Seoul, những con đường không có người đi...

Thứ Tư, 03/01/2018, 15:09
Mùa này ở Seoul rất lạ, gần 20h hoàng hôn mới bắt đầu nhuộm đỏ ối những tòa cao ốc chọc trời ven bờ sông Hàn. Seoul tráng lệ và đem đến quá nhiều bất ngờ, nhưng có lẽ hệ thống giao thông công cộng đã để lại nhiều ấn tượng nhất không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả du khách khi đặt chân đến xứ sở Kim Chi...

Tôi đến Seoul vào một buổi chiều giữa mùa hạ. Nắng vàng óng, phi trường Incheon đông nghẹt và thừa thãi gió. Từ sân bay Incheon về trung tâm thủ đô Seoul khoảng 70km, dòng phương tiện dày đặc nhưng xe lao vun vút và luôn ổn định ở tốc độ 120km/h. Cậu phiên dịch cho cả đoàn tên là Kim Byung Su -  có cái tên Việt hơi... nhọn là Kim Sơn. Sơn tính tình xởi lởi, líu lo suốt cả hành trình. Anh theo học tiếng Việt ở Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tốt nghiệp năm 2006 và hiện là giáo viên một trường trung học, phiên dịch chỉ là công việc làm thêm.

Năm nay 34 tuổi nhưng Sơn vẫn độc thân. Mỗi tháng thu nhập của anh khoảng 3 triệu won, tương đương 60 triệu tiền Việt. Theo như lời Sơn kể, với thu nhập này, kiếm được một cô vợ Hàn giữa thủ đô hoa lệ nhưng đắt đỏ như Seoul là một điều không dễ dàng!.

Seoul hiện là thành phố lớn thuộc top 5 nhưng lại là một nơi có mạng lưới giao thông hiện đại và quản lý tốt nhất thế giới. Ngay cả các nước phát triển như Anh, Pháp... cũng phải sang "học" Seoul về lĩnh vực này. Với diện tích chỉ hơn 600km2 (nhỏ hơn Hà Nội khoảng 5 lần) nhưng Seoul có hơn 10 triệu người sống ở nội thành. Nếu tính cả 5 thành phố vệ tinh, dân số hiện nay của Seoul lên đến 25 triệu người, chiếm gần 50% dân số cả nước.

Một góc thủ đô Seoul.
Dòng xe nhường đường cho người đi bộ trên một con phố tại Seoul.

Từ trên máy bay nhìn xuống, thủ đô Seoul như bị sông Hàn chia thành 2 phần. Hệ thống giao thông chằng chịt, nhiều tầng, nhiều lớp, xe cộ đi lại như mắc cửi nhưng khi xuống... đất mới thấy giao thông ở đây không kinh khủng như mọi người nghĩ. Những năm 70 của thế kỷ trước, Tổng thống Park Chung Hy đã dồn sức, dồn lực thay đổi bộ mặt Seoul với những công trình hùng vĩ. Chỉ riêng cầu bắc qua sông Hàn đã có hàng chục chiếc, mỗi cây cầu đều có một kiểu thiết kế độc đáo, không khác gì một công trình nghệ thuật.

Bờ sông Hàn được xây kè cao khoảng 10m, các công viên, khu vui chơi giải trí tuyệt đẹp được bố trí dọc hai bờ sông. Hệ thống giao thông ở Seoul thiết kế hiện đại nhưng hợp lý và mang tính thẩm mỹ cao. Ngay cả một cây cầu vượt được xây dựng từ những năm 1970, thay vì đập bỏ người ta lại thiết kế thành một công viên trên cao dành cho người đi bộ thưởng ngoạn.

Công viên này có tên Seoullo 7017 hiện sở hữu gần 30.000 cây xanh các loại, uốn quanh các tòa nhà chọc trời, là một điểm nhấn kiến trúc rất đẹp của Seoul.

Nếu trên mặt đất Seoul nổi bật, lung linh với những công trình tráng lệ thì bên dưới lại là một hệ thống giao thông hiện đại không kém. Cũng như ở Singapore, sang Seoul trên đường người ta sẽ chỉ thấy ô tô, còn muốn tìm người thì phải... xuống đất. Dường như có một thành phố ngầm dưới lòng Seoul, bởi chỉ riêng tàu điện ngầm, thành phố đã có 18 tuyến, gần 300 ga với chiều dài gần 331km nối các quận với nhau và cả khu vực xung quanh, chuyên chở từ 8-10 triệu lượt hành khách mỗi ngày.

Chúng tôi thử đi tàu điện ngầm ở Hàn Quốc và thấy giá rất rẻ, giá cao nhất cũng chỉ khoảng 1.000 won (khoảng 20.000 VND), trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí. Dưới ngầm có cả hệ thống siêu thị, nhà hàng hoạt động 24/24h. Các tuyến đi bộ dưới đất cũng có bảng chỉ dẫn y như trên mặt đất với dòng người nườm nượp, đi lại như mắc cửi.

Trong chuyến tham quan nhà máy sản xuất ô tô của Tập đoàn Hyundai Motor, chúng tôi được ông Euisun Chung, Phó Chủ tịch tập đoàn chia sẻ: “Hàn Quốc hiện có hơn 3.500km đường cao tốc nhưng từ cách đây hàng chục năm, Chính phủ đã số hóa quản lý hệ thống giao thông. Mạng lưới giao thông thông minh quốc gia (ITS) được áp dụng rất hiệu quả và tiện ích ở Seoul".

Và cũng chính vì được số hóa nên ở Seoul hay bất cứ nơi nào khác ở Hàn Quốc, cảnh sát giao thông không phải ra đường làm nhiệm vụ. Một tuần ở Hàn Quốc, tôi chỉ duy nhất nhìn thấy 3 viên cảnh sát đang xử lý một vụ va chạm trên đường cao tốc từ Seoul đến thành phố Ulsan. Hệ thống camera giám sát 24/7, gần 20 triệu phương tiện lưu thông ở thành phố này đều được lắp thiết bị giám sát hành trình, định bị GPRS, nên người điều khiển phương tiện chỉ cần vi phạm luật giao thông, ngay sau đó sẽ nhận được "trát" phạt gửi đến tận nhà mà đừng hòng nhấc điện thoại lên xin xỏ nên người dân chấp hành luật giao thông rất nghiêm.

"Những lỗi khá phổ biến như ở Việt Nam như không cài dây an toàn hoặc uống rượu bia khi lái xe ở Hàn Quốc xử phạt rất nặng, đủ gây "sốc" cho tài xế không dám tái phạm" - Kim Sơn chia sẻ.

Tài xế Kim Yeon Sok.

Trên cao tốc xe chạy mát ga mát số nhưng bắt đầu vào cửa ngõ Seoul, thành phố không tránh khỏi tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm. Ùn ứ thôi chứ hiếm khi tắc đường. Xe chở chúng tôi 35 chỗ nên được đi vào làn xe ưu tiên dành cho BRT và xe công vụ (xe cứu hỏa, cứu thương). Suốt chặng đường khoảng 20km vào nội thành, tôi không thấy chiếc xe 4 chỗ nào chen ngang vào đường ưu tiên. Dòng xe nối đuôi nhau nhẫn nại, tuyệt nhiên không có tiếng còi xe.

Tài xế đưa đón chúng tôi những ngày ở Hàn Quốc là ông Kim Yeon Sok. Ông Kim năm nay 69 tuổi nhưng còn tráng kiện và nghiêm túc trong công việc. Một tuần ở Seoul, ông Kim đưa chúng tôi đi 3 thành phố Namyangju, Goyang và Ulsan với chặng đường đi và về gần 1.000km. Ngày nào cũng thế, ông đều đến trước giờ hẹn 15 phút, xe cộ sạch bóng, thơm tho. Dù chúng tôi mời rất nhiệt tình, nhưng đến bữa ông đều từ chối ăn cùng đoàn.

Trước lúc xe lăn bánh, bao giờ ông cũng nhắc mọi người cài dây an toàn, chưa một lần tôi thấy ông bấm còi hay tỏ vẻ bức xúc trên đường. Khi mọi người xuống xe, ông lại lặng lẽ thu dọn những vỏ chai nước ở sau ghế xe, cho vào một chiếc túi nylon rồi nhét vào cốp, sau đó đến điểm dừng thì mang bỏ thùng rác.

Ông Kim trước kia làm công chức hành chính, nghỉ hưu ông mới thi lấy bằng xe khách để làm thêm. Cũng theo lời ông Kim, ở Hàn Quốc có sự phân công lao động rất ưu việt. Thanh niên có trình độ đều cố gắng tìm cho mình một công việc thu nhập cao. Khi nghỉ hưu nếu còn sức khỏe họ đều cố gắng tìm một công việc phù hợp để làm thêm. Chính vì thế, hầu hết tài xế taxi, nhân viên dọn vệ sinh ở khách sạn, nhà hàng, ga tàu điện ngầm... ở Hàn Quốc nói chung, thủ đô Seoul nói riêng đều là những người lớn tuổi. 

Các chỉ dẫn bằng tiếng Hàn đôi khi gây khó khăn cho người ngoại quốc.
Đường 10 làn xe ở trung tâm Seoul.

Một buổi tối, chúng tôi bắt taxi ra ga Seoul. Qua phiên dịch của Kim Sơn, bà Seo-hyeon, 62 tuổi, tài xế cho biết: "Thành phố có đến gần 70.000 tài xế taxi, ở đâu cũng có người này người khác, nhưng nhìn chung khách có thể yên tâm khi đi taxi ở Seoul. Khi có khách, chúng tôi đều hỏi điểm đến, sau đó đều bật bản đồ, truy cập website để "check" tình trạng giao thông, chọn đoạn đường tối ưu nhất sau đó mới khởi hành".

Xe chạy ở nội thành Seoul hầu hết được quy định tốc độ tối đa lên đến 60km/h nhưng hiếm khi va chạm, bởi đường chỉ có ô tô, các phương tiện đều chạy đúng làn chứ không tạt ngang tạt ngửa như ở Việt Nam. Cũng chính vì dòng phương tiện và tốc độ như vậy nên người đi bộ chỉ dám sang đường đúng nơi quy định. Và tất cả các xe khi thấy người đi bộ đều có ý thức nhường đường...

Đêm trước khi về nước, Kim Sơn dẫn chúng tôi tham quan cầu Banpo bắc qua sông Hàn. Đây là cây cầu giành kỉ lục Guinness là đài phun nước trên cầu dài nhất thế giới với 1.140 mét. Giữa mùa hè nhưng trời hơi se lạnh. Ánh điện các tòa cao ốc, đèn lead từ những cây cầu, đèn pha ô tô, đèn đường... phản chiếu khiến dòng sông Hàn như đang có hàng triệu ngôi sao bồng bềnh, nhấp nháy.

Người ta vẫn nói "Kỳ tích bên sông Hàn" để chỉ sự nỗ lực vượt khó và làm giàu của người Hàn Quốc. Để xứ sở của kim chi được như hôm nay hội tụ nhiều yếu tố, nhưng có lẽ một trong những điều làm nên kỳ tích ấy có một phần từ việc xây dựng một kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, với ý thức chấp hành luật pháp nghiêm khi tham gia giao thông của người dân.

Vũ Mạnh Hà
.
.