“Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng”

Thứ Tư, 10/07/2019, 16:22
Những ngày đầu tháng 7, cả nước hướng đến miền Trung yêu thương nơi có những địa danh đã đi vào lịch sử: Địa đạo Vịnh Mốc, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn và cả Thành cổ Quảng Trị cùng dòng sông Thạch Hãn...

Cho đến nay chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, cuộc sống thanh bình, lặng yên tiếng súng, nhưng mỗi khi nhắc đến Thành cổ và dòng sông huyền thoại là kí ức hào hùng và bi thương lại ầm ào, vang vọng trong tâm khảm của mỗi người. 

Địa danh này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã diễn ra trận đấu vô cùng ác liệt 81 ngày đêm vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Ngày 19, 20, 21 tháng 7 này, nghi thức Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ được diễn ra tại bến sông chính Thạch Hãn.

Thạch Hãn dòng sông huyền thoại

Thành cổ Quảng Trị nằm tại trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị cách thành phố Đông Hà 12km, cách nghĩa trang Trường Sơn 35km. Dòng sông Thạch Hãn nằm kề bên Thành cổ chưa đầy 500m được miêu tả là dòng sông máu, chứng tích về sự hy sinh của biết bao người để đổi lấy hòa bình. Hôm nay lặng ngắm dòng sông trong xanh và hiền hoà, thấy hai nhà tưởng niệm ở mỗi bên sông trông như hai con thuyền rồng đang yên bình cập bến.

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Dưới sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”, câu thơ của người chiến sĩ Thành Cổ năm xưa - Lê Bá Dương - được khắc trên bia đá, phía đằng sau lư hương đại đồng trên bờ, bên con đường dẫn xuống thắp hương ở lư hương dưới dòng sông... 

Thành Cổ Quảng Trị hôm nay.

Anh Lê Quang Kì công tác tại Nhà tưởng niệm sông Thạch Hãn cho biết: Trước đây mỗi nhà tưởng niệm chỉ có một lư hương ở trên bờ, phía ngoài trời nhưng đến năm 2012, kỉ niệm 40 năm ngày giải phóng thị xã Quảng Trị, 65 năm ngày thương binh liệt sĩ, lư hương dưới nước đã được dựng lên ở hai bến sông.

Mặt trời đứng giữa đỉnh đầu thả những tia nắng vàng long lanh dưới mặt nước. Chả ai ngờ, dưới dòng nước xanh mát kia là hàng nghìn chiến sĩ trẻ, quân giải phóng đã anh dũng hi sinh vào mùa hè năm 1972 khi các anh quyết bảo vệ Thành cổ. 

Chiến trận khi xưa ấy vô cùng ác liệt, người ta tổng kết quân đội Hoa Kỳ - Việt Nam cộng hòa thả số bom tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống thành phố Hirôsima của Nhật Bản năm 1945. Vậy mà, đất Quảng Trị đã phải oằn mình gánh lấy đau thương, trận chiến ác liệt ấy một cành cây, một cọng cỏ cũng không thể sống được chứ nói gì đến người. Mảnh đất tan hoang, điêu tàn trong khói lửa.

Hằng năm, cứ vào dịp 27 - 7 sau đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ,  khoảng 5.000 - 7.000 người là những chiến sĩ thành cổ với cựu chiến binh Việt Nam cùng đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc sẽ thả 10.000 hoa đăng xuống dòng sông này. Riêng năm 2017 là dịp lễ lớn, kỉ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, ở đây đã thả 20000 hoa đăng trên sông.

Gần 10 năm làm việc tại Đài tưởng niệm, anh Lê Quang Kì đã chứng kiến bao câu chuyện cảm động về nghĩa tình đồng đội của các cựu chiến binh với anh hùng liệt sĩ bên sông Thạch Hãn. Anh cho biết, cứ vào dịp tháng 7, suốt từ đầu tháng cho đến cuối tháng rất nhiều đoàn về đây để tri ân với các anh hùng liệt sĩ, nhưng xúc động nhất vẫn là các đoàn chiến sĩ nằm trong chiến dịch Thành cổ năm 1972. 

Có nhiều bác về đây chỉ tay xuống dòng sông, bảo: “Chúng tôi là hạt gạo may mắn còn sống sót ở trên sàng. Các bạn của chúng tôi đều vĩnh viễn nằm lại ở dưới này”. Đứng bên bến sông các bác chỉ khóc thôi, càng thắp hương lại càng khóc.

Các bác kể về những trận đánh cam go và quyết liệt của mùa hè năm Nhâm Tý, khi ấy các chiến sĩ còn rất trẻ, chỉ mười chín, đôi mươi vừa rời ghế nhà trường từ Bắc vào Nam. Chiến tranh quá ác liệt. Đó là một mùa hè đỏ lửa, cả dòng sông nhuộm đầy máu đỏ. Những ba lô nổi lềnh bềnh trên mặt nước, quần áo, giày dép bị bom đạn rơi vãi khắp cành cây. Cả dòng sông Thạch Hãn có nhiều bến vượt, nhưng tại đây là bến vượt chính, ác liệt hơn nhiều địa điểm khác trên sông vì vượt qua bến này là bến cuối cùng để đánh vào Thành cổ.

Những ngày dài ở trong hầm không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, các chiến sĩ của ta ăn chay nằm đất nhưng vẫn kiên cường bám trụ. Anh Kì bảo: Có một buổi chiều nắng đã tắt từ lâu, bóng tối đổ ập xuống mà anh vẫn thấy một bác đứng lặng ở bên bến ngay gần lư hương dưới nước ngắm nhìn dòng sông. Bác ấy đã đứng nhiều tiếng đồng hồ liền như thế và khóc. 

Bến thả hoa và thắp hương trên sông Thạch Hãn.

Anh đến hỏi chuyện mới biết: Bác chính là người tham gia chiến dịch năm 1972 ở Thành cổ, nhiều năm nay bác sinh sống cùng gia đình vợ con ở Nga nhưng trong lòng luôn đau đáu một tâm nguyện là cứ ba năm một lần muốn về Việt Nam để đến thăm lại chiến trường xưa. 

Và bác đã cố gắng thực hiện tâm nguyện ấy đều đặn hơn chục năm nay. Đến đây còn có những thương binh già ngồi trên xe lăn, được bạn bế xuống bên bến sông để thắp hương cho đồng đội.

Những chiến sĩ thành cổ năm xưa giờ đã ở tuổi thất thập, có bác còn chạy xe máy từ tận quê ở các tỉnh phía bắc cách Thành cổ cả vài trăm cây số, đi dọc con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mặc nguyên quân phục, trên áo gắn những tấm huân, huy chương lấp lánh. Hành lý đem theo là bộ quần áo sờn cũ và vài ổ bánh mỳ cùng dăm ba chai nước suối buộc phía sau xe. 

Bên trên treo một túi trái cây nhiều loại. Bác bảo hoa quả của vườn nhà, mang đi để cúng bạn. Người lính già ấy đến được bến chính sông Thạch Hãn đã vào giữa trưa, mồ hôi đầm đìa áo, chẳng kịp nghỉ đã chạy vội xuống dòng nước xiết bày hoa quả thắp hương.

Thành Cổ Quảng Trị và di vật của những người lính trẻ

Đến sông Thạch Hãn là đến với Thành cổ nơi có đài tưởng niệm những người lính trẻ đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Khác với Nghĩa trang Đường 9 hay Nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Thành cổ không có một ngôi mộ nào mà là một ngôi mộ chung cho tất cả các chiến sĩ tử trận. 

Mô hình tái hiện lại các chiến sĩ Quân Giải phóng.

Ngay dưới đài tường niệm là ngôi nhà trưng bày hành trang của người lính: Một chiếc ba lô cũ sờn, một đôi dép cao su màu đen, một chiếc mũ tai bèo, một khẩu súng trường, bi đông nước, một cạp lồng, một bộ quân phục, một thắt lưng màu nâu. Một số loại vũ khí của chiến sĩ quân giải phóng sử dụng chiến đấu bảo vệ thành cổ.

Không chỉ có vũ khí chiến đấu của quân giải phóng được trưng bày mà có cả những chiến lợi phẩm do Sư đoàn 308 thu được vào chiến dịch năm 1972  đó là thẻ căn cước của binh lính chế độ Sài Gòn. Nhưng có lẽ xúc động hơn cả chính là nhà Bảo tàng Thành cổ cách đài tưởng niệm chừng 200m. 

Nơi đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị, một bằng chứng không thể chối cãi về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh. Lúc đó, những phóng viên ảnh chiến trường đã chớp được những khoảnh khắc lịch sử.

Một trong những hình ảnh đáng nhớ của phóng viên Đoàn Công Tính đã chụp những chiến sĩ của ta, dù bị thương và quấn băng trắng đầu nhưng vẫn không rời trận địa, tay cầm chặt khẩu súng chĩa về phía quân thù, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.

Bức ảnh “Nụ cười Thành cổ”, dù mảnh đất nhuốm đầy máu, xác chết ngập trên dòng sông Thạch Hãn, người lính trẻ biết ra đi không có ngày trở về, nhưng nụ cười rạng rỡ vẫn nở trên đôi môi của các anh với niềm tin chiến thắng. 

Bến sông chính Thạch Hãn.

Phải có một lí tưởng cao đẹp và ngời sáng thì chiến sĩ trẻ Nguyễn Xuất Hiện mới 14 tuổi đã chiến đấu suốt 3 tháng liên tục tại Thành cổ Quảng Trị, và phóng viên Đoàn Công Tính đã chớp được những thước phim quý giá đó.

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khói lửa ấy đã cướp đi sinh mệnh của biết bao nhiêu con người. Cuộc hành binh đi qua cái chết này không chỉ có chiến sĩ của quân giải phóng mà còn có sự giúp sức của người dân Quảng Trị. Hình ảnh hai cha con ông lão ngư dân Triệu Phong hăng hái dùng thuyền chở bộ đội ta qua sông. Lúc đó cô con gái chỉ mới 20 tuổi. 

Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều nhà làm phim Việt Nam về đất Quảng Trị tìm gặp lại những nhân chứng sống của lịch sử. Ông lão ngư dân đã mất, còn người con gái năm nào nay cũng bước vào tuổi trung niên, nhưng kỉ niệm dạt dào xúc cảm về một thời thấm đẫm máu và nước mắt, vẫn mãi mãi trong tâm trí của người dân trên mảnh đất đầy đau thương, khốc liệt này.

Có một hiện vật mà bất cứ ai đến đây cũng đều dừng lại rất lâu để ngắm nhìn và để đọc. Đó là bức thư được viết tay bằng màu mực xanh Cửu Long trên giấy qua năm tháng đã ố vàng nhưng vẫn còn rõ chữ. Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết cho gia đình có mẹ và vợ đang ở quê nhà. 

Trong thư có đoạn anh dặn dò vợ: “Nhưng em ơi khi mẹ qua đời em sẽ làm nghi lễ của người con dâu của gia đình, thôi nhé anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái  trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi hãy bình tĩnh lại làm theo những lời anh căn dặn, còn ngày anh đi xa là ngày anh đề ở ngoài phong bì, nhờ các bạn của anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ tất cả những người trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hoà bình hãy nhớ tới  anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hoà bình, có điều kiện vào Nam lấy hài cốt của anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nham Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng, về đấy sẽ tìm thấy tên anh đục trên mảnh tôn. Thôi nhé đó là có điều kiện, còn thì em hãy cứ làm tốt những điều anh căn dặn trên là tốt lắm rồi...”.

Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh còn thông báo tới vợ một người bạn chiến đấu cùng quê với anh đã hy sinh, nhờ vợ báo cho người nhà liệt sĩ ấy. Bức thư của anh được viết vào những ngày Thành cổ diễn ra những trận ác liệt nhất. Anh dự cảm cái chết đang đến rất gần. 

Một thời gian ngắn sau anh hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn. Chị Hiền, một hướng dẫn viên Thành cổ cho biết: Năm 2002 tổ xây dựng Thành cổ vô tình đào được hài cốt của anh cùng với hai đồng đội. Anh được đưa về quê an táng tại huyện Kiến Xương, Thái Bình. Hiện nay, người vợ của anh, chị Xơ vẫn một mình thờ chồng trong căn nhà nhỏ tại quê hương.

Những người chiến sĩ trẻ, các anh hy sinh hoà với cây cỏ, mây trời, nhẹ bẫng. Đài tưởng niệm sừng sững giữa đất trời lộng gió, câu thơ của người chiến sĩ Thành cổ - Phạm Đình Lân lại vang lên: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng”.

Trần Mỹ Hiền
.
.