Singapore: Để ai cũng an vui dù sống trong “nhà ở xã hội”

Thứ Tư, 06/09/2017, 08:20
Sinh thời, Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore từng thể hiện mong muốn làm sao có thể giúp người dân được sở hữu nhà ở, và đó là một trong những phương cách thiết thực thúc đẩy sự gắn kết của công dân Singapore - thành phần đa sắc tộc với nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia - với đất nước của mình hơn.

Không chỉ thể hiện mong muốn bằng lời nói, theo sự chỉ đạo của ông, Cơ quan Phát triển nhà ở Singapore (HDB) được thành lập. Không quá khi nói rằng, HDB là điểm mấu chốt trong chính sách kinh tế xã hội của Singapore và cũng là một trong những yếu tố giúp đảng cầm quyền duy trì được sự ủng hộ của công chúng suốt kể từ khi Singapore giành được độc lập đến nay.

Được thành lập năm 1960, HDB ra đời nhằm thay thế cơ quan quy hoạch thành phố của thực dân Anh từ thời Singapore còn nằm trong Liên bang Malaysia. Ban đầu, HDB hướng đến xây dựng các nhà ở cho đối tượng người dân thu nhập thấp thuê lại. 4 năm sau, HDB chuyển hướng sang xây dựng các tòa chung cư, nhắm đến nhiều đối tượng hơn.

Chính phủ Singapore đã sử dụng quyền lực để thâu tóm nhiều đất đai và hiện đang sở hữu khoảng 90% đất đai của Singapore. Trong vòng chưa đầy 3 năm sau khi thành lập, HDB đã xây dựng 21.000 căn hộ và đến năm 1965, tổng cộng 54.000 căn hộ nhà ở xã hội đã được xây xong, tạo điều kiện cho người dân Singapore chuyển từ những ngôi nhà ẩm thấp sang sống trong những tòa nhà cao tầng.

HDB khiến những du khách tới Singapore phát hiện ra rằng, đảo quốc Sư tử không chỉ là một thiên đường thuế dành cho các tập đoàn đa quốc gia và những ngân hàng lớn. Năm tài khóa 2015-2016, Bộ Tài chính Singapore dành ra 1,8 tỷ đôla Singapore, tương đương 2,4% ngân sách quốc gia, để phát triển nhà ở xã hội.

Theo số liệu thống kê, Chính phủ Singapore đã tài trợ cho HDB tổng cộng 28 tỷ đôla Singapore kể từ khi cơ quan này ra đời. Vùng ngoại ô của thành phố tràn ngập các tòa nhà của HDB được sơn màu kem sáng dịu. Ngày nay, HDB đang cung cấp khoảng 1 triệu căn hộ, phần lớn tập trung tại khoảng hơn 20 thị trấn mới hình thành nằm rải rác và tạo thành một vòng cung bọc xung quanh vùng trung tâm của thành phố.

Mỗi năm, Chính phủ Singapore lại có một đợt mở bán những căn hộ đang xây dở, phần lớn là cho những người mua nhà lần đầu. Tất cả đều có hợp đồng thuê 99 năm và được bán với giá thấp hơn giá thị trường.

Một tòa chung cư ở Singapore.

Một dự án từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành thường mất từ 3-4 năm, trong thời gian chờ được giao nhà, người mua nhà của những dự án này có thể mua lại những căn hộ cũ với giá thỏa thuận trực tiếp từ chủ nhà. Mỗi người dân được hỗ trợ tối đa 2 lần trong đời, dù đó là mua căn hộ cũ hoặc mới toanh.

Ngoài ra Chính phủ Singapore còn quy định về hạn ngạch để đảm bảo mỗi tòa nhà có tỷ lệ người gốc Hoa, gốc Ấn và gốc Malay được phân bổ đúng như cấu trúc dân số, điều này giúp tránh việc hình thành những cụm cộng đồng sắc tộc. Năm nay, những căn hộ 3 phòng ngủ được bán ở Punggol, vùng ngoại ô tập trung phần lớn những dự án mới của HDB.

Trung bình mỗi căn có giá khoảng 300.000 đôla Singapore (tương đương 217.000 USD). Người mua nhà lần đầu có thể được giảm giá tới 75.000 đôla Singapore. Mua 1 căn hộ HDB tương tự trên thị trường thứ cấp, giá có thể cao hơn từ 20 - 25%. Còn nếu mua 1 căn hộ do tư nhân xây dựng là loại thường dành cho những người Singapore giàu có hoặc người nước ngoài, giá có thể cao gấp 3 lần.

Số tiền mà người dân sử dụng để mua các căn hộ của HDB được cung cấp một phần bởi Quỹ Phòng xa trung ương (CPF), chương trình tiết kiệm quốc gia mang tính chất bắt buộc. Theo đó, mỗi người dân Singapore trong độ tuổi lao động phải dành ra 20% tiền lương hằng tháng (chủ sử dụng lao động đóng thêm 17%) để tiết kiệm. Họ có quyền rút ra một phần trong số tiền tiết kiệm này để làm tiền đặt cọc cho căn hộ HDB. Nhiều người cũng được cấp các khoản vay thế chấp giá rẻ và sử dụng tiền tiết kiệm CPF để trả lãi hằng tháng.

Bằng nhiều biện pháp, hệ thống của HDB đã thành công. Cung cấp nhà ở giá rẻ cho dân chúng là một trong những lý do giúp Singapore có thể đảm bảo phúc lợi cho người dân mà không cần xây dựng hệ thống quỹ hưu trí phần lớn trích lập từ tiền thuế như các nước khác. Nguyên lý là hầu như mọi người dân đều sẽ được sở hữu căn hộ khi nghỉ hưu, ngoài ra còn có thêm một khoản tiết kiệm.

Loại hình căn hộ cũng đa dạng, từ 1 phòng dành cho người độc thân đến loại 5 phòng cho các hộ gia đình lớn bao gồm cả ba thế hệ. Nếu chọn mua nhà ở cùng khu với bố mẹ, giá còn được chiết khấu nhiều hơn nữa cho người mua. Điều này khuyến khích bảo tồn truyền thống gia đình, con cái ở gần gũi chăm sóc cha mẹ, từ đó giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

Chính phủ Singapore cũng đưa ra một số quy định nhằm tránh tình trạng đầu cơ như những người mua nhà ở xã hội không được bán hoặc cho thuê các căn hộ này trong vòng 5 năm kể từ ngày mua. Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore còn có thể tận dụng hệ thống nhà ở xã hội để định hình cách sống của người Singapore. Luật lệ nghiêm khắc quy định rõ ai được phép và không được phép mua nhà ở xã hội.

Trong mấy năm gần đây, Chính phủ Singapore đặc biệt quan tâm đến nhà ở cho các cặp vợ chồng với mong muốn điều đó sẽ giúp tăng tỷ lệ sinh. Những người độc thân cũng được mua nhà nhưng với điều kiện họ đã 35 tuổi mà chưa kết hôn. Điều đó có nghĩa là những người trẻ tuổi sẽ sống với bố mẹ cho đến khi kết hôn, trừ khi họ có đủ tiền để thuê hoặc mua nhà trên thị trường thứ cấp với giá cao.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.