Quan đánh cờ, thầy mượn nợ

Thứ Bảy, 14/07/2012, 07:35

Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Thanh Lèo, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Sóc Trăng diễn ra vào hai ngày 9 và 10/7/2012, tại Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Ông Lèo đối diện với tội danh "Đánh bạc". Bị khởi tố cùng tội danh với ông Lèo là hai người khác gồm ông Trần Văn Tân (nguyên Giám đốc Trung tâm sát hạch và cấp phép lái xe) và ông Đinh Văn Mười (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Sóc Trăng). Ngoài ra, ông Tân còn bị truy tố bởi hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” của ông Lèo.

Quan đánh cờ

Theo những gì mà truyền thông đã đưa trước phiên tòa dự kiến ngày xét xử ông Nguyễn Thanh Lèo, thì ông đã sút đi 2 kg, do bị các chứng bệnh hành hạ kể từ ngày bị bắt tạm giam phục vụ cho công tác điều tra. Sự suy kiệt về sức khỏe chủ yếu là bởi những sang chấn về mặt tâm lý.

Ông Lèo bảo rằng, vài mươi năm trước, ông và ông Tân là bạn đồng khóa ở Trường Công nông. Thời gian trôi qua, nhiều năm sau, ông gặp lại ông Tân tại sân đánh tennis. Lúc này, ông Lèo là Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh, còn ông Tân là Giám đốc Trung tâm sát hạch và cấp phép lái xe.

Đại gia tầm cỡ thì chắc chắn ông Tân và ông Lèo khó vươn đến vị trí đó. Nhưng đại gia tầm trung, vài trăm triệu đồng không đủ làm xao lòng, thì trong bảng xếp hạng xứng đáng có tên ông Tân và ông Lèo. Thế nên, những lúc kẹt sân tennis, hai ông thường rủ nhau đánh cờ tướng giải khuây. Ban đầu, chỉ là đánh giết thời gian. Về sau, nâng cấp lên ai thua thì trả tiền nước. Về sau nữa, vào năm 2008 thì bắt đầu đánh cờ ăn tiền. Số tiền mà ông Lèo thua ông Tân lần đầu tiên là 50 triệu đồng.

Thời điểm 2008 hay cả thời điểm này, thì 50 triệu đồng là số tiền hoàn toàn không nhỏ, nếu tính thu nhập bình quân đầu người mới nhất vào năm 2011 là 1.300USD/người/năm, tròm trèm 27 triệu đồng, tức 1 ván cờ của ông Tân và ông Lèo gần bằng 2 năm thu nhập bình quân cá nhân. Hơn nữa, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người tăng cao hơn nhiều % so với năm 2008.

Bài tính đơn giản, một công nhân phổ thông làm việc tăng ca quần quật, không ăn không uống, không đau không bệnh, không cưới không hỏi, không ma chay đám lễ… tính luôn tiền phụ cấp, tiền thưởng lễ tết, tiền tăng ca… trong suốt một năm thì khả năng  sẽ đủ sức… đánh một ván cờ với ông Lèo và ông Tân vào năm 2008.

Nhà riêng của Nguyễn Thanh Lèo.

Thua nhiều đâm cáu, liên tiếp những lần sau, ông Tân và ông Lèo đều tỉ thí phân cao thấp bằng cờ với số tiền đặt cược ngày càng tăng lên gấp nhiều lần con số 50 triệu đồng. Có lúc, ông Lèo thua ông Tân một ván cờ đến vài tỉ đồng. Lần này, tôi không so sánh số tiền ấy với thu nhập chân chính của bất kỳ ai nữa.

Thấy ông Tân thắng tiền ông Lèo dễ quá, nên ông Mười cũng nhào vào kiếm tiền tiêu vặt. Đánh mãi cho đến lúc bị bắt là vào cuối năm 2011, ông Lèo đã thua ông Tân hàng chục tỉ đồng và ông Mười hơn 500 triệu.

Do thua tiền quá nhiều, ông Lèo mất khả năng chi trả, tài sản của ông lần lượt chuyển sang ông Tân.

Bây giờ thì không còn tình nghĩa đồng môn, đồng khóa hay bạn bè gì cả… Đòi hoài không thấy ông Lèo trả, ông Tân đã mướn giang hồ đến nhà ông Lèo để truy nợ. Chịu không thấu, ông Lèo báo cáo toàn bộ vụ việc đến Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng, theo đúng kiểu "Trạng chết Chúa cũng băng hà". Kết quả, ông Tân, ông Lèo, ông Mười và những gã được mướn đi đòi nợ đều bị Cơ quan Công an bắt giữ. Vụ án gây nên cơn địa chấn của dư luận ở thời điểm cuối tháng 12/2011.

... thầy mượn nợ

P>Những ngày đầu tháng 7 này, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng bộ môn Sinh - Hóa trường THPT An Lạc Thôn vừa phải giải trình với Ban giám hiệu nhà trường, theo yêu cầu của Ban tổ chức Huyện ủy Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Thầy Hải buộc phải giải trình là bởi trước đó, thầy phải vay mượn với tổng số tiền là 16 triệu đồng để… đưa học sinh của mình ra Hà Nội nhận giải thưởng  cho hai đề tài đoạt giải của cuộc thi "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước".

Thầy Hải phải mượn tiền là bởi, sau khi học trò đoạt giải thì thầy mới nhận được thông tin là Ban tổ chức cuộc thi không tài trợ kinh phí ra Hà Nội nhận giải, nên nếu muốn học trò mình được vinh danh tại lễ trao giải thầy phải tự vận động, xoay xở.

Một lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ thầy 5 triệu. Còn lại, không có ai… Buộc lòng, thầy phải vay mượn nhiều người từ bạn bè cho đến đồng nghiệp số tiền 16 triệu đồng, nhằm đủ kinh phí đưa học trò ra Hà Nội.

Công văn yêu cầu kiểm điểm thầy Nguyễn Ngọc Hải của Ban Tổ chức Huyện ủy huyện Kế Sách (Sóc Trăng).

Trong 8 năm liên tiếp, thầy Hải đã hướng dẫn học trò của mình tham gia làm đề tài ở cuộc thi này. Và có tổng cộng 19 đề tài của học trò thầy đoạt giải. Năm nay, học trò của thầy đoạt giải khuyến khích cho đề tài "Xử lý nước thải bằng hệ thống lọc đa năng" và giải 3 với đề tài "Lọc nước bằng than vỏ gòn".

Sau khi đến Hà Nội, nhận giải thưởng và khi trao đổi với giới truyền thông, thầy có kể lại toàn bộ chuyện mình tự thân vận động để đưa học trò ra Hà Nội. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã phát đi toàn bộ câu chuyện này.

Ngay khi VTV vừa đưa tin xong, từ Hà Nội về lại địa phương, thầy Hải phải giải trình vì theo Ban tổ chức Huyện ủy Kế Sách thì "Chi bộ Trường THPT An Lạc Thôn họp bất thường kiểm điểm thầy Nguyễn Ngọc Hải vì sao lại để Đài Truyền hình VTV1 phản ánh các cấp lãnh đạo của tỉnh Sóc Trăng thiếu quan tâm, chăm lo kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong việc thầy trò đi nhận giải thưởng cuộc thi quốc gia “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” lần thứ 9 diễn ra ngày 11/6/2012 tại Hà Nội...". (Công văn chỉ đạo của Ban tổ chức Huyện ủy Kế Sách gửi Chi bộ Trường THPT An Lạc Thôn).

Thực hiện chỉ đạo của chi bộ trường, thầy Hải đã giải trình "Không có ý nói xấu lãnh đạo địa phương".

Báo chí vào cuộc, Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc Thôn bảo rằng, chỉ là giải trình chứ không là kiểm điểm. Còn Bí thư huyện Kế Sách khất hẹn với các phóng viên rằng: "Sẽ trả lời sau".

Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi và hồ nghi về tương lai của thầy Hải trong những năm công tác còn lại tại Trường THPT An Lạc Thôn.

Thầy Nguyễn Thanh Hải (đứng sau) hướng dẫn học trò của mình làm thí nghiệm. Ảnh - NLD Online.

Thấy gì ?!

16 triệu so với số tiền mà ông Lèo đã thua cờ, thì không khác gì yêu cầu cân đo đong đếm khối lượng giữa… chuột và voi.

Ông Lèo chơi cờ, chắc chắn là vì đam mê cá nhân. Ban đầu đam mê, sau thua nhiều mới cáu. Con bạc nào mà không khát nước.

Đam mê cá nhân, tức là phục vụ cho chính bản thân mình, không phải cho công việc chung mà ông đang đảm trách với cương vị là Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng.

Gọi ông Lèo là quan chức, thì cũng phải gọi ông Mười là quan chức.

Ông Lèo là Phó giám đốc Sở, thì ông Mười là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Sóc Trăng.

Hiểu đơn giản nhất, thì Ủy ban Kiểm tra chính là cơ quan được tổ chức phân công giám sát, đánh giá năng lực, phẩm chất đạo đức của từng cán bộ đảng viên, quan chức lãnh đạo… để từ đó có hướng đề nghị xử lý những cán bộ đảng viên biến chất, tha hóa.

Nhưng, ông Mười thì khác.

Nghe ông Tân thì thầm chơi cờ với ông Lèo dễ ăn, ông Mười đã nháo nhào xông vào đánh cờ với ông Lèo để kiếm… chút cháo.

Ông Mười ở Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, ông Mười thừa sức hiểu việc đánh cờ ăn tiền triệu với ông Lèo là vi phạm các quy định dành cho cán bộ đảng viên.

Tuy nhiên, vì số tiền bòn rút được từ khả năng đánh cờ… dở vô song của ông Lèo, ông Mười đã bất chấp tất cả.

Sự vụ nghiêm trọng là vậy, song chỉ có mỗi ông Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng bị khiển trách vì hành vi sai phạm của thuộc cấp. Còn lại, không thấy ai bị nhắc nhở hay kiểm điểm gì (?!).

Theo như trả lời của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Sóc Trăng thì, việc chịu trách nhiệm khi để thuộc cấp vi phạm trong trường hợp của ông Mười thuộc về Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Sóc Trăng, nên phía tỉnh không có động thái kiến nghị xử lý quan chức cấp trên của ông Mười có trách nhiệm liên quan.

Ngay khi ông Lèo khai với Cơ quan Điều tra có thua tiền đánh cờ với ông Mười, ông Mười đã một mực phủ nhận toàn bộ câu chuyện này.

Rõ ràng, ở thời điểm đó, ông Mười vẫn còn hy vọng vào "một sự giải cứu". Thế nhưng, "phép lạ" đã không xảy đến đối với ông Mười.

Vì tiền, ông Mười đã tạm thời quên bẵng chức trách mà mình được tổ chức giao phó. Ông đồng lõa với sai phạm của ông Tân, mục đích quá rõ ràng, là để trục lợi cá nhân. Một khi là quan chức, mà chỉ chăm chăm vào động cơ cá nhân, thì làm sao có thể nghĩ đến chuyện phục vụ vì cộng đồng, vì xã hội…

Trở lại câu chuyện của thầy Hải.

Tôi hoàn toàn không tin thầy Hải vay tiền để đưa học trò ra Hà Nội nhận giải là hành động có động cơ cá nhân.

Vì thầy muốn những học trò của thầy phải được tận hưởng niềm vui từ thành công của đề tài mà thầy trò thầy đã mày mò nghiên cứu, thực hiện.

Đề tài của thầy trò thầy Hải được Ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao, vì có khả năng giúp người dân đang sinh sống tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cải thiện nguồn nước một cách đơn giản, an toàn và hiệu quả.

Thay vì được tạo điều kiện tối đa để thầy trò thầy Hải đi nhận giải, thì một số cơ quan hữu trách của tỉnh Sóc Trăng đã nghĩ khác.

Họ bỏ mặc thầy trò thầy Hải, quên cả đây là cơ hội để biểu thị sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với những nhà khoa học trẻ, đối với sự ươm mầm phát triển tài năng… Từ sự biểu thị này, chính quyền địa phương sẽ thu lại được rất nhiều cái lợi khác.

Thay vào đó, dư luận đã được chứng kiến một kịch bản hoàn toàn khác. Khác đến mức, không ai có thể suy diễn hoặc tưởng tượng ra được.

Vài năm trước, tôi có bài viết ngắn, phản ánh thực trạng "sợ xấu hổ" của địa phương.

Có vợ chồng anh chị ở Bến Tre, nghèo đứt ruột. Chồng bị tai nạn, vợ lò dò lên Bệnh viện Chợ Rẫy nuôi chồng. Cái ăn còn khó huống gì tiền viện phí, các bác sĩ ở bệnh viện thương tình, hướng dẫn chị về địa phương làm cái đơn xin chính quyền xác nhận anh chị thuộc diện hộ nghèo để được miễn giảm viện phí.

Thế nhưng, chính quyền địa phương kiên quyết không xác nhận anh chị là hộ nghèo, mà chỉ xác nhận "Đây là hộ cận nghèo".

Cận nghèo tức là sắp nghèo, có khả năng nghèo chứ… hoàn toàn chưa nghèo. Mặc cho chị chăm sóc chồng bằng sự hỗ trợ của những thân nhân đang nuôi người bệnh khác.

Hỏi chị, sao lại có kiểu xác nhận "cận nghèo" quái đản vậy. Chị trả lời: "Mấy anh ở xã nói, huyện đã xác định tất cả các xã trong huyện đã không còn hộ nghèo nữa. Nên tất cả các hộ nghèo được nâng cấp lên thành hộ… cận nghèo".

Chuyện của thầy trò thầy Hải tự dưng làm tôi nhớ đến chuyện của vợ chồng chị.

Thay vì sửa đại cục, sửa chuyện lớn, thì dường như, một số người có trách nhiệm ở Sóc Trăng chỉ thích săm soi vào tiểu tiết.

Thay vì nhận khuyết điểm, thực sự cầu thị để phục vụ cho người dân tốt hơn, thì họ lại chăm chăm sợ "bẽ mặt địa phương". Một chuyện thật buồn mà đúng ra không đáng có

Ngô Kinh Luân
.
.