Siêu màn bạc và những khoản cát-sê khổng lồ

Thứ Ba, 05/05/2020, 13:09
Việc tiền bạc xem ra chẳng liên quan gì đến bộ môn nghệ thuật thứ 7 nhưng đôi khi, chính vì yếu tố này mà nhiều cuốn phim phải tạm ngừng, để các nhà sản xuất cùng giới tài tử thỏa thuận ngã ngũ giá cả xong xuôi.

Vấn đề thu nhập của giới diễn viên nhà nghề luôn là phần nổi cộm với các nhà làm phim ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Các siêu sao sẽ đòi số tiền bao nhiêu cho cuốn phim sắp đóng? Và bao nhiêu phần trăm trong tổng doanh thu sau này khi phim được trình chiếu? 

Việc tiền bạc xem ra chẳng liên quan gì đến bộ môn nghệ thuật thứ 7 nhưng đôi khi, chính vì yếu tố này mà nhiều cuốn phim phải tạm ngừng, để các nhà sản xuất cùng giới tài tử thỏa thuận ngã ngũ giá cả xong xuôi.

Trong bề dày lịch sử hơn 9 thập niên tồn tại của kinh đô điện ảnh Hollywood, trường hợp của nam diễn viên Marlon Brando (1924-2004) từng được mệnh danh là “siêu sao của các siêu sao” - luôn đòi hỏi những khoản tiền cát-sê khổng lồ, nhiều khi không tưởng tượng nổi; bất chấp rồi ra phim có được xếp vào dạng “ăn khách - hốt bạc” hay không... 

Thời gian về sau, khi siêu minh tinh luống tuổi này (đã lên chức... ông ngoại) có thói quen chỉ xuất hiện vài cảnh trong một tác phẩm điện ảnh nào đó, để các nhà quảng cáo in đậm tên mình trên áp phích phim. Chỉ vài phút đứng trước ống kính trường quay, mà M. Brando đòi số tiền từ 2-4 triệu USD lúc ấy, tương đương số hiện kim nhiều gấp cả chục lần tính theo thời giá hiện nay nhưng rồi ra các nhà làm phim buộc phải chấp nhận.

M. Brando trong “Superman”.

Đó là những cảnh chớp nhoáng trong các kiệt tác điện ảnh như “Superman” (Siêu nhân), “Apocalipse Now” (Thuở hồng hoang), hay “The Formula” (Công thức)... Trong phim “The Formula”, thực ra các vai chính do George C. Scott (1927-1999) và Marthe  Keller đóng không được khán giả ưa chuộng lắm và rồi công chúng cũng chẳng hài lòng với vài hình ảnh... thấp thoáng của M. Brando trên phim. 

Theo đánh giá của giới phê bình điện ảnh am hiểu khi ấy thì sức cuốn hút của “đại siêu minh tinh” M. Brando - lộng hành trong suốt hơn 30 năm ròng, từng là thần tượng của nhiều thế hệ khán giả khác nhau - đã lùi vào dĩ vãng. Sự góp mặt của anh chưa chắc đã là một bảo đảm cho sự thành công mỹ mãn của cuốn phim - cả về mặt nghệ thuật lẫn tài chính.

Nhưng, nhà làm phim nổi tiếng người Mỹ Edward L. Montoro lại bỏ ra hẳn... 5 triệu USD để trả cho M. Brando trong vai chính cuốn phim nói về danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso, kèm theo là 50% tổng mức lợi nhuận mà phim thu được sau khi phát hành. 

Chỉ với riêng phim này, “cáo già” M. Brando đã kiếm được hòm hòm cỡ... 20 triệu USD - một con số ngất ngây đối với mọi dạng tài tử màn bạc. Còn giới đồng nghiệp của M. Brando tại Hollywood lại nói rằng, chỉ sau 5 triệu USD thù lao của vai chính, Brando sẵn sàng ký một hợp đồng với bất cứ khoản phần trăm nào từ số lợi tức của phim, bởi bản thân với 5 triệu USD là đã quá “hời” rồi.

Số phần trăm tổng lợi tức mà một cuốn phim mang lại nhiều khi làm các diễn viên thất vọng, nếu phim không đạt được thành công - bị khán giả cự tuyệt; trong trường hợp ngược lại thì khỏi phải nói. 

Cô công chúa C. Fisher xinh đẹp trong “Star Wars”.

Như nữ siêu minh tinh  Carrie Fisher (1956-2016), cô công chúa của loạt phim nổi tiếng “Star wars” (Chiến tranh giữa các vì sao) thì chỉ riêng với khoản phần trăm sau khi phim phát hành, C. Fisher đã kiếm hơn gấp bội tổng số tiền mà cha mẹ mình, cũng là những diễn viên gạo cội thuở nào ở kinh đô điện ảnh Hollywood là Debbie Reynolds (1932-2016) và Eddie Fisher (1928-2010) nhận được trong suốt cả sự nghiệp diễn suất của họ.

Một nhân vật huyền hoặc dạng diễn viên - “hốt bạc” khác là Burt Reynolds (1936-2018), người đã vượt xa các siêu tài tử thượng hạng như Robert Redford, Paul Newman (1925-2008), Barbra Streisand, hay Jane Fonda vốn là các siêu sao từng rạng danh với những hợp đồng làm phim cùng mức thù lao béo bở. Chỉ với 24 ngày đóng trong bộ phim đua xe đường trường “The Cannonball Run” (Chạy cùng súng thần công), Burt Reynolds “ẵm” trọn 5 triệu USD. 

Còn nữ siêu minh tinh B. Streisand từng đoạt danh hiệu “người phụ nữ có khoản tiền cát-sê cao nhất thế giới” qua phim “All Night Long” (Trọn cả đêm thâu). Chỉ với 27 ngày đóng phim, B. Streisand được trả 4 triệu USD với trung bình một ngày công được nhận tới 148.141 USD, ngang một gia tài “thường thường bậc trung” ở Mỹ.

Nam tài tử huyền thoại P. Newman từng được công chúng ngưỡng mộ tôn vinh là “người đàn ông của mọi thời”, được trả thù lao cao nhất là 3 triệu USD tiền công đóng trong một cuốn phim; còn “chàng trai vàng” R. Redford, hay “cục cưng của Hollywood” Jack Nicholson lại hài lòng với mức 2 triệu USD/phim. Nhưng họ cũng hay đòi những khoản phần trăm lợi tức trong tổng doanh thu rất cao...

Chàng cao bồi nổi tiếng Tom Mix (1880-1940) hồi đầu thập niên 20 thế kỷ trước kiếm được 17.000 USD/tuần lễ đóng phim. Còn Harold Lloyds (1893-1971) là tài tử phim câm được trả thù lao cao nhất, với mức xê dịch từ 30.000 - 40.000 USD/tuần. “Vua hề” gạo cội Charlie Chaplin (1889-1977) còn hẩm hiu hơn: chừng vài nghìn Mỹ kim mỗi tuần... 

Những con số thật là khiêm tốn, nếu đem so với 250.000 USD/tuần mà Christopher Reeve (1952-2004) kiếm được qua phần 2 của siêu phẩm màn bạc “Superman” (Siêu nhân), hoặc như M. Brando vẫn kiếm bạc triệu nhờ vào những cảnh chẳng có gì là thể hiện tài năng, cũng như đóng góp cho sự phát triển chung của bộ môn nghệ thuật thứ 7...

Thu Hường (tổng hợp)
.
.