Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “hình tượng người chiến sĩ CAND”

Sáng ngời phẩm chất cách mạng

Thứ Hai, 03/08/2020, 10:47
Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” quy tụ 27 đoàn nghệ thuật dự thi cùng 33 vở diễn với các thể loại kịch nói, chèo, cải lương, ca kịch.

Điểm mới của Liên hoan lần này là đã khai thác sâu đậm đề tài điều tra phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực. Có những vở diễn đi vào các vụ án và ca ngợi những chiến công thầm lặng của CAND trong cuộc đấu tranh không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Có những hình tượng người chiến sĩ công an đã chạm vào trái tim khán giả.

Để giữ gìn cuộc sống bình yên, hình ảnh người chiến sĩ kiên trung đã không quản hiểm nguy, tính mạng, sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng tư để bảo vệ công lý. Cho dù có khó khăn và gian khổ đến đâu, người chiến sĩ CAND vẫn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân.

Người chiến sĩ đi tìm sự thật

“Vụ án am bụt mọc” của Trung tâm Sân khấu và phát triển (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) phối hợp cùng Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ. Đây là một vở kịch khá khác lạ so với các vở kịch trong đợt liên hoan lần này. 

Vụ án không xoay quanh vấn đề chống tham nhũng trong lực lượng CAND như vở “Vòng xoáy” của Đoàn Ca kịch Quảng Nam, cũng không đi vào tình tiết cương quyết chống tội phạm buôn bán ma túy như vở “Vẫn sống” của Nhà hát CAND, hay tìm ra công lý sự thật đạo đức suy đồi của một quan chức như vở “Kẻ trộm” của Nhà hát Kịch Việt Nam...

Cảnh trong vở "Vụ án am bụt mọc".

Vở “Vụ án am bụt mọc” xoay quanh câu chuyện với tình tiết éo le của một vụ trọng án, cướp của giết người. Vở kịch mở màn với cảnh ngoại tình của Ngân và Phong trong khách sạn. Khánh gọi điện cho vợ nhưng vợ không nghe máy. Khánh điện thoại cho Phong nhưng Phong nói dối là đang giải quyết công việc mà Khánh giao buổi sáng. Khi chỉ còn hai người trong căn phòng tội lỗi, nghĩ đến người đã dìu dắt mình, Phong cảm thấy ăn năn, muốn mối quan hệ giữa mình và vợ sếp dừng lại.

Ngân một mực không chịu, cho là Phong đã chán mình. Sau khi ân ái xong, Ngân bảo đang có 500 triệu trong túi và muốn đưa cho Phong. Phong nói không cần tiền của Ngân, rồi bỏ đi. Còn lại một mình Ngân trong phòng khách sạn, một tên cướp bịt mặt xuất hiện. Hắn bóp cổ Ngân đến chết, cướp đi túi tiền và trước khi đi không quên giật sợi dây chuyền trên cổ Ngân. 

Xảy ra cái chết của Ngân, nghi can số 1 chính là Phong. Nhiều dấu vết trên cơ thể Ngân là của Phong. 500 triệu đồng của Ngân cầm đến khách sạn biến mất trong khi đó Cơ quan cảnh sát điều tra tìm thấy tại nhà Phong có số tiền 500 triệu trùng khớp với số tiền đã mất. Với những bằng chứng không thể chối cãi, Phong phải kí vào hồ sơ nhận tội là hung thủ giết người. Cùng lúc ấy, Cường - cán bộ công an phá được 2 vụ án lớn, chuẩn bị được bổ nhiệm làm đội trưởng.

Cường phá vụ án cướp của giết người mà đối tượng gây án là Phong, đồng thời anh cũng phá được vụ án cướp của tại tiệm vàng trên địa bàn mình quản lý. Cường được báo đài truyền hình ca ngợi chiến công, được phóng viên phỏng vấn ca ngợi như người anh hùng trong phá án. Mọi chuyện tưởng như kết thúc, khép lại thì Trọng, cấp dưới của Cường cũng chuẩn bị được thăng cấp bậc hàm và điều động lên làm đội phó nhưng bằng linh cảm, Trọng thấy có gì đó đang bất ổn ở vụ án cướp của giết người này.

Từ tên cướp tiệm vàng mà Cơ quan công an bắt được, ông chủ tiệm vàng đến nhận lại số vàng và cho biết duy chỉ có sợi dây chuyền tên cướp có không phải là của tiệm vàng của ông. Đang điều tra vụ án, Trọng phát hiện sợi dây chuyền này rất giống sợi dây chuyền trên cổ nạn nhân bị bóp chết trong khách sạn. Sau 3 tháng ở lì cơ quan để phá án, chưa một lần được về thăm nhà, thủ trưởng của Cơ quan cảnh sát điều tra cho Trọng nghỉ phép về thăm vợ con. 

Túi quà mà Trọng mua cho con và cho vợ không được vợ đón nhận. Bởi sự vắng mặt biền biệt của anh, trong khi kinh tế gia đình nhà vợ khá giả nên cô đã vận động anh bỏ nghề. Sau khi khuyên bảo chồng không được, cô giận dỗi bỏ về nhà ngoại.

Cùng lúc đấy, vợ Phong liên tục cùng con trai tìm đến Cơ quan công an để minh oan cho chồng. Nhìn hình ảnh vợ con của hung thủ tìm đến tận nhà riêng của mình, Trọng động lòng trắc ẩn. Con trai của Phong đã phải bỏ học vì ở trường không ai muốn chơi với con của kẻ giết người.

Vợ của Phong cũng phải bán và cầm cố tài sản để lo việc cho chồng.  Vợ Phong cầm một số tiền lớn đưa cho Trọng, nhờ anh điều tra lại vụ án. Trọng nhất quyết không nhận tiền và bằng linh cảm nghề nghiệp, anh cảm thấy có một sự thật khác đang ở sau vụ án này. Trọng quay trở lại đơn vị, anh mở hồ sơ điều tra lại vụ án. Mâu thuẫn bắt đầu xảy ra ngay trong nội bộ cơ quan giữa Trọng và Cường.

Cường - một chiến sĩ vừa được báo đài ca ngợi là người hùng phá án - đương nhiên không muốn điều tra lại vì anh thấy mọi bằng chứng đều tố cáo Phong là hung thủ giết người. Trong cuộc đấu tranh tìm sự thật, Trọng không muốn người vô tội bị án oan nhưng vô tình anh lại làm sứt mẻ tình đồng đội.

Thậm chí để tìm ra sự thật, Trọng đã bí mật cho làm các xét nghiệm lại và anh bị lãnh đạo khiển trách vì vượt mặt cấp trên. Trong một lần đối chất với lãnh đạo, quyết tâm tìm bằng được sự thật, anh đã thề, nếu sự thật mà anh đang làm không đúng, anh sẽ chịu mọi hình thức kỉ luật và ra khỏi ngành. Lời hứa danh dự của người chiến sĩ CAND được lãnh đạo phê chuẩn, lúc này Cơ quan cảnh sát điều tra mở lại chuyên án phá vụ án cướp của giết người.

Trong lúc mở rộng điều tra lại vụ án, Cường lờ mờ cảm nhận mình đã quá vội vàng khi khép lại vụ án, anh giằng xé giữa việc đi tìm sự thật hay không. Và đạo đức của người chiến sĩ CAND đã thắng, lương tâm anh không cho phép mình làm sai lệch vụ án. Anh nghĩ: “Biết sai thì phải sửa sai, không bao giờ là muộn”.

Cường cùng Trọng  và 2 chiến sĩ của Cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp ăn ý để tìm ra sự thật. Và thật bất ngờ, Khánh mới chính là hung thủ thực sự của vụ án. Khánh đã thuê người sát hại vợ (là hung thủ cướp tiệm vàng), cốt chỉ để đổ tội cho Phong. Sự thật được phơi bày, công lý được đưa ra ánh sáng, người vô tội được trả lại tự do, kẻ giết người phải đền tội.

Nghệ sĩ Tùng Linh - người đóng vai chiến sĩ công an Trọng cho biết: “Vở kịch khép lại mang đến cho chúng ta niềm tin yêu vào những con người đang ngày đêm bảo vệ pháp luật và thực thi công lý, những người diệt trừ cái ác, đem lại niềm tin đến cho nhân dân. Trọng và Cường là hai chiến sĩ CAND, là tấm gương tiêu biểu suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.

Bước qua lằn ranh giới

Vở kịch nói “Yêu” của Nhà hát Kịch Việt Nam xoay quanh câu chuyện về những chiến sĩ cảnh sát hình sự thi hành nhiệm vụ truy tìm tội phạm. Tuy nhiên, vở kịch lại xoay quanh một câu chuyện lãng mạn giữa nữ chiến sĩ cảnh sát hình sự Hồng Hoa và tội phạm tên Bình. 

Cảnh trong vở "Yêu" của Nhà hát kịch Việt Nam.

Hồng Hoa là con gái cưng của thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra. Người cha mà cô rất mực yêu thương trong một lần phá án đã bị tội phạm tông thẳng xe vào người và cướp đi của ông đôi chân, khiến ông phải ngồi xe lăn vĩnh viễn. Thương cha và căm hận kẻ đã gây ra tại nạn cho cha mình, Hồng Hoa tuyên thệ vào lực lượng công an và trở thành nữ chiến sĩ trẻ.

Ở cùng đơn vị với cô có Đại úy Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, người đã phá rất nhiều chuyên án. Minh dành tình yêu đặc biệt với Hồng Hoa nhưng Hồng Hoa chỉ coi Minh như một người anh lớn trong nghề mà cô rất kính trọng. Trong một lần phá chuyên án, tên cướp đã lao vào nhà người dân dùng dao khống chế nạn nhân.

Trong lúc giằng co, tên cướp đã vung dao lên định đâm nhát chí tử vào người nữ chiến sĩ. May thay lúc ấy Bình xuất hiện kịp thời đỡ nhát dao cho Hồng Hoa. Tên cướp bị bắt, Bình phải nằm viện điều trị vì vết thương khá sâu. Hồng Hoa nhận ra ân nhân cứu mạng mình, người đã đỡ nhát dao oan nghiệt cho cô cũng chính là chàng trai khi xưa cùng học ở trường cấp III mà mình cảm mến.

Trong những ngày Bình nằm viện, Hồng Hoa hằng ngày đến chăm sóc Bình ân cần, tình yêu nảy nở trong họ. Trớ trêu thay, Bình lại là tội phạm trốn truy nã của vụ án cách đây 6 năm, chính Bình đã tông xe vào cha của Hồng Hoa.

Bình đã nhiều lần dằn vặt nghĩ sẽ ra đầu thú. Cùng lúc ấy, ở đơn vị của Hồng Hoa, những vụ án cũ cũng được lật lại để điều tra và vụ án cách đây 6 năm nằm trong số đó. Trong khi điều tra, Đại úy Minh phát hiện nhiều điểm nghi vấn Bình là hung thủ tông xe vào bố của Hồng Hoa. Đại úy Minh phân vân làm sao để Hồng Hoa, người mà anh rất mực yêu thương không bị sốc, đồng thời cũng vì tình yêu với Hồng Hoa, anh không muốn gây tổn thương đến cô. Anh nghĩ Bình cũng có thể là người tốt vì đã đỡ nhát dao cho Hồng Hoa, người như thế không hoàn toàn là người xấu. Có thể trong vụ án cũ, Bình đã có những điều khó xử.

Quả nhiên, đúng vậy, Bình bị tên đầu trọc uy hiếp gí dao bắt tông xe vào bố của Hồng Hoa. Bình tìm đến nhà Hồng Hoa, nói sự thực với cha cô. Hồng Hoa ở trong buồng nghe được hết mọi chuyện. Tình cảm giằng xé dữ dội, bên tình bên hiếu! Bên thực thi pháp luật, thực thi công lý, bên người yêu mình phạm tội phải đền tội! Buông hay không buông? Đi tiếp hay dừng lại? Bỏ qua hay quyết tâm tìm ra sự thật?

Cảnh cuối cùng của vở kịch, Bình bị chính Hồng Hoa sau khi ôm hôn người yêu của mình, cô đã còng tay Bình và công an dẫn giải Bình đi. Hoa nói với Bình trong nước mắt, cô vẫn chờ đợi đến ngày anh thi hành án xong.

Vở kịch “Yêu” khép lại, tình yêu của một nữ chiến sĩ công an hình sự với môt tội phạm từng tông xe vào bố mình nhưng đồng thời cũng là ân nhân cứu mình thoát khỏi nhát dao chí mạng. Tình yêu và hận thù. Cuối cùng, tình yêu chiến thắng.

NSƯT Xuân Bắc - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, để tham gia vào Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, đã có hơn 40 kịch bản chất lượng được lựa chọn. Kịch bản “Yêu” của tác giả - nhà văn Nguyễn Quang Vinh là một trong số những kịch bản chất lượng được Nhà hát dàn dựng dịp này.

Vở diễn được khán giả đón nhận bởi vừa có sự khốc liệt dữ dội của nghề nghiệp nhưng không thiếu đi vẻ đẹp trong tâm hồn với tình yêu bay bổng, lãng mạn. 

Vở diễn là câu chuyện về những chiến sĩ CAND luôn đương đầu đấu tranh với cái xấu, cái ác. Họ không ngại hy sinh thân mình đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Họ cũng là những con người bình dị nhưng đã chọn cho mình con đường chông gai nhất, nguy hiểm nhất đó là bảo vệ bình yên cho xã hội, qua đó, mang đến những lát cắt về đời sống của người chiến sĩ CAND, giúp công chúng đồng cảm với công việc đặc thù của người chiến sĩ cách mạng trong thời bình.

Trần Mỹ Hiền
.
.