Rộn ràng trống hội Tiếu Mai

Thứ Ba, 20/07/2021, 15:41
"Bơi đều, bơi đẹp, bơi nhanh, bơi lịch sự, hoành tráng" là thông điệp xuyên suốt, đồng thời là biểu tượng truyền thống xưa nay ở hội thi bơi chải làng Tiếu Mai, đó cũng là tiêu chí để ban tổ chức đánh giá, trao giải cho mỗi đội bơi.


Đã ngót chục năm, hôm nay những trai đinh làng Mai vạm vỡ, tràn đầy khí thế mới có cơ hội được thỏa sức cho đua tài trên sông nước, họ thể hiện bản lĩnh, chiến thuật trong cuộc đua đầy quyết liệt với mong muốn giành những thành tích cao nhất, cống hiến cho người xem màn trình diễn hấp dẫn.

Các cụ xưa có câu "Muốn ướt xem bơi, tả tơi xem hội", còn trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, người dân đôi bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu) lẫn du khách thập phương không chỉ được "ướt", được "tả tơi" mà còn được đắm chìm trong một bầu không khí linh thiêng, tràn đầy tự hào, kiêu hãnh về truyền thống lịch sử vẻ vang của các thế hệ cha ông.

Các bô lão trong đội bơi thờ.

Và đặc biệt, mọi người còn được chứng kiến một cuộc đua bơi chải vô cùng độc đáo mà khắp vùng Kinh Bắc không đâu có được, đó là lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà. Đã rất lâu rồi người dân bên Ngã ba Xà mới lại được hoà mình vào ngày hội quê hương đầy hào hứng, sôi động, qua đó nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, giáo dục và tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm cho thế hệ trẻ.

Điều đặc biệt ở lễ hội này là chỉ tổ chức vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) và không phải năm nào cũng tổ chức. Theo các bô lão của làng, lễ hội bơi chải (thuyền) làng Tiếu Mai có từ lâu đời nhưng do điều kiện chiến tranh, từ năm 1943 hội này bị gián đoạn, năm 1994 được nhân dân khôi phục lại.

Theo như giải thích của những người trong Ban tổ chức, chỉ những năm nào người dân địa phương làm ăn khấm khá, được mùa, có sự kiện trọng đại như tu bổ đình, chùa, xây nhà văn hoá, làm đường bê tông hay các công trình lớn khác thì làng mới tổ chức hội bơi chải. Năm nay nhân dịp Giỗ Tổ, cũng là khi làng vừa khánh thành một khán đài bên sông để phục vụ cho việc hành lễ tế thần và các hoạt động nghi lễ linh thiêng của cộng đồng bên sông Cầu, cộng thêm bà con đóng mới những "chiến thuyền" để phục vụ cho cuộc đua tài trên sông.

Ban lãnh đạo thôn xét thấy những năm qua dân trong làng làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hoà, phong đăng hoà cốc, đời sống sung túc, dịch bệnh được kiểm soát an toàn nên quyết định tổ chức lễ hội. Được biết lần tổ chức gần đây nhất là năm 2013.

Làng Tiếu Mai xưa, nay là làng Mai Thượng, Mai Trung và Thắng Lợi nằm trên một gò cao bên bờ Bắc con sông Cầu - nơi có nghè Ngũ Giáp thờ Đức Thánh Tam Giang -  những vị tướng của Triệu Quang Phục đánh thắng giặc Lương.

Các đội bơi chải chuẩn bị cho cuộc đua tài.

Theo thống kê, có 372 làng tôn thờ Đức Thánh Tam Giang thuộc 5 tỉnh ven các triền sông Cầu từ Đu, Đuổng (Thái Nguyên), qua Ngã Ba Xà (Tam Giang - Yên Phong), rồi tới Lục Đầu Giang (sông Cầu dài 290 km, như vậy trung bình cứ 1 km lại có một làng thờ Thánh Tam Giang) vì thế mà dân gian lưu truyền phương ngôn "Thượng Đu Đuổm, hạ chí Lục Đầu giang" để nhắc đến việc tôn thờ thánh Tam Giang ở các làng ven sông Cầu.

Chuyện kể rằng: Vào thời kỳ giặc Lương sang xâm lược nước ta, Triệu Quang Phục đã cho mời anh em nhà họ Trương (Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và Trương Đạm Nương) ra giúp sức. Cả năm anh em đã tập hợp lực lượng theo Triệu Quang Phục đánh giặc và lập nhiều chiến công hiển hách, đuổi giặc ra khỏi bờ cõi.

Sau khi cướp ngôi của Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử đã cho mời anh em họ Trương ra làm quan, anh em ngài đã cự tuyệt và tuẫn tiết xuống ngã Ba Xà trên sông Cầu để tỏ lòng tận trung không thờ hai chúa… Cảm phục trước công lao và khí tiết của anh em ngài, các triều đại phong kiến sau này ban sắc cho các làng dọc sông Cầu tôn thờ làm Thành hoàng với mỹ hiệu: Đức Thánh Tam Giang. 

Nơi đây gần ngã ba Xà - điểm hội tụ giữa sông Cầu và sông Cà Lồ (một bên thuộc Hiệp Hòa - một bên là Yên Phong - Bắc Ninh, bên kia là Sóc Sơn - Hà Nội), lại gần đền Như Nguyệt - nơi phát tích bài thơ thần đánh giặc của Lý Thường Kiệt. Bao đời nay người dân làng Mai vốn có nghề trồng dâu nuôi tằm và một số theo nghề sông nước.

Lễ tế thần ở làng Mai, bên sông Cầu.

Truyền thuyết kể rằng, vào thời kỳ kháng chiến chống giặc Tống của quân dân nước Đại Việt, làng Tiếu Mai nằm trong vùng chiếm đóng của giặc. Dân làng đã bí mật liên lạc với quân triều đình nhà Lý bên bờ Nam (Bắc Ninh), với khả năng sông nước điêu luyện, họ đã dùng thuyền vận chuyển quân lính của Lý Thường Kiệt qua sông và đánh tan quân Tống, lập nên chiến thắng oanh liệt vào ngày 17-2-1077.

Từ đó mới có những địa danh như ngã ba sông Xà, gò Xác. Đây cũng chính là nơi Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần nổi tiếng "Nam quốc sơn hà nam đế cư" khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Sau này, dân làng Tiếu Mai lấy ngày 10-3 (Âm lịch)- ngày Giỗ tổ Vua Hùng để ăn mừng chiến thắng và mở hội đua thuyền trên sông Cầu. Lịch sử địa phương cũng viết rằng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kế tục truyền thống chống giặc ngoại xâm, dân làng Tiếu Mai đã nhiều lần giúp Trung  đoàn Bắc Bắc dùng chải chở quân sang sông tập kích đồn địch. Năm 1951, làng đã hiến tặng 5 chiếc chải cho Tiểu đoàn Á Lữ dùng phục vụ chiến đấu phát triển chiến tranh du kích ở vùng Kinh Bắc.

 Ông Đinh Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Đình, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Tiếu Mai năm Tân Sửu cho biết: Năm nay làng Mai mở hội 3 ngày, nhằm kỷ niệm 944 năm ngày Thái uý Lý Thường Kiệt chiến thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt (17-2-1077 / 17-2-2021). Dân ba thôn rước lễ về nghè Ngũ Giáp. Truyền thống ở làng Mai, ngày mồng 9-3 (Âm lịch) làng mở cửa nghè tế cáo, từ sáng sớm ngày 10/3 diễn ra lễ rước 2 nồi hương, kiệu long mã, lễ vật, trống giong cờ mở bằng đường bộ lên ngã ba Xà - nơi thánh Trương Hống tuẫn tiết để lấy nước làm lễ mộc dục tại nghè.

Đây là nơi tập kết của những chiếc tàu thủy, thuyền rồng và ca nô, sau đó cả đoàn rước lên thuyền rồng xuôi về đoạn sông trước làng làm lễ tế chải ở bến Đình. Trên đường vừa xuôi dòng vừa diễn vở tuồng cổ: Triết Giang phò A Đẩu. Trước đó, các thôn đã tuyển chọn những thanh niên khỏe mạnh nhất để đưa vào đội tập luyện. Buổi chiều, khi 100 bô lão của làng bơi thờ xong, các đội mới được bơi tranh tài.

Tiếp đó là các đội bơi khai mạc và bơi thao diễn tiếp đó mới đến phần bơi giả. Cứ như vậy trong 3 ngày (sáng tế thần chiều bơi giải). Năm nay có 6 đội thi bơi chia thành hai bảng (mỗi thôn 2 đội); mỗi chải có 27 người gồm: 24 tay chèo, 1 người lái, 1 người phất cờ, 1 người gõ mõ. Cự ly thi đấu dài 2km (hai lượt đi về) trong đó bắt buộc các chải phải bơi vòng qua hai điểm phao tiêu trước khi về đích. Đây là kỹ thuật khó đòi hỏi sự phối hợp ăn ý giữa các đôi chèo và người cầm lái bởi với tốc độ đua nhanh, chỉ cần một sơ suất nhỏ không nhịp nhàng, hoặc va chạm nhẹ giữa các chải, thuyền sẽ bị lật.

Đến hội người xem như được chứng kiến âm hưởng dậy sóng hào hùng của cha ông từ ngàn xưa vọng về. Quá khứ, hiện tại như đang hòa quyện vào nhau, tô thắm thêm truyền thống yêu nước, tinh thần thượng võ của người dân hai bên bờ Như Nguyệt. Mỗi lần tiếng mõ kêu lên là tất cả thủy thủy trên chải đồng loạt vung tay khua chèo, chiếc chải đầu rồng cưỡi sóng lao vun vút như tên tiến về đích.

Lễ rước làng Mai.

Để tham gia thi, từ trước đó nhiều tuần, các đội đua đã tuyển chọn khá kỹ thủ thủy và tổ chức tập luyện kỹ nên chất lượng bơi lần này rất cao, các đội ganh đua nhau từng tý. Có lẽ để lại ấn tượng nhiều nhất là gần 100 bô lão trong làng tổ chức bơi thờ, các thủy thủ đều đã lớn tuổi nhưng với kinh nghiệm vốn có, cộng thêm chịu khó rèn luyện, các cụ vẫn điều khiển và đưa chải cưỡi sóng băng băng, các động tác bơi đều, nhẹ, uyển chuyển trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng nghìn người dân hai bên bờ sông.

Theo Bí thư Chi bộ thôn Mai Thượng Nguyễn Đức Khoáng, nhiều cụ đã 80 - 90 tuổi nhưng vẫn hăng hái tham gia đội bơi thờ năm nay một cách đầy nhiệt tình. Cả một quãng sông dài rộn ràng hơn bởi tiếng trống, chiêng, thau, chậu… và tiếng hô hào cổ vũ của rất đông khán giả hai bên bờ sông, không gian ấy đã phá tan sự bình lặng, êm đềm thường ngày của dòng Như Nguyệt. Với khẩu hiệu "bơi đẹp, bơi đều, bơi hoành tráng" các đội đua đã đem đến cho khán giả những màn trình diễn ngoạn mục. Phần thưởng cho mỗi đội tuy không cao nhưng ai cũng thấy phấn khởi, bởi đã góp một phần sức mình để gìn giữ những phong tục đẹp của làng mình. Những ngày diễn ra hội bơi chải làng Mai, ngày nào cũng có hàng vạn người hai bên bờ sông đến xem, qua đó góp phần tôn vinh tinh thần thượng võ của nhân dân vùng Kinh Bắc.

Đông Khánh
.
.