Quảng cáo cần phải có văn hoá!

Thứ Năm, 21/01/2010, 15:00
Một hôm, bước vào nhà tắm, đứa cháu ngoại mới hơn 6 tuổi của chúng tôi tuyên bố một câu xanh rờn:
- Từ hôm nay cháu không dùng dầu gội đầu Johnson nữa đâu bà ạ. Dầu ấy chỉ dành cho trẻ con thôi. Cháu chỉ dùng X-men dành cho đàn ông đích thực thôi!

Tôi và bà ngoại cháu vô cùng sững sờ trước lời lẽ của thằng bé.

- Gớm, anh chỉ vẽ chuyện. Không dùng loại dầu tắm Johnson thì dùng loại dầu của người lớn à?

- Vâng, cháu phải dùng loại dầu gội đầu X-men dành cho đàn ông đích thực ấy mà. Thằng cháu tôi hồn nhiên giải thích lại.

Đến lúc này thì chúng tôi mới hiểu. Thì ra thằng bé đã bị nhiễm quảng cáo dầu gội đầu trên tivi rồi.

Rõ ràng văn hóa của quảng cáo đã và đang tác động hàng ngày đến cảm nhận của trẻ em. Ai cũng biết, sự cảm nhận ban đầu của các cháu nhỏ là dấu ấn khó phai mờ trong nhận thức của các em. Nó tác động sâu sắc đến việc hình thành nhân cách của các cháu sau này. Đặc thù tâm lý của trẻ em là rất dễ tin và thích bắt chước. Những gì được thể hiện trên tivi đều khiến trẻ em rất tin và thích làm theo. Văn hóa trên tivi đang tác động hàng ngày đến việc hình thành nhân cách của trẻ em. Đó là một thực tế không ai phủ nhận.

Hiện nay, nhiều nhà sản xuất đã và đang tung ra các chiêu quảng cáo sản phẩm của mình ngày một độc đáo hơn, ấn tượng hơn. Tuy nhiên để tạo ra những ấn tượng mạnh trong quảng cáo đã có không ít những hình ảnh quảng cáo rất phản văn hóa. Nhưng đáng buồn là nhiều nhà đài và các cơ quan quản lý về văn hóa và báo chí lại chưa để ý đến những hạt sạn về văn hóa này của quảng cáo.

Các cơ quan quản lý báo chí thì chủ yếu chỉ tập trung "soi" vào việc in bản đồ Tổ quốc có thiếu các đảo hay không, hoặc có dùng hình ảnh lãnh tụ để quảng cáo... Hình như các cơ quan quản lý ít "soi kỹ" những hình ảnh phản văn hóa trong quảng cáo. Vì thế mà nhiều hình ảnh phản văn hóa trong nhiều đoạn quảng cáo vẫn ngày, đêm được phát trên nhiều đài truyền hình trong cả nước mà không có bất cứ "tiếng còi nào được thổi". 

Chỉ xin nhặt ra đây vài ví dụ:

Ở một videoclip quảng cáo cho thuốc xịt mũi Thái Dương, nhà sản xuất đã đưa hình ảnh một cô gái ngồi trước một mâm đầy thức ăn nhưng hồn nhiên hắt xì hơi liên tiếp thẳng vào các đĩa thức ăn mà chẳng thèm quay mặt đi hướng khác. Nhìn hình ảnh này mất vệ sinh đến ghê người. Cũng trên videoclip này họ còn đưa tiếp hình ảnh một cô giáo cũng vô tư hắt hơi liên tiếp ngay trên bục giảng mà không thèm che đậy gì trước mắt học trò.

Các bà mẹ vẫn dạy con: Mỗi khi con ho hay hắt hơi thì hai tay phải che miệng lại và quay đi hướng khác với người đối diện với mình để bảo đảm vệ sinh và lịch sự. Những lời dạy ấy sẽ phải chào thua  khi con cháu họ hàng ngày vẫn xem hình ảnh quảng cáo rất mất vệ sinh ấy.

Để quảng cáo cho sự hấp dẫn và độ ngon của một loại gia vị hạt nêm hầm từ xương, người ta đã "miêu tả" cận cảnh một bé trai bê cả tô mì to tướng, ngửa mặt húp không còn một giọt nước nào trong sự thích thú, hả hê. Chỉ vì để mô tả "độ ngon" của hạt nêm mà người ta đã khuyến khích cho một cách ăn rất thiếu văn hóa của trẻ em. Các ông bố, bà mẹ muốn dạy con "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" hỏi còn có tác dụng gì khi trên tivi cứ chiếu đi chiếu lại hình ảnh quảng cáo này ?!

Một người bạn của tôi đã than phiền rằng: "Quảng cáo tai hại quá ông ạ. Từ ngày một nhãn hàng mì ăn liền đưa hình ảnh quảng cáo miêu tả cận cảnh một cô bé đang chụm miệng hút sợi mì tôm rất dài một cách khoái chí thì đứa cháu của tôi liền bắt chước theo. Tôi và bố mẹ cháu nói thế nào thì cháu vẫn ăn theo kiểu quảng cáo rất phản cảm kia. Nó bảo: Cháu ăn đúng như trên tivi thì mới ngon chứ" !!!

Rồi cái anh bột giặt Omo lại có cái chiêu quảng cáo thật tai hại. Họ quảng bá cảnh hai đứa trẻ ném bùn đất vào nhau rồi nói: "Có sao không?”. Kết thúc cho đoạn videoclip quảng cáo này, nhà sản xuất tung ra một câu xanh rờn: Không sao! Omo omatic mới có thể đánh tan mọi vết bẩn(!?). Đoạn quảng cáo này nguy hiểm ở chỗ nó khuyến khích trẻ em nghịch bẩn, ném bùn đất vào nhau vô tư và không hề hấn gì. Tất cả sẽ được giải quyết bằng bột giặt Omo !!!

Tôi đem sự lo ngại của mình về những hình ảnh quảng cáo phản văn hóa chia sẻ với mấy người bạn. Một anh bạn tôi đã nói:

- Điều lo ngại của ông thì rõ rồi nhưng tôi còn lo ngại hơn khi mấy thằng cháu tôi mê các tập phim hoạt hình Mỹ "Tôm và Jery" lắm. Những hình ảnh đầy bạo lực giữa chuột Jery và mèo Tôm được thể hiện với muôn hình vạn trạng. Việc đập búa vào đầu nhau, việc cầm rìu chẻ từ đầu đến chân nhau, việc bí mật buộc pháo vào đuôi nhau rồi cho nổ tung, việc dùng súng, dùng cung tên bắn thẳng vào nhau... được sử dụng nhan nhản trên phim.

Xem các tập phim "Tôm và Jery" chúng ta có thể kết luận rằng các nhà làm phim muốn gửi thông điệp đến trẻ em khi xem phim của họ rằng: Bạo lực không hề hấn gì đâu, nó chỉ là một trò giải trí vô hại. Thì đấy Tôm và Jery đánh nhau mãi mà chả hề hấn gì!? Mục đích làm phim của các nhà làm phim Mỹ như vậy hèn gì bạo lực trong các trường học Mỹ đã được xếp vào loại đứng đầu thế giới!?

Chúng ta hãy thử so sánh những tập phim trong "Hãy đợi đấy" của Liên Xô trước đây mà xem. Do khác nhau về hệ tư tưởng mà "Hãy đợi đấy" được xây dựng vô cùng nhân văn. Chúng ta có thấy bao giờ chú Thỏ chủ động tấn công con Sói đâu. Các tập phim chỉ đưa ra các tình huống, tình tiết ranh ma, xảo quyệt của Sói giăng ra hòng tóm bằng được chú Thỏ hiền lành và thông minh kia. Còn chú Thỏ thì chỉ dùng trí thông minh và tháo vát của mình để vượt qua những cạm bẫy do Sói bày ra mà thôi. Và, kết cục là Sói đã bị sập bẫy do mình giăng ra. Nó đã nhận được bài học về quy luật: "Gậy ông lại đập lưng ông". Tính giáo dục qua "Hãy đợi đấy" thật rõ ràng và giàu nhân văn khác hẳn các tập phim của Walt Disney.

Các videoclip quảng cáo chứa những hình ảnh phản văn hóa và các tập phim "Tôm và Jery" đêm ngày chiếu trên tivi là rất bất lợi cho việc giáo dục trẻ em. Trẻ em của chúng ta xem những hình ảnh quảng cáo, những tập phim ấy ảnh hưởng không tốt cho việc hình thành nhân cách. 

Kết luận ấy của người bạn đã nhận được sự đồng tình của tất cả chúng tôi

Phạm Thành Long
.
.