Sài Gòn phố... loạn xạ tên đường

Thứ Tư, 14/09/2016, 17:20
Chính quyền TP Hồ Chí Minh đang tập trung mọi nỗ lực để xây dựng thành phố có chất lượng, trở thành nơi đáng sống, văn minh và hiện đại. Thành phố vẫn đang tồn tại rất nhiều vấn đề "rối rắm", ngoài những chương trình kinh tế, xã hội mang tính đột phá, thì việc chỉnh trang và phát triển đô thị đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải.

Trong đó, việc đặt tên đường nhiều trùng lặp, tùy tiện, thiếu tính khoa học và hệ thống đã và đang là một trở ngại cho các hoạt động xã hội, giao thông của thành phố.

Rối rắm tên đường

Hơn 15 năm trước, câu chuyện về đặt tên đường của 24 quận huyện tại TP HCM đã từng được luận bàn, đề cập đến với rất nhiều quan điểm trái ngược nhau. Do đó đến nay, trình trạng đặt tên đường tùy tiện, loạn xạ càng xuất hiện nhiều hơn tại các quận huyện vùng ven cùng với tốc độ phát triển nhanh của đô thị hóa.

Với người dân TP HCM bây giờ, khi hẹn nhau tại một địa điểm, tên đường, số nhà... thì nhất thiết phải hỏi đường đó ở quận, huyện nào, nếu không sẽ phải mất rất nhiều thời gian vì trùng tên. Đường Lê Lợi quận 1 có, quận Gò Vấp cũng có. Đường Bùi Thị Xuân quận 1 từ Cống Quỳnh đến Cách Mạng Tháng Tám, nhưng cũng có Bùi Thị Xuân, quận Tân Bình cắt Phạm Văn Hai.

Danh tướng Trần Bình Trọng thời nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên được đặt tên cho mấy con đường ở P4, Q5; P1, Q. Gò Vấp; P1, Q10; P5, Q. Bình Thạnh và thị trấn Hóc Môn. Hay như Ngô Quyền, cũng được đặt cho nhiều con đường ở P9, Q5; P8, Q10; P. Tân Thành, Q.Tân Phú; P.Hiệp Phú, Q.9 và Thị trấn Hốc Môn. Đường An Dương Vương từ Nguyễn Văn Cừ đến nhà thờ Văn Lang, Q5 và còn có đường An Dương Vương bên hông công viên Phú Lâm thuộc quận Bình Tân...

Buồn cười hơn là nội thành còn có hai con đường mang tên Trần Hưng Đạo và Trần Hưng Đạo B (đường Đồng Khánh cũ) và quận Gò Vấp có thêm đường Trần Quốc Tuấn, đường Sư Vạn Hạnh và Sư Vạn Hạnh nối dài, đường Cao Thắng và Cao Thắng nối dài…

Sự dễ dãi và xuề xòa này đã làm cho tên đường thành phố càng trở nên rối rắm, khó tìm, khó hiểu và không khoa học. Cùng một tuyến đường, nhưng được cắt xẻ chia ra nhiều tên đường cũng đang là một kiểu gây  khó hiểu như: đường Hùng Vương - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương; Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh; Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh; Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Thành Thái - Nguyễn Tri Phương - Phạm Hùng...

Chỉ có những con đường mới xây dựng được thông toàn tuyến mang một tên duy nhất như: Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống...

Và kỳ quặc hơn, khi có những con đường được đặt với những tên viết tắt như ký hiệu riêng, đường đặt tên theo một "đặc tính" nào đó mà không liên quan gì đến địa danh, danh nhân, liệt sĩ, mẹ VNAH hay văn nghệ sỹ như: Cống Hộp, Cống Lở, Tân Hóa - Lò Gốm, đường Bờ Bao, đường Nữ Dân Công, đường Cựu Chiến Binh Không Xả Rác, đường Thanh Niên Tự Quản, đường Tên Lửa, Điện Cao Thế, Kênh Nước Đen, đường Vành Đai Trong, Vành Đai Ngoài...

Một số tên đường khó hiểu, kỳ quặc tại TP HCM hiện nay.

Thậm chí có đoạn đường nối Cách Mạng Tháng Tám từ CLB Lan Anh ra Nguyễn Thông (Q3) được đặt tên Rạch Bùng Binh. Trên đường Phan Văn Hớn thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn có hàng loạt đường cắt ngang ghi bằng ký hiệu như: XTT 4, XTT 8/7A hoặc "tuyến 11-2014 Xuân T Thượng" và nhiều con đường ở Phường Trung Mỹ Tây, Q12 ghi vắn tắt: TMT 01, 02, 2A...

Đặt tên đường cho các khu cư xá cũ tiếp quản sau 1975, trùng lặp nhau như khu sân bay Tân Sơn Nhất, khu cư xá Bắc Hải, P15, Q10 với đường chiều dọc hướng Bắc Nam đặt tên sông: Cửu Long, Hương Giang, Đồng Nai, Tiền Giang, Trà Khúc, Hồng Hà... và đường ngang hướng Đông Tân đặt tên núi: Trường Sơn, Thất Sơn, Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Hồng Lĩnh...

Đó là chưa kể đến hàng loạt tên đường mang số khắp các quận huyện như: đường số 1, số 2... và D1, D2, D5... Với một người từ xa đến muốn tìm đến địa chỉ đường mang số đếm, hoặc tên mới, tên cũ, số mới số cũ ngay cả những người chạy xe ôm hàng mấy chục năm cũng bó tay.

Cần thay đổi việc đặt tên đường

TP HCM hiện có hơn 4.869 tuyến đường rộng từ 5m trở lên, với tổng chiều dài hơn 4.044 km, nhưng có gần 400 đường trùng tên nhau. Từ quá khứ, TP HCM gồm ba đơn vị hành chính gộp lại: Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Trước đây, các đơn vị hành chính này hoàn tòan độc lập về đặt tên đường nên có sự trùng lặp từ xưa. Sau ngày thống nhất đất nước, do quan điểm lịch sử đương thời đã xóa rất nhiều tên đường cũ, thay vào đó là những tên đường mới mà không tính đến yếu tố lâu dài, mang tầm nhìn quy hoạch, khiến cho nhiều tên đường cũ được phục hồi, đặt lại ở những đường khác.

Tình trạng bất cập này dễ nhìn thấy với những tên đường mang tên vua chúa và triều thần nhà Nguyễn. Có tên đường mang tên các vua và tướng lĩnh như: Thành Thái, Hàm Nghi, Duy Tân, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Tri Phương, Phan Văn Trị, Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản, Trương Quốc Dụng (đặt sai tên thành Trương Quốc Dung)... nhưng không có đường mang tên Nguyễn Hoàng, Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị, Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu hay Thái hậu Từ Dũ là không công bằng với lịch sử. Trong khi Quang Trung, Nguyễn Huệ có đến hai tên với nhiều con đường cùng với các danh tướng Ngô Thời Nhiệm, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu...

Nhiều người dân còn cho rằng, bất cập trong việc đặt tên đường thiếu cơ sở khoa học, còn quá tùy tiện khiến cho những giá trị văn hóa, nhân văn của một thành phố hiện đại sẽ giảm đi nhiều thứ về chất và lượng. Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì đại lộ Thống Nhất xưa, từ Thảo Cầm Viên đến cổng dinh Thống Nhất phải mang tên đại lộ Hồ Chí Minh mới là tâm điểm. Nay chỉ có đường mang tên Nguyễn Tất Thành từ bến Nhà Rồng đến cầu Tân Thuận là chưa xứng tầm.

Trong dòng chảy của lịch sử 4.000 dân tộc dựng nước và giữ nước, cùng với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trường kỳ, oanh liệt suốt 30 năm, tên tuổi những anh hùng, danh nhân, địa danh lịch sử, anh hùng liệt sĩ, mẹ VNAH... là một kho báu đồ sộ. Không thể thiếu tên đường, mà chúng ta đang thiếu tầm nhìn, thiếu tính toán về mặt khoa học, tính hợp lý khi bố trí tên đường.

Một Sài Gòn xưa bắt đầu hình thành từ các khu vực chợ búa, đông đúc cư dân khai khẩn, lập nghiệp đã mang trong đó dòng chảy lịch sử hình thành từ Bến Bạch Đằng, Bình Đông, Vân Đồn, Chương Dương, Hàm Tử... Chợ cầu Ông Lãnh, chợ Bàn Cờ, Vườn Chuối, Bến Thành, Bình Tây, Chợ Lớn, Bà Chiểu, Bà Hom, Bà Quẹo... rồi đến khởi thủy của tổ tiên Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương, Phù Đổng, Hai Bà Trưng... đến các triều đại phong kiến Việt Nam vừa xây dựng cơ đồ vừa anh dũng chống ngoại xâm với hàng trăm, hàng ngàn danh nhân, anh hùng dân tộc.

Những điều đó, việc đó, con người đó đã đi vào lịch sử dân tộc, trường tồn và tự hào với thời gian. Do đó, quỹ tên đường thành phố sẽ không thể "cạn nguồn" mà quan trọng là việc sắp đặt, bố trí làm sao cho hợp lý, khoa học, có mối quan hệ với nhau. Để khi du khách nhìn vào bản đồ thành phố, nhìn thấy tên đường là thấy cả một bức tranh lịch sử dân tộc được thu nhỏ lại trong một thành phố văn minh, hiện đại.

Một số tên đường khó hiểu, kỳ quặc tại TP HCM hiện nay.

Gần đây, TP HCM đã dân thay đổi và bổ sung một số tên đường giúp cho người dân và du khách dễ dàng khi lưu thông và giao tiếp xã hội. Thành phố cũng đã bổ sung 1.070 tên đường vào quỹ tên đường để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị với tốc độ khá nhanh và sự ra đời của nhiều tuyến đường, khu dân cư mới...

Quan điểm "xóa" hết tên đường hiện hữu để đặt lại mới từ đầu được GS, TS Nguyễn Khắc Thuần, là Ủy viên Thường trực Hội đồng tên đường TP HCM, rất ủng hộ. Ông cho rằng, cần mạnh dạn xóa sạch tên đường và tiến hành đặt lại một cách có hệ thống. Thành phố đang tồn tại những tên đường sai tên nhân vật, thậm chí bịa đặt như: Nguyễn Văn Tráng (chợ Tân Định) là nhân vật lịch sử nào? Đường Trương Quốc Dụng thành đường Trương Quốc Dung, Trần Khát Chân thành Trần Khắc Chân...

Việc đặt lại toàn bộ tên đường không tốn nhiều thời gian và không hao tốn nhiều sức người, kinh phí. Thử suy nghĩ, tại sao cứ phải bỏ nhiều thời gian và tốn kém nhiên liệu cả ngày điên đảo đi tìm một số nhà, tên đường trong thời đại công nghệ số, mà không chịu bỏ chỉ vài phút để truy cập trên mạng, trên bản đồ mà định hướng chính xác nơi cần đến.

Nếu hoàn chỉnh hệ thống tên đường của thành phố, thì không những quản lý vô cùng thuận tiện và ngay cả một đứa trẻ cũng có thể tìm nơi cần đến chính xác nhất. Với tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thì: tên đường không nhất thiết phải là tên nhân vật lịch sử, nhất là những đường nhỏ, đường nội bộ...

Việc đặt tên đường mang tên các loài cây hoa, còn có tác dụng khuyến khích cư dân trồng nhiều hơn, tạo ra cảnh quan, vẻ đẹp môi trường đang sống. Sự thật, tại khu vực Miếu Nổi, quận Phú Nhuận, ngoài đường chính Phan Xích Long và đường Hoàng Sa bờ kênh Nhiêu Lộc, các đường nội bộ khu dân cư mới đều mang tên các loài hoa lan, hoa sứ, hoa hồng, hoa phượng, hoa cúc, hoa sữa, hoa trà...

Nếu dẫn dụ một nơi tên đường được đặt hợp lý và bài trí hài hòa, mang tính nhân văn, lịch sử nhất hiện nay, chính là đường Hàn Thuyên và Alexandre De Rhodes hai bên công viên 30-4 song song với đường Lê Duẩn hiện nay. Hai con đường mang tên hai nhân vật đã có công sáng tạo ra chữ viết của người Việt Nam mang đầy hàm ý biết ơn, trân trọng và tôn vinh những người có công với dân tộc.

Hoàng Châu
.
.