Sẽ có 10.000 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp tại Hà Nội và TP HCM

Thứ Tư, 24/12/2008, 13:15
Chuyên đề ANTG đã có thông tin về việc Chính phủ thông qua Đề án Nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Thực hiện đề án này, mới đây Bộ Xây dựng vừa có tờ trình về việc triển khai thực hiện thí điểm tại Hà Nội và TP HCM.

Theo đó, đến hết năm 2010 sẽ có 10.000 căn hộ được đầu tư xây dựng để cho thuê, thuê mua nhằm thực hiện chủ trương ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tại phiên họp vừa qua,  Chính phủ đã đưa ra các nhóm giải pháp nhằm chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó, nhóm giải pháp thứ hai là: đẩy mạnh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia. Đối tượng được tập trung ưu tiên là các lĩnh vực, ngành nghề đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội, có khả năng kích thích các ngành sản xuất khác phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Bộ Xây dựng nhận thấy việc dành một phần kinh phí này để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là hoàn toàn có thể đáp ứng được các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Vì thế Bộ đã đề xuất việc xây dựng 10.000 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp tại thời điểm này.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam còn cho biết, việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, không chỉ đạt được mục tiêu tạo lập quỹ nhà ở để góp phần giải quyết nhu cầu bức xúc của các đối tượng có thu nhập thấp, những người gặp khó khăn về nhà ở để góp phần đảm bảo an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra mà còn nhằm góp phần kích cầu đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy sự tăng trưởng các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Theo ước tính sơ bộ nếu thực hiện đầu tư xây dựng 500.000m2 nhà ở thì cần tiêu thụ khoảng 120.000 tấn xi măng, 30.000 tấn sắt thép và nhiều loại vật liệu xây dựng khác. Mặt khác thông qua đầu tư nhà ở xã hội sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động của ngành xây dựng và các ngành nghề khác có liên quan.    

Việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn nhà nước sẽ góp phần hình thành quỹ tài sản nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Việc khai thác quỹ tài sản này sẽ đảm bảo thu hồi vốn thông qua việc thu tiền cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 của Chính phủ (khác biệt hoàn toàn với cơ chế bao cấp trước đây khi thực hiện chính sách phân phối nhà ở cho CBCNVC).

Mặt khác, đối với quỹ nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư dành để cho thuê, trong quá trình khai thác, sử dụng quỹ nhà này không bị mất đi mà vẫn là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước.

Sau một quá trình khai thác nhất định (trong thời gian tối thiểu từ 20 đến 30 năm), khi nền kinh tế phát triển, nếu người thuê không còn nhu cầu sử dụng thì quỹ nhà ở này của Nhà nước sẽ được cải tạo, xây dựng lại hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm đạt mục tiêu khai thác, sử dụng có hiệu quả cao hơn.

Tại thời điểm đó, quỹ nhà đất này vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và có thể có giá trị kinh tế lớn hơn nhiều so với thời điểm hiện tại.

Hà Nội và TP HCM sẽ là hai địa phương đầu tiên được chọn làm thí điểm Dự án này. Bởi vì, theo báo cáo, nhu cầu về nhà ở xã hội tại hai TP này là rất cao, bên cạnh đó hai địa phương này cũng có nhiều dự án nhà ở và khu đô thị mới đang được triển khai, trong đó có một số dự án đã chuẩn bị dành riêng quỹ đất để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Theo nguyên tắc quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh quyết định. Tuy nhiên, do các lý do chủ quan và khách quan như đã nêu trên nên cho đến thời điểm hiện nay hầu hết các địa phương triển khai việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn rất chậm (cho đến nay hầu như chưa có địa phương nào có quỹ nhà ở để cho thuê, thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở).

Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng trực tiếp đầu tư xây dựng một số dự án thí điểm nhà ở xã hội tại một số đô thị có nhu cầu bức xúc về nhà ở. Trong quá trình triển khai, Bộ Xây dựng sẽ lựa chọn và chỉ định các đơn vị có đủ năng lực và kinh nghiệm để đảm nhận thực hiện việc quản lý đầu tư xây dựng theo quy định.

Việc giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm triển khai dự án sẽ có điều kiện và khả năng để áp dụng các tiến bộ khoa học về công nghệ xây dựng để đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí đầu tư nhằm đảm bảo điều kiện về giá thuê, thuê mua nhà ở phù hợp với các đối tượng phục vụ là những người có thu nhập thấp.--PageBreak--

Sau khi các dự án nhà ở xã hội thí điểm hoàn thành, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức quản lý, khai thác, vận hành quỹ nhà ở này để thu hồi và hoàn trả vốn đầu tư, đồng thời sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ (thiết kế, thi công, quản lý vận hành...)cho các địa phương để triển khai các dự án khác hoặc có thể chuyển giao quỹ nhà ở này cho chính quyền 2 thành phố để thực hiện việc cho thuê, thuê mua theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Về tiến độ của các dự án này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định, sẽ triển khai trong thời gian chỉ 2 năm, tại mỗi thành phố sẽ triển khai khoảng từ 2 đến 3 dự án. Trong số khoảng 10.000 căn hộ được xây dựng, sẽ có khoảng 5.000 căn hộ dành cho công nhân và 5.000 căn hộ dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở.

Cho đến năm 2010, khi các dự án này hoàn thành sẽ góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 60.000 người tại Hà Nội và TP HCM. Tổng mức đầu tư cho các dự án  khoảng 2.500 tỉ đồng.

Để việc triển khai các dự án này được thuận lợi, đảm bảo đúng tiến độ, góp phần sớm giải quyết những bức xúc về nhà ở cho các hộ nghèo, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cho phép được áp dụng một số cơ chế đặc thù, như: được phép chỉ định tư vấn thiết kế, chỉ định thầu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án (theo nguyên tắc đã được Chính phủ cho phép áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Đồng thời, chỉ đạo UBND TP Hà Nội và TP HCM chuyển giao quỹ đất đã được quy hoạch để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho Bộ Xây dựng để kịp thời thực hiện các thủ tục chuẩn bị triển khai các dự án đầu tư theo quy định.

Trả lời câu hỏi, liệu việc  áp dụng các cơ chế đặc thù như trên có trái với các quy định của pháp luật hiện hành hay không, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định

Theo nguyên tắc quy định của pháp luật hiện hành thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng trên thực tế triển khai rất chậm. Chính vì thế Bộ Xây dựng mới kiến nghị được phép làm chủ đầu tư trực tiếp đề án này.

Trong quá trình triển khai, Bộ Xây dựng sẽ lựa chọn và chỉ định các đơn vị có đủ năng lực và kinh nghiệm để đảm nhận thực hiện việc quản lý đầu tư xây dựng theo quy định.

Việc giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm triển khai dự án sẽ có điều kiện và khả năng để áp dụng các tiến bộ khoa học về công nghệ xây dựng để đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí đầu tư nhằm đảm bảo điều kiện về giá thuê, thuê mua nhà ở phù hợp với các đối tượng phục vụ là những người có thu nhập thấp

 

Trong điều kiện chế độ tiền lương thu nhập của người lao động còn hạn chế, giá cả các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng, đại bộ phận các tầng lớp dân cư, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, hầu như không có khả năng tích lũy để cải thiện nhà ở. Ngày 29-9-2008, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 84/TTr-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị phê duyệt Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009-2015. Đây là một chương trình lớn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Chương trình này sẽ góp phần tạo ra quỹ nhà ở để giải quyết nhà ở cho một số đối tượng mà Nhà nước phải đặc biệt quan tâm như cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ...

Huyền Thi
.
.