Sản phụ tử vong tại BV: Có phải vì bác sĩ thiếu trách nhiệm?

Thứ Tư, 06/06/2012, 16:45
Được biết, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã có kết luận nguyên nhân chết của sản phụ Đào Thị Hạnh và Trần Thị Loan là tắc mạch ối. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi với các giám định viên pháp y Bộ Công an về căn bệnh ác nghiệt này...

Hai ngày xảy ra hai vụ việc tương tự

8h ngày 19/4/2012, sản phụ Đào Thị Hạnh, sinh năm 1981, quê ở  Vân Ngoại, xã Hồng Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên đến Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hưng Yên để chuẩn bị đẻ với chẩn đoán: Thai 9 tháng 10 ngày, chuyển dạ đẻ.

Chị đã từng sinh hai cháu gái năm 1998 và 2000. Đây là lần sinh thứ ba sau nhiều năm đi làm ở Nhật về có điều kiện kinh tế, biết chị mang thai cháu trai nên cả hai bên gia đình mừng lắm. Sản phụ nhập khoa Sản trong tình trạng tỉnh táo, huyết áp 120/80mmHg, tim mạch và hô hấp bình thường, không có biểu hiện nhiễm độc thai nghén, cổ tử cung đóng kín, ối chưa vỡ, cơn co tử cung thưa; tim thai 140 lần/ phút, đều, nghĩa là cả mẹ và con đều khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường.

Theo gia đình thì khoảng 19h cùng ngày, sản phụ biểu hiện mệt, đau bụng nhiều nên đã đề nghị mổ nhưng các bác sĩ nói là không cần thiết, có thể sinh tự nhiên bình thường. Ca đẻ tiến triển bình thường cho đến 3h ngày 20/4, cổ tử cung mở hết, ối vỡ hết, sinh một cháu trai bị ngạt tím, không có phản xạ sơ sinh (không thở, không khóc), nhịp tim nhanh nhỏ, khó xác định và ngừng thở, ngừng tim sau ít phút.

Sau khi nhau thai ra, các bác sĩ thấy tử cung co hồi kém, âm đạo ra nhiều máu đỏ tươi nên đã dùng thuốc Ocytocine tiêm bắp và truyền tĩnh mạch để tử cung co nhanh chóng, chống mất máu. Tuy nhiên, máu đường âm đạo vẫn chảy nhiều, mạch 140 lần/phút, nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp 60/40mmHg, xuất huyết dưới da những chỗ tiêm hay quấn băng đo huyết áp. Sản phụ được truyền máu và các loại dịch nhưng máu chảy vẫn không cầm rồi hôn mê.

Đã hội chẩn với chỉ định cắt tử cung do nghĩ tới băng huyết sau đẻ. Sau khi cắt tử cung vẫn còn máu loãng ra theo đường âm đạo và xuất hiện phù toàn thân. Sản phụ tử vong lúc 8h50 ngày 20/4/2012. Với chẩn đoán lâm sàng: Sốc, trụy tim mạch, rối loạn yếu tố đông máu sau mổ cắt tử cung do băng huyết sau đẻ, nghi do tắc mạch ối.

8h20 ngày 20/4/2012, chị Trần Thị Loan, sinh năm 1978, ở thôn Khúc Toại, xã Khúc Xuyên, TP Bắc Ninh vào BV tư nhân đa khoa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh để sinh con thứ ba cũng trong tình trạng mẹ và thai hoàn toàn bình thường: Mẹ không có bệnh tật gì, không bị nhiễm độc thai nghén, không phù, không xuất huyết dưới da, tim thai đều 140 lần/phút.

Sau 30 phút nhập viện (8h 50) cổ tử cung đã mở 2cm, cho đến 0h ngày 21/4/2012, cổ tử cung mở 8cm, được tiêm 1 ống Ocytocine. 0h 10, cổ tử cung mở hết, sản phụ hoàn toàn tỉnh táo, tim thai vẫn đều 140 lần/phút, được bác sĩ hướng dẫn cách rặn. Nhưng chỉ sau hai cơn rặn, thai chưa xổ được thì sản phụ đột ngột ngất xỉu, mạch nhanh nhỏ, huyết áp không đo được. Ngay lập tức sản phụ được thở Oxy, bóp bóng nhưng sản phụ đã hôn mê, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, tim đập rời rạc và sản phụ Loan tử vong lúc 0h15 ngày 21/4.

Phản ứng của thân nhân

Trước cái chết bất ngờ và xảy ra quá nhanh của người thân nên cả hai trường hợp gia đình sản phụ đều không đắn đo về việc mổ tử thi như những trường hợp khác mà lập tức đề nghị Cơ quan điều tra trưng cầu pháp y Bộ Công an giám định, làm rõ nguyên nhân chết của người thân.

Vào khoảng 14h ngày 20/4, khi các giám định viên pháp y (GĐVPY) Bộ Công an đến BV đa khoa Hưng Yên thấy có khoảng hơn trăm người tụ tập ở khu vực nhà đại thể của BV. Không khí nặng nề bao trùm trong cái nóng nực đầu hè và đâu đó trong đám đông có những phát ngôn của những cái đầu đang nóng, bức xúc vì lý do gia đình đề nghị mổ mà bác sĩ nói không cần mổ, vẫn đẻ thường được nên dẫn đến chết cả mẹ lẫn con.

Khi các GĐV đang khám nghiệm thì bên ngoài thỉnh thoảng lại rộ lên những tiếng la ó, chửi bới, rồi những tiếng giằng co, xô đẩy của người nhà sản phụ với lực lượng công an bảo vệ khu vực khám nghiệm. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hưng Yên phải điều động số đông cán bộ, chiến sĩ đến BV để kiềm chế những lời nói và hành vi quá khích… 

Quang cảnh ở BV Kinh Bắc, trên đường Trần Hưng Đạo, TP Bắc Ninh còn náo loạn hơn nhiều. Trước cửa BV, các khoảng trống, hành lang tầng 1, cầu thang và hành lang các tầng 2, 3, 4 chật cứng người (vì tử thi sản phụ Trần Thị Loan đang được niêm phong trong phòng đẻ ở tầng  4), còn hành lang và cầu thang các tầng 5, 6, 7 thì thưa hơn chút ít. Đấy là chưa kể đến vài trăm người tụ tập ở hai đầu đoạn đường ngang qua BV đã được dựng barie cấm đường. Vì thôn Khúc Toại, nơi cư trú của sản phụ Trần Thị Loan chỉ cách BV một quãng ngắn, vì thế thân nhân, hàng xóm kéo đến rất đông.

Quang cảnh ở bệnh viện Kinh Bắc ngày 21/4/2012.

Khi Hội đồng khám nghiệm và các GĐV đang khám nghiệm hiện trường và tử thi ở tầng 4 thì tiếng người gào thét, la ó liên tục không ngớt, thỉnh thoảng rộ lên như những làn sóng. Công an TP Bắc Ninh phải huy động tối đa lực lượng, kể cả Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát bảo vệ và xin chi viện lực lượng của Công an tỉnh để bảo vệ khu vực BV và dẹp bớt sự quá khích. Người nhà sản phụ ngang ngược đưa quan tài đến BV và phá gạch men trong sân bệnh viện để đào huyệt, đập phá một số dụng cụ, tài sản…

Các bác sĩ pháp y nói gì?

Được biết, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã có kết luận nguyên nhân chết của sản phụ Đào Thị Hạnh và Trần Thị Loan là tắc mạch ối. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi với các GĐVPY Bộ Công an về căn bệnh ác nghiệt này.

Trước hết, đây là một căn bệnh được coi là hiếm gặp, năm 1942, người Mỹ lần đầu mô tả bệnh cảnh này. Ở Mỹ xác suất mắc phải bệnh cảnh này từ 1/8.000 - 1/30.000 ca thai nghén; ở Canada, thống kê 3 triệu ca đẻ từ 1991 đến 2002 tỉ lệ tắc mạch ối là 14,8/100.000 ca đẻ đa thai và 6/100.000 ca đẻ một thai; thống kê ở Anh năm 2000-2002 là 3,7/1 triệu ca thai nghén và mẹ tử vong gần 80%.

Theo nhiều tác giả thì tần suất tắc mạch ối khoảng 1/7.500 - 1/10.000 ca sinh. Các nước đưa ra tỉ lệ tử vong từ 80 - 90%, nhưng chỉ có duy nhất năm 2002 ở Mỹ công bố cứu sống được 2 trường hợp, và cả thế kỷ trước người Pháp cứu được 1 trường hợp. Nếu tử vong do băng huyết chiếm 41%, sản giật trên 21%... các nguyên nhân tử vong sản khoa thì tắc mạch ối tử vong gần như 100%.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh cảnh là xuất hiện rất đột ngột, không có bất kỳ triệu chứng báo trước nào: sản phụ rùng mình đột ngột; đau thắt ngực; khó thở vào, thở nhanh nông; mặt tím tái; bồn chồn, lo lắng hoặc hoảng hốt, sợ hãi cảm giác như sắp chết; có thể sốt, rét run hoặc buồn nôn và nôn; có thể co giật (50%) nên dễ nhầm với sản giật; nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp; tụt huyết áp; lú lẫn, mất ý thức…

Nguyên nhân là do quá trình chuyển dạ rau thai bong khỏi niêm mạc tử cung, nếu niêm mạc tử cung bị rách và cơn co tử cung tạo ra một áp lực rất mạnh sẽ đẩy nước ối vào máu mẹ qua đường xoang tĩnh mạch ở niêm mạc tử cung hay tĩnh mạch ống ở cổ tử cung, gây ra tình trạng co thắt động mạch phổi gây tăng áp lực phổi và tâm thất phải, phù phổi cấp tính.

Tình trạng thiếu ôxy làm suy thất trái và suy hô hấp cấp, người bệnh hôn mê nhanh chóng (80% trong vài phút đầu tiên). Nếu sống sót qua giai đoạn này thì sẽ chuyển sang giai đoạn chảy máu ở nhiều cơ quan phủ tạng do rối loạn đông máu, chảy máu ở những chỗ tiêm, đo huyết áp đặc biệt chảy máu dữ dội theo đường âm đạo (ngay cả khi tử cung đã co hồi) nên bác sĩ chưa có kinh nghiệm về bệnh cảnh này thường chẩn đoán là băng huyết sau đẻ.

Tại sao vậy? Trước hết thủ phạm gây chết bất đắc kỳ tử cho mẹ chính là độc tính của nước ối con với các thành phần phân xu, lông tơ, các chất khoáng, chất gây từ da và tế bào biểu bì da, tế bào màng ối; các chất protide, lipite, đường và sản phẩm chuyển hóa của chúng. Gọi là tắc mạch ối nhưng thực chất là sốc phản vệ, đông trong mạch và chảy máu ồ ạt hợp thành trạng thái nguy kịch chết người của bệnh cảnh này.

Y học thế giới chưa khẳng định được bản chất đích thực của tắc mạch ối. Người ta cho rằng có thể trước đây nước ối (là kháng nguyên - một chất lạ) đã lọt vào cơ thể mẹ và cơ thể mẹ tạo ra kháng thể để chống lại kháng nguyên này (giống như cơ chế tiêm chủng). Lần sau nếu cơ thể mẹ xuất hiện kháng nguyên (nước ối) sẽ xảy ra phản ứng kháng thể chống lại kháng nguyên và làm xuất hiện nhiều chất chuyển hóa trung gian độc như Histamine, Cytokin, Thromboxan…

Hiện nay các nhà khoa học đang chú ý tới nguyên nhân phân rã nhân các tế bào khổng lồ (tế bào Lanhangs) của nhau thai giải phóng ra nhiều chất Histamine và các men Tryptase… Tắc mạch ối thường xảy ra trong giai đoạn chuyển dạ nhưng cũng có khi màng ối còn nguyên (12%) hay khi thai và rau đã ra (trong vòng 30 phút).

Nguy cơ cao hơn nếu sản phụ đẻ con rạ (75% và gặp nhiều hơn từ con thứ ba trở đi), thai to, tuổi cao (35 tuổi trở lên), thai nhi nam (67%), can thiệp bằng Fooccep, hay giác hút (Vantoux), đa ối, đa thai, thai chết lưu, vỡ ối, rách cổ tử cung, vỡ tử cung, nhau tiền đạo hay cài răng lược, nhau bong non hay sót nhau, sản giật, thúc đẻ bằng Ocytocine và mổ đẻ (19%). Vì thế trước đề nghị mổ của gia đình, bác sĩ phải cân nhắc đến yếu tố nguy cơ cao, chứ không phải như người dân cho rằng nếu mổ thì không chết người!? Người ta còn thấy chọc hút nước ối hay chấn thương vùng bụng, sẩy thai, thai chết lưu cũng bị tắc mạch ối. Do bệnh cảnh xảy ra quá nhanh, không có triệu chứng báo trước, không thể đề phòng, gần như không có khả năng cứu chữa nên tắc mạch ối thực sự là nỗi kinh hoàng của bác sĩ sản khoa cả về chuyên môn lẫn mặt xã hội! Chẩn đoán xác định nguyên nhân chết là tìm thấy tế bào ối trong mô phổi trên kính hiển vi.

Không vì bức xúc mà quá mù ra mưa

Làm sao không bức xúc tột độ khi cả hai sản phụ trong quá trình chuyển dạ đều được nhân viên y tế thông báo cả mẹ và thai nhi hoàn toàn bình thường, nhưng lại tử vong rất đột ngột, thậm chí chỉ sau vài phút như sản phụ Loan. Bức xúc nên những người thay mặt gia đình sản phụ Loan làm việc với Hội đồng khám nghiệm và BV Kinh Bắc ngay khi kết thúc việc khám nghiệm tử thi cứ xoáy vào việc yêu cầu BV kết luận nguyên nhân chết của sản phụ. Đòi hỏi này là quá đáng vì chỉ có GĐVPY mới trả lời được câu hỏi này sau khi đã làm các xét nghiệm mô học, độc chất phủ tạng và cần đến thời gian nhiều tuần lễ.

Người nhà của sản phụ Loan còn cho rằng do bác sĩ tiêm thuốc kích thích chuyển dạ quá sớm, trong khi cổ tử cung chưa mở làm thai nhi chết ngạt và sản phụ tử vong vì kiệt sức, trong khi bệnh án (được niêm phong trong phòng đẻ ngay sau khi xảy ra tai biến) ghi thuốc Ocytocine được truyền khi cổ tử cung mở 8cm. Gia đình sản phụ yêu cầu ngoài việc bồi thường, BV Kinh Bắc còn phải có trách nhiệm với 2 con chị Loan đến 18 tuổi; BV phải có "quan điểm" với Cơ quan Công an về "vụ việc lộn xộn" ngày 21/4 để tránh "gây khó khăn" cho gia đình chị Loan và nhân dân địa phương. BV Kinh Bắc đã đình chỉ kíp trực đêm 20 và 21/4 có lẽ cũng vì tình thế, nhưng các nhân viên y tế này rõ ràng đã bị hàm oan!?

Còn nhớ, trước đây Chuyên đề ANTG đã có bài viết về một số ca tắc mạch ối nhưng khổ nỗi lâu nay hễ sản phụ chẳng may tử vong thì người nhà hầu hết cho rằng nhân viên y tế tắc trách, vô trách nhiệm nên dồn hết sự tức giận lên họ mà không hề bình tĩnh tìm hiểu một chút về nguyên nhân chết. Chuyện bác sĩ tắc trách hay non kém chuyên môn gây hậu quả xấu cho người bệnh không ai phủ nhận, nhưng không phải đều là như vậy.

Một người dân ở Bắc Ninh nói rằng phản ứng của gia đình đã đi quá giới hạn luật pháp cho phép. Nếu mỗi sai sót của cán bộ y tế đều có những hành xử như vậy thì còn gì là luật pháp. Giả sử nguyên nhân tử vong của chị Loan do BV Kinh Bắc gây nên cũng không nên hành xử như vậy vì những chuyện tiêu cực là không có ở BV này và chất vấn về việc BV không đáp ứng yêu cầu mổ lấy thai là không hợp lý bởi mổ BV sẽ thu được nhiều tiền hơn.

Người dân này còn đề nghị phải làm rõ trách nhiệm hình sự của những người coi thường pháp luật, hủy hoại tài sản, gây mất trật tư an ninh công cộng, để ngăn chặn những tiền lệ xấu tiếp diễn khi thực trạng gần đây có quá nhiều những phản ứng tương tự ở nhiều địa phương. Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Bắc Ninh đã khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng tại BV Kinh Bắc.

Trong y tế, sản khoa có tỉ lệ tử vong cao nhất. Ở Mỹ, Anh, tỉ lệ sản phụ chết là 14/100.000 người. Con số này ở Việt Nam đầu thập niên 80 thế kỷ trước là 250/100.000 ca và hiện tại vẫn ở mức cao: 75/100.000 ca. Vì thế, ngay cả một ca đẻ thường cũng không dám chắc có tai biến hay không? Vì thế trước những tai biến kể cả đau đớn nhất là chết người, người dân cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để giải quyết hậu quả đúng pháp luật, tránh gây thêm hậu quả xấu cho chính mình và cộng đồng

Nguyễn Văn
.
.