RCEP - niềm tin của thương mại tự do

Thứ Tư, 18/11/2020, 10:20
Sau gần một thập niên đàm phán, các quan chức hàng đầu từ 15 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã hoàn tất ký kết RCEP vào ngày cuối cùng của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam đăng cai.

RCEP đã đạt được một số ý nghĩa trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng và lo ngại về phi toàn cầu hóa. Theo giới phân tích, thứ nhất, nó cho thấy Đông Á rất cởi mở với hoạt động kinh doanh và nhận ra những lợi ích kinh tế của hội nhập thương mại sâu rộng hơn. Thứ hai, nó giúp giảm bớt những quan ngại rằng Trung Quốc đang hướng nội nhiều hơn với “chiến lược tuần hoàn kép”, vốn chú trọng vào thị trường nội địa. Và thứ ba, RCEP bày tỏ dấu hiệu rằng khi nói đến chính sách kinh tế, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều đó đúng ngay cả với các quốc gia có liên minh an ninh mạnh mẽ với Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Lễ ký kết Hiệp định RCEP được tổ chức thông qua hội nghị truyền hình tại Hà Nội ngày 15-11.

Kỳ vọng lớn

Với sự tham gia của 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, RCEP đã trở thành khối thương mại lớn nhất trên toàn cầu, bao phủ thị trường 2,2 tỷ dân và 26,2 nghìn tỷ USD sản lượng toàn cầu. Con số đó tương đương khoảng 1/3 dân số trên toàn thế giới cũng như 1/3 nền kinh tế toàn cầu. Khối kinh tế này cũng lớn hơn 3 nền kinh tế Bắc Mỹ theo thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) và Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà phân tích cho rằng RCEP là một thỏa thuận thương mại yếu hơn so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các nước thành viên RCEP hiện đã có mức thuế thấp do các thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương nhỏ hơn hiện có giữa các nước, do đó lợi ích kinh tế trực tiếp vẫn hạn chế.

Ví dụ, theo Gareth Leather, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại công ty tư vấn Capital Economics, hơn 70% thương mại giữa 10 nước ASEAN được thực thi với mức thuế bằng 0. Các khoản cắt giảm thuế quan bổ sung theo RCEP “sẽ chỉ có hiệu lực dần dần và phải mất nhiều năm nữa hiệp định mới có hiệu lực hoàn toàn”. Tuy nhiên, theo Simon Baptist, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại công ty tư vấn The Economist Intelligence Unit, thỏa thuận này đặt nền tảng cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa các quốc gia thành viên trong tương lai, đặc biệt là giữa các quốc gia không có thỏa thuận thương mại song phương hiện có.

Theo giới phân tích, việc ký kết RCEP sẽ tạo ra một động lực “đáng kể” cho tăng trưởng kinh tế khu vực, vì hiệp định được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế các nước thành viên cũng như hợp tác châu Á-Thái Bình Dương trong thời kỳ hậu COVID-19. Theo ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%.

Ông Trương Nhạn Sinh, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng thỏa thuận ước tính sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Trung Quốc khoảng 0,55% và Nhật Bản 0,1%. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc, dự đoán RCEP sẽ thúc đẩy GDP của Hàn Quốc thêm 0,41-0,62 điểm phần trăm và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng địa phương từ 4,2 tỷ đến 6,8 tỷ USD sau khi thuế quan được cắt giảm. Đặc biệt, các chuyên gia lưu ý rằng RCEP sẽ là hiệp định thương mại đầu tiên giữa Trung Quốc và Nhật Bản, mang lại cơ hội cho hai nước này khám phá thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.  

Theo dự báo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), năm nay tổng lượng thương mại hàng hóa thế giới có thể giảm 20% do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra. Ở hầu hết các nước phương Tây lớn nhất, nền kinh tế sẽ suy giảm. Theo dự báo của Deloitte, GDP của Eurozone sẽ giảm 7,5% vào cuối năm, trong khi mức suy giảm GDP của Mỹ thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Cán cân thương mại và hoạt động kinh tế dự kiến sẽ chuyển dịch sang phía Đông trong trung hạn.

Tàu container tại một cảng ở Thâm Quyến, Trung Quốc - một trong 3 nền kinh tế lớn nhất Đông Á tham gia RCEP.

Vào cuối quý đầu năm nay, các nước ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc - thương mại tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt tới 140 tỷ USD, trong khi thương mại của Trung Quốc với Mỹ và EU đã giảm do đại dịch. Vì thế, Hiệp định RCEP có thể trở thành một điểm tựa mới cho nền kinh tế thế giới. GDP của các thành viên tiềm năng trong khu vực thương mại tự do là 49,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu. Con số này dự kiến sẽ tăng đến 250 nghìn tỷ USD vào năm 2050.

Chặng đường khó khăn phía trước

Thỏa thuận này cũng được xem là một cơ chế để Trung Quốc phác thảo các quy định cho thương mại châu Á-Thái Bình Dương, sau nhiều năm Mỹ rút lui khỏi các hiệp định đa phương dưới thời Tổng thống Donald Trump. Alexander Capri, chuyên gia thương mại tại Trường Kinh doanh Singapore, nói: “Thỏa thuận này chắc chắn mang lại lợi thế cho các tham vọng địa chính trị của trung Quốc”.

Tuy nhiên, ông Capri nói thêm rằng ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ cho là tổng thống đắc cử, có thể sẽ can dự tích cực hơn với khu vực theo cách của cựu Tổng thống Barack Obama. “Hãy nghĩ về chính quyền Biden như một sự tiếp nối của chính quyền Obama, đặc biệt khi nhắc đến việc xoay trục về châu Á”, ông nói.

Tuy nhiên, trong bối cảnh một số quốc gia đang đối phó với sự bùng phát của COVID-19 và nhiều hứa hẹn về vaccine của Trung Quốc được đưa ra, trọng tâm sẽ là sự phát triển kinh tế trong khối, với nhiều quốc gia trong số đó phụ thuộc vào du lịch và xuất khẩu đang hứng chịu tổn thất nặng nề. Kaewkamol Pitakdumrongkit, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu đa phương thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho rằng RCEP có thể giúp xoa dịu nỗi đau tài chính.

Bà nói: “Trong bối cảnh COVID-19, RCEP có thể cho phép ASEAN hồi phục nhanh hơn bởi một thỏa thuận như vậy cho phép các công ty đa dạng hóa các chuỗi cung ứng và gia tăng sự linh hoạt của các nền kinh tế khu vực”.

Trong khi đó, RCEP vẫn mở ngỏ cho sự trở lại của Ấn Độ.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.