Quá nhiều những Website sai phạm: Cần có sự phối hợp quản lý đồng bộ

Thứ Sáu, 26/09/2008, 14:15
Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến tháng 8/2008 đã có khoảng 82.000 tên miền vn đã đăng ký. Mà thông thường mỗi tên miền tương ứng ít nhất với một website. Như vậy, hiện có một lượng lớn website của Việt Nam đang hoạt động.

Đó là chưa kể đến website mang tên miền quốc tế. Vậy với một lượng lớn website đang hoạt động như vậy thì công tác quản lý chủ động như thế nào. Bởi thời gian qua, không ít website, dù vô tình hay cố ý đã mắc sai phạm mà lại là sai phạm nghiêm trọng về mặt nội dung.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Đội Văn hóa, Phòng An ninh văn hóa – tư tưởng (PA25), Công an Hà Nội đã phát hiện website: www.xalo.vn và xalo.com.vn vi phạm nghiêm trọng khi cung cấp thông tin đi ngược với đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và xuyên tạc hình tượng lãnh tụ của Việt Nam.

Đây là những website thuộc Công ty Cổ phần Truyền thông Tinh Vân, có trụ sở tại tầng 8, khách sạn Thể thao, làng Sinh viên Hacinco do Phạm Thúc Trương Lương là Tổng giám đốc.

Theo giấy phép số 184/GP-CBC của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, hai website trên của Tinh Vân được phép hoạt động từ ngày 10/6/2008 với mục đích cung cấp thông tin tìm kiếm trên mạng Internet. Để hiểu một cách cụ thể có thể hình dung nó như công cụ tìm kiếm Google của Mỹ, nhưng chỉ khác ngôn ngữ tìm kiếm là bằng tiếng Việt.

Với tham vọng trở thành một tập đoàn lớn mạnh ghi tên trên “bản đồ” công nghệ thông tin thế giới, Tinh Vân dự định trực tiếp cạnh tranh quyết liệt với Google bằng cách tạo ra một giao diện đơn giản nhưng cũng khá bắt mắt với màu chủ đạo là xanh da trời. Trên đó hướng dẫn phương cách tìm kiếm cũng như phương tiện cung cấp thông tin tìm kiếm như: Tin tức, diễn đàn, hình ảnh, blog, web...

Để www.xalo.vn hoạt động chính thức theo nhiều thông tin đăng tải trên mạng, Tinh Vân đã đầu tư 2 triệu USD cho bản thử nghiệm công cụ tìm kiếm xalo.vn. Tinh Vân hy vọng, từ website này, sẽ thu lợi nhuận khổng lồ từ tiền quảng cáo. Vì nếu hoạt động “ngang ngửa” với Google, nó sẽ là thị trường quảng cáo đầy màu mỡ.

Tuy nhiên, tham vọng lớn mà Tinh Vân được xem như là nền tảng cho sự phát triển không được chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt là về ý thức chính trị, hành lang pháp lý... một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp nên Tinh Vân đã mắc sai phạm.

Nói một cách chính xác những sai phạm ấy, Tinh Vân không hình dung được cụ thể  khi đưa xalo.vn vào hoạt động. Tinh Vân chỉ chăm chăm làm sao cung cấp nhiều thông tin nhất cho người tìm kiếm. Mà những thông tin ấy lại không chọn lọc trong khi có một số website, đặc biệt là của nước ngoài mang nội dung tiêu cực nhằm bôi xấu con người và đất nước Việt Nam.

Vì vậy nhiều thông tin do xalo.vn tìm kiếm và cung cấp  đã vi phạm luật pháp. Theo nguyên tắc tìm kiếm của Tinh Vân, với một từ khóa đưa ra, Tinh Vân sẽ cung cấp những thông tin có nhiều từ khóa ấy nhất. Và cứ theo mật độ xuất hiện của từ khóa đó mà sắp xếp thông tin cung cấp theo trình tự từ nhiều đến ít.

Chẳng hạn, với từ khóa “Tự do”, thì Tinh Vân sẽ đưa ra đầu tiên thông tin nào có nhiều chữ “Tự do” nhất. Sau đó mới đến những thông tin có ít chữ “Tự do” hơn, bất luận thông tin có chữ “Tự do” đó xuất xứ từ đâu. Với phương thức lập trình kiểu “máy móc” như vậy nên với những thông tin tìm kiếm và cung cấp, Tinh Vân không kiểm soát được nhất là nội dung cung cấp lấy từ blog.

Theo lời khai của người phụ trách kỹ thuật của Công ty Tinh Vân, trong “kho” của công ty gồm 6 triệu trang web của cả trong nước và nước ngoài. Với 6 triệu trang ấy với công nghệ và con người của Tinh Vân thì Tinh Vân cũng không thể kiểm soát nổi về mặt nội dung. Và đây chính là nguyên nhân đẩy Tinh Vân vào sai phạm. 

Để khắc phục sai phạm này, hiện nay, Tinh Vân đã lập trình theo hình thức chỉ lấy thông tin của những website trong nước (có tên miền vn) để cung cấp cho người tìm kiếm. Và vì sai phạm đã mắc phải, Tinh Vân đã bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng.

Cũng như Tinh Vân, website Intellasia.com của Công ty TNHH Trí tuệ Á Châu, đăng ký máy chủ ở Mỹ cũng sai phạm về mặt nội dung. Tuy nhiên, không phải vô tình như Tinh Vân mà công ty này đã cố ý làm trái với quy định của pháp luật và cũng bị Đội Văn hóa của PA25, Công an Hà Nội xử lý.

Công ty Trí Tuệ Á Châu trên danh nghĩa do Nguyễn Thị Minh Tâm làm giám đốc nhưng thực tế mọi điều hành, tổ chức đều do Peter Jonathon Leech, quốc tịch Australia, chồng của  Tâm thực hiện.

Thành lập tháng 5/2002, Công ty TNHH Á Châu được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy phép hoạt động với mục đích  quảng cáo thương mại, dịch vụ cung cấp thông tin thị trường, đại lý cung cấp các dịch vụ Internet, tư vấn trong lĩnh vực thông tin, tin học.

Nhưng không tập trung hoạt động theo những ngành nghề đã đăng ký kinh doanh, Công ty Trí tuệ Á Châu chuyên thu thập các tài liệu, báo chí của cả trong nước và nước ngoài sau đó dịch sang tiếng Anh (với những tài liệu trong nước) rồi phân loại theo từng lĩnh vực: chính trị xã hội, thương mại, tài chính, đấu thầu, pháp luật, văn hóa.

Đặc biệt trong số tài liệu Á Châu thu thập có nhiều nội dung liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, dân chủ, nhân quyền... Với những nội dung đã biên dịch đó, Peter Leech cho đăng tải lên trang web của công ty. Đây là một quá trình có thể nói được thực hiện bài bản và có quy mô.

Theo lời khai của nhân viên làm việc trong Công ty Trí tuệ Á Châu: với những lĩnh vực đã được giao phó, mỗi nhân viên làm ở bộ phận khai thác thông tin có nhiệm vụ hàng ngày thu thập thông tin qua báo chí trong nước, Internet hoặc các “kênh”  riêng thông tin mà họ đảm trách.

Trước khi chuyển sang cho Peter Leech kiểm tra và hiệu đính, tất cả những thông tin ấy được các nhân viên dịch sang tiếng Anh.  Khi đã “hậu” kiểm xong, Peter Leech chuyển cho bộ phận kỹ thuật để họ “đẩy” lên mạng qua website Intellasia.com.

Riêng những lĩnh vực “nhạy cảm” như: chính trị, dân chủ, nhân quyền..., nói chung những lĩnh vực nằm trong chuyên mục “Govermence” (Chính phủ) thì Peter Leech trực tiếp thực hiện, trừ khâu kỹ thuật. Peter Leech thu thập thông tin của các lĩnh vực này chủ yếu từ báo chí nước ngoài như:  BBC, AFP, RFA... và hầu hết là những thông tin  đi ngược lại chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam. Không chỉ “tung” lên mạng, Trí tuệ Á Châu còn kinh doanh những thông tin có được cho những người có nhu cầu bằng cách gửi vào hộp thư hoặc địa chỉ riêng.

Nói qua về nhân thân, Peter Leech sinh năm 1959, bắt đầu nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 1995 và từ đó đến thời điểm bị phát hiện hành vi sai phạm vào năm 2007, Peter Leech liên tục ở Việt Nam khi thì với vai trò đại diện cho một công ty của Mỹ, lúc thì là chuyên gia kỹ thuật đồ họa của một doanh nghiệp...

Peter Leech là người ngoan cố. Khi làm việc với đoàn thanh tra liên ngành của Công an Hà Nội và Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, Peter đã có hành vi chống đối như lăng mạ, xua đuổi...

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Peter Leech đã vi phạm cung cấp thông tin trên Internet mà chưa có giấy phép của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) cấp, chưa có giấy phép của người lao động nước ngoài tại Việt Nam và tuyên truyền nhiều thông tin làm ảnh hưởng xấu đến Việt Nam. Với những sai phạm như vậy, Peter Leech phải chịu xử lý theo pháp luật của nước sở tại.

Trước không ít những sai phạm xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, về công tác quản lý, ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, trước hoạt động rất phức tạp cả về nội dung lẫn số lượng của website hiện nay, công tác quản lý của các cơ quan chức năng thực tế đang diễn ra rất khó khăn, nhất là khi đây lại là một lĩnh vực còn mới mẻ và đang phát triển.

Ông Hải nói: “Chỉ đơn cử về phát hiện sai phạm, một mình cơ  quan quản lý thực tế hiện tại không kiểm soát hết được mà phải dựa vào nhiều “kênh” theo dõi khác hiện nay như báo chí, cơ quan Công an, thông tin cá nhân...”.  Nhưng đó cũng chỉ là phát hiện sai phạm về nội dung còn vi phạm về thủ tục hành chính như giấy phép hoạt động thì cơ quan quản lý thực tế cũng chưa nắm rõ được.

Như năm 2007 trong số 21 vụ xử lý vì vi phạm thì hầu hết đều sai phạm về nội dung. Ông Hải nói: “Vì không phải đối với website nào, Bộ Thông tin - Truyền thông, cụ thể là Cục Quản lý phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử cũng cấp phép. Bởi với những website của doanh nghiệp thì giấy phép không do ngành chúng tôi cấp”.

Hơn nữa, ông Hải cho biết thêm, các văn bản quy định, nghị định để quản lý hoạt động của website nói chung hiện nay vẫn chưa theo kịp thực tế phát triển của nó. Minh chứng là các văn bản, nghị định ấy phải bổ sung liên tục. Cụ thể Bộ Thông tin - Truyền thông vừa ban hành Nghị định 97/2008/NĐ-CP  để thay thế tất cả những nghị định trước đây.

Đã thế đội ngũ quản lý còn mỏng. Để khắc phục tình trạng này đồng thời để công tác quản lý hiệu quả hơn, Bộ Thông tin - Truyền thông đang trình Chính phủ văn bản quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn... của lực lượng thanh tra của Bộ và của các Sở Thông tin - Truyền thông.

Ông Hải kết luận: “Để quản lý tốt các trang tin điện tử, báo điện tử... thì còn cần phải phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên ngành trong toàn xã hội. Bởi thực tế ngành, bộ nào cũng có những website riêng hoạt động...”.

Và với tốc độ phát triển chóng mặt như hiện nay thì không chỉ cần sự quản lý liên ngành giữa các cơ quan chức năng mà một trong những nguyên nhân không thể thiếu trong lĩnh vực hoạt động website là ý thức pháp luật của mỗi cá nhân, đặc biệt dưới hình thức blog

Duy Hưng
.
.