Putinomics và cuộc phá vây

Thứ Ba, 06/03/2018, 16:27
Chỉ còn 2 tuần nữa là tới thời điểm diễn ra cuộc bầu cử để nước Nga chọn ra người lãnh đạo của mình. Thật khó có bất ngờ khi tỷ lệ tín nhiệm mà người dân Nga dành cho tổng thống đương nhiệm V.Putin luôn trên mức 70%, vượt xa các đối thủ khác.

Điều gì đã làm nên một nước Nga vững vàng trước bao vây cấm vận của phương Tây? Điều gì khiến Tổng thống Putin giành được trái tim người Nga. Trong muôn vàn sự thành công, có đóng góp của chính sách kinh tế Putinomics.

Đứng vững trước cuộc bao vây cấm vận từ phương Tây

Giải thích một phần nguyên nhân tại sao Tổng thống Putin lại có thể giành được nhiều thiện cảm và sự ủng hộ của người Nga đến như vậy, Tạp chí Foreign Affairs của Mỹ đã nhận định, chính sự thành công về kinh tế, thông qua chính sách kinh tế mà ông Putin xây dựng - còn gọi là Putinomics đã giúp nước Nga đứng vững trước sự bao vây cấm vận từ phương Tây, kinh tế đạt tăng trưởng tốt và đời sống người dân được cải thiện, trong khi đó, vị thế quốc tế của Nga ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.

Tạp chí Foreign Affairs viết: 3 năm đã trôi qua kể từ khi giá dầu lao dốc năm 2014, làm giảm một nửa giá trị thứ hàng hóa từng tài trợ một nửa ngân sách chính phủ của Nga. Trong năm đó, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với các ngân hàng, công ty năng lượng và lĩnh vực phòng thủ của Nga, loại các công ty lớn nhất của Nga khỏi các thị trường vốn và thiết bị khoan dầu công nghệ cao quốc tế.

Nhiều nhà phân tích - ở Nga cũng như ở nước ngoài - từng cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế có thể đe dọa sự cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Sự thật giờ đây không phải như vậy.

Tổng thống Nga V.Putin. Ảnh: Time Magazine.

Hiện nay, nền kinh tế Nga đã ổn định, lạm phát ở mức thấp trong lịch sử, ngân sách gần như được cân bằng và ông Putin đang dần tiến tới khả năng tái cử vào tháng 3-2018, với nhiệm kỳ tổng thống thứ tư. Tổng thống Putin gần đây đã vượt nhà lãnh đạo Xôviết Leonid Brezhnev trở thành nhà lãnh đạo lâu đời nhất của Nga kể từ thời nhà lãnh đạo Joseph Stalin.

Ổn định là trên hết

Nước Nga đã tồn tại qua thách thức kép là sự sụp đổ về giá dầu và các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhờ một chiến lược kinh tế 3 mũi nhọn. Thứ nhất, tập trung vào sự ổn định kinh tế vĩ mô - duy trì mức nợ và lạm phát thấp. Thứ hai, ngăn chặn sự bất đồng trong dân chúng bằng việc đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp thấp và trợ cấp đều đặn, thậm chí gây phương hại cho mức lương cao hơn hay tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, để cho khu vực tư nhân nâng cao tính hiệu quả. Chiến lược này sẽ không làm cho nước Nga trở nên giàu có hơn, nhưng giữ cho nước Nga ổn định.

Trước tiên, ông Putin hiểu rằng, đất nước cần sự ổn định kinh tế vĩ mô. Kể từ khi ông Putin bắt đầu cầm quyền, ông và giới tinh hoa Nga ưu tiên trả nợ, duy trì thâm hụt thấp và hạn chế lạm phát. Tồn tại qua những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn năm 1991 và 1998, các nhà lãnh đạo Nga biết rằng các cuộc khủng hoảng ngân sách và vỡ nợ có thể hủy diệt sự được lòng dân của một vị tổng thống và thậm chí lật đổ một chế độ, như Boris Yeltsin và Mikhail Gorbachev đều phát hiện ra.

Ngành nông nghiệp Nga đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ảnh: Russia Beyond.

Khi Putin lần đầu tiên nhậm chức, ông đã dành phần lớn khoản thu được từ dầu mỏ của Nga để trả nợ nước ngoài của nước này trước hạn. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Nga đã cắt giảm mạnh chi tiêu cho các dịch vụ xã hội nhằm đảm bảo rằng ngân sách vẫn gần được cân bằng.

Năm 2014, các khoản thu từ dầu mỏ và khí đốt đóng góp khoảng một nửa ngân sách chính phủ của Nga. Hiện nay, thương mại dầu mỏ bằng một nửa mức năm 2014, nhưng nhờ những cắt giảm ngân sách mạnh mẽ, thâm hụt của Nga vào khoảng 1% GDP - thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước phương Tây. Tổng thống Putin đã ủng hộ Ngân hàng Trung ương Nga khi ngân hàng này nâng lãi suất, và qua đó đã hạn chế lạm phát.

Logic của Kremlin là người Nga muốn ổn định kinh tế là trên hết. Để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, Điện Kremlin còn thực hiện chương trình khắc khổ tài chính kể từ năm 2014. Sự hợp lý trong quá trình này đã không gây ra những xáo trộn lớn trong dân chúng.

Mũi nhọn thứ hai trong chiến lược kinh tế của Putin là đảm bảo công ăn việc làm và trợ cấp. Trong cú sốc kinh tế những năm 1990, lương và trợ cấp chính phủ của Nga thường không được chi trả, dẫn đến các cuộc phản kháng và sự mất lòng dân đối với Tổng thống Boris Yeltsin. Bởi vậy, khi cuộc khủng hoảng gần đây nổ ra, Điện Kremlin đã lựa chọn chiến lược cắt giảm lương thay vì để cho tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Mũi nhọn thứ ba của Putinomics là để các công ty tư nhân hoạt động trong những lĩnh vực được phép. Chẳng hạn, ngành công nghiệp năng lượng có ý nghĩa then chốt đối với tài chính của chính phủ, vì vậy các công ty tư nhân ít tham gia. Các công ty thép ít quan trọng hơn, hay các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ, chẳng hạn như các siêu thị...

Chiến thắng kép

Báo Gazeta.ru (Nga) số ra ngày 27-2 có bài viết cho rằng, về kinh tế, dù phải trải qua hai cú sốc là biện pháp trừng phạt từ phương Tây và giá dầu xuống thấp kỷ lục, song nền kinh tế Nga đã vượt qua và đạt đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trên 1,6%, sản xuất công nghiệp cũng tăng 1,6%, các ngành có tốc độ tăng trưởng tốt còn có dược phẩm, nông nghiệp, xuất khẩu nông nghiệp, đặc biệt là ngũ cốc, Nga đã vươn lên vị trí thứ nhất trên thế giới về xuất khẩu ngũ cốc.

Ngoài ra, lạm phát ở mức thấp lịch sử, thâm hụt ngân sách chỉ có 2,2%. Đó là những dấu hiệu về một nền kinh tế khỏe mạnh và tăng trưởng... Do đó, tăng trưởng kinh tế 2% mà các quan chức Nga dự đoán có thể đạt được trong năm 2018, thậm chí trong vòng 7 năm tới.

Phát biểu tại cuộc gặp với đại diện Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản hôm 22/2, Maksim Oreshkin, Bộ trưởng Phát triển kinh tế nhận xét: “Các số liệu mới nhất trong tháng 1-2018 cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu tiêu dùng trong thị trường nội địa đã tăng trở lại với mức tăng ổn định”.

Theo chuyên gia Kirril Tremasov, nền kinh tế Nga khó có thể đạt được tăng trưởng GDP 2% trong năm nay mà có thể sẽ nằm trong khoảng từ 1,5% đến 2%. Nhìn chung, các chuyên gia tin rằng tình hình kinh tế cuối cùng vẫn phải phụ thuộc vào giá dầu, bởi nó không phụ thuộc vào các yếu tố tăng trưởng khác.

Giá dầu trung bình trong tháng 1 là 69 USD/thùng, cao hơn 28% so với tháng 1 năm ngoái. Giá hiện tại thấp hơn một chút so với mức 69 USD, nhưng cơ bản vẫn ở mức khá cao so với năm ngoái, và với giá dầu này thì nền kinh tế Nga có thể vượt qua bất kỳ khó khăn nào. Sự ổn định tăng trưởng kinh tế Nga phụ thuộc vào giá năng lượng, hoạt động tiêu dùng, cũng như sự năng động của các hoạt động sản xuất. Xu hướng hiện nay trên thị trường vàng đen mang đến hy vọng rằng giá dầu có thể giữ ở mức trên 65 USD/thùng.

Bên cạnh đó, các nước tham gia Hiệp ước năng lượng đã nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ. Đại diện của OPEC cho rằng các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông sẽ tuân thủ nghĩa vụ cắt giảm sản lượng dầu đến tận thời điểm sau năm 2018, nếu thấy cần thiết.

Chính sách kinh tế mang thương hiệu Putin

Giờ đây khi kinh tế Nga đã ổn định, vị thế của Tổng thống Putin ngày càng cao, nhiều người vẫn cho rằng Putinomics khó có thể tồn tại. Nhìn lại lịch sử thấy rõ, phương Tây đã từng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với các ngân hàng, công ty năng lượng và lĩnh vực phòng thủ của Nga. Trong một thời gian dài (từ năm 1992 đến năm 2013), phần lợi tức tài nguyên trong nền kinh tế Nga trung bình là 25% và dao động trong khoảng 17% đến 35%.

Sự trừng phạt, bao vây, cấm vận mà Liên minh châu Âu và Mỹ áp đặt đã hạn chế đáng kể sự tiếp cận của các công ty Nga với các thị trường tài chính toàn cầu. Xét về kinh tế, hành động này của phương Tây giống như việc ngừng đột ngột các dòng vốn, mà ở các nền kinh tế mới nổi thường dẫn đến sự suy giảm trong đầu tư, sản lượng và chi tiêu cá nhân.

Hai cú sốc đã gây hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga. Ban đầu, nhiều người đặt hàng loạt câu hỏi như: Những hậu quả chính trị mà nó gây ra có thể là gì? Liệu tác động của trừng phạt có ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn đã chịu hậu quả trầm trọng do giá dầu sụt giảm, hay những sự trừng phạt sẽ làm giảm sự ủng hộ của công chúng dành cho những chính sách của Tổng thống Putin?

Nói tóm lại, Putinomics sẽ tiếp tục tồn tại hay không, và nếu có thì dưới hình thức nào? Nhiều nhà phân tích ở Nga cũng như ở nước ngoài đã cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế có thể đe dọa sự cầm quyền của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh một điều khác.

Với sự nhạy bén của mình, Tổng thống Putin đã cho thi hành hàng loạt chính sách và khẳng định, những chính sách đó là phù hợp với nước Nga. Hàng loạt biện pháp trên đã mang lại lợi thế đáng kể cho nền kinh tế Nga, giúp nền kinh tế Nga ngày càng hội nhập sâu sắc vào nền kinh tế toàn cầu.

Nguyễn Hòa
.
.