RSF với những chiến dịch truyền thông “theo hợp đồng”

Chủ Nhật, 15/10/2006, 09:10

Là một tổ chức phi chính phủ nhưng Tổ chức Nhà báo không biên giới luôn bị cáo buộc nhận tiền của tổ chức và cá nhân khác để phục vụ mưu đồ chính trị của họ, trở thành công cụ trong tay kẻ có tiền, thì không thể nói là hoạt động khách quan được.

Thành lập năm 1985, Tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF), trụ sở chính đặt tại Paris, Cộng hòa Pháp. Đương kim Chủ tịch của RSF là ông Robert Menard, người Pháp. Những người sáng lập RSF đã đề ra mục tiêu nhằm "bảo vệ tính mạng, danh dự, tài sản... của các nhà báo trên toàn thế giới, đặc biệt là các nhà báo đang tác nghiệp tại vùng chiến sự...".

Nhưng một, hai năm qua, dư luận quốc tế liên tiếp bị những người đứng đầu RSF gây nhiễu nhằm phục vụ mưu đồ chính trị riêng. Mới đây, RSF lại tự giành quyền phê phán Việt Nam vi phạm "tự do báo chí", "đàn áp các nhà dân chủ, ngăn không cho họ ra báo tư nhân" và xuyên tạc về quản lý hoạt động Internet...

Vu cáo trắng trợn đối với Việt Nam

Ngày 29/9/2006, RSF tiếp tục tung lên mạng Internet việc đã gửi thư cho Thủ tướng Canada Stephen Harper yêu cầu ông này can thiệp để Việt Nam trả tự do cho Nguyễn Vũ Bình (NVB) và Trương Quốc Huy (TQH), đồng thời kêu gọi quốc tế vận động cho “tự do dân chủ” tại Việt Nam. Trước đó, ngày 24/8/2006, RSF đã có hành động tương tự, tuyên truyền xuyên tạc cho rằng “Chính quyền Việt Nam đàn áp các nhà báo đối lập và ngăn cản họ hoạt động báo chí”.

Được biết, tại Hội nghị cấp cao thế giới về xã hội thông tin (WSIS) được Liên Hiệp Quốc tổ chức tại thủ đô Tunis, Cộng hòa Tunisia vào ngày 18/11/2005, RSF cũng bất ngờ treo một biểu ngữ khổng lồ ngay bên trong tòa nhà nơi diễn ra sự kiện quốc tế quan trọng này vu cáo và xếp Việt Nam vào danh sách 15 quốc gia (gồm: Arập Xêút, Belarus, CHDCND Triều Tiên, Cuba, Iran, Lybia, Maldives, Myanmar, Nepal, Trung Quốc, Turkmenistan, Tunisia, Uzbekistan, Syria) là “kẻ thù của Internet”.

RSF dường như đã cố tình phủ nhận những thành tựu về tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền và tốc độ phát triển Internet ở Việt Nam. 6  năm trước, Chính phủ Việt Nam đã đề ra kế hoạch phát triển Internet trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội giai đoạn 2001 - 2005, và ngày 23/8/2001, đề ra. Nghị định số 55/2001/NĐ-CP khẳng định Nhà nước Việt Nam có chính sách quản lý phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập, kết nối Internet, từng bước giảm giá cước đến mức bằng hoặc thấp hơn mức bình quân của các nước trong khu vực nhằm phổ cập nhanh Internet ở Việt Nam.

Dịch vụ Internet được sử dụng chính thức ở Việt Nam từ ngày 19/11/1997, đến tháng 5/2006 cả nước đã có trên 3,6 triệu thuê bao, với 13 triệu người thường xuyên sử dụng dịch vụ này, tỉ lệ người sử dụng Internet trên 100 dân đạt 15,53%. Tổng dung lượng kênh kết nối quốc tế của Việt Nam là 4.080 Mbps. Tổng số miền Việt Nam 18.530. Hàng năm tốc độ phát triển thuê bao và số người sử dụng Internet đều tăng, gấp khoảng 1,5 lần so với năm trước.

Theo thống kê của VNPT và của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến cuối năm 2003, 64/64 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã hoàn thành chương trình đưa Internet tới các trường đại học, cao đẳng và trung học phổ thông (trong đó có 94% số trường THPT đã kết nối Internet và 100% trường đại học, cao đẳng đang sử dụng dịch vụ này. Các tổ chức viễn thông quốc tế đánh giá tốc độ tăng trưởng dung lượng kênh Internet/người sử dụng của Việt Nam đạt đến mức 200% - 250%, xếp thứ hai thế giới. Việt Nam cũng được nhìn nhận là quốc gia có cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển nhanh nhất.

Nhìn lại RSF mấy năm gần đây

Từ năm 2001 đến nay, báo chí phương Tây liên tiếp đưa ra những thông tin về các vụ bê bối liên quan đến các hoạt động chính trị mờ ám của RSF. Trên tờ Telepolis (Đức) ra ngày 25/5/2005 có đoạn: “Ngay từ đầu, sự tồn tại của RSF luôn song hành với những tin đồn về việc tổ chức này có quan hệ mật thiết với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các cơ quan Chính phủ Mỹ”.

Gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy RSF đã trực tiếp nhận tiền của Chính phủ Mỹ”. Nữ nhà báo nổi tiếng Diana Barahona, hiện làm việc cho Hội đồng các vấn đề về Tây bán cầu (Council on Hemispheric Affairs - tổ chức chuyên nghiên cứu về chính sách của Mỹ đối với Mỹ Latinh từ năm 1975), đã vạch trần các vụ bê bối liên quan đến RSF trên nhiều tờ báo ở Mỹ vào trung tuần tháng 5/2005.--PageBreak--

Trên tờ The Newspaper Guild, nhà báo Diana Barahona tố cáo RSF dính líu đến hàng loạt hoạt động nhằm lật đổ Tổng thống Haiti, ông J.B. Aristide trong cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này năm 2004. Trong vụ này, RSF nhận được 465.200 USD từ những tổ chức, cá nhân bên ngoài vì đã có công về việc đưa nhiều bài tuyên truyền cáo buộc Tổng thống J.B. Aristide là “dã thú của tự do báo chí”, gây áp lực để lật đổ Tổng thống J.B. Aristide mặc dù ông rất được người dân ủng hộ và muốn ông nắm quyền cho đến hết nhiệm kỳ.

Ngay sau những cáo buộc trên tờ tạp chí Pháp Le Nouvel Observateur vị Chủ tịch của RSF Robert Ménerd thừa nhận việc tổ chức này nhận tiền của NED (tổ chức phi chính phủ của Mỹ hoạt động với mục tiêu “phổ biến dân chủ” trên toàn thế giới) giải thích rằng “đây cũng là chuyện bình thường”.

Tiết lộ của cựu nhân viên tình báo CIA (Mỹ) Philip Agee thì NED là tổ chức chống Chính phủ Cuba ở Mỹ, NED đã đứng đằng sau cuộc nội chiến ở Nicaragua, sau khi Mặt trận giải phóng Sandino (FSLN) lật đổ chế độ độc tài Somaza vào năm 1979.

Ngày 27/4/2005, Thierry Meyssan - Chủ tịch nhật báo Paris và nhà báo Red Voltaire cũng có bài tố cáo RSF quan hệ với “Trung tâm báo chí vì Cuba tự do” (CFC - một tổ chức phản động chống Cuba) vào  năm 2001. “Bản hợp đồng” được ký kết mà điều kiện cơ bản phía CFC đưa ra là RSF phải đưa nhiều thông tin sai sự thật để người nước ngoài biết việc “đàn áp nhà báo ở Cuba” và ủng hộ “thân nhân những nhà báo bị bắt giữ”.

Kết quả, RSF nhận được từ CFC 125.000 USD từ năm 2002 đến năm 2004. Ngoài ra, RSF còn liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela tháng 4/2002 với việc làm chao đảo Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez, nhưng phần “hoa hồng” mà RSF nhận được thì đến nay người ta vẫn chưa rõ là bao nhiêu.

Điểm qua một chút về những vụ bê bối liên quan đến hoạt động của RSF thời gian gần đây để thấy được phần nào “đám mây đen” đang phủ lên bầu trời RSF. Từ khi những cáo buộc trên được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông phương Tây, không thấy RSF có động thái phản bác. Có lẽ những người đứng đầu RSF sợ phải nói ra thêm sự thật phũ phàng hay chí ít cũng lo cho uy tín, danh dự của RSF không còn chỗ đứng.

Một tổ chức vốn tự nhận mình là tổ chức phi chính phủ mà luôn bị cáo buộc nhận tiền của tổ chức và cá nhân khác để phục vụ mưu đồ chính trị của họ, trở thành công cụ trong tay kẻ có tiền, thì không thể nói là hoạt động khách quan được.

Những người đứng đầu tổ chức này đã “quên” hoặc quá vô tình hay thờ ơ trước cái chết của nhà báo Ab Dias Jean, phóng viên Đài Phát thanh Port-Au-Prince, tháng 1/2005 hay vụ bắn vào nhà báo Raoul Siant Louis tháng 4/2005 trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Haiti mà cho đến nay nhà báo này vẫn phải sống ẩn dật.

Trong cuộc chiến tranh Iraq bắt đầu từ tháng 3/2003 đến nay, đã có khoảng 50 nhà báo bị giết hại trong khi hoạt động nghiệp vụ tại đây để giúp cả thế giới có cái nhìn khách quan về sự khốc liệt của chiến tranh nhưng chưa thấy RSF quan tâm đến họ.

Là người lãnh đạo của RSF, một tổ chức tự nhận là tổ chức phi chính phủ, song Robert Menard đã trở thành “bạn lớn” của các nhân vật tiếng tăm trong làng tình báo như Manuel Cutillas - Giám đốc điều hành của CFC, Fran Calzon - cựu nhân viên CIA  hay Calzon - đối tượng phản động người Cuba lưu vong, kẻ tự xưng là thủ lĩnh của “Mặt trận giải phóng dân tộc Cuba” - một tổ chức phản động chống Nhà nước Cuba. Tổ chức này đã từng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom khủng bố giết người hàng loạt từ năm 1972 tại Cuba. Robert Menard còn được bọn phản động người Cuba lưu vong xem như “người hùng”.

Người Việt Nam, không biết đầy đủ Robert Menard đã thỏa thuận với bọn phản động lưu vong người Việt và các nhân vật chống Việt Nam những gì, giá trị của những “bản hợp đồng là bao nhiêu mà lại để RSF ra “nghị quyết” sai trái can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. RSF còn ban cho những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam bị giam giữ như NVB, TQH, hay gần đây nhất là Đỗ Thành Công trao cho số này cái mũ “nhà báo” để phù hợp với tiêu chí “nhà báo cần bảo vệ”.

Trong khi đó, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Việt Nam có hơn 250 nhà báo hy sinh ở chiến trường để đưa tin, bài góp phần làm cho thế giới có cái nhìn khách quan về sự khốc liệt của chiến tranh nhưng chẳng thấy RSF xuất hiện bảo vệ họ

Thy Nga
.
.