Rôbốt côn trùng gián điệp

Thứ Năm, 15/03/2012, 10:15

Ai lại không mơ ước được làm một con ruồi bay đậu lên cửa kính để nghe ngóng một cuộc họp mật chứ? Chẳng bao lâu nữa mơ ước khoa học viễn tưởng đó có thể trở thành hiện thực và trang bị của một người lính, một nhân viên an ninh hay tình báo sẽ có thêm một… cây vợt đập ruồi. Tuy chưa nằm trong tiêu chuẩn nhưng có nhiều khả năng vũ khí này sẽ rất cần thiết để đối phó với những gì mà các phòng thí nghiệm trên thế giới đang chuẩn bị, đặc biệt là ở Nhật và Mỹ.

Các loại rôbốt mini và micro là những sản phẩm thương mại đã được sử dụng trên thực địa. Ngày 16/2 vừa qua, quân đội Mỹ đã ký hợp đồng đặt hàng 1.100 rôbốt Scout XT điều khiển từ xa với Hãng Recon Robotics.

Trước đó, hãng này đã bán được hàng trăm rôbốt cho các cơ quan cảnh sát và công ty bảo an. Mỗi rôbốt nặng hơn 500g và có khả năng chống chịu va đập rất cao. Nó có thể bị ném xa 30m hay rơi từ độ cao 10m xuống nền bê-tông. Tất nhiên những con côn trùng không giống thật đó đều được trang bị camera để quan sát bên trong các tòa nhà, kể cả về đêm. Trong trường hợp đó cây vợt đập ruồi dường như không mấy hiệu quả vì rôbốt rất kín.

Các loại rôbốt côn trùng biết bò đầu tiên có lẽ giống như những tổ tiên thô kệch. Những kiểu mẫu có cánh có lẽ sẽ giành mất danh hiệu ngôi sao của chúng. Hơn thế nữa, người ta không còn cần phải thiết kế mà chỉ là công nghiệp hóa việc sản xuất. Thật ra khi kích thước của chúng càng teo nhỏ lại, việc lắp ráp các linh kiện sẽ là vấn đề. Do vậy ta sẽ thấy lợi ích công trình ở phòng thí nghiệm microrobotique của Đại học Harvard. Ngày 15/2 vừa qua, tại đây đã đưa ra một kỹ thuật mới để sản xuất đại trà những con ong rôbốt có tên là Monolithic Bee hay Mobee với kích thước không quá 25mm và chỉ nặng 90mg.

Để lắp ráp những rôbốt có thể đập cánh như chuồn chuồn, cần phải giải quyết vấn đề thao tác các linh kiện micrô. Giải pháp do các kỹ sư ở Đại học Harvard đề ra thật tài tình. Người ta không cần thao tác với chúng mà chỉ giữ cho chúng liên kết với nhau. Người ta phải dùng chất liệu nhiều lớp gồm những sợi carbon, phim nhựa, titane, thiếc và céramique. Tổng cộng có đến 18 lớp được ép chung với nhau cực kỳ mảnh rồi được cắt bằng laser. Những mảnh bản lề được gắn vào và cuối cùng nó cao 2,5mm.

Phương cách ráp nối tự động này có thể dẫn đến việc sản xuất đại trà giống như đối với các bộ vi xử lý. Những rôbốt hay máy tự động có thể sản xuất chúng theo dây chuyền, từ đó khiến người ta lo sợ về những "loại máy" có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người…

Người ta tưởng tượng ra hàng ngàn con ong rôbốt đó lao vào trận mạc hay một thành phố cần kiểm soát. Ở đấy, các loại camera kiểm tra thông thường sẽ trở nên lỗi thời. Nhưng may thay, những con rôbốt côn trùng đó không chỉ có các vấn đề về lắp ráp trước khi được đưa vào sử dụng. Điểm yếu của chúng so với khuôn mẫu sống chủ yếu nằm trong nguồn năng lượng. Cục pin vài miligram không cho phép chúng có thời gian tự hành lâu. Từ đó việc nghiên cứu đang hướng đến một dạng tiếp năng lượng bằng hóa học cho các rôbốt côn trùng

M.L. (theo Le Point)
.
.