Rủi ro với các nhà đầu tư trong năm 2021

Thứ Hai, 28/12/2020, 20:00
Từ quan điểm kinh tế vĩ mô thuần túy, năm 2020 sẽ là một trong những năm kỳ lạ nhất từ trước đến nay. Cuộc khủng hoảng do COVID-19 đã dẫn đến sự sụt giảm GDP lớn nhất ngoài thời chiến hoặc cuộc Đại suy thoái, cuộc hồi sinh kinh tế lớn nhất từ trước đến nay và những phản ứng chính sách tiền tệ và tài khóa đáng chú ý nhất kể từ những năm 1930.

Trong bối cảnh năm 2020 dần khép lại, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về đường đi của virus cũng như về triển vọng của các nền kinh tế trên toàn thế giới, khiến giới đầu tư lo ngại.

Mặc dù nhiều quốc gia hiện đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai đáng lo ngại - một lần nữa đang phải đối phó bằng các biện pháp ngăn chặn rõ ràng và cụ thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng - nhưng nhiều nhà đầu tư tin rằng phục hồi kinh tế vẫn sẽ là chủ đề chính trong suốt năm 2021 và hơn thế nữa. Bất luận tinh thần lạc quan đó, câu hỏi lớn cho năm 2021 vẫn là các nhà đầu tư cần chuẩn bị đối phó với những nguy cơ nào đang đón chờ phía trước.

Giới đầu tư và doanh nghiệp dễ bị tổn thương cần nhiều hơn sự may mắn đơn thuần để vượt qua năm 2021 mà không gặp thiệt hại lớn.

Các lỗ hổng trong bảng cân đối kế toán

Nhìn chung, các cuộc khủng hoảng và suy thoái tài chính - cả về nguồn gốc và hậu quả của chúng - có thể liên quan đến những điểm yếu của bảng cân đối kế toán ở một số bộ phận của nền kinh tế. Những trường hợp xảy ra trong đại dịch COVID-19 có một chút khác biệt. Một số bảng cân đối kế toán của khu vực tư nhân thực sự bị suy yếu nhưng đó là các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi các biện pháp nhằm kiềm chế COVID-19.

Việc chuyển giao nguồn lực từ nhà nước sang tư nhân sau đó đã chuyển “lỗ hổng” đó sang khu vực chính phủ và di sản của nó sẽ tồn tại trong nhiều năm - thậm chí là nhiều thập niên tới. Theo một nghĩa rất quan trọng, điều này hoàn toàn phù hợp - bởi khu vực công được trang bị tốt hơn rất nhiều để đối phó với hậu quả của cú sốc. Lịch sử cho thấy nhiều đợt nợ công đang tăng cao hơn nhưng hầu hết đã được khắc phục bằng các hành động tiếp theo.

Đại dịch toàn cầu đã cho thấy, ngay cả khi có sự hỗ trợ rộng rãi của các quỹ đại chúng, nhiều bảng cân đối kế toán của các công ty trên thế giới chắc chắn vẫn đứng trước sức ép khi họ bị buộc phải đóng cửa. Khi các chương trình tài trợ bị rút lại, điều này có thể làm lộ ra những lỗ hổng của một số công ty. “Sức khỏe” của tài chính công đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các biện pháp được thực hiện nhằm phòng chống COVID-19 và những quốc gia đã có sẵn các lỗ hổng tài khóa, có thể bị đẩy gần hơn đến bờ vực.

Một số quốc gia mới nổi có thể đang chứng kiến làn sóng virus tăng trở lại nhưng một số sẽ không có nguồn tài chính hoặc quyết tâm chính trị để thực hiện các bước đi mà các quốc gia giàu có hơn đã có thể thực hiện. Có một rủi ro ở đây là COVID-19 bộc lộ những điểm yếu trong bảng cân đối kế toán ở các quốc gia cụ thể mà cho đến nay vẫn còn tiềm ẩn.

Thuế dịch vụ kỹ thuật số

Đánh thuế và quản lý các doanh nghiệp quốc tế luôn là những lĩnh vực cực kỳ phức tạp và gây tranh cãi. Toàn cầu hóa gia tăng trong thời kỳ hậu chiến đã góp phần làm cho vốn trở nên đặc biệt lưu động trên phạm vi quốc tế, có thể phản ứng nhanh chóng với những khác biệt về cơ chế trên toàn thế giới, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế và quy định. Việc tăng cường số hóa các bộ phận lớn của nền kinh tế đang hướng sự tập trung vào lĩnh vực quy định và thuế quan và có thể có những tác động quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và các nhà hoạch định chính sách đang rất vất vả để theo kịp.

Có một nguy cơ là các phương pháp tiếp cận tùy tiện, vội vàng hoặc chắp vá có thể làm gián đoạn đáng kể các ngành bị ảnh hưởng. Rất khó để khái quát hóa vì những lĩnh vực này có những khái niệm trừu tượng và định nghĩa khó nắm bắt về các hoạt động hoặc quy trình. Do đó, thiết kế các giải pháp phù hợp và khả thi về thuế và quy định không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Hơn nữa, có nguy cơ các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra các quy định chặt chẽ vì lý do chính trị. Điều đang trở nên rõ ràng là các công ty và tập đoàn có sự hiện diện lớn trên nền tảng kỹ thuật số sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ và can thiệp nhiều hơn từ các cơ quan quản lý cạnh tranh. Họ cũng sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc tuân thủ các luật bảo vệ người tiêu dùng.

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đang đề xuất và thảo luận phương án mở rộng phạm vi áp thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các doanh nghiệp đa quốc gia ở lĩnh vực chế tạo, như điện thoại di động, điện tử gia dụng, ô tô. OECD đang cố gắng phối hợp một cách tiếp cận quốc tế nhưng đã bị cản trở do không biết lập trường của Mỹ cho đến khi chính quyền mới nhậm chức. Người ta hy vọng rằng năm 2021 sẽ chứng kiến một số tiến bộ có ý nghĩa và mang tính xây dựng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều điều nghi ngờ. Liệu thuế kỹ thuật số toàn cầu có khả thi hay không - hay nó có thể bị gạt bỏ dưới danh nghĩa cạnh tranh quốc tế?

Liệu có quốc gia khác theo chân Pháp hay không. Năm ngoái, họ đã áp dụng mức thuế 3% đối với doanh thu mà các gã khổng lồ công nghệ quốc tế kiếm được ở Pháp nhưng đã hoãn việc thu thuế trong khi các cuộc đàm phán của OECD diễn ra. Việc không có tiến bộ rõ ràng đã khiến họ yêu cầu các công ty đó thanh toán từ tháng 12 này.

COVID-19 làm bộc lộ những điểm yếu trong bảng cân đối kế toán ở các quốc gia.

Lạm phát

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, những lo ngại lạm phát có thể quay trở lại đáng báo động thường xuất hiện. Những lo lắng này, được chứng minh là vô căn cứ sau đó, đi ngược lại sự hiểu biết cơ bản về cơ chế truyền dẫn tiền tệ và không nhận ra rằng việc bổ sung tiền từ các chương trình nới lỏng định lượng trên khắp thế giới về cơ bản thay thế các phương tiện thông thường mà nó được tạo ra. Ngày nay, mặc dù lạm phát rất thấp ở hầu hết các nơi nhưng có cơ sở lý thuyết để tin rằng nó có thể quay trở lại trong dài hạn.

Hiện vẫn còn nhiều tranh luận về cách thức hoạt động của kinh tế tiền tệ trong thực tế nhưng ở cấp độ đơn giản nhất, một lập luận đáng tin cậy có thể được đưa ra rằng, khi có khả năng dự phòng, như ngày nay (và như sau khi có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu), tăng trưởng tiền tệ mạnh hơn tác động đến các biến số lượng nhiều hơn biến giá cả.

Do đó, trong những trường hợp đó, nó sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn và xóa bỏ khoảng cách sản lượng âm hơn là tự động dẫn đến lạm phát cao hơn. Đây là mục tiêu của kích thích tiền tệ ngày nay và với dự kiến mức độ hoạt động tiền COVID-19 sẽ không khôi phục lại cho đến cuối năm 2021 hoặc 2022, bất kỳ xung lực lạm phát nào cũng phải ở mức tối thiểu cho đến thời điểm đó.

Nhưng ngoài ra, với điều kiện tiền tệ quá lỏng lẻo và các ngân hàng trung ương áp dụng cách tiếp cận thoải mái hơn đối với lạm phát, chúng ta có lý do để tin rằng áp lực lạm phát có thể bắt đầu xuất hiện. Và nếu thị trường tài chính bắt đầu tin rằng đó là một khả năng có thể xảy ra, các nhà đầu tư có thể lo lắng về điều đó nhiều hơn một chút.

Tâm lý lạc quan “quá đà”

Các nhà đầu tư đang lạc quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 vào năm 2021. Các nhà hoạch định chính sách đã ứng phó với khủng hoảng, hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Cũng chính những hộ gia đình và doanh nghiệp đó đã thể hiện mình kiên cường trước hoàn cảnh và sẵn sàng thích ứng. Trong khi đó, tin tức về một bộ vaccine hiệu quả cao sẽ sẵn sàng để phân phối vào đầu năm 2021 cho thấy rằng sự không chắc chắn về tương lai sẽ giảm bớt.

Tương tự, nhiều người cũng kỳ vọng rằng bối cảnh tăng trưởng thuận lợi sẽ hỗ trợ các tài sản rủi ro, bao gồm cả việc xoay vòng sang các cổ phiếu có giá trị và chu kỳ, cũng như hàng hóa, tín dụng lợi suất cao, tiền tệ của thị trường mới nổi và giá tài sản có tính chu kỳ khác. Vẫn sẽ có hiện tượng định giá quá cao ở các cổ phiếu so với triển vọng kết quả kinh doanh. Các nhà đầu tư nên thận trọng trước sự hưng phấn tăng cao này.

Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán có thể “bước đi ngẫu nhiên” theo xu hướng dòng tiền nhưng trong trung và dài hạn sẽ phản ánh tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành cũng như nền kinh tế với những thuận lợi và khó khăn riêng.

Việc thị trường chứng khoán tăng điểm tạo ra cảm giác hưng phấn, dù “tách rời” nền kinh tế, khiến rủi ro dần gia tăng. Khi sự hưng phấn qua đi, các nhà đầu tư nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp nói chung đối mặt với những khó khăn kéo dài thì tâm lý đám đông có thể sẽ chuyển từ hưng phấn sang bi quan và làn sóng bán ra cổ phiếu có thể lặp lại. Mặt khác, nhà đầu tư quá lạc quan dễ dẫn tới sự bảo thủ trong đầu tư, việc bảo thủ và không tỉnh táo trên thị trường thường khiến họ nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn giảm giá.

Vaccine COVID-19 hiệu quả cao sẽ giúp giảm bớt sự không chắc chắn về tương lai.

Mức độ bền vững tài chính

Việc cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 là hoàn toàn cần thiết. Và như chuyên gia ở khắp mọi nơi nhấn mạnh, một trong những rủi ro lớn nhất hiện nay sẽ là việc sớm rút lại sự hỗ trợ đó. Thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng lên 10%, 15% hoặc thậm chí 20% GDP trong năm nay. Nợ công ở hầu hết các quốc gia sẽ tăng tới 20 điểm phần trăm GDP, thậm chí có thể cao hơn. Tuy nhiên, đa phần các quốc gia đều thừa nhận rằng các gói kích thích là rất quan trọng.

Song, bối cảnh đặc biệt hiện nay không thay đổi thực tế của tính bền vững tài chính trong dài hạn. Và ở đây không phải tất cả các quốc gia đều bình đẳng. Tính bền vững tài chính phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các con số chính bao gồm tỷ lệ nợ ban đầu, số dư chính, tỷ lệ lãi vay bình quân, tốc độ tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát. Một số quốc gia dễ bị tổn thương hơn những quốc gia khác nếu dựa trên các số liệu này. Sự phục hồi sẽ giúp các con số tăng trưởng và hy vọng ít nhất là ngăn chặn lạm phát tiếp tục giảm, trong khi việc tái mở cửa nền kinh tế sẽ dẫn đến sự sụt giảm lớn trong một số khoản chi tiêu công.

Việc duy trì lãi suất đi vay ở mức thấp sẽ là yếu tố quan trọng và có khả năng một số quốc gia - ở cả thị trường mới nổi và phát triển - có thể gặp khó khăn. Sự phục hồi sẽ cho phép các chính phủ xem xét bất kỳ điều chỉnh tài chính bắt buộc nào nhưng một nguy cơ khác là một số chính phủ có thể trở nên quá “nhiệt tình” với việc thắt chặt và đưa ra các vách đá tài chính.

Năm 2020 được coi là quãng thời gian xáo trộn mạnh mẽ nhất trong lịch sử ngành tài chính. Tuy nhiên, thị trường năm 2021 có thể sẽ có những diễn biến phức tạp hơn, phụ thuộc vào các yếu tố chính như thời điểm vaccine phòng COVID-19 được sản xuất đại trà và dịch bệnh chính thức bị đẩy lùi; các chính sách mới của Tổng thống Mỹ, đặc biệt liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung; tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới; biến động dòng vốn toàn cầu hay khả năng nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng...

Giới đầu tư và doanh nghiệp dễ bị tổn thương cần nhiều hơn sự may mắn đơn thuần để vượt qua năm 2021 mà không gặp phải thiệt hại lớn.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.