Sẽ kiến nghị sửa Bộ Luật Hình sự làm cơ sở chống tội phạm rửa tiền

Thứ Sáu, 21/09/2007, 16:07
Rửa tiền được miêu tả như một hoạt động nhằm mục đích che giấu nguồn gốc của tiền hoặc tài sản có được từ các hoạt động phạm pháp. Là một nền kinh tế đang phát triển nên phải sử dụng tiền mặt với tỉ lệ cao, Việt Nam thực sự là một mảnh đất màu mỡ cho tội phạm rửa tiền.

Thiếu tướng Nguyễn Hòa Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng ban chỉ đạo dự án “Tăng cường năng lực của các cơ quan pháp luật và thực thi pháp luật trong công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam” đã có cuộc trao đổi với phóng viên ANTG về những nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống tội phạm rửa tiền.

PV: Xin đồng chí cho biết về những nỗ lực của Việt Nam trong đấu tranh chống tội phạm rửa tiền thời gian qua?

Thiếu tướng Nguyễn Hòa Bình (NHB): Nói về đấu tranh chống tội phạm rửa tiền, thời gian qua chúng ta đã cam kết và tham gia một cách mạnh mẽ vì đây là điều kiện bắt buộc khi là thành viên của WTO. Để thực hiện được điều này, chúng ta phải có lực lượng chuyên trách chống rửa tiền.

Về hệ thống pháp luật, chúng ta đã có Điều 251 của Bộ Luật Hình sự về chống rửa tiền. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 74 về chống rửa tiền và chúng ta cũng đã có cơ quan chuyên về chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước – đơn vị chuyên trách quản lý các thông tin đáng ngờ liên quan đến những khoản tiền lớn.

Nói về hiệu quả thực thi, cho đến giờ này chưa công bố được nhiều, nhưng đó không có nghĩa là chúng ta không làm. Và chúng ta đã có những sự phối hợp quốc tế rất hiệu quả. Ví dụ như năm ngoái, Cảnh sát Việt Nam cùng Cảnh sát Hoàng gia Canada, Cảnh sát Mỹ phối hợp phá 2 chuyên án buôn bán cần sa của tội phạm người Việt ở nước ngoài sau đó chuyển tiền về Việt Nam để “rửa”.

PV: Tội phạm rửa tiền ở Việt Nam có gì khác so với tội phạm rửa tiền ở các nước, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng NHB: Đúng là trong nước cũng đã xuất hiện tội phạm rửa tiền, chứ không phải chỉ nước ngoài mới có. Bản chất của việc rửa tiền là biến đồng tiền có được từ hoạt động phạm tội trở thành đồng tiền “sạch”, không còn dấu vết của tội phạm nữa.

Thế nhưng từ trước đến nay, khi chúng ta phá những vụ án kiểu đó, tài sản của những vụ án tham nhũng, buôn bán ma túy, lừa đảo... tóm lại là tài sản thu nhập bất hợp pháp từ tội phạm này lại thường được truy tố với tội phạm nguồn.

Tức là như tài sản phi pháp của tội tham nhũng, buôn lậu bị xử lý, tịch thu chung với tội phạm ban đầu chứ không tách riêng nguồn tiền ấy ra. Ví như một người bị truy tố về tham nhũng thì tài sản của anh ta bị tịch thu với tội tham nhũng, chứ chưa truy cứu xem tiền đó anh ta đã tiêu như thế nào, rửa sạch chúng ra sao...

Bây giờ xem xét đến tội phạm về rửa tiền là để trừng trị những đối tượng, những tổ chức tội phạm chuyên hợp thức hóa đồng tiền kiếm được một cách phi pháp, chứ không ghép với tội phạm nguồn như trước nữa.

PV: Như một vị đại diện của UNODC đặt vấn đề, rằng chúng ta đã có điều luật về tội rửa tiền suốt 6 năm qua, nhưng cho đến nay chưa có một vụ án rửa tiền nào được đưa ra xét xử, Thiếu tướng có thể giải thích về vấn đề này?

Thiếu tướng NHB: Đúng là chúng ta đã có Điều 251 trong Bộ Luật Hình sự chống tội phạm rửa tiền. Tuy nhiên bản thân điều luật ấy còn có chỗ bất cập.

Phải nói rằng, trước hết, việc chưa đưa được vụ án rửa tiền nào ra xét xử có liên quan đến năng lực của cơ quan thực thi pháp luật.

Có nghĩa là kể cả cơ quan điều tra, cơ quan truy tố xét xử, hệ thống tư pháp hình sự của nước ta chưa có kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế... Và một trong những nhiệm vụ của dự án đã nói ở trên chính là để cải thiện tình hình này.

 Về sự bất hợp lý của Điều 251 Bộ Luật Hình sự, theo đánh giá của cá nhân tôi là đã đặt ra nghĩa vụ chứng minh của cơ quan tư pháp hình sự quá cao, trong khi đó lại có những điều không thể chứng minh được. Ví dụ như trong điều luật quy định “Người nào thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác để hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm...”

Đó là tội phạm rửa tiền thì rõ rồi. Nhưng như vậy thì cơ quan điều tra phải chứng minh cái gì? Sẽ phải chứng minh tiền đó là tiền do hoạt động tội phạm mà có. Thứ 2 là tiền đó đã được điều chuyển bằng thủ đoạn tài chính nào? Các hoạt động tài chính thì chúng tôi chứng minh được.

Nhưng còn nguồn tiền từ hoạt động tội phạm, nếu là tội phạm từ bên ngoài, thì chúng tôi không thể chứng minh được. Còn nếu như ở nước ngoài, nếu anh có 1 triệu USD, một khoản thu nhập bất thường, thì người sở hữu khoản tiền đó phải có nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp nguồn tiền đó, chứ không phải là cơ quan điều tra.

Còn nếu anh không giải trình được thu nhập này là hợp pháp thì có thể kết luận anh đang tham gia hoạt động rửa tiền. Cái này ở nước ngoài họ quy định rất chặt chẽ, rành mạch như thế sẽ giảm nhẹ nghĩa vụ chứng minh của cơ quan điều tra mà lại vẫn đảm bảo có hiệu quả.

PV: Như vậy Tổng cục Cảnh sát có kiến nghị sửa điều luật đó không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng NHB: Đó cũng chính là một trong những nội dung mà dự án trên hướng tới nhằm góp phần phòng chống tội phạm rửa tiền tại Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Dự án “Tăng cường năng lực của các cơ quan pháp luật và thực thi pháp luật trong công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam” được thực hiện với sự hợp tác giữa Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNODC).

Nội dung của dự án là xây dựng Ủy ban Quốc gia và Chiến lược quốc gia phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam. Tham gia vào dự án có đại diện của các ngành chức năng như Bộ Tư pháp, Viện KSND Tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế... nhằm cùng nhau xây dựng một cơ quan điều phối liên ngành để xác định các nhiệm vụ và đề xuất các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh chống rửa tiền tại Việt Nam.

Dự án sẽ kéo dài trong 3 năm, nhằm mục đích giúp Việt Nam đẩy mạnh các năng lực phát hiện điều tra xét xử của lực lượng thực thi pháp luật và tư pháp. Dự án dã nhận được tài trợ tích cực của Chính phủ Canada và Vương quốc Anh.

Phan Việt Anh (thực hiện)
.
.