Bangladesh:

“Quý bà thông tin” và những phụ nữ nông thôn nghèo

Thứ Hai, 03/12/2012, 04:45

Dự án Info Ladies "Quý bà thông tin" bắt đầu được triển khai tại Bangladesh từ năm 2008, là sự phối hợp tổ chức của nhóm phát triển cộng đồng D.Net ở địa phương và một số tổ chức cộng đồng khác. Đây là dự án được phỏng theo mô hình của các chương trình, dự án cộng đồng khác tại Bangladesh, như chương trình phát triển điện thoại di động tại đây.

Amina Begum, một phụ nữ thôn quê Bangladesh ở quận Gaibandha, cách thủ đô Dhaka 190 km về phía bắc, chưa bao giờ biết đến chiếc máy tính, nói gì đến việc sử dụng Internet. Thế rồi cách đây không lâu, một phụ nữ đi xe đạp, mang một chiếc máy tính xách tay có kết nối Internet đến nhà và bày cho Begum cách sử dụng máy tính và các dịch vụ trên Internet. Giờ đây, Begum đã trở nên thành thạo, ngày ngày ngồi chat với chồng đang đi làm ăn xa tận Arập Xêút. Mỗi lần hình ảnh người chồng hiện lên trên màn hình Webcam là Begum cười tươi mãn nguyện, hớn hở thông báo cho "ông xã" biết rằng đã nhận được tiền ông gửi về đợt trước. Số tiền đó, Begum dành để mua đất trồng trọt.

Người phụ nữ mang chiếc máy tính xách tay đến phục vụ cho Begum chính là một "quý bà thông tin", là một trong số hàng chục phụ nữ tham gia dự án nhân đạo mang tên "Quý bà thông tin" (Info Ladies) ngày ngày đạp xe đến các làng mạc xa xôi hẻo lánh của Bangladesh mang theo laptop và cổng kết nối Internet, cung cấp dịch vụ Internet giúp cho hàng ngàn người nghèo, đa phần là phụ nữ, có điều kiện tiếp nhận nhiều thứ, từ dịch vụ công cho đến chat đàm thoại trực tuyến với người thân đang ở xa… Dịch vụ ấy đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong đất nước 152 triệu dân nhưng chỉ có 5 triệu người được truy cập Internet (3% dân số).

 Một “Info Ladies” đang cung cấp dịch vụ thông tin Internet cho phụ nữ trong một ngôi làng ở Bangladesh.

Dự án Info Ladies bắt đầu được triển khai tại Bangladesh từ năm 2008, là sự phối hợp tổ chức của nhóm phát triển cộng đồng D.Net ở địa phương và một số tổ chức cộng đồng khác. Đây là dự án được phỏng theo mô hình của các chương trình, dự án cộng đồng khác tại Bangladesh, như chương trình phát triển điện thoại di động tại đây.

Hiện tại, Info Ladies đang sử dụng 60 phụ nữ cung cấp dịch vụ tại 19/64 tỉnh, thành của Bangladesh. Dự án đang có kế hoạch đến năm 2016, sẽ phát triển con số Info Ladies lên 15.000 người, đồng thời mở rộng quỹ hoạt động với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương Bangladesh và sự tài trợ của một số kiều bào ở nước ngoài.

Khi đi vào hoạt động, D.Net tuyển dụng chủ yếu là phụ nữ, huấn luyện các kỹ năng chuyên môn về máy tính, Internet và quay phim cho họ trong 3 tháng. Sau đó, nhóm này đứng ra bảo lãnh cho các phụ nữ này vay tiền ngân hàng với lãi suất ưu đãi để họ mua sắm "phương tiện hành nghề" là những chiếc máy tính xách tay và xe đạp. Khi bước vào hành nghề, mỗi phụ nữ Info Ladies sẽ kiếm được khoản thu nhập 120.000 taka (tương đương 1.480 USD) mỗi tháng. Ananya Raihan, Giám đốc điều hành D.Net cho biết: "Bằng cách này, chúng tôi mang đến công ăn việc làm cho những phụ nữ thất nghiệp và đồng thời cung cấp những thông tin cần thiết cho người dân trong làng".

Để sử dụng dịch vụ "Internet di động" này, một người dùng Internet như Begum phải bỏ ra 200 taka (2,4 USD) cho một giờ sử dụng Internet để chat qua mạng Skype hay kiểm tra e-mail, hay tìm kiếm thông tin cần thiết trên Internet. Tamanna Islam Dipa, một thiếu nữ 16 tuổi ngây thơ bộc bạch rằng, nhờ Info Ladies mà cô đã có thể "nói chuyện" với bạn bè trên mạng xã hội Facebook, thoải mái trao đổi về những vấn đề xã hội nhức nhối, như nạn tảo hôn, của hồi môn, lạm dụng tình dục trẻ em gái…

Các “Info Ladies” trên đường đi làm nhiệm vụ.

Ngoài việc cung cấp các dịch vụ Internet, Info Ladies còn cung cấp các dịch vụ xã hội khác, một số dịch vụ có thu phí, một số không thu phí. Những nhân viên dự án Info Ladies có thể đến ngồi trò chuyện với các cô gái tuổi teen về các vấn đề như chăm sóc sức khỏe cơ bản và những vấn đề nhạy cảm, cấm kị như vệ sinh phụ khoa, ngừa thai và cả phòng ngừa HIV-AIDS. Họ giúp dân làng tiếp cận các dịch vụ công của nhà nước, viết đơn thư khiếu nại theo Luật về Quyền thông tin. Họ nói chuyện với nông dân về cách sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu đúng đắn. Và với lệ phí 10 taka, họ có thể giúp các bạn học sinh nộp đơn xin học đại học bằng cách điền mẫu đơn trên mạng. Họ thậm chí còn huấn luyện người dân cách tự kiểm tra huyết áp và mức đường trong máu,… "Info Ladies vừa kinh doanh dịch vụ vừa cung cấp các dịch vụ công ích" - Raihan cho biết.

Giám đốc điều hành Raihan tiết lộ rằng, dự án Info Ladies mượn ý tưởng từ chương trình mang điện thoại di động đến cho phụ nữ nông thôn Bangladesh có tên "Mobile Ladies" do tiến sĩ Muhammad Yunus triển khai từ năm 2004; từ hình thức triển khai, cách thức tổ chức cho đến việc sử dụng nhân sự đều mượn của Mobile Ladies. Tiến sĩ Yunus cũng là người đầu tiên ở Bangladesh áp dụng hình thức "tín dụng nhỏ" dành cho người nghèo và sáng lập ra ngân hàng vì người nghèo Grameen Bank nổi tiếng, nhờ đó ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006. Từ thành công của chương trình Mobile Ladies, nhiều công ty viễn thông đã nhảy vào thị phần nông thôn béo bở, kinh doanh thu lợi vô số kể.

Ngân hàng Trung ương Bangladesh sẽ hỗ trợ D.Net khoản vay không lãi suất trị giá 1,23 triệu USD. Như vậy, D.Net hy vọng sẽ có điều kiện mở rộng thêm phạm vi và đối tượng sử dụng các dịch vụ Internet và dịch vụ công ích của Info Ladies

An Tôn (theo AP)
.
.