Quản lý - nghệ sĩ “đứt gánh giữa đường”: Khi hợp đồng ký bằng… niềm tin

Thứ Ba, 10/03/2020, 20:53
Việc một nghệ sĩ ký hợp đồng và hoạt động dưới trướng của công ty quản lý là hình thức “cộng sinh phát triển”, việc làm phổ biến của các nghệ sĩ không chỉ ở US-UK, Hàn Quốc... mà Việt Nam cũng thế.

Đặc biệt, trong giai đoạn các hoạt động giải trí chuyên nghiệp không ngừng phát triển và cạnh tranh “khốc liệt”, người quản lý đóng vai trò rất quan trọng, không thể tách rời với ca sĩ.

Tuy nhiên, trong quá trình cộng tác, việc xảy ra mâu thuẫn giữa nghệ sĩ và công ty quản lý là điều khó tránh khỏi. Thậm chí, có những cuộc chia ly khiến những người trong cuộc từng “cạch mặt” nhau.

Mối lương duyên “đoản mệnh”

Mới đây nhất, hai nữ ca sĩ Orange và LyLy lên tiếng tố công ty của Châu Đăng Khoa về hành vi gian lận thiếu minh bạch trong vấn đề tài chính. Hai ca sĩ này cũng bày tỏ những bức xúc về đường hướng phát triển âm nhạc của công ty dành cho mình.

Đáp lại những tố cáo, nam nhạc sĩ thừa nhận việc sai sót trong vấn đề ăn chia tiền bạc, chuyện đạo nhạc nhưng khẳng định có người đứng sau xúi giục Orange và LyLy. Hiện, vụ việc vẫn rơi vào tranh cãi với nhiều góc khuất trong quá trình hợp tác được hé lộ.

Ông bầu Hoàng Tuấn và ca sĩ Đan Trường đã có 23 năm gắn bó trong sự nghiệp.

Trước đó, cuộc “chia tay” đầy sóng gió giữa nam ca sĩ Jack và công ty quản lý cũng chưa đi đến hồi kết. Theo các bên, công ty quản lý đã bóc lột sức lao động của nam ca sĩ bằng cách liên tục nhận show diễn mà không quan tâm đến sức khỏe của anh, tiền nhận show rất cao nhưng thù lao của Jack “thấp tới mức không tưởng”.

Thậm chí, Jack còn bị công ty giải trí quản lý toàn bộ điện thoại, tài khoản cá nhân và công ty này cũng từng tự tung ra nhiều scandal khiến Jack mang tai tiếng(?).

Sau khi chấm dứt hợp đồng với công ty, phía bạn bè của Jack cho biết, anh không có tiền bạc gì sau thời gian dài gắn bó và làm việc cật lực. Cùng với đó, toàn bộ các ca khúc của Jack sáng tác và thể hiện đều đã được đăng ký bản quyền dưới tên công ty quản lý, thậm chí, những bài hát Jack sáng tác trước khi gia nhập công ty hiện cũng được đứng tên sở hữu của công ty này. Tuy nhiên, sau một thời gian dài suy sụp, nam ca sĩ đã có những hướng đi riêng cho bản thân.

Còn nhớ, năm 2016, Sơn Tùng MT-P từng mâu thuẫn với công ty quản lý cũ. Lúc này, công ty quản lý khẳng định, giọng ca “Hãy trao cho anh” vi phạm hợp đồng đã cam kết. Phản ứng trước lời tố cáo này, Sơn Tùng lên tiếng cho biết nguyên nhân đầu tiên khiến anh quyết định thanh lý hợp đồng với công ty quản lý chính là lịch làm việc quá dày đặc.

“Kế hoạch, chiến lược và môi trường làm việc của công ty không phù hợp với tôi và tôi cảm thấy không có đủ sức khỏe để chạy show mỗi ngày khắp mọi miền đất nước ngay cả lúc bệnh như thời gian qua. Hơn nữa, tôi hoàn toàn không có thời gian bảo đảm chương trình học tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh vì lịch diễn công ty nhận cho tôi quá dày, hầu như không có ngày nghỉ”, nam ca sĩ cho hay.

Sơn Tùng M-TP từng có mâu thuẫn với công ty quản lý cũ trước khi “Nam tiến”.

Giọng ca gốc Thái Bình thậm chí còn tố ngược đơn vị quản lý không tạo điều kiện để nghệ sĩ phát huy hết khả năng chuyên môn, đặc biệt là “cấm túc” anh lưu diễn trong vòng 6 tháng. Cuối cùng, nam ca sĩ đã Nam tiến ngay sau khi thúc hợp đồng.

Một câu chuyện buồn khác cho mối lương duyên đoản mệnh giữa quản lý và nghệ sĩ có thể kể đến trường hợp của công ty quản lý và Erik vào tháng 2/2017.

Lý do Erik đưa ra bởi mâu thuẫn về cách làm việc, sự chèn ép về ăn chia lợi nhuận như: tiền lương (2 triệu đồng/dự án quảng cáo 6 tháng), tỷ lệ ăn chia 1:9, tiền ăn 35.000 đồng/1 bữa, hay không trả lương cho nhân viên...

Đáp trả lại, người đứng đầu công ty quản lý này tuyên bố trên báo chí rằng Erik là người không trung thực, vi phạm quy định của công ty dù được nhắc nhở nhiều lần. “Nói đến phạm trù đạo đức, chắc chắn chúng tôi có bằng chứng. Việc này gây ảnh hưởng xấu tới không riêng Erik mà cả nhóm Monstar”, người này tức giận nói. Sau thời gian dài tranh cãi và tố nhau qua lại, vụ ồn ào khép lại với việc Erik rời khỏi công ty quản lý để phát triển sự nghiệp riêng.

Góc tối của những cái bắt tay

Những vụ ồn ào liên quan đến phân chia tỉ lệ hợp đồng giữa ca sĩ và quản lý không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà làng giải trí Hàn Quốc càng không thiếu các trường hợp tương tự. Điển hình là vụ kiện giữa 3 thành viên nhóm nhạc JYJ với “ông lớn” SM hồi năm 2009 từng là một trong những sự kiện gây chú ý ở showbiz xứ kim chi.

Nguyên nhân xuất phát từ bản hợp đồng nhóm đã ký với SM, 3 thành viên Jaejoong, Yoochun và Junsu sau đó đệ đơn kiện công ty này lên Tòa án trung tâm tỉnh Seoul với yêu cầu thanh lý hợp đồng với công ty chủ quản. Bản hợp đồng giữa SM và DBSK do Sports Seoul tiết lộ gây chú ý nhiều nhất chính là điều khoản về thu nhập của các thành viên.

Nếu bán được 50.000-100.000 bản album, DBSK chỉ nhận được 2% lợi nhuận. Nếu 100.000-200.000 bản được bán ra, nhóm nhận được 3% lợi nhuận. Trong trường hợp nhóm bán được hơn 300.000 bản album, 5 chàng trai cũng chỉ nhận được 5% lợi nhuận. Số tiền DBSK nhận được sau đó còn phải chia đều cho 5 thành viên. Thời hạn hợp đồng kéo dài 13 năm cũng được cho là quá khắc nghiệt.

Ngoài ra, theo truyền thông Hàn Quốc, làng giải trí nước này có một loại hợp đồng gọi là “hợp đồng nô lệ”. Với hợp đồng này, nghệ sĩ trẻ có thể được biến từ vô danh thành nổi tiếng.

Nhưng đổi lại, họ bị công ty bóc lột, vắt kiệt sức, nhận lại những giá trị thấp so với công sức lao động và đôi khi buộc phải gắn bó cả đời với một công ty giải trí. Vì, nếu họ ra đi sẽ phải chấp nhận “thân bại danh liệt”, thậm chí phá sản, nợ nần...

Ngoài ra, không ít lần các bản hợp đồng tình dục giữa nghệ sĩ và công ty quản lý đã bị phanh phui. Không chỉ các nghệ sĩ đã vào nghề mà ngay cả các thực tập sinh mới vì muốn trở thành ngôi sao đã phải chấp nhận bản hợp đồng bán thân xác. Scandal của cố diễn viên Jang Ja Yeon hồi năm 2009 là một trong những ví dụ điển hình.

Mâu thuẫn giữa Châu Đăng Khoa - Oranger - Lyly vẫn chưa đến hồi kết.

Trước khi tự sát, nữ diễn viên đã để lại một bức thư với nội dung tố cáo người đại diện thường xuyên ép cô quan hệ tình dục với một loạt đại gia của giới giải trí. Chính vì chuyện này mà giữa cô và công ty chủ quản đã xảy ra những tranh cãi gay gắt, dẫn đến cái chết đầy tức tưởi của nữ nghệ sĩ xinh đẹp, tài năng.

Ở Việt Nam, điều tương tự cũng lặp lại. Không chỉ về vấn đề tiền bạc hay can thiệp đời tư và hành xử với nghệ sĩ như “gà đẻ trứng”, nhiều công ty quản lý còn có những hành động đen tối khác. Không ít lần, nghệ sĩ lên tiếng tố cáo công ty giải trí lợi dụng hình ảnh, tên tuổi hay thân xác mình.

Năm 2019, một nam ca sĩ trẻ tham gia gameshow truyền hình đã chia sẻ câu chuyện mình từng bị giám đốc công ty quản lý gạ tình. Nam ca sĩ bị đặt điều kiện, một là chấp nhận “đổi tình” sẽ được nổi tiếng, danh vọng, còn không thì không có gì cả. Vì từ chối, nam ca sĩ này bị chèn ép, thậm chí bạo lực, cuối cùng bị đuổi khỏi công ty và phải bồi thường 20 triệu đồng cùng điều khoản 3 năm không được tham gia hoạt động nghệ thuật.

Lợi dụng lỗ hổng pháp lý

Theo luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng Luật sư Interla, Đoàn Luật sư Hà Nội, sở dĩ những vụ đấu tố, kiện cáo giữa quản lý và nghệ sĩ trong thời gian qua luôn xảy ra trong ồn ào là vì luật tổ chức sự kiện chưa có quy định về việc thỏa thuận giữa nghệ sĩ với người được ủy quyền (quản lý) và đơn vị tổ chức sự kiện.

Cùng với đó, bản thân hợp đồng giữa quản lý và nghệ sĩ chưa được sát sao và có tính minh bạch nên cả hai có thể lợi dụng “lỗ hổng” này để trục lợi, tạo scandal, tự PR cho bản thân.

“Về mặt pháp lý, hợp đồng biểu diễn chỉ có hiệu lực khi có chữ ký của nghệ sĩ và đơn vị tổ chức. Nếu người quản lý ký hợp đồng biểu diễn với đơn vị tổ chức sự kiện mà chưa có giấy ủy quyền của nghệ sĩ thì bản hợp đồng đó không có giá trị. Người quản lý chỉ đơn thuần là người sắp xếp công việc, kết nối hai bên. Chính vì vậy, hầu hết mối quan hệ này chỉ làm việc dựa trên niềm tin là chính”, luật sư Trương Quốc Hòe nói.

Đồng quan điểm, “ông bầu” Hoàng Tuấn, quản lý của ca sĩ Đan Trường cho biết: “Tại các nước có nền giải trí phát triển trên thế giới, những tranh chấp giữa nghệ sĩ và quản lý đều được giải quyết theo pháp luật, điều đó tồn tại nhiều năm nay. Tuy nhiên, tâm lý người Việt thì ngược lại, luôn thích sống và làm việc thiên về tình cảm. Bên cạnh đó, người hoạt động trong giới nghệ thuật luôn có đặc thù thích sự bay bổng, tự do nên hợp đồng, sự ràng buộc càng chặt chẽ lại càng khó làm việc với nhau. Thậm chí, có người chỉ ký hợp đồng... bằng miệng mà không có bất kỳ giấy tờ pháp lý nào. Đây cũng chính là “lỗ hổng”, dễ gây nhiều điều bất lợi, phiền toái khi xảy ra sự cố, tranh chấp giữa nghệ sĩ và công ty quản lý”.

“Ông bầu” Hoàng Tuấn cũng cho rằng hai yếu tố tiên quyết để nghệ sĩ và công ty quản lý có thể đi cùng nhau lâu dài là sự minh bạch tài chính và lòng tin, phải được xây dựng dựa trên sự tôn trọng, tạo cảm giác an tâm cho đối phương.

Còn theo luật sư Nguyễn Danh Huế - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, do chủ quan và hạn chế về kiến thức pháp luật nên khi có tranh chấp xảy ra, phần thiệt thòi thường nghiêng về phía các nghệ sĩ.

“Hợp đồng giữa nghệ sĩ và các công ty quản lý có thể là hợp đồng lao động hoặc hợp đồng hợp tác. Nếu là hợp đồng lao động thì sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động còn nếu là hợp đồng hợp tác thì sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự. Khi giao kết, nếu các bên tự nguyện và giao kết đó không vi phạm các điều cấm của pháp luật thì đương nhiên các thỏa thuận trong hợp đồng sẽ có giá trị khi tranh chấp xảy ra”, luật Nguyễn Danh Huế giải thích thêm.

Khó có thể phủ nhận vai trò của công ty quản lý đối với các nghệ sĩ, đặc biệt là những gương mặt mới vào nghề, cần được định hướng và đầu tư nhiều hơn. Theo đánh giá của Chủ tịch Công ty quản lý nghệ sĩ Hàn Quốc - Bighit Bang Shi-hyuk - người đã làm nên thành công của nhóm nhạc đình đám thế giới BTS, rất khó có thể phủ nhận vai trò của công ty quản lý khi đứng sau hỗ trợ nhiều nhất có thể cho các nghệ sĩ, nhất là các gương mặt trẻ, mới vào nghề.

Nói trên tờ Variety, Bang Si-hyuk thừa nhận, mối quan hệ cộng sinh này cần phải dựa trên nền tảng tôn trọng, thấu hiểu, ổn định trong hợp tác cũng như đảm bảo thực hiện đúng với những gì đã cam kết trong hợp đồng. Đây là điều cơ bản để đôi bên cùng phát triển và cũng là cách duy nhất có được mối quan hệ bền vững, nhất là có thể tạo nên các sản phẩm chất lượng là thứ mà khán giả cần.

Nghệ sĩ trẻ khi chân ướt chân ráo bước vào con đường âm nhạc luôn hồ hởi với bất kỳ lời mời gọi độc quyền hay hợp tác. Tỉnh táo, cẩn thận và hiểu rõ các điều khoản hợp đồng, quyền lợi và trách nhiệm của mình trước khi về đầu quân cho một công ty quản lí nghệ sĩ nào là cách duy nhất để hạn chế những rủi ro và lùm xùm trong sự nghiệp của chính mình.

Ngoài ra, các công ty quản lý cần hướng đến sự chuyên nghiệp hơn, sòng phẳng hơn, thay vì chỉ chăm chăm thu về lợi ích cá nhân mà quên đi trách nhiệm định hướng, đào tạo nghệ sĩ trẻ thế hệ mới. Có như vậy, chúng ta mới có được những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, sạch sẽ.

Thảo Dung
.
.