Sân khấu kịch cựa mình đổi mới

Thứ Năm, 15/11/2018, 11:49
Nhiều năm trở lại đây, sân khấu kịch phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng. Một trong những lý do của sự khủng hoảng đó, là thời đại thông tin với sự vận động không ngừng nghỉ của nhiều loại hình vui chơi, giải trí hấp dẫn, sự thờ ơ của khán giả khi đến với rạp hát...

Tuy nhiên, các rạp hát trong thời gian gần đây đỏ đèn và có những suất diễn cháy vé đã khiến cho nhiều người tin rằng, đã bắt đầu có những khởi sắc trong sự quyết liệt đổi mới từ phía các nhà hát....

Gia tăng người mua vé đến rạp

Đến Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm) trong thời gian này, có thể thấy rõ không khí khẩn trương và gấp gáp vì Nhà hát chuẩn bị vở diễn mới sắp ra mắt khán giả. Nhà hát Tuổi trẻ lâu nay được đánh giá là một Nhà hát năng động, có nhiều tìm tòi sáng tạo.

Theo NSƯT Chí Trung, sự kế thừa và phát triển quan trọng hơn. Bất cứ một hoạt động nào trong xã hội cũng cần đổi mới trong những giai đoạn nhất định, Nhà hát Tuổi trẻ đang trong giai đoạn chuyển mình và thay đổi.

Nghệ sĩ ưu Tú Chí Trung.

Theo anh, sân khấu biểu diễn nói chung và Nhà hát Tuổi trẻ nói riêng lại càng cần có những sự tiên phong trong các hoạt động của mình nhưng cũng cần gìn giữ những giá trị cốt lõi của một nhà hát dành cho thanh thiếu nhi duy nhất ở Việt Nam. Đối với các anh, mọi "sản phẩm" ra đời đều có những giá trị nhất định và chúng tôi luôn cố gắng để sản phẩm ấy đến gần với công chúng nhất.

Gần đây nhất, liên tục các suất chiếu được khán giả mua vé vào rạp là những vở diễn của Lưu Quang Vũ như "Ai là thủ phạm", "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" và dĩ nhiên, không thể không kể đến những chương trình hài kịch với thương hiệu "Đời cười" đã là đặc trưng của Nhà hát Tuổi trẻ.

Cảnh trong vở "Ngôi nhà trong thành phố" của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Dĩ nhiên, theo nghệ sĩ Chí Trung, để có được sự cạnh tranh đối với phim rạp, đối với các loại hình giải trí hấp dẫn trên tivi, điện thoại smart phone... thì cũng đòi hỏi các thành viên trong Nhà hát, từ lãnh đạo cho đến các diễn viên đều phải có một cuộc "thay máu" đổi mới từ chính mình.

Nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ: "Kế hoạch của chúng tôi là chất lượng nghệ thuật, khán giả đến nhà hát cần thấy rằng đã không mất thời gian vô bổ, cần thấy được những thứ mà truyền hình, hay điện ảnh không làm... khán giả sẽ cảm thấy ngồi trên sân vận động để xem trực tiếp một trận đá bóng khác xem qua màn ảnh như thế nào. Chúng tôi muốn khán giả hào hứng và phấn khích khi ở trong rạp hát vì ở đó họ được gặp gỡ nhiều người, họ có thể bắt tay người A, mỉm cười với người B, được chụp ảnh chung với vài nghệ sĩ không nổi tiếng lắm, được giải trí và xem những câu chuyện ý nghĩa, những lớp diễn mùi mẫn, xem nước mắt, xem nụ cười...".

NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thì cười vui, anh cho biết, là người đã có nhiều năm gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ, đi từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, anh khẳng định, thời điểm hiện tại, sự nỗ lực mang đến nhiều vở diễn kinh điển, làm mới sân khấu, và đặc biệt là sự thay đổi từ trong nội tại các diễn viên trên sân khấu, cùng sự yêu nghề cháy bỏng và sự cống hiến trọn vẹn trong đêm diễn, sự hóa thân vào nhân vật và vở diễn, đã khiến cho khán giả đã dần quay lại với rạp hát.

Cảnh trong vở "Bão của hoàng hôn" của Đoàn kịch Công an nhân dân.

Anh vui mừng vì Nhà hát Tuổi trẻ vẫn là nơi bán vé mỗi cuối tuần, nhiều người đã dừng xe lại mua vé cho gia đình. Những người bạn của anh cũng không còn xin vé như trước mà muốn xem, họ sẽ đến rạp mua vé. Hy vọng trong thời gian tới, nhiều khán giả sẽ yêu các sân khấu kịch nói như một điểm đến cuối tuần để có thể đón nhận những vở kịch đầy tâm huyết và chứa đựng nhiều thông điệp cuộc sống.

Phục dựng đời sống của người Hà Nội

Nằm trong chuỗi các vở diễn tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ III - năm 2018 là các tác phẩm được dàn dựng từ cách đây nhiều năm, thậm chí có vở tuổi đời không dưới 20 năm nhưng đã được làm mới, phục dựng lại. Tuy có chung một đề tài về Hà Nội, nhưng Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ III - năm 2018 là cuộc hội ngộ của đa dạng các loại hình nghệ thuật như chèo, cải lương, kịch nói để cùng nhau khắc họa nên nét thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội.

Với 10 vở diễn của 10 đơn vị nghệ thuật của Trung ương và Hà Nội, có thể nhận thấy, các tác phẩm ấy đã khá quen thuộc với khán giả như vở “Cô Son” (Nhà hát Chèo Hà Nội); “Bão của hoàng hôn” (Đoàn kịch Công an nhân dân); “Mùa hoa sữa” (Nhà hát Kịch Quân đội); “Tôi đẹp tôi có quyền” (Nhà hát Tuổi trẻ), Ngôi nhà trong thành phố (Nhà hát kịch Hà Nội)… Đó là các tác phẩm phải gắn với đời sống của con người Hà Nội hôm nay.

Những tác phẩm đó có hình tượng nhân vật, bài học về xây dựng con người mới và xã hội. Chúng tôi có dịp tham dự hầu hết các vở diễn tham gia Liên hoan và có thể thấy rõ rằng, khán giả ngồi kín rạp và họ chăm chú theo dõi từng lớp kịch với sự yêu quý, háo hức và đầy say mê. Theo NSND Lê Tiến Thọ, các vở diễn tham gia Liên hoan lần này, dù “bình cũ rượu mới” nhưng không nhàm bởi ở đó còn có hơi thở của cuộc sống đương đại, nét mới của người Hà Nội hôm nay.

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội chia sẻ, khi quyết định tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô với vở diễn "Ngôi nhà trong thành phố", chúng tôi muốn tái hiện lại bối cảnh Hà Nội những năm tháng kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Đó là một giai đoạn lịch sử oai hùng của Thủ đô Hà Nội những năm 1968-1970 khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, phá hoại Hà Nội yêu dấu của chúng ta.

Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu.

Tại ngôi nhà nhỏ trong lòng thành phố Hà Nội, bà giáo (NSƯT Thu Hà) lại chuẩn bị tiễn chân người con thứ hai - Anh Phước (NS Thiện Tùng) lên đường nhập ngũ. Anh Hải - Con trai cả của bà là bộ đội hải quân đang chiến đấu ngoài đảo Cồn Cỏ, anh Phước – con trai út đã phải viết tâm thư bằng máu để được ra chiến trường. Cả thành phố Hà Nội sơn đen để bảo vệ nhà máy điện. Những con người Hà Nội như bà giáo, anh Phước, anh Thông, chị Nhâm, cô ca sĩ Thuý Hà, bác Điềm... tuy trong lòng đều mang những câu chuyện, những nỗi niềm riêng nhưng khi Tổ quốc gọi tên, tất cả đều một lòng vì Thủ đô, vì đất nước.

Vở diễn như một bài thơ nhẹ nhàng, lãng mạn về những con người Hà Nội. Dù bom đạn khốc liệt có thể tàn phá nhà cửa, có thể cướp đi sinh mạng con người bất cứ lúc nào, nhưng người Hà Nội vẫn sống lạc quan, kiên cường và lịch lãm. “Hà Nội nổ súng, nhưng Hà Nội vẫn nở hoa, hoa nở ngay nách hầm” (Trích tuỳ bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” - Nhà văn Nguyễn Tuân).

Điều khiến NSND Trung Hiếu cảm thấy vui mừng nhất thông qua Liên hoan này, đó là việc khán giả đã quay trở lại rạp hát, trong các đêm diễn, rạp kín khán giả, có nhiều người phải tìm ghế sơ-cua để ngồi vào giữa các hàng, đó là một tín hiệu vui và khởi sắc cho sân khấu kịch, để bản thân các diễn viên, các đạo diễn và lãnh đạo hiểu được rằng, đã đến lúc cần nhiều sự thay đổi từ bên trong, kể cả mặt sân khấu lẫn nội lực của diễn viên để kéo khán giả lại cùng mình.

Anh cũng đang có những kế hoạch trình lên cấp trên chờ phê duyệt những dự án nhằm thay đổi lại những quy cách cũ, để trước hết, kéo khán giả trở lại với sân khấu kịch vì những hấp dẫn vốn có của nó.

Khán giả luôn chờ đợi những vở diễn hay

Trong một đêm diễn, chúng tôi gặp ông Minh, bà Hiền. Hai ông bà được con tặng đôi vé đi xem, ông bà đã xúc động xem hết vở diễn và khẳng định rằng, thời tuổi trẻ, ông bà thường có thói quen đi xem kịch, nhưng bẵng đi một thời gian, các rạp không phải lúc nào cũng đỏ đèn, vì họ thiếu vắng khán giả, đôi khi đi xem trong rạp chỉ có hai ông bà và vài người nữa vào xem cũng buồn lắm.

Tuy nhiên, lần này trở lại rạp, hai ông bà cảm thấy choáng ngợp vì rạp chật kín người xem, họ xem với thái độ trân trọng. Điều này chứng tỏ, nếu có những vở diễn hay, được truyền thông tới khán giả, thì đương nhiên, hai ông bà tin chắc ngoài hai ông bà sẽ có nhiều người mua vé đến rạp.

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 3 - năm 2018 vừa bế mạc và trao giải vào ngày 11-11-2008, vở kịch "Mùa hoa sữa" của Nhà hát kịch Quân đội đã lập cú "hattrick", giành 3 giải Vàng, trong đó PGS.TS Phan Trọng Thành đoạt giải Đạo diễn xuất sắc, Giải Vàng cho vở diễn và Họa sĩ Hoàng Duy Đông - Đặng Minh Tuấn đoạt Họa sĩ xuất sắc.

NSƯT Ngọc Thư, Giám đốc Nhà hát Kịch Quân đội cho biết, dù thời gian chuẩn bị tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô gấp gáp nhưng vở “Mùi hoa sữa” của Nhà hát đã dàn dựng cách đây 20 năm. “Chúng tôi tin, khi xem, khán giả sẽ không thấy cũ” - NSƯT Ngọc Thư nhấn mạnh. Đại diện Nhà hát Kịch Quân đội cho biết, đơn vị này mong muốn có thêm nhiều sự kiện liên hoan để các đơn vị sân khấu trong toàn quốc được giao lưu, học hỏi và trang bị thêm kiến thức về nghệ thuật biểu diễn, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cảnh trong vở "Mùa hoa sữa" của Nhà hát kịch Quân đội.

Trong bối cảnh bão hòa của các loại hình giải trí thì đời sống thường nhật của sân khấu vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Các vở diễn được đưa lên sàn diễn đều thể hiện khá rõ quyết tâm, nghị lực, tài năng và sự sáng tạo nhất định của nhóm tác giả, đạo diễn, diễn viên. Qua đó, bằng sự cảm nhận và năng động, các đơn vị sân khấu dần "bắt mạch thị trường" để có những thay đổi đúng hướng. Sân khấu ngày càng đa dạng hóa trong phục vụ, hướng tới các đối tượng phục vụ riêng.

Ðây là xu hướng đúng đắn, sân khấu từng bước tiến tới xã hội hóa trong hoạt động. Nhiều nhà hát đã thoát khỏi tình trạng chỉ đưa ra những tác phẩm mà mình có, chứ không phải là những thứ mà công chúng muốn có, cần có. Trên cơ sở nhìn thấy vài xu hướng phát triển của sân khấu trong năm 2018, chúng ta tin tưởng rằng, sân khấu kịch đang cựa  mình để có những tác phẩm lấy được trái tim khán giả...

Kim Trần
.
.