Quảng Nam: Dựng “làng ma” để chờ nhận “tiền thật” (!)

Chủ Nhật, 07/06/2009, 09:45
Những thông tin về “làng ma” xuất hiện giữa đại ngàn Trường Sơn, thuộc địa phận xã Trà Tập, giáp ranh xã Trà Mai của huyện Nam Trà My, Quảng Nam là có thật. Hàng chục ngôi nhà được một số người khá giả ở thị trấn Tăk Pỏ và xã Trà Mai, chủ yếu là các nhà buôn, đầu tư vốn liếng cho dân bản địa đồng loạt xây dựng để chờ giải tỏa nhận tiền đền bù của Nhà nước.

Vì họ cho rằng, địa điểm “làng ma” mọc lên nằm trong vùng dự án thủy điện sông Tranh 1. Tuy nhiên, kinh doanh trục lợi kiểu “thầy bói” này chỉ là ảo tưởng...

Xâm nhập “làng ma”

Tuy nằm ở vùng giáp ranh, nhưng “làng ma” mọc lên bên kia sông Tranh, trên phần đất thôn 4, xã Trà Tập. Từ xã Trà Mai nhìn sang “làng ma”, dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà tạm bợ, rách nát.

Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi đường để sang “làng ma” thì người dân nào chúng tôi gặp cũng lắc đầu trả lời không biết. Vậy con đường nào để người ta vận chuyển vật liệu đến miền đất heo hút đó làm nhà, hình thành nên làng? Rồi đường nào để người dân sống trong làng cũng phải đi lại làm nương rẫy, buôn bán, học hành?... Không còn cách nào khác, chúng tôi men theo bìa rừng bên này sông Tranh vừa đi, vừa dò đường một cách hú họa.

Và, phải mất gần một tiếng đồng hồ mò mẫm qua các con dốc và khe suối, chúng tôi mới phát hiện một con đường mòn dẫn ra hướng bờ sông Tranh. Đường chỉ vừa một người đi, chúi xuống dần chân núi; âm u, khúc khuỷu, cách đoạn là có cây ngã chắn ngang đường, rồi đá tảng lồi lõm, rễ cây chằng chịt...

Chừng nửa giờ đồng hồ sau, chúng tôi đến mép nước sông Tranh. Bờ sông đan kín những tảng đá dựng đứng. Chúng tôi trèo lên những tảng đá nhìn sang và càng ngạc nhiên khi phát hiện trong làng cây trái um tùm xanh ngút, cau trồng thành hàng cao vút. Bìa làng, gần bờ sông, còn có một sân bóng chuyền, lưới còn căng. Một cậu bé người Cơ Tu vai mang tấm lưới đứng bờ bên kia, nghiêng người lấy đà quăng lưới bung tròn xuống sông...

Một ngôi làng có người ở và sinh hoạt bình thường thế này sao gọi là “làng ma”? Chúng tôi ai nấy đều phân vân. Trời bắt đầu nổi giông và mưa sầm sập kéo tới. Nước sông Tranh chảy xiết, ầm ầm qua những tảng đá ngầm. Chúng tôi khum tay làm loa hỏi cậu bé quăng lưới bờ bên kia: “Có ghe qua sông không? Cho mấy chú sang với...”.

Cậu bé khum tay làm loa nói vọng sang bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Ghe trôi rồi, muốn qua đây thì mấy chú bơi qua”. Không thể bỏ cuộc giữa đường, chúng tôi tìm hốc cây cất quần áo, máy ảnh, giấy tờ... và mỗi người mặc độc cái quần đùi, bơi qua sông Tranh... 

Ốc đảo giữa đại ngàn

Chúng tôi vừa đặt chân lên bờ thì đã có khoảng chục người từ trong làng chạy ra, ùa xuống đón ngay ở bờ sông. Một thanh niên mặt mày bặm trợn, tay cầm cây rựa bén ngọt, quắc mắt nhìn chúng tôi hỏi: “Chúng mày là nhà báo à? Đi xem “làng ma” à? Tao bảo chúng mày cút!”.

Trước tình thế đó, chúng tôi phải nói dối là kỹ sư công trình thủy điện đang đi khảo sát hiện trường. Một người đàn ông sấn tới dứ dứ con rựa trước mặt chúng tôi và gằn giọng: “Chúng mày đâu biết bọn tao bị đưa ra đây tái định cư, khổ sở trăm bề. Thế mà có mấy ông nhà báo đã không giúp được gì còn bảo bọn tao làm “nhà ma” chờ dự án để được nhận tiền đền bù giải tỏa...”.

Chuồng để xe của dân “làng ma” bên bờ sông Tranh.

Sau những giây phút phân trần, chúng tôi điềm tĩnh vào làng và đếm cả thảy được gần 100 nóc nhà. Mỗi nhà rộng chừng 30m2, hầu hết làm rất sơ sài, vách bằng gỗ tạp, mái lợp tôn. Tuy nhiên, chỉ có một số ít nhà có dân ở, còn lại là nhà hoang, có cái đóng kín cửa, có cái bị tốc mái, đổ vách...

Người thanh niên cầm rựa lại lên tiếng giải thích. Giọng của anh ta lúc này dịu lại: “Cán bộ xem đi. Nhà được xây dựng theo Chương trình 134 đó. Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng, còn lại đồng bào mình bỏ thêm vào. Tiền ít quá nên chỉ làm nhà nhỏ thôi. Nhưng mà khổ lắm, không ở được, đồng bào bỏ về làng cũ hết rồi...”.

Chúng tôi hỏi: “Khổ như thế nào?”. Anh ta ra chiều bực bội, trở giọng: “Cán bộ tỉnh muốn biết thì đến nhà cán bộ xã mà hỏi”. Nói rồi anh ta cùng một vài người nữa trong làng, có cả phụ nữ, dẫn chúng tôi đi tới chỗ mà họ bảo là nhà cán bộ xã.

Bước vào nhà, chúng tôi thấy một người đàn ông cởi trần đang nằm trên giường. Thanh niên nọ hất hàm: “Phó bí thư Đảng ủy xã đó, hỏi gì thì hỏi đi!”. Chúng tôi bắt chuyện mới biết đây là ông Trần Văn Bạn, Phó bí thư Đảng ủy xã Trà Tập. Ông Bạn nhìn chúng tôi từ đầu đến chân như dò xét điều gì, lát sau mới cười cười và nói chậm rãi.

Cũng như những người dân trong làng, ông Bạn nói tiếng Kinh với chất giọng lơ lớ: “Tui nhìn biết mấy anh là nhà báo chứ cán bộ thủy điện chi, không qua mặt tui được đâu. Tui là cán bộ xã nên không nói sai, đây là khu tái định cư. Các hộ dân nơi này trước ở gần ủy ban xã Trà Tập đi tái định cư xuống đây 2 năm rồi. Các anh thấy đó, cau, chuối chung quanh cao như thế... Nhưng khổ nỗi, nơi này không có đường đi, không có điện, không có nước, không có trường học, không có đất ruộng...

Nhiều bà con không sống nổi bỏ về. Đồng bào ở đây ngày ngày phải đi phát rẫy thuê, đi bứt mây về qua sông đổi gạo ăn qua ngày. Một năm đến mấy tháng thiếu gạo. Lâu nay qua sông có chiếc ghe, nhưng nước lũ cuốn trôi rồi. Bây giờ chỉ khi nước cạn đồng bào mới qua sông được. Nước lên cả làng bị cô lập như cái ốc đảo.

Hôm trước có một thầy giáo lội sông qua đây khảo sát trẻ em trong độ tuổi đi học bị nước cuốn chết. Năm 2008 cũng có 2 người chết vì lội qua sông như vậy. May cho các anh đó...”. Khi bơi qua sông Tranh về lại Trà Mai, lòng chúng tôi ai nấy rối bời: Lẽ nào việc tái định cư cho người dân lại đẩy họ vào đường cùng như thế?--PageBreak--

Sự thật “làng ma”

Nhưng, chúng tôi đã nhầm. Thực tế không như lời người dân ốc đảo nói. Khi sang Trà Mai, chúng tôi vào một quán nước hỏi chuyện một thanh niên tên là Trần Q mới hay, ngôi làng là tác phẩm của các nhà buôn ở thị trấn Tăk Pỏ và xã Trà Mai.

Nghe chúng tôi nói lại lời giải thích của ông Bạn, Phó bí thư Đảng ủy xã Trà Tập, Trần Q. cười như nắc nẻ, bảo: “Mấy anh bị ổng lừa rồi! Làm chi có khu tái định cư nào kỳ cục như vậy. Nhà tái định cư cho đồng bào dân tộc xây dựng khang trang mà họ còn chưa chịu ở, huống chi làm như cái lều rứa làm sao bắt họ ở được. Toàn bộ là  nhà ma hết. Tui ở đây biết rất rõ...”.

Theo anh Q. giải thích, ngôi làng bên kia bờ sông Tranh mọc lên vào mùa mưa năm 2008. Chiếm đa số trong gần 100 nóc nhà đã được xây dựng là nhà do một số nhà buôn ở Tăk Pỏ, thị trấn Nam Trà My và xã Trà Mai này bỏ tiền ra cung cấp vật tư cho đồng bào thôn 4 Trà Tập làm. Họ thì thụp với đồng bào Cơ Tu ở thôn 4, Trà Tập rằng, sau này chỗ làm nhà, lập làng sẽ nằm trong dự án Thủy điện sông Tranh 1 và tất nhiên sẽ được Nhà nước đền bù.

Có tiền đền bù, sẽ chia đều, nhà buôn một nửa, dân một nửa... Những nhà buôn đầu tư tiền cho đồng bào lập “làng ma” cũng có nguyên do là ở dự án thủy điện sông Tranh 2 (Bắc Trà My), những ngôi nhà dân nhỏ bé cũng được đền bù 60-70 triệu đồng. Còn đồng bào thì nghe được chia tiền đền bù hàng chục triệu đồng như thế nên đồng ý ngay. Họ bỏ công ra làm cái nhà chưa đầy tuần lễ là xong, rồi đưa cả gia đình tới sống trong nhà ấy để... chờ đợi chia tiền (!?).

Anh Q. tiết lộ, có máu mặt nhất trong giới làm “nhà ma” là chủ quán N ở Trà Mai. Ông này đã bạo gan vay nóng cả trăm triệu đồng, chịu lãi suất mỗi tháng trên 4%, để đầu tư cho đồng bào làm trên chục ngôi nhà... Chúng tôi lại ngược đường rừng gần 10 cây số nữa lên thị trấn Tăk Pỏ tìm gặp lãnh đạo huyện Nam Trà My.

Ông Nguyễn Văn Điền, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cũng cười bảo: “Tui khẳng định là không có dự án tái định cư nào ở thôn 4 Trà Tập. Nơi đó ngày xưa có khoảng 6 hộ làm nhà để trồng rẫy. Cau, chuối, cây trái mà các anh thấy là do những hộ đó trồng.

Năm ngoái đây, một số nhà buôn nghe thông tin là dự án sông Tranh 1 chuẩn bị triển khai nên bỏ tiền ra mua hoặc mượn đất của những hộ trên thuê đồng bào ở nơi khác đến làm nhà lên chờ đền bù. Đồng bào tin theo làm 148 cái nhà, lập ra cả cái làng không tên, không chính quyền. Như vậy dự án thủy điện sông Tranh 1 là có thật?.

Ông Điền trầm ngâm: “Cũng chưa chắc mấy anh à. Từ năm 2007, huyện Nam Trà My được thông báo có 13 dự án thủy điện. Nhưng, đa số đều ở dạng thăm dò...”. Nói thế sao chính quyền không có biện pháp ngăn chặn đồng bào làm nhà trái phép?. “Họ làm nhanh quá. Thoáng cái đã có một “cái làng”.

Mà thật sự cũng không cần phải xử lý. Chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Nam Trà My đã có trong tay danh sách các nhà buôn đầu tư tiền cho đồng bào làm “nhà ma”. Họ làm như thế là tự làm hao tổn tài sản của mình mà thôi. Có làm thủy điện chỗ đó đâu mà mong chờ tiền giải tỏa đền bù...”.

Ông Lê Ngọc Kích, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cũng tỏ ra bức xúc trước “nạn” thủy điện “treo” tràn lan trên địa bàn huyện. Theo ông Kích, hiện ở Nam Trà My có đến 9 dự án thủy điện, trong đó có thủy điện sông Tranh 1 được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba (trụ sở ở TP Đà Nẵng) làm chủ đầu tư dự án.

Nhưng, ông Kích chưa biết chính xác, dự án thủy điện Sông Tranh 1 có triển khai được hay không. Vì đến thời điểm này Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba chưa có động thái thông báo gì cho huyện biết cả. Riêng về 148 ngôi nhà ở “làng ma”, ông Kích khẳng định là nhà làm bất hợp pháp, một số người bản địa làm nhà theo “chỉ đạo” và “tài trợ” của các nhà buôn nhằm trục lợi tiền đền bù (nếu thủy điện triển khai).

Quan điểm của UBND huyện Nam Trà My là không đền bù và đang vận động người dân tự tháo dỡ... Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói rằng: Chưa thể quả quyết việc dự án Thủy điện Sông Tranh 1 có triển khai hay không. Vì, Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba còn đang trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục đầu tư...

UBND huyện Nam Trà My đã báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam về việc người dân làm “nhà ma” để chờ đền bù tại thôn 4 Trà Tập, nên tỉnh đã chỉ đạo phải vận động nhân dân không được làm nhà trái phép thêm nữa, đồng thời tiến hành lập biên bản các trường hợp vi phạm

Long Vân - Phước Lê
.
.