“Siêu cò” Jorge Mendes: Bóng đen quyền lực nơi hậu trường làng túc cầu

Thứ Năm, 14/08/2014, 14:45

Jorge Mendes tự nhận là "doanh nhân giỏi nhất thế giới" sau khi hãng môi giới cầu thủ của ông là Gestifute được nhận giải thưởng "Đơn vị xuất sắc nhất năm" của tổ chức Globe Soccer.

Mới đây, vụ chuyển nhượng James Rodriguez từ Monaco sang Real Madrid vừa được hoàn tất với giá 80 triệu euro, thêm một lần nữa chứng tỏ Jorge Mendes có tầm ảnh hưởng quá lớn đối với các đội bóng lớn ở châu Âu.

Vụ chuyển nhượng đình đám nhất liên quan đến Mendes là khi Cristiano Ronaldo rời Manchester United (M.U) để đến Real Madrid với mức giá 90 triệu euro -  một kỷ lục trong chuyển nhượng lúc bấy giờ. Là người đại diện của ngôi sao này, dĩ nhiên vai trò của Mendes trong vụ chuyển nhượng kể trên là cực lớn.

Cho đến nay, chẳng ai biết được Jorge Mendes hưởng bao nhiêu tiền trong vụ mua bán đó, nhưng tất cả đều tin rằng túi của "siêu cò" này phải dày lên không dưới 5 triệu euro. Những vụ làm ăn làng nhàng khác, ở tầm dưới 30 triệu euro, Mendes vẫn thường đút túi cỡ 4 triệu euro gọi là tiền "hoa hồng".

Tiền và quyền… đầy túi

Tuy nhiên, giống như nhiều người môi giới cầu thủ khác, ông chỉ tình cờ đến với nghề này và có lẽ cũng thành công phần nhiều nhờ may mắn. Mendes từng chơi bóng bán chuyên nghiệp ở Bồ Đào Nha, nhưng không thể trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp do chẳng câu lạc bộ nào chịu thu nhận, có lẽ vì tài năng có hạn. Sau đó, Mendes làm DJ, mở một cửa hàng cho thuê băng đĩa, rồi một hộp đêm ở Caminha (phía bắc Bồ Đào Nha) và cả kinh doanh biển quảng cáo trên sân vận động.

Xuất phát điểm là một doanh nhân xoàng xĩnh, việc Jorge Mendes bỗng dưng trở thành tay "siêu môi giới" trong làng bóng đá châu Âu thực sự là một bước lên tiên. Bóng đá đang công nghiệp hóa mỗi ngày và đã trở thành một món hàng kinh doanh in tiền. Bởi thế, vai trò của người đại diện lại thêm phần quan trọng hơn, tác động khá lớn tới việc thành bại của cầu thủ, huấn luyện viên hay cả đội bóng. Cũng như bao triệu phú có quá khứ dữ dội khác, cuộc đời của Mendes không hề trải trên hoa hồng.

Thủ môn Nuno Espirito Santo là bản hợp đồng có tác động lớn nhất trong sự nghiệp của Mendes. Đó là thương vụ thành công đầu tiên của Mendes trong vai trò người môi giới, và là bước ngoặt lớn khi mới bước vào nghề của "siêu cò" này. Họ gặp nhau năm 1996, lúc Santo chưa thi đấu cho Vitoria Guimaraes. Santo bày tỏ nguyện vọng muốn chuyển tới Porto với ông chủ hộp đêm Mendes.

Hàng loạt cầu thủ tên tuổi đều nằm trong tầm quản lý của "siêu cò" Jorge Mendes.

Tuy nhiên, Mendes khuyên Santo nên nghĩ tới Deportiva La Coruna trước khi có cơ hội đầu quân cho Porto. Santo gật đầu và một bản hợp đồng được ký kết thành công. Ngay sau đó, Mendes hiểu rằng hộp đêm không phải là nghề nghiệp của mình. Sự nghiệp trở thành một nhà đại diện bắt đầu từ đây với mối quan hệ tốt cùng Deportivo. Không lâu sau đó, Mendes mang về thêm cho câu lạc bộ một cái tên danh giá khác từ Salamanca, tiền đạo người Bồ Đào Nha Pauleta, năm 1998.

Danh tiếng Mendes mỗi lúc một lên cao. Ông bắt đầu cộng tác với Costinha và giúp cho cầu thủ này chuyển tới AS Monaco thành công. Mendes cũng là tác nhân chính cho mối lương duyên giữa Capucho và Porto sau sự dứt áo ra đi của cầu thủ này khỏi Guimaraease. Dần dần, Mendes xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với rất nhiều cầu thủ và câu lạc bộ khác nhau.

Thời điểm ấy, người ta bắt đầu so sánh ông với Jose Veiga - người đại diện nổi tiếng của những Luis Figo, Joao Pinto, Jardel hay Zidane. Cuộc cạnh tranh lên đến đỉnh điểm khi Mendes quyết chơi đến cùng trong cuộc chiến giành giật Figo từ tay Veiga.

Mặc dù thất bại với phi vụ này, nhưng Mendes lại đạt được hợp đồng với các cầu thủ danh tiếng khác đang làm việc cùng Veiga là Ricardo Queresma và Ricardo Carvalho. Kết quả tốt đẹp ấy trở thành bàn đạp hoàn hảo cho quan hệ của Medes với Chủ tịch Porto Pinto da Costa. Chính cuộc gặp gỡ định mệnh với Costa đã đưa sự nghiệp của Mendes và công ty riêng của ông lên một đẳng cấp mới. Mendes bắt đầu trở thành người nắm đằng chuôi gần như mọi hoạt động chuyển nhượng và tiền lương của các cầu thủ tại Porto cho tới tận bây giờ.

Báo chí Tây Ban Nha tổng kết, trong 15 năm qua, Mendes là người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong bóng đá. Hàng loạt cầu thủ tên tuổi đều nằm trong tầm "quản lý" của Mendes. Bất cứ đội bóng lớn nào muốn sở hữu những cầu thủ này đều phải thông qua Gestifute, công ty môi giới của Mendes và tất nhiên, phải có một tài khoản kếch xù.

Và "nước chảy chỗ trũng", các câu lạc bộ lớn khi cần liên hệ với những ngôi sao lớn lại phải nhấc điện thoại và gọi cho Mendes. Những thân chủ lớn của Mendes bao gồm các ngôi sao lớn nhất của bóng đá Bồ Đào Nha, huấn luyện viên Jose Mourinho (đội Chelsea), Cristiano Ronaldo, Ricardo Carvalho và Bebe, một tiền đạo khởi nghiệp ở đội hạng ba Bồ Đào Nha Estrela Amadora rồi chuyển đến M.U mùa hè năm 2010. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Mendes đã trở nên giàu sụ nhờ bóng đá khi các thân chủ của ông lần lượt gia nhập M.U, Chelsea và Real Madrid.

Jorge Mendes có thể là một cái tên xa lạ đối với các cổ động viên bóng đá, nhưng ông lại là một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất với những cầu thủ và ông chủ các đội bóng hàng đầu thế giới. Hai năm vừa qua, Mendes đều được trao giải thưởng "Người đại diện xuất sắc nhất" của Tổ chức Globe Soccer. Công ty Gestifute thu về lợi nhuận trên dưới 500 triệu euro một năm. Mendes quả thật là một bậc thầy của việc thương lượng và đàm phán. Ông là người đem lại cho rất nhiều cầu thủ Bồ Đào Nha và Brazil những bản hợp đồng lớn, thậm chí là kỷ lục.

Trước khi bắt đầu làm việc với những tên tuổi lớn của làng túc cầu, Mendes cũng đã phải trải qua thời gian khởi nghiệp chật vật. Tranh giành khách hàng, ông từng phải thượng cẳng chân hạ cẳng tay với Jose Veiga, người đại diện của Luis Figo, tại sân bay Lisbon vào đầu những năm 2000. Mendes cũng không ngần ngại nhảy vào hất cẳng đối thủ, hớt tay trên các khách hàng béo bở. Ana Almeida, người đại diện trước đây của Nani, giờ vẫn còn ấm ức vì việc bị Mendes giật mất hợp đồng vào năm 2005.

Jorge Mendes (phải) và Cristiano Ronaldo không chỉ là đối tác mà còn là bạn bè và hơn thế nữa.

"Siêu cò" này biết cách tạo ấn tượng và khẳng định bản lĩnh của mình đến mức Jose Mourinho đã bỏ người đại diện cũ để thuê Mendes khi chuyển từ Porto đến Chelsea năm 2004. Mourinho ca ngợi Jorge Mendes là người có khả năng xây dựng quan hệ với các câu lạc bộ và những huấn luyện viên, khích lệ các cầu thủ "tôn trọng cam kết với các câu lạc bộ".

Không dừng lại ở việc chỉ làm người đại diện đơn thuần cho Mourinho, Mendes còn là cánh tay phải giúp Mourinho xây dựng lực lượng. Ngay khi vừa đặt chân đến Stamford Bridge, Mourinho đã lập tức mua về Ricardo Carvalho, Paulo Ferreira và Tiago Mendes, tất cả đều là "hàng" của Mendes.

Thậm chí, Chelsea còn ký hợp đồng với chính Mendes, cho ông hưởng mức lương 2,45 triệu euro, để làm đại diện cho cả cầu thủ lẫn câu lạc bộ. Việc này nhằm giải quyết các điều khoản nhỏ khác, như xử lý các cầu thủ vi phạm kỷ luật. Cũng chính vì những điều tương tự thế này, quyền lực rơi vào tay Jorge Mendes ngày càng lớn hơn.

Núp bóng một bố già

Trong quá trình làm ăn, Jorge Mendes hiểu rằng sẽ không tránh khỏi các vụ kiện tụng. Chính vì thế, "siêu cò" này luôn có các động tác lách luật một cách thông minh, hoặc đón đầu các tình huống nguy hiểm để đối phó. Hoặc ông thông qua một trung gian khác để nhận tiền môi giới, hoặc thông qua một công ty con đứng ra đàm phán hợp đồng, chuyển dòng tiền hoa hồng đi một cách lòng vòng trước khi về túi mình. Với cách làm này, mặc dù đã nhiều lần bị triệu tập nhưng tòa án chưa thể kết tội Mendes và công ty của ông làm ăn phi pháp.

Những vụ chuyển nhượng lớn thường xuyên gây ra tranh cãi giữa các tay môi giới với nhau. Liên quan đến hợp đồng trị giá 9 triệu euro đưa Bebe sang M.U, Goncalo Reis, người đại diện cũ của tiền đạo này, tố cáo Mendes đã chen vào giữa chừng và hớt tay trên số tiền môi giới của ông. Vụ này, Mendes nhận 3,6 triệu trong tổng số 9 triệu euro mà Man United trả cho đội bóng Bồ Đào Nha.

Tuy nhiên, trên thực tế Bebe chẳng thể hiện được gì ở sân Old Trafford và hiện đã được đem cho câu lạc bộ Besiktas của Thổ Nhĩ Kỳ mượn. Cựu huấn luyện viên Alex Ferguson của M.U cay đắng thừa nhận rằng trước khi đồng ý mua Bebe, ông chưa hề xem cầu thủ này thi đấu. Quả là tin lời "cò", có ngày phải bán nhà!

Trong khi đó Paul Stretford, người đại diện của Wayne Rooney và là chủ công ty Formation, đã kiện Mendes ra tòa ở Porto với cáo buộc ông đã vi phạm hợp đồng chia sẻ phí môi giới giữa hai công ty. Vụ kiện này bộc lộ nhiều điều mà các cổ động viên bóng đá chưa bao giờ biết, về việc thế giới tiền bạc được vận hành như thế nào đằng sau những quả bóng lăn, bao gồm cả việc Mendes đã được trả bao nhiêu cho 3 hợp đồng Mourinho mua Ricardo Carvalho, Paulo Ferreira và Tiago Mendes cho Chelsea vào tháng 7-2004.

Trước khi đến Real Madrid, vụ chuyển nhượng Ronaldo từ Sporting Lisbon sang M.U đã gây ra khá nhiều tranh cãi, xung quanh vai trò của "siêu cò" Jorge Mendes. Đầu tiên là việc vì sao M.U lại bỏ ra tới 14 triệu euro để đưa Ronaldo về Old Trafford từ Sporting, trong khi các đội bóng khác đang đàm phán với mức giá xoay quanh 6 triệu euro.

Mendes nói rằng ông chỉ nhận 0,4 triệu euro tiền hoa hồng trong vụ đó, trong khi báo cáo tài chính của M.U lại chỉ ra con số môi giới lên tới 1,3 triệu euro chỉ riêng trong việc chuyển nhượng Ronaldo vào năm 2003. Mendes đã quá khôn ngoan khi lách luật, đưa vào một nhân vật trung gian khác là tay môi giới Giovanni Branchini người Italia. Kết quả, trên giấy tờ Mendes chỉ nhận 0,4 triệu euro, phần còn lại thuộc về Branchini. Nhưng trên thực tế, đố ai biết Mendes đã cầm bao nhiêu tiền của M.U.

Mendes đã dành sự chú ý đặc biệt cho tài năng trẻ của bóng đá Bồ Đào Nha khi anh mới bước sang tuổi 17 và chưa có danh tiếng trên bản đồ bóng đá thế giới. Mendes và Sporting Lisbon đã cùng hợp sức trở thành bệ phóng cho tiền vệ này tiến ra châu lục, đặc biệt là tại Anh. Thế nhưng sau này, tờ Daily Mail (Anh) đã chỉ ra những sơ hở mà không nhiều người biết.

Theo đó, Ronaldo đã nổi tiếng trước khi anh trở thành mục tiêu săn đón của Manchester United. Năm 2002, tiền vệ này đã được Liverpool và Arsenal săn lùng. Tuy nhiên, ưu tiên dành cho đội bóng chủ sân Old Trafford, kẻ đến sau đáng ghét bởi tình bạn của họ với Sporting trong lịch sử. Hơn nữa, với bàn tay của Mendes, khoản tiền mà Câu lạc bộ Bồ Đào Nha nhận được từ M.U nhiều hơn lời đề nghị của Arsenal tới 5 triệu bảng (12 triệu so với 17 triệu euro).

Trong sự việc này, mối quan hệ với Giám đốc điều hành M.U lúc bấy giờ David Gill cùng trợ lý huấn luyện viên Carlos Quieroz, một người Bồ Đào Nha, góp phần không nhỏ vào thành quả mà Mendes và Sporting có được. Bản thân Mendes cũng thu về số tiền 1,2 triệu euro từ hợp đồng cá nhân với Ronaldo.

Cho đến tận bây giờ, Ronaldo vẫn chỉ là một cậu bé cần sự bao bọc, hỗ trợ của Mendes. Ngược lại, Ronaldo là "con gà đẻ trứng vàng" của ông. Nếu không có ông, món hời 81 triệu euro mà M.U nhận được năm 2009 nhờ vào việc bán Ronaldo cho Real Madrid sẽ không trở thành hiện thực. Nhưng không nhiều người biết rằng, thỏa thuận của Mendes với bất kỳ đối tác nào là khoản lợi nhuận 10% ông phải có sau mỗi một hợp đồng thành công. Điều đó có nghĩa là, việc giúp Ronaldo thỏa ước nguyện khoác áo Madrid đã giúp Mendes đút túi tới hơn 8 triệu euro.

Mỗi khi cậu chàng Ronaldo trở nên đỏng đảnh, bắt đầu yêu sách nhiều hơn đối với đội bóng chủ sân Bernabeu, người ta một lần nữa nín thở chờ đón tin từ Jorge Mendes, mà không phải từ bất kỳ phóng viên hay nhà báo nào…

Trần Quân - Lê Nam (tổng hợp)
.
.