Tai nạn thương tâm mùa mưa bão:

Quá đủ cho những lời… “đáng tiếc”

Thứ Hai, 06/10/2014, 18:15

Chưa đến cuối kỳ, nhưng mùa mưa năm nay đã liên tiếp gây ra những cái chết thương tâm trên địa bàn TP HCM và Bình Dương. Những đứa trẻ lội trong nước ngập sụt hố bị nước cuốn, những người lớn bị cây đè, bị rớt xuống hầm ngập nước… đã gây xôn xao dư luận. Những cái chết tức tưởi ấy không thể tiếp tục được biện minh bằng câu nói “trời kêu ai nấy dạ”. Nghiêm túc đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quy trách nhiệm rõ ràng về những thương tích, mất mát xảy ra với người dân… là điều các cơ quan hữu quan cần đối diện!

1. Khá đối lập với hình ảnh quy củ của một thành phố mới, với biểu tượng là trung tâm hành chính đồ sộ và hiện đại nhất cả nước trị giá 1.400 tỉ đồng, con đường 22/12 của thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, chật hẹp, đông đúc và ngập nước bất cứ lúc nào khi trời mưa. Và tại khu chợ Thuận Giao, chỗ trũng nhất, dễ ngập nước nhất của cung đường ấy, là nơi cậu bé 9 tuổi La Văn Tỷ đã bị cuốn vào miệng cống và tử nạn.

Hơn 20 năm sống ở khu vực này, anh Đỗ Văn Thảo, bảo vệ khu phố Hòa Lân 2, cho biết, từ 8-9 năm nay, khi dân cư tập trung về khu vực này, tuyến đường 22/12 cứ có mưa là xảy ra ngập lụt. Tuyến đường cao ở hai đầu và trũng ở đoạn giữa, khu vực chợ Thuận Giao, cứ mưa là trở thành rốn nước.

Theo anh Thảo, nguyên nhân chính của việc ngập lụt là do nước không thể thoát đi đâu được, nên dồn hết vào khu trũng nhất. Nối liền Quốc lộ 13 với trục giao thông chính Mỹ Phước - Tân Vạn, gồng trên lưng vô số cư dân khu vực An Phú, Thuận Giao và công nhân của khu công nghiệp VSIP 1 thuê trọ, cộng thêm nhiều cơ sở sản xuất và nhà máy, nhưng tuyến đường 22/12 bao năm nay không có một hệ thống thoát nước hoàn chỉnh.

Ngay từ những ngày đầu được xây dựng, hệ thống cống thoát nước nằm ven đường còn thiếu cả nắp đậy. Một người bán quán ngay trước lối vào khu dân cư Đại Ngàn cho biết, trước đây, khi hệ thống cống còn chưa được làm nắp che, đã có rất nhiều người lớn bị lọt cả xe máy lẫn người xuống cống, nhưng may không thiệt mạng.

Nhưng có nắp đậy cũng không hẳn đã an toàn. Anh Nguyễn Văn Bình, một người chạy xe ôm trên địa bàn, cho biết: khi trời mưa, nước từ trên cao theo ống cống dồn hết cả về khu vực chợ Thuận Giao, áp lực nước mạnh đến nỗi đẩy bật tung nắp cống lên. Và trong biển nước ngập mênh mông như thế, những miệng cống bị bật nắp há ra, trở thành những miệng hố tử thần chực chờ nuốt người.

Câu hỏi về trách nhiệm trong cái chết thảm thương của hai cháu bé ở Thuận An và Tân Uyên đến giờ vẫn chưa có câu trả lời.

Là những người trực tiếp chứng kiến việc tìm kiếm cháu Tỷ, cả anh Bình và anh Thảo đều khẳng định chuyện nước ngập dồn về đẩy bật nắp cống lên là chuyện tất nhiên mỗi khi trời mưa, và đây chính là nguyên nhân khiến cho cháu Tỷ thiệt mạng.

"Tụi nhỏ con cái công nhân ở trọ trong khu này cứ trời mưa nước ngập là lại nhao ra đường. Chúng nó ham là bởi nước ngập sâu, xe chết máy, chúng phụ người ta đẩy xe qua chỗ ngập thì được cho tiền ăn quà. Chuyện đó quen đến mức chẳng ai còn ra can ngăn nữa. Lúc thằng nhỏ tụt xuống miệng cống, có người đứng gần đó chụp nó lại nhưng không kịp, nên mới la lên cho mọi người biết, chứ không chưa chắc đã biết cháu nó bị nước cuốn xuống cống", anh Thảo cho biết.

"Nước ngập nhanh cũng còn có nguyên nhân là các nhà máy nằm trong khu dân cư tranh thủ cứ trời mưa là bơm nước trong hầm xả ra. Anh ngồi đây trời mưa sẽ rõ, nước không trong như nước mưa mà đen xì, bốc mùi khó chịu. Dân ở đây kêu hoài nhưng rồi đâu cũng vào đó", anh Bình cho biết.

Lượng nước mưa dồn về, cộng thêm lượng nước các nhà máy tranh thủ bơm thải ra, chỉ trông chờ vào đường cống thoát duy nhất… đang được xây dựng suốt 2 năm nay. "Năm ngoái, công ty làm cống thoát nước nối sang khu định cư Việt-Sing, nhưng làm được một đoạn rồi để đó. Sang năm nay, mới bắt tay vào làm tiếp thì chuyện xảy ra. Nếu năm ngoái họ làm xong xuôi thì thằng nhỏ đâu có chết oan uổng vậy", anh Thảo bức xúc.

2. Chỉ sau đúng một ngày, ngày 7/9, một tai nạn thương tâm tương tự lại xảy ra trên địa bàn huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Cháu Lê Văn Mạnh, 7 tuổi, đã tử nạn trên đường đi học về, do bị nước cuốn vào miệng cống lộ thiên trên đường DH409.

Tài xế Quân, người cầm lái chiếc xe 16 chỗ đưa đón học sinh đi học kể lại: Trời mưa to nên tuyến đường DH409 bị ngập, khi tài xế dừng xe để cho một cháu học sinh khác xuống xe thì cháu Mạnh cũng xuống nghịch nước. Tài xe kêu cháu lên xe thì bất ngờ Mạnh trượt chân xuống rãnh sâu ven đường và bị nước cuốn vào họng cống. Anh Quân lao đến nắm tay cháu kéo lại nhưng không được vì nước chảy quá mạnh.

Nhận được tin báo, các ngành chức năng và lực lượng cứu hộ cứu nạn Sở Cảnh sát PCCC Bình Dương đã tiến hành chặn dòng nước để tìm kiếm nạn nhân. Đến 19 giờ, thi thể cháu Mạnh được tìm thấy cách hiện trường gần 20m.

…Và cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ buổi họp báo chính thức nào được tổ chức để trả lời cho câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của 2 cháu bé?

3."Sao vợ tôi chết quá bất ngờ như vậy?" là câu hỏi đau đớn của chồng nạn nhân Nguyễn Thị Nhung (ngụ tại quận 10, TP HCM). Ngày 17/8 vừa qua, cả gia đình chị 4 người đi chung trên một xe máy, khi đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), bất ngờ một cây lim xẹt đổ vào xe. Anh Mai Xuân Ba và 2 đứa con may mắn thoát nạn, nhưng người phụ nữ 36 tuổi này đã qua đời.

Trước sức ép của dư luận, như ở các vụ việc đã có tiền lệ, các đơn vị có trách nhiệm liên quan lại tiếp tục bài ca "bất khả kháng" và lời hứa có những biện pháp khắc phục. Trả lời báo chí về nguyên nhân vụ tai nạn, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TP HCM cũng đưa ra những câu trả lời tương tự.

Trả lời Báo Pháp luật TP HCM, chuyên gia cây xanh Nguyễn Trịnh Kiểm, cố vấn của Công ty Công viên Cây xanh TP HCM cho biết: "Tai nạn cây ngã do thiên tai là bất khả kháng, nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn do thiên nhiên, mà một phần là vì công tác quản lý không tốt. Cụ thể, việc kiểm tra, tỉa cành trước mùa mưa đã không được thực hiện chu đáo, dẫn đến việc cây ngã đè chết người. Trong trường hợp này, Công ty Công viên Cây xanh TP HCM phải chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho gia đình nạn nhân".

Cơ quan duy nhất có động thái thực sự quan tâm đến vấn đề này, có lẽ là Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM. Ngoài việc đưa ra kiến nghị Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cần có những dự báo sớm, cụ thể và chính xác hơn về diễn biến thời tiết tại khu vực TP HCM để người dân chủ động phòng tránh, Sở GTVT còn kiến nghị UBND thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương lập quỹ hỗ trợ thiệt hại về người và tài sản do sự cố cây xanh trên địa bàn thành phố.

Động thái này có lẽ đã khiến cho những người dân TP HCM, hằng ngày vẫn đi lại trên 1.200 tuyến đường dưới bóng 92.000 cây xanh… bớt thắc thỏm trước nỗi sợ không biết khi nào thảm họa sẽ giáng xuống đầu mình, và kinh hãi hơn nữa, là không thể biết được lý do vì sao.

4. Có lẽ khá hiếm hoi, TP HCM mới trải qua những trận mưa kéo dài hơn 3 tiếng. Và những trận mưa này đã gây ra một vụ tai nạn đau lòng cũng hiếm hoi không kém: một nạn nhân đã chết đuối trong hầm gửi xe bị ngập nước.

Một tòa nhà vi phạm quy định về an toàn, một người đồng nghiệp thấy chết mà không cứu... đã cướp đi sinh mạng của anh Duy.

Trong khi các phương tiện truyền thông chỉ nắm sơ bộ thông tin nạn nhân là Nguyễn Hữu Duy (34 tuổi, ngụ quận 7), chết do trượt chân té xuống tầng hầm ngập nước có độ sâu 3m của tòa nhà, một thành viên nắm rõ vụ việc đã kể lại chi tiết hơn trên một diễn đàn mạng.

Nạn nhân mới chỉ gửi xe tại đây hơn 1 tháng. Các buổi sáng, nạn nhân thường đến bãi xe sớm, vệ sinh và khởi động xe, sau đó uống cà phê. Sáng 8/9, người bán cà phê có thấy anh đi xuống hầm nhưng không thấy lên uống cà phê. Một lúc sau, có một tài xế khác chạy xe lên và la to có người té hầm, sau đó phóng xe đi luôn.

Mọi người xung quanh bán tin bán nghi, nhưng vẫn huy động nhân viên và nhiều tài xế khác tổ chức tìm kiếm ở các tầng hầm, thậm chí lội xuống tầng ngập nước (tầng này nước chỉ sâu ngang đầu gối, nạn nhân không may bị rơi xuống hố thang máy sâu 3m) nhưng không phát hiện được gì, vì thế mọi người cho rằng anh tài xế kia hoa mắt...

Đến buổi chiều, một tài xế khác phát hiện và nhặt được một chiếc giày tây còn khá mới, nhưng vẫn không nghĩ rằng đó chính là giày của nạn nhân. Chiều 8/9, công ty của nạn nhân mới điện thoại cho bãi xe hỏi thăm anh Duy có đi làm không, mọi người lúc đó mới té ngửa là thật sự có người té hầm.

Do nạn nhân cũng mới gửi xe ở đây không lâu và ít tiếp xúc với các tài xế khác nên ít người biết anh là ai. Mọi người bèn tập trung điểm danh toàn bộ tài xế ra vào hàng ngày, và xem lại toàn bộ camera giám sát.

Do vị trí nạn nhân bị ngã nằm khuất khỏi tầm quan sát của camera nên vẫn không phát hiện được gì. Đúng lúc đó, người tài xế chứng kiến cảnh anh Duy bị ngã trở về, và khẳng định có người té hầm. Lúc đó, chủ bãi xe mới gọi điện báo công an.

Chính điều này đã lý giải thắc mắc của dư luận khi đọc báo và thấy băn khoăn rằng tại sao nạn nhân bị ngã từ sáng, mà cho đến tận chiều lực lượng người nhái của Cảnh sát PCCC TP HCM mới đến tìm kiếm thi thể nạn nhân.

Nguyên nhân tử vong được xác định như sau: Do ngày hôm trước mưa lớn nên dưới chân dốc tầng 3 bị ngập. Khi nạn nhân xuống lấy xe, vì sợ ướt nên đã đi tắt qua lối có lỗ thông gió và thoát nước (lỗ này thông từ trên tầng 1 đến tầng 6, nhưng thực ra thông đến tầng 9 vì các tầng được thiết kế so le) và không may bị trượt chân ngã xuống dưới.

Theo thông tin của lực lượng cứu nạn, riêng tầng hầm thứ 6 vì không sử dụng nên lâu ngày nước mưa tồn đọng thành một hồ rộng hơn 100m2 và tích nước với độ sâu hơn 3m. Lực lượng người nhái cứu nạn đã phải dùng bình dưỡng khí mới có thể xuống tận đáy đưa thi thể nạn nhân lên trên.

Đáng trách nhất trong vụ việc này là người tài xế đồng nghiệp, trực tiếp chứng kiến nhưng không trực tiếp tìm kiếm, cứu giúp nạn nhân. Tại Cơ quan điều tra, người này khai nhận là phát hiện anh Duy rơi từ tầng hầm thứ 3 xuống tầng hầm thứ 6, nhưng do đang vội nên đã báo với bảo vệ rồi đi. Đến khi chiều về anh này hỏi lại bảo vệ, biết rằng tìm không thấy nên mới gọi báo cho cơ quan chức năng.

Nhưng còn trách nhiệm xung quanh việc để một cao ốc bị đình chỉ xây dựng từ năm 2007 do vi phạm quy định (chỉ được phép làm 3 tầng hầm, nhưng tự đào tới 6 tầng), lại cho sử dụng mặt bằng để kinh doanh gửi xe, không đảm bảo điều kiện an toàn, để rồi gây ra thiệt hại về nhân mạng, thì sao?

Tối ngày 6/9, em La Văn Tỷ (9 tuổi, quê An Giang, tạm trú tại khu phố Hoà Lân 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương) đã bị mất tích dưới cống thoát nước. Lực lượng chức năng đã phải dùng máy bơm rút bớt nước trong hệ thống cống ngầm để hàng chục người nhái cứu hộ thuộc Sở Cảnh sát PCCC Bình Dương mò tìm thi thể cháu Tỷ dưới cống. Phải đến 0 giờ ngày 9/9, thi thể cháu Tỷ mới được tìm thấy, cách chỗ bị cuốn trôi gần 1km.

Trả lời báo chí, đại diện Sở GTVT Bình Dương cho biết tuyến đường 22/12 do thị xã quản lý nên trách nhiệm trực tiếp thuộc về UBND các thị xã. Còn ông Lâm Trung Cang, Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Thuận An cho rằng, nếu Sở NN&PTNT quan tâm đến hệ thống thoát nước cho khu vực này thì đã không xảy ra tình trạng nói trên.

Đại diện UBND phường Thuận Giao cho rằng, do dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn chưa hoàn thành nên nước không thoát được. Ông Lê Cảnh Dần, Phó giám đốc Sở NN&PTNT (đồng thời là Trưởng ban quản lý dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn, thì lại cho rằng, một trong những lý do khiến nước tại đường 22/12 thoát chậm do có rất nhiều rác làm chặn dòng chảy.

Việt Đông
.
.