Sách liên kết – Lắm công, nhiều tội

Thứ Tư, 07/01/2015, 16:15
Sự việc gây ồn ào, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tạm dừng hoạt động của nhà xuất bản (NXB) Văn hóa - thông tin, vì những sai phạm liên tiếp trong thời gian qua. Đây là một NXB lớn và hơn 10 năm qua mới có một NXB bị đề xuất dừng hoạt động.

Những năm gần đây, việc xuất bản sách liên tiếp xảy ra nhiều sai phạm. Chủ yếu những sai phạm này đều nằm trong tình trạng sách liên kết. Cục Xuất bản đã xử lý hàng trăm vụ như trong năm 2013 đã phát hiện 255 cuốn, trong đó có 124 cuốn bị xử lý về nội dung. Chỉ tính từ đầu năm tới nay có đến 170 cuốn bị phát hiện, trong đó có 79 cuốn sai về nội dung, đều bị Cục không cho xuất bản hoặc buộc phải chỉnh sửa. Đứng đầu về các lỗi xuất bản là NXB Văn hóa - Thông tin, có  60 cuốn vi phạm. Và cuối cùng cái gì đến ắt phải đến!

Sách liên kết liên tiếp sai phạm

Trên thị trường sách, có đến 90% sách bày bán là sách liên kết. Và làm càng nhiều sai càng lắm. Từ đầu năm đến nay, NXB Văn hóa - Thông tin đã bị Cục Xuất bản, In và Phát hành xử lý với số lượng sách khủng lên đến 60 cuốn vi phạm. Trong đó có 11 cuốn sách vi phạm về nội dung, 49 cuốn vi phạm về ghi thông tin, xác nhận đăng ký xuất bản.

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, sách "Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc" do Trung tâm Dịch thuật, dịch vụ Văn hóa và Khoa học - Công nghệ (thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Nhà sách Tân Việt, NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản.

Cuốn sách mang tên rất nghiêm túc này dùng nhiều tranh minh họa không phù hợp với lịch sử truyền thống và không xin phép tác quyền. Ví dụ tranh minh họa tướng tài "Tây Sơn ngũ phụng thư"  đó là các danh tướng: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung, có hình minh họa giống như nhân vật trong game online. Nhiều hình minh họa trong sách được cho là dùng tùy tiện, không phù hợp.

Mới đây, một cuốn sách có sai phạm khá nhí nhố về hình ảnh ngay tại trang bìa, khiến người thì buồn cười, người thì bức xúc, bất bình: "Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014" liên kết NXB Lao động - Xã hội và Nhà sách Lao động thực hiện. Bìa của cuốn sách là hình ảnh một người đàn ông thân hình vạm vỡ, cởi trần mặc quần nhỏ, khuôn mặt rạng rỡ của diễn viên hài Công Lý đứng trên quả cầu lửa. Hình ảnh này được lồng trong một quả cầu lửa khác.

Sách "Bản đồ và Vùng đất" liên kết giữa NXB Văn học và Công ty Nhã Nam bị thu hồi vì có quá nhiều lỗi dịch thuật diễn đạt tiếng Việt có nhiều bất ổn. "Bản đồ và Vùng đất" được dịch từ tác phẩm gốc "La Carte et le Territoire" của nhà văn Pháp Michel Houellebecq.
Cuốn sách được giải Sách hay 2014 bị thu hồi.

Trước khi bị thu hồi cuốn sách này đã gây nên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ của độc giả và giới chuyên môn khiến hai đơn vị liên kết phải tạm ngưng phát hành và lập hội đồng kiểm định cuốn sách. Sau khi xem xét Hội đồng kiểm định đưa ra kết luận: "Bản đồ và Vùng đất" là cuốn sách dịch có nhiều lỗi thuộc nhiều loại khác nhau: Dịch sai nghĩa, dịch chệch nghĩa, dịch sót, diễn đạt tiếng Việt có nhiều bất ổn. Số lượng lỗi này cao hơn so với chuẩn biên tập của chúng tôi, vượt quá số lỗi tối đa cho phép để sách có thể tiếp tục lưu hành". Và sau đó hai NXB này đã có quyết định không phát hành và thu hồi những cuốn sách có trong hiệu sách. 

Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, đã diễn ra Lễ trao giải Sách hay 2014. Đây là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh văn hóa đọc  do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) thực hiện. "Văn hóa tộc người Việt Nam liên kết giữa NXB Thời đại, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật đã được trao giải thưởng Sách hay 2014. Nhưng chỉ một tuần sau khi giải thưởng được công bố, giới chuyên môn đã chỉ ra rằng đây là một cuốn sách tái bản một cách cẩu thả từ cuốn "Góp phần nghiên cứu Văn hóa và Tộc người" của nhà nghiên cứu Nguyễn Từ Chi (NXB Văn hóa - Thông tin và Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 1996).

Hơn nữa việc tái bản đổi tên sách và thực hiện mà không xin phép nhóm tác giả sách gốc. Ngay sau đó cuốn sách trên đã bị đình chỉ phát hành. Cuối cùng, giải Sách hay lại phải xin lỗi vì vinh danh cuốn sách tái bản cẩu thả và thông tin sai.

Một cuốn sách được quảng bá khá rầm rộ,  "Đồng dao dành cho trẻ mầm non", liên kết giữa NXB Mỹ thuật và Công ty Văn hóa Đinh Tỵ, trên các diễn đàn mạng nhiều bà mẹ trẻ tỏ ra rất hứng thú với bộ sách này. Cuối năm 2013, cuốn sách "Đồng dao dành cho trẻ mầm non" tập 3 đã bị thu hồi vì có nội dung không phù hợp, không có tính giáo dục.

Nhiều phụ huynh mua về giở sách ra xem đã tá hỏa khi đọc: “Ở với ai?/ Với bà/ Bà gì? /Bà Ngoại/Ngoại gì? Ngoại xâm/Xâm gì?/ Xâm lăng…”. Hoặc: “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro/ Ông Nhăng bảo để mà kho/ Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng/ Cá kho thì kho với riềng/ Đừng kho với ớt tốn tiền uổng công”.

Vừa mới đây, cuốn "Hỏi đáp nhanh trí" do NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành khiến cho các bậc phụ huynh dở cười dở mếu về nội dung. Cuốn sách được quảng cáo là nâng cao trí thông minh cho trẻ. Hỏi: "Làm thế nào giữ tóc không bị rụng?" Đáp: "Cạo trọc đầu đi".  Hỏi: "Tại sao khi có sấm chớp bao giờ cũng nhìn thấy tia chớp trước tiên rồi mới nghe thấy tiếng sấm?" Đáp: "Vì mắt phía trước, tai phía sau nên mắt nhìn thấy rồi tai mới nghe”. Một đáp án được cho là cực phản khoa học. Hỏi: "Tại sao xe xích lô đắt hơn xe taxi?". Đáp: "Vì một cái ăn cơm còn một cái ăn xăng”. Hỏi: "Anh A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao?" Đáp: "Bị mồ côi”. Hỏi: "Một người sau khi bị chặt đầu sẽ như thế nào?" Đáp án: "Biến đổi chiều cao".

Còn với sách của người lớn trong cuốn từ điển Tiếng Việt: "Đĩ và điếm: Đĩ và điếm. Bồ bịch: Bạn bè thân thích. Cao ráo: cao và khô ráo. Ngồi: Đặt đít xuống chỗ nào. Và vô số từ ngữ dịch nghĩa ngô nghê khác". Một bạn đọc viết bình luận: "Đọc cuốn từ điển ấy không nhịn được cười. Sao lại có nhà nghiên cứu Tiếng Việt "thông tuệ" đến thế không biết?!

Nhà xuất bản chăm chăm quan tâm đến lợi nhuận, thờ ơ nội dung

Theo quy chế Liên kết trong hoạt động xuất bản được ban hành và kèm theo Quyết định số 38/2008/QĐ-BTTTT tháng 6/2008 trong quy trình chuẩn bị cho bản thảo liên kết thì việc biên tập bản thảo xuất bản phẩm liên kết phải tuân thủ đúng quy trình của NXB.

Theo quy trình trước khi ký quyết định xuất bản, giám đốc NXB ký duyệt bản thảo (bao gồm cả bìa) và các thông tin ghi trên xuất bản phẩm liên kết. Bản thảo xuất bản phẩm liên kết đưa in phải được sao thành hai bản: một bản giao cho đối tác liên kết, một bản lưu lại NXB để đối chiếu. 

Mặc dù quy chế sách liên kết đã được quy định rõ nhưng theo cách hiện nay sách liên kết có nghĩa là những ấn phẩm do NXB cấp giấy phép còn toàn bộ bản thảo và quy trình in ấn, phát hành đều khoán  trắng cho tư nhân đảm nhiệm. Hiện tượng liên tiếp để xảy ra sai phạm trong các lỗi sách được liên kết từ các NXB đều nằm ở tình trạng làm việc có phần tắc trách, qua loa đại khái.
Chợ sách. (Liệu có bao nhiêu cuốn sách bị thu hồi nhưng vẫn chưa thu hồi hết được?).

Và, sự việc cũng không đơn giản chỉ nằm ở đấy, thường thì hai bên vẫn cứ đổ lỗi cho nhau và cái sai đẩy hẳn sang bên liên kết với nhà sách. Ví dụ điển hình của việc này là mới đây, sau khi cuốn sách "Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014" có những sai sót nghiêm trọng thì ông Nguyễn Hoàng Cầm, Giám đốc NXB Lao động - Xã hội đã đẩy quả bóng trách nhiệm này cho đối tác: "Nhà sách liên kết đã tự làm bìa sách, không theo bản duyệt. Nếu sách đúng của NXB thì sẽ không để tình trạng như thế".

Cũng theo ông Cầm: "Lỗi sai này hoàn toàn do phía bên kia, NXB cũng có phần lỗi. Người theo dõi trưởng văn phòng đại diện của NXB được ủy quyền trong đó đáng lẽ là phải kiểm tra bản can, bản bông, tức bản đã in lại. Một lỗi nữa là sau khi đưa in phải kiểm tra lại nhưng do chủ quan đã không tới kiểm tra".

Hiện tượng do chủ quan của NXB tin tưởng phó mặc cho bên liên kết muốn làm thế nào thì làm, ra sao thì ra đã xảy ra không ít các trường hợp sai phạm lộn xộn sách liên kết của không ít các NXB. Tình trạng chất lượng sách liên kết liên tục sai phạm dẫn đến tình trạng đáng báo động.

Người ta cho rằng đa phần các NXB chỉ chăm chăm quan tâm đến doanh thu lợi nhuận từ nguồn bán giấy phép xuất bản, thờ ơ hững hờ với nội dung trong sản phẩm của đối tác. Vấn đề lợi nhuận khi ký liên kết "cứu sống" NXB nên hình thức này càng được đẩy mạnh và không hiếm trường hợp làm liều.

NXB không quan tâm nội dung cuốn sách khoán trắng cho bên liên kết về công việc chuyên môn nên đến khi phát hành độc giả hay các nhà chuyên môn phát hiện ra sai phạm họ mới vội vàng đính chính, xin lỗi độc giả và bị thu hồi sách, nộp phạt.

Sách sai phạm thiếu chuyên nghiệp hay thiếu chuyên môn?

Việc "dùng chùa" hình ảnh của diễn viên hài Công Lý trên bìa cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” không phải là trường hợp hy hữu. Hiện tượng "dùng chùa" tranh trên mạng để đưa vào sách vẫn liên tiếp diễn ra.

Như trong cuốn "Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc" về sai phạm trong việc dùng tranh minh họa tùy tiện thì Tiến sĩ Nguyễn Quang Đạo, đồng chủ biên cuốn sách nói các hình ảnh được đưa vào để giúp độc giả thư dãn, tránh việc đọc quá nhiều chữ in trong sách gây nên tình trạng căng thẳng mệt mỏi!

Ông Điệp cũng giải thích những hình ảnh được sử dụng trong sách có chú thích là hình minh họa, mà hình minh họa thì được phép hư cấu, ước lệ. Và đặc biệt hơn, ông Điệp cho biết những tranh minh họa này đều được lấy từ Internet và không rõ nguồn, tác giả. Nếu ai chứng minh được mình là tác giả thì sẽ đến NXB để lấy tiền bản quyền tác giả.

Sau khi cuốn sách được công bố, và lập luận của Tiến sĩ Nguyễn Quang Đạo được đăng tải, nhiều ý kiến trên các trang mạng xã hội tỏ ra bất bình.  Một độc giả nói: "Một ông tiến sĩ chủ biên một quyển sách lịch sử như thế thì hỏi tại sao học sinh Việt Nam càng ngày càng không hiểu biết về lịch sử dân tộc". Ý kiến này ngay lập tức nhận được 500 người ấn "like" đồng tình.

Hay một bạn bình luận: "Các vị tướng dân tộc mà dùng tranh vẽ minh họa để xem như giải trí, vậy thì khác nào đem lịch sử dân tộc ra làm trò đùa cho thiên hạ. Nhất là bức “Tây Sơn ngũ phụng thư”, xem thấy thật xấu hổ".

Cuốn "Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh" đề tên NXB Trẻ và NXB Thanh niên được xác minh là cuốn sách mạo danh các NXB để kiếm lợi nhuận từ việc dựa hơi các NXB uy tín.

Trong cuốn "Bé làm quen với chữ cái" của NXB Đại học Sư phạm in hình lá cờ Trung Quốc trong trang sách, và bộ sách "Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ" do Công ty TNHH Văn hóa Hương Thủy phát hành và NXB Dân trí phối hợp  phát hành cũng mắc những lỗi tương tự. Sự việc này khiến người ta đặt ra câu hỏi cả một dàn biên tập viên của NXB và qua nhiều khâu liên quan như khâu duyệt in ấn, phát hành đã làm gì khi để lọt lỗi như vậy? Họ đơn giản qua loa, tắc trách, thiếu chuyên nghiệp hay năng lực vừa thiếu lại vừa yếu trong chuyên môn?

Ông Chu Văn Hòa - Cục Trưởng Cục xuất bản Bộ Thông tin và Truyền thông:

Không phải đến bây giờ mà hơn chục năm qua đã tồn tại hoạt động liên kết xuất bản. Trước tiên phải công nhận đóng góp của các thành phần liên kết là rất lớn, tạo bức tranh phong phú đa dạng cho ngành. Nếu chỉ trông chờ vào đầu tư của Nhà nước không quá 100 tỉ đồng/ năm, thì làm sao mà có được 300 triệu bản sách? Do kinh tế khó khăn, nhiều NXB không tự đứng vững dẫn đến phải làm "dịch vụ" cho tư nhân.

Trước kia thường là đối tác "ăn quả", NXB "đổ vỏ", Cục Xuất bản, In và Phát hành được ít quyền hoặc còn giơ cao đánh khẽ. Từ nay, chúng tôi sẽ làm mạnh. Từ năm 2014, Cục đã được giao nhiệm vụ thanh tra ngành xuất bản, thanh tra liên ngành của Bộ Thông tin  và Truyền thông  đã chuyển về thường trực tại Cục. Điều quan trọng chúng ta nhận ra rằng phải giải quyết tận gốc. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan quản lý quyết tâm thực hiện bước chuyển đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Mỹ Trân
.
.