Rừng và thủy điện - Nhiều chuyện đau lòng...

Thứ Ba, 15/10/2013, 18:35

Không nên đặt câu chuyện lỡ làm thủy điện, lỡ phá rừng rồi nên phải tìm cách khắc phục hậu quả, mà phải thu hồi dự án, đình chỉ thi công, đóng cửa nhà máy và không duyệt những dự án thủy điện mới, những vụ chuyển rừng bừa bãi, gây hệ lụy lâu dài đối với môi trường sinh thái và bất ổn về an sinh xã hội… Nhiều người dân ở Tây Nguyên bức xúc mỗi khi mùa lũ đi qua bị ngập, mùa khô cạn kiện đến tận cùng và…

1. Vụ sập đập thủy điện tại công trình Thủy điện Đắk Mek 3, thuộc địa bàn xã Đắk Choong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, gây bức xúc dư luận và hậu họa của sự cố này đã làm anh Nguyễn Quốc Hùng (28 tuổi) quê ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, công nhân lái xe của Công ty TNHH Thái Sơn (đơn vị nhận thi công) tử nạn khi đang thi công trên thành đập.

Thủy điện Đắk Mek 3, chỉ đạt công suất 7,5MW, nhưng diện tích lòng hồ khoảng từ 8/10 ha và khi tích nước sẽ chứa khoảng 800-900.000m3 nước. Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp vùng lòng hồ còn kéo theo nhiều hệ lụy cuộc sống môi trường sinh thái xung quanh. Sau sự cố vỡ thành đập nhiều người dân ở xã Đắk Choong không khỏi lo lắng sau khi thủy điện tích nước, vì nghi ngờ chất lượng công trình này.

Trong khi đó, vụ vỡ đập Thủy điện Ia Krêl 2, ở xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai của Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long (Gia Lai) thêm một lần nữa cho thấy chất lượng các công trình thủy điện ở Tây Nguyên có vấn đề. Kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai xác định nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đập chính của thủy điện này là thi công không tuân thủ đúng theo bản vẽ thiết kế.

Theo thiết kế, toàn bộ phần mái của thân đập bên trong lòng hồ có một lớp xi măng chống thấm dày 20cm, trên tổng chiều dài khoảng 250m, đơn vị thi công bỏ qua công đoạn này và thay vào đó toàn thân đập được làm bằng đất và trồng cỏ. Trong khi đó, hệ thống cống dẫn dòng được đổ một lớp bê tông bảo vệ khi chưa kết dính theo yêu cầu kỹ thuật nhưng đơn vị thi công cho các loại phương tiện có trọng tải lớn qua lại gây rạn nứt phần thân cống. Thế nhưng, Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long, không nghiệm thu thẩm định chất lượng công trình mà cho tích nước với dung tích 5 triệu m3, bằng 1/2 dung tích tối đa theo thiết kế.

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Đức Cơ, tổng thiệt hại do sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 gây ra trên 3,5 tỉ đồng, nhưng việc bồi thường thiệt hại cho dân và các đơn vị liên quan không được chủ đầu tư tiến hành kịp thời.

Lũ ở Gia Lai.

Cùng với việc thi công ẩu, chất lượng công trình không đảm bảo, nhiều công trình thủy điện ở Tây Nguyên và khu vực miền Trung còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với môi trường sinh thái tự nhiên. Cụ thể tại Thủy điện An Khê - Knắk (Gia Lai) đã nắn dòng chảy sông Ba trái quy luật tự nhiên, đưa nguồn nước chảy về Bình Định, làm cho cuộc sống người dân vùng hạ lưu sông Ba bị đảo lộn. Nắng thì khô cạn, khi mưa thì xả lũ ngập cả núi đồi.

Trong khi bài học đau xót về Thủy điện An Khê - Knắk chưa được rút kinh nghiệm thì các nhà đầu tư thủy điện lại tiếp tục thiết kế và cho xây dựng Thủy điện Thượng Kon Tum, đầu nguồn sông Đắk Snghé và tiếp tục nắn dòng chảy trái quy luật tự nhiên theo phương án chuyển nước sang lưu vực sông Trà Khúc. Và hạ lưu sông Đắk Snghé sẽ khô cạn không còn nước cung cấp cho sông Đắk Bla, 1 trong 3 chi lưu lớn của sông Sê San. Nước cho chảy về sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) sẽ làm vùng hạ lưu sông Đắk Snghé (khoảng 40km) và sông Đắk Bla bị khô cạn, hàng ngàn người dân của 25 xã, phường ở huyện Kon Plông, Kon Rẫy và TP Kon Tum sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo hồ sơ, nhà máy thủy điện này có công suất 220MW, do Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Bình Định) làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 27/9/2009 với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng. Tổng diện tích đất đai chiếm dụng khoảng 782ha, trong đó có 414 đất rừng tự nhiên và 135ha đất sản xuất nông nghiệp thu hồi của 154 hộ dân trong vùng.

Thế nhưng, đáng nói là đến nay, hơn 350 ha rừng phòng hộ của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum chưa được Chính phủ cho phép chuyển đổi rừng đặc dụng, nhưng chủ đầu tư Thủy điện Thượng Kon Tum đã thi công xây dựng từ lâu. Trong khi đó nhiều làng tái định cư cho dân vùng ảnh hưởng thủy điện chưa có, cuộc sống nhân dân mùa mưa bão bị ảnh hưởng, buộc chính quyền địa phương phải di dời đến nơi ở tạm thời...

Những cảnh vỡ đập của thủy điện ở Tây Nguyên.

2. Theo báo cáo của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Gia Lai, thực trạng công tác định canh, định cư ở vùng các dự án thủy điện còn nhiều bất cập, việc quy hoạch các khu tái định cư ở một số nơi chưa phù hợp với đặc điểm, tập quán của người dân tộc thiểu số. Nhiều nhà ở tái định cư xây trong vùng trũng hoặc đồi núi rất nguy hiểm trong mùa mưa lũ; chất lượng công trình xuống cấp nhanh như ở làng Yut, làng Kênh, làng Tum, xã Ia Phí, Chư Pah, Gia Lai.

Tại 6 khu tái định cư Thủy điện An Khê - Knắk còn thiếu đất sản xuất cho các hộ dân khoảng trên 140 ha và không có đường đi vào khu sản xuất. Một số chủ dự án chưa thực hiện cam kết đúng lời hứa với dân, chưa chi trả tiền bồi thường về đất nông nghiệp, tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân khu tái định cư, định canh và tạo việc làm theo quy định… như ở Kbang, Krông Pa (Gia Lai).

Đặc biệt, một số công trình cấp nước sinh hoạt cho khu tái định cư không bảo đảm, đa số mùa khô không có nước, hoặc nước không đảm bảo vệ sinh, đường cầu đập tràn tại xã Krông Năng, Krông Pa (Gia Lai) hư hỏng nặng... Sau các sự cố vỡ đập thủy điện như ở Đức Cơ, Gia Lai, chủ dự án chây ì bồi thường thiệt hại cho dân gây khó khăn cuộc sống người dân.

Một hậu quả khác của  những dự án thủy điện nữa là người dân thiếu đất sản xuất, những khoản tiền đền bù được người dân chi tiêu không hợp lý, như sắm xe máy, ôtô để đi rồi dẫn đến cuộc sống bấp bênh. Có dự án đã khởi công nhưng chưa bố trí được nơi tái định cư cho người dân, gây hiểm họa vào mùa mưa lũ như ở Kon Plông, Kon Tum vừa qua…

Không chỉ ở Tây Nguyên, mà tại tỉnh Quảng Nam, nơi có nhiều công trình thủy điện cũng gây bức xúc. Theo báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ hộ nghèo tại các khu tái định cư thủy điện còn rất cao, cụ thể như tại Thủy điện Sông Tranh 2: 60,3%, A Vương: 80,5%, Đắk Mi 4: 93,3%...

Cùng với thủy điện, các dự án chuyển rừng trồng cao su ở Tây Nguyên, nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết ban đầu như xây dựng cơ sở hạ tầng và tuyển công nhân đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân mà còn chuyển giao vườn cao su cho doanh nghiệp khác với danh nghĩa "liên kết đầu tư"…

Cụ thể, việc tuyển công nhân người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm ở các doanh nghiệp rất ít. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Gia Lai, 12 doanh nghiệp tư nhân có dự án cao su chỉ tuyển 85 người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân, trong khi đó số lao động cần tuyển theo định mức 5 ha/công nhân là trên 2.900 người…

Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra đã đình chỉ, thu hồi 21 dự án chuyển đổi 16.036 ha rừng tự nhiên sang trồng cao su. Sở dĩ các dự án trên bị thu hồi do các doanh nghiệp triển khai dự án quá chậm, công tác quản lý bảo vệ rừng trong vùng dự án chưa tốt dẫn đến tình trạng để người dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.

Nhiều dự án chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su, sau khi được tỉnh giao đất, giao rừng, các doanh nghiệp vẫn để người dân tự ý vào khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng xâm canh trái phép, đòi đền bù gây khiếu kiện phức tạp. Có doanh nghiệp lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su để sang nhượng, mua bán dự án trái pháp luật.

Tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện của các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su và kiên quyết xử lý nghiêm khi phát hiện doanh nghiệp nào có sai phạm, thực hiện dự án không hiệu quả, có biểu hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ phát triển rừng… sẽ kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất dự án theo đúng quy định.

Phát triển thủy điện, cây cao su là những vấn đề cần thiết, có tính chiến lược ở Tây Nguyên để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song không phải vì thế mà thực hiện bất chấp các quy định về môi trường tự nhiên, và quên cả vấn đề an sinh xã hội lâu dài cho người dân. Điều ấy càng đi ngược lại với mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa và mục đích phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta đã đề ra

Đặng Ngọc Như
.
.