu được chụp ngẫu nhiên ngay tại hiện trường và không có kế hoạch dàn dựng trước nên ông phải tìm cách nắm bắt các động thái và biểu cảm của đối tượng một cách nhanh và chính xác nhất.

Bức ảnh Weegee chụp cô đào Marilyn Monroe bằng kỹ thuật đặc biệt khiến gương mặt người đẹp bị méo mó kỳ quặc.

Ông hài hước phát biểu rằng: "Dễ nhất là chụp ảnh một vụ giết người vì tử thi... chỉ nằm bất động một chỗ". Khi được hỏi bí quyết nào để ông luôn bắt được những khung ảnh đắt giá tác động mạnh đến người xem như vậy, Weegee chỉ nhấn mạnh: "Có mặt tại hiện trường và giữ khẩu độ f/8". Dù không ai biết chắc ông có phải là người đầu tiên đưa ra lời khuyên này hay không, nhưng đó quả thật là một gợi ý khôn ngoan.

Việc ông thường qua đêm trong chiếc xe hơi đậu sau sở cảnh sát để nghe ngóng tin tức qua radio liên lạc của họ chính xác là những gì ông làm hàng ngày. Hiển nhiên, ông được "tưởng thưởng" bằng nhiều cuộc gọi quan trọng thông báo về tình hình các vụ án ly kỳ và nghiêm trọng nhất. Xét về yếu tố kỹ thuật, khẩu độ f/8 cho phép chụp ảnh với độ sâu tương đối rộng.

Một góc trưng bày trong triển lãm ảnh "Murder is my business" (tạm dịch: Án mạng là việc của tôi).

Bằng kỹ thuật này, Weegee có thể giữ cho các đối tượng chính trong bức ảnh luôn rõ ràng sắc nét nhất ngay cả khi họ di chuyển. Phóng viên ảnh thường không thể lường trước hết mọi diễn biến của sự việc nên họ buộc phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Vào thời của Weegee thì giới nhiếp ảnh cũng không có máy ảnh tự động lấy nét để giúp họ xác định nhanh chủ thể của bức hình. Ngày nay, câu khẩu hiệu "Có mặt tại hiện trường và giữ khẩu độ f/8" đã trở thành một trong những nguyên tắc căn bản cho các phóng viên ảnh và các nhiếp ảnh gia du lịch.

Weegee qua đời vì một khối u não vào năm 1968. Trước khi chết, ông đã thử nghiệm các kỹ thuật phòng tối làm biến dạng hình ảnh và chụp thông qua lăng kính. Sử dụng một thấu kính nhựa, ông đã thực hiện một bức ảnh nổi tiếng của Marilyn Monroe với khuôn mặt bị bóp méo một cách kỳ quặc nhưng người xem vẫn nhận ra cô đào nổi danh này. Ngoài việc thử nghiệm phong cách nhiếp ảnh mới lạ, ông cũng tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh ở Hollywood từ năm 1946 đến đầu thập niên 1960 với tư cách là diễn viên và chuyên gia tư vấn hình ảnh.

Weegee chụp bức ảnh này trên bãi biển ở đảo Coney. Cô gái đã chọn thời điểm không thích hợp để cười bên cạnh người bạn trai đang nguy kịch do đuối nước.

Những hình ảnh bình dị của cuộc sống và tội phạm ở New York đã trở thành di sản ông để lại cho làng báo thế giới. Những bức ảnh của ông mang một ấn tượng sâu sắc đến nỗi những đồng nghiệp trên toàn thế giới vẫn còn nhắc đi nhắc lại đến tận bây giờ. Nhiều bức ảnh nổi tiếng trong sự nghiệp của Weegee từng được trưng bày tại triển lãm "Murder is my business" do chính ông tổ chức vào năm 1941.

Ngoài ra, cuốn sách ảnh đầu tay của ông "Naked City" in năm 1945 cũng là một ấn phẩm được nhiều người biết đến với 240 bức ảnh chụp được đề tặng cho "những người dân New York”.

Quang Dũng - Hiếu Thảo
.
.