Sập bẫy kẻ lừa siêu hạng

Thứ Sáu, 06/12/2013, 08:45

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc một doanh nghiệp (DN) ở TP HCM đã dùng chứng thư bảo lãnh giả 350 tỉ USD để lừa xin dự án Khu liên hợp nhà máy chế biến lương thực tại tỉnh Hậu Giang. Vụ việc bị bại lộ và hiện Công an tỉnh Hậu Giang, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hậu Giang đã vào cuộc để điều tra, xác minh. Với thủ đoạn tương tự, trong thời gian qua Cơ quan CSĐT Công an TP HCM (PC46) đã thụ lý nhiều vụ đối tượng làm giả các chứng thư bảo lãnh của ngân hàng có giá trị hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng để lừa đảo DN...

Khi kẻ lừa đội lốt con cán bộ cao cấp

Tháng 11/2013, Phòng PC46 - Công an TP HCM phát lệnh truy nã đối tượng Lê Đăng Lưu (49 tuổi, HKTT tại  khu phố Hòa Linh, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) để điều tra tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do đối tượng này đã sử dụng các giấy tờ giả của ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỉ đồng.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, ông Trần K.G. - Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng VT-KT và XD Kiến Hưng (gọi tắt là Công ty Kiến Hưng) gửi đơn đến Cơ quan CSĐT tố cáo bà Đào Thị A.H. - Giám đốc Công ty TNHH ĐT-XNK Việt Sin Ro Sa (gọi tắt là Công ty Việt Sin Ro Sa) và đối tượng tự giới thiệu tên là Lê Đức Minh, giả mạo là con trai ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông G.

Ông G. cho biết, do cần vốn trong kinh doanh, ông G. được bà H. dẫn đến gặp Lê Đức Minh và được cho xem một số giấy tờ gồm: Giấy xác nhận số dư số 1133/TCB-TB ngày 5/2/2010 do Giám đốc Teachcombank - Chi nhánh Tân Bình ký xác nhận đồng sở hữu gồm các ông: N.S.H., V.H.P, Đ.T.B., L.Đ.Thúy và Lê Đức Minh theo tài khoản số 00024689721162 có số tiền gửi 13 tỉ USD; Thư phúc đáp Công văn số 1286/TCB-TB ngày 6/2/2010 cũng do Giám đốc Teachcombank - Chi nhánh Tân Bình ký về việc giải ngân cho Công ty Việt Sin Ro Sa với số tiền vay 600 triệu USD.

Tận mắt chứng kiến các giấy tờ trên nên ông G. tin tưởng, giao cho Lê Đức Minh 6,1 tỉ đồng để làm chi phí giải ngân. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Minh đã biến mất.

Khi Cơ quan CSĐT vào cuộc để điều tra, làm rõ vụ việc thì phát hiện không chỉ ông Trần K.G. mà cả bà Đào Thị A.H. đều là nạn nhân của Lê Đức Minh.

Quá trình điều tra được biết: Lê Đức Minh tên thật là Lê Đăng Lưu (HKTT tại khu phố Hòa Linh, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh). Năm 2008, Lưu vào TP HCM và có quen biết với bà Đào Thị A.H. - Giám đốc Công ty Việt Sin Ro Sa. Để thực hiện những cú lừa ngoạn mục, Lưu đã giả danh là Lê Đức Minh con trai ông Lê Đức Thúy và khoe mẽ: Minh cùng với một số cán bộ cao cấp có một khoản tiền nhàn rỗi lớn, nếu DN nào khó khăn về vốn thì Minh (Lưu) sẽ giúp để DN vay.

Khoảng tháng 1/2010, do cần tiền để thực hiện dự án xây dựng KDC Phú Thuận, phường Phú Lợi, Thủ Dầu Một, Bình Dương, nhớ lại lần trước Minh nói có một khoản tiền lớn có nhu cầu cho DN vay nên bà H. đã liên hệ Minh để vay 600 triệu USD.

Theo yêu cầu của Minh, để vay được khoản tiền trên, bà H phải làm công văn xin vay vốn với nội dung: "Công ty Ro Sa xin vay của Lê Đức Minh và một số người khác (là ông N.S.H., V.H.P., Đ.T.B., Thúy) số tiền 600 triệu USD để thực hiện dự án. Đồng thời, bà H. phải nộp 400.000 USD để làm chi phí giải ngân".

Vì muốn sớm nhận được khoản tiền vay để thực hiện dự án nên ngày 30/1/2010, bà H. đi cùng Lê Hồng Lâm (người cùng công ty) đến phòng 206, khách sạn Hoàng Hà để đưa cho Minh (Lưu) 750 triệu đồng. Lúc này, trong phòng khách sạn, ngoài Minh, còn có đối tượng tên Dũng và một số người khác. Sau khi nhận tiền của bà H., đầu tháng 2/2010, Minh điện thoại hẹn bà H. ra khách sạn và đưa cho bà H. bản photo các giấy tờ gồm: "Thư phúc đáp về việc giải ngân" và "Giấy xác nhận số dư số tài khoản" của Ngân hàng Teachcombank.

Do không đủ 400.000 USD làm chi phí để giải ngân theo yêu cầu của Minh nên bà H đã "hợp tác" với Trần K.G. - Giám đốc Công ty Kiến Hưng để chia sẻ nguồn vốn vay cũng như chia sẻ chi phí giải ngân. Do cũng đang cần vốn làm ăn nên ông G. đồng ý.

Ngày 25/3/2010, bà H. và ông G. ký kết hợp đồng liên doanh đầu tư góp vốn số 03/2010/hđldđtgv với nội dung: "Công ty Việt Sin Ro Sa góp vốn cho Công ty Kiến Hưng số tiền 50 triệu USD". Do ông G. không có sẵn tiền để nộp phí giải ngân nên cùng ngày, bà H. và ông G. đã ký biên bản thỏa thuận với nội dung: "Ông G. cho bà H. mượn căn nhà ở đường Nguyễn Trãi, quận 1 và lô đất 1.500m2 ở phường Phú Hữu, quận 9 để thế chấp, vay tiền". Sau khi ký hợp đồng và biên bản thỏa thuận trên, ông G đến gặp ông N.T. Phúc - Giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản ở phường Đa Kao, quận 1 để thỏa thuận việc thế chấp 2 tài sản nói trên, vay 8 tỉ đồng.

Để củng cố thêm niềm tin của ông G., chiều ngày 25/3/2010, bà H. đưa ông G. đến gặp Minh tại khách sạn Hoàng Hà (quận Phú Nhuận). Ông G. thổ lộ: Mặc dù chưa bao giờ biết và gặp Lê Đức Minh, nhưng ông G. biết ông Lê Đức Thúy là người Nghệ Tĩnh. Vì vậy, khi gặp và nghe Minh cũng nói giọng Nghệ Tĩnh nên ông G. tin rằng đó chính là con trai của ông Lê Đức Thúy.

Thấy có đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan đến khoản tiền vay và cũng đã trực tiếp gặp mặt được "con trai ông Thúy" nên ông G rất yên tâm. Ngày 6/4/2010, ông G làm hợp đồng ủy quyền 2 tài sản nhà, đất cho N.T.Phúc và ký hợp đồng vay tiền. Sau khi ký hợp đồng, N.T.Phúc đến Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam để nộp trả số tiền gốc, lãi là 1,9 tỉ đồng để giải chấp giấy tờ nhà, đất, mà Công ty Kiến Hưng của ông G. đang thế chấp. Số tiền còn lại 6,1 tỉ đồng, ông Phúc giao cho ông G. và ông G. đã dùng xe ôtô chở tiền đến khách sạn Thanh Huyền (phường 4, quận Tân Bình) để đưa cho Minh.

Sau khi giao tiền, ông G. yên tâm về nhà, chờ bà H. giải ngân để nhận tiền vốn vay như thỏa thuận, thời gian hẹn là 15 ngày. Nhưng sau 2 tháng ông G. vẫn không thấy gì. Ông G. sốt ruột gọi điện cho Minh thì điện thoại của Minh luôn trong tình trạng… không liên lạc được. Lúc này, ông G. mới biết mình đã "sập bẫy" của kẻ lừa siêu hạng.

Chẳng khác gì ông G., làm việc với Cơ quan điều tra, bà H. cũng thú nhận, sau khi giao 750 triệu đồng cho Minh, bà H. cũng rất nhiều lần liên lạc để yêu cầu Minh chuyển tiền vốn vay, nhưng Minh chỉ chuyển vào tài khoản cho bà H có… 30 USD. Sau đó, bà H. cũng rất nhiều lần liên lạc với Minh nhưng không được. Biết mình đã bị đối tượng Minh lừa đảo nên bà H. đã có đơn gửi đến Bộ Công an tố cáo Minh chiếm đoạt tài sản.--PageBreak--

Lật "mặt nạ" hàng loạt đối tượng lừa đảo

Để phục vụ công tác điều tra vụ án trên, Công an Hà Tĩnh đã cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến đối tượng Lê Đăng Lưu (giả tên là Minh) theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an TP HCM. Kết quả xác minh được biết: Lê Đăng Lưu không có nghề nghiệp ổn định. Có giấy chứng nhận thương binh loại A thương tật hạng 4/4 (38%) do Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cấp ngày 16/6/2002. Có 1 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.

Ngày 20/8/1997, Lưu bị TAND tỉnh Hà Tĩnh xử phạt 3 năm tù giam, ra tù tháng 4/1999. Ngày 15/7/2007, Lưu tiếp tục bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - Bộ Công an bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 17/9/2009, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú với lý do bị can đã khai nhận hành vi phạm tội, gia đình bị can có đơn xin bảo lãnh cho bị can được tại ngoại để khắc phục hậu quả.

Ngày 23/2/2011, Tòa án nhân dân TP Hà Nội có quyết định đưa ra xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc tuyển người đi xuất khẩu lao động do Lê Đăng Lưu và các đối tượng Đinh Hùng Quang, Đinh Hồng Giang cùng thực hiện. Nhưng do Lưu bỏ trốn nên ngày 16/7/2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định truy nã Lê Đăng Lưu.

Những tài liệu điều tra thu thập được đã có đầy đủ chứng cứ để xác định Lê Đăng Lưu phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngày 8/6/2013, Cơ quan CSĐT  Công an TP HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Đăng Lưu, nhưng Lưu đã bỏ trốn.

Ngoài trường hợp trên, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cũng cho biết đang điều tra vụ việc liên quan đến nạn nhân là bà Đôn Thị K.H. - Giám đốc Công ty TNHH Thế Khương (quận Phú Nhuận). Do không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án khu dân cư Bá Khang, diện tích 22,3 ha tại ấp Long Bửu và ấp Bến Đò, phường Long Bình, quận 9 nên bà H. đã chủ động tìm nguồn vốn khác để tiếp tục đầu tư.

Ngày 14/6/2012, bà H ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty M. (công ty Singapore, có trụ sở tại Việt Nam). Sau khi ký hợp đồng, đại diện Công ty M. tại Việt Nam đề nghị bà H. chi 230 tỉ đồng làm vốn đối ứng để phía nước ngoài chuyển 4-5 tỉ USD từ Canada về Việt Nam làm dự án. Do không có số tiền trên, qua giới thiệu của bạn bè, bà H. được Chủ tịch HĐQT của một công ty cho thuê tài chính "dắt mối" để bà H. gặp ông Huỳnh Văn Tăng - Tổng giám đốc Công ty CP Vạn Lý Phát (trụ sở phường 15, quận Gò Vấp), để ông Tăng thực hiện việc xác nhận số dư 230 tỉ đồng cho bà H.

Lê Đăng Lưu, Huỳnh Văn Tăng là những đối tượng làm giả chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp.

Hợp đồng cho thuê tài chính số 008/HĐTTC/VLP-TK đã được ký giữa bà H và ông Huỳnh Văn Tăng với nội dung: "Công ty CP Vạn Lý Phát tư vấn giúp Công ty CP Thế Khương thuê bao tài chính (chứng minh số dư) số tiền trên. Bà H phải trả chi phí thuê bao tài chính cho Huỳnh Văn Tăng số tiền 5 tỉ 980 triệu đồng".

Ngày 4/8/2012, ông Tăng giao cho bà H. bản chính "Hợp đồng tiền gửi" số 109710322-TGKH/Eximbank nội dung: Công ty CP Thế Khương có gửi số tiền 231 tỉ đồng (làm tròn), lãi suất 14%, kỳ hạn 15 tháng tại ngân hàng và "giấy xác nhận số dư" số 07/XNSD-12 nội dung xác nhận số tài khoản 100414851037787 của Công ty Thế Khương có số tiền 231 tỉ đồng tại Ngân hàng Eximbank - Chi nhánh Chợ Lớn. Trên các giấy tờ này đều có chữ ký của Giám đốc Eximbank Chi nhánh Chợ Lớn và đóng dấu đỏ.

Sau khi nhận giấy tờ trên, bà Hồng giao đủ 5 tỉ 980 triệu đồng cho Tăng. Sau đó, giao các giấy tờ này cho Công ty M. Tuy nhiên, do cẩn thận nên Công ty M. xác minh lại phía ngân hàng thì mới tá hỏa, "hợp đồng tiền gửi" và "giấy xác nhận số dư" của Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Chợ Lớn hoàn toàn là giả mạo.

Qua xác minh cũng được biết, Công ty Vạn Lý Phát không có chức năng cho thuê tài chính, không đủ năng lực tài chính và cũng không đủ điều kiện cho Công ty Thế Khương thuê bao tài chính số tiền 230 tỉ đồng.

Cũng với thủ đoạn hết sức tinh vi, Phương Hùng Dũng - Giám đốc Công ty CP tập đoàn Việt Trung, Trần Quang Dũng và các đối tượng đồng phạm cũng đang bị Cơ quan CSĐT xác minh, để làm rõ tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"..

Điều tra viên Nguyễn Chí Thiện, người trực tiếp điều tra vụ án này cho biết: Thủ đoạn mà các đối tượng trong vụ án này áp dụng là chúng đã làm giả chứng thư bảo lãnh thanh toán 45 tỉ đồng của Ngân hàng ABBank - Chi nhánh Sài Gòn, bảo lãnh cho Công ty CP tập đoàn Việt Trung để ký hợp đồng mua 3.000 tấn thức ăn nuôi cá trả chậm của hai công ty khác trị giá 24 tỉ đồng. Sau đó, chúng đem bán hàng rồi thu tiền chiếm đoạt

Trọng Nguyên
.
.