Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội:

Số phận “Lão Mộc” ở đền Voi Phục

Thứ Hai, 05/10/2009, 15:55
Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBNDTP Hà Nội ra quyết định “đại tu” lại “Tứ trấn Thăng Long”, dự tính trong vòng 210 ngày, bắt đầu khởi công từ 14/7/2009 và hoàn thành vào tháng 3/2010. Trong tương lai không xa, 4 di tích này sẽ là điểm nhấn ấn tượng, độc đáo, không thể thay thế trong di sản văn hóa Hà thành.

Trong quá trình trùng tu, tôn tạo, mỗi ngôi đền đặc sắc này đã mở ra những chuyện cần bàn, với không ít băn khoăn và đáng suy ngẫm. Câu chuyện về cây trong đền Voi Phục được đề cập dưới đây là một ví dụ.

Nuối tiếc quá khứ

Từ xưa tới nay, ai cũng biết Hà Nội có “Tứ trấn”, đó là đền Quán Thánh, trấn phía Bắc nằm cuối đường Thanh Niên. Đền ở trên mặt đất bằng, phía trước đền là khoảng sân rộng, nhìn ra Hồ Tây lộng gió. Đền Kim Liên, trấn Nam nằm khuất vào trong căn ngõ nhỏ, trông ra đầm Kim Liên (nhưng khi làm đường vành đai 1, đầm đã bị lấp để làm đường).

Đền Bạch Mã, trấn Đông tọa lạc trên mặt phố Hàng Buồm, một trong những con phố cổ sầm uất, đông đúc, chật hẹp nhất 36 phố phường Hà Nội. Còn ngôi đền trấn Tây ẩn mình trên gò đất nhô cao, xung quanh bốn bề cây xanh bao phủ trong công viên Thủ Lệ, có tên gọi Voi Phục, thờ đức thánh Linh Lang.

Ngày nay, trong ngôi đền còn có 2 di vật liên quan, gợi cho ta đến sự tích của ngôi đền, nhuốm màu thần bí, huyền hoặc. Đó là cặp voi đối xứng ở cửa đền, và tảng đá lớn có vết lõm mà các nhà nghiên cứu lịch sử xác nhận có từ thời Lý.

Con đường từ cổng Nghi môn, trên phố Ngọc Khánh dẫn lên đền chính thờ đức thánh Linh Lang có độ dài khoảng 200m, hai hàng bạch đàn tuy cao vời vợi nhưng tán nhỏ, không đủ để che bóng mát. Còn sót lại cây muỗm già, tán rộng, thi thoảng, cơn gió từ hồ Thủ Lệ thổi lên mát rượi. Những cây si già, thực chất chỉ mới được Ban di tích của đền trồng cách đây 10 năm, lớn bổng, bám sát mép hồ la đà rủ mình soi bóng xuống mặt hồ, tạo nên nét yêu kiều, quyến rũ.

Bác Đào Trùy, Trưởng ban Di tích đền Voi Phục cho biết: Đền khi xưa nằm lẩn trong bốn bề cây cối um tùm... Chủ yếu là cây muỗm cổ thụ, với đường kính lớn, bao bọc xung quanh ngôi đền, vườn nhãn già sang hè hoa trái xum xuê và hàng si hàng trăm năm tuổi rậm rạp, la đà trước hồ Thủ Lệ.

Ngôi đền hòa quyện với cả một rừng cây xanh rợp bóng, mang đậm vẻ đẹp huyền bí, linh thiêng. Nhưng, năm 1977, vườn thú từ Công viên Bách Thảo chuyển về Thủ Lệ, người ta đã chặt hạ những cây cổ thụ. Vườn nhãn cũng không còn, ngay cả những cây muỗm có tuổi thọ hơn 700 năm và nhiều loại cây to khác quanh ngôi đền cũng bị đốn ngã. Tất cả, cũng chỉ vì, lấy diện tích đất xây vườn thú, chuồng, trại...

Cây muỗm trên 700 tuổi ở trước cửa đền.

Vườn thú đã thay thế những loại cây cổ thụ, cây trái lâu năm bằng cây bạch đàn dễ trồng, dễ sống, và cho dù thời gian cây có lớn thì vẫn là loài cây mọc thẳng đứng, chiếm ít diện tích. Trước đây, phía trước mặt ngôi đền là con lạch và những cây si la đà rủ xuống mặt nước rất đẹp... khi xây dựng Công viên Thủ Lệ, người ta chặt bớt những cây si và xây một con đường sát mép nước để đi dạo.

Vậy là, không gian quanh ngôi đền bị thu hẹp lại đến tối đa, để nhường chỗ sinh hoạt vui chơi, giải trí đời thường. Tôi lâng lâng nuối tiếc về một thời đã xa, người ta đã đem cái thực dụng của trần gian xóa nhòa thế giới tâm linh của đền Voi Phục. Sau này, gặp gỡ với GS Trần Lâm Biền, Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nghe ông giải mã về di tích đền Voi Phục, tôi mới được biết, ông cha ta từ ngàn xưa, chẳng phải vô tình mà hữu ý. 

Ngôi đền nằm ở phía Tây là phía mặt trời lặn, có thể hiểu, phía Tây cũng gắn với những kiếp đời đã qua. Trong kết cấu làng xã trước đây, người chết thường được đưa về phía tây chôn cất. Nơi đó, hay có rừng nhỏ, cây cối um tùm, xanh mát, chính là giúp cho tâm hồn người đã khuất được mát mẻ, để đi vào cõi vĩnh hằng. Còn tại sao cây si lại được ưa chuộng đến thế trước cửa đền?

Chính vì cây si là cây thiêng. Những linh hồn bơ vơ, không nơi nương tựa, tụ lại ở những cây si, nằm ở trước các ngôi đền, hằng ngày có thể được hưởng tuần hương hay núp bóng thần linh ở trong đền, nghe được tiếng kinh kệ, hoặc qua lời khẩn cầu của những người đi lễ, mà linh hồn khốn khổ, bơ vơ được siêu thoát khỏi thế giới đau khổ của cõi âm.

Nhớ về khi xưa, vườn nhãn bị chặt hết để lấy đất làm vườn thú, bác Trùy cùng với hai cụ già nhà đền ấm ức tiếc nuối. Chả là, các cụ, các bác đây đều là người làng Thủ Lệ, sinh ra và lớn lên gắn bó nơi này. Theo như lời hai cụ nhà đền kể lại, cụ tổ trồng cây nhãn quanh đền là có ý cả.

Cây nhãn quanh năm cho bóng mát, còn vào mùa thì quả trĩu trịt, ngọt lịm, thơm lừng, lấy quả nhãn để dâng lên thắp hương cúng lễ. Ấy vậy mà, muốn khôi phục lại vườn nhãn, cách đây độ 10 năm, bác Trùy thân chinh đến đất Hưng Yên, xứ sở của loại nhãn lồng nổi tiếng, xuống thôn, mua giống nhãn ngon ngọt về trồng ở quanh đền.

Cây đã ra trái được 5 năm, nhưng chả hiểu vì lẽ gì, cây cớm nắng, quả còi cọc. Cùi mỏng hạt to. Bực quá, bác Trùy lại về thôn, gặp bác trưởng thôn bảo: "Đấy là thứ quả để cúng tiến cho Thánh, bán không đúng phải tội với Thánh".

Thật ra, người viết bài cũng không biết rõ ngọn ngành do đâu, cây có lớn mà quả lại không to. Phải chăng giống nhãn không tốt, hay, do đất không hợp với giống nhãn này?--PageBreak--

Ẩn số về những cây muỗm

Tuy rừng cây xanh khi xưa đã bị chặt phá, để trồng những cây con khác, nhưng đến nay vẫn còn sót lại nhiều cây cổ, lâu năm. Đó là ba cây muỗm già trước cửa đền có độ tuổi trên 700 năm. Một cây vàng anh có tuổi thọ trên 500 năm. Một cây nhãn, duy nhất còn sót lại trong vườn nhãn khi xưa, nay đã gần 300 tuổi...

Bác Trùy cho biết, các nhà nghiên cứu của Bộ Lâm nghiệp đã dùng máy khoa học đo đạc, tính toán để biết được tuổi thọ của từng cây. Điều này, làm cho tôi liên tưởng đến cách đây hai tháng, tại một ngôi đền cũng mang tên Voi Phục, nằm trên phố Thụy Khuê (Hà Nội) thờ Đức Thánh Linh Lang. Và, thật đáng ngạc nhiên, nơi đây còn nguyên vẹn 9 cây muỗm.

Đoàn khảo sát môi trường quốc tế sang Việt Nam để tìm hiểu về cây cổ thụ, đã xác định 9 cây muỗm ở đây có tuổi thọ từ 700 đến 1000 năm tuổi. Điều này, trùng khớp với tuổi thọ của những cây muỗm bên đền Voi Phục - Công viên Thủ Lệ. Tại các nước vùng châu Á, con số 9 tượng trưng cho sự trường cửu. Một câu hỏi đặt ra, liệu đền Voi Phục - Công viên Thủ Lệ, số cây lúc chưa bị chặt là 9?

Số cây muỗm cổ bị chặt quanh đền để lấy đất xây vườn thú, phải chăng là 6 cây muỗm to nhất. Vì, cây to bao giờ diện tích chiếm đất cũng lớn, và chính vì vậy nên người ta cần phải chặt bỏ! Nếu những cây muỗm bị chặt  có độ tuổi lên đến gần 1000 năm thì chẳng phải đáng tiếc lắm sao khi thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị bước vào 1000 năm tuổi.

Thật ra, sự đưa ra con số 6 cây như vậy vẫn hoàn toàn dưới dạng giả thiết, bởi người ta chỉ biết có vườn muỗm trước đây, chứ không ai biết đích xác số cây muỗm bao quanh ngôi đền. Tất cả vẫn đang là ẩn số.

Nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất của vườn thú để trả lại cho ngôi đền với một khuôn viên rộng, tổng diện tích của ngôi đền lên đến 1,1 ha và đầu tư hơn 18 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để trùng tu, tôn tạo lại đền Voi Phục.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang cắm mốc để giao đất. Trong tương lai không xa, ngôi đền sẽ được trả về với giá trị văn hóa ban đầu. Ông Trùy cho biết, chắc chắn sẽ khôi phục lại vườn muỗm cổ, trồng hai bên lối đi và hệ thống sân vườn.

Cần dẹp bỏ hiện tượng "có sao trồng nấy" trong di tích

Nhưng trong khi chưa trồng được cây xanh thì đã xảy ra một vụ nhốn nháo, ầm ĩ, lúc giải phóng mặt bằng. Nhà thầu là Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa trung ương, không có giấy phép của Sở Xây dựng đã chặt những dãy cây bạch đàn và hai cây lâu năm là cây bồ kết và giàng giàng trên con đường từ Nghi Môn lên đến Đền chính. Sự việc này, Sở Xây dựng đã lập biên bản và nhà thầu nộp phạt 10 triệu đồng.

Mọi chuyện tưởng thế là xong, nhưng ai dè lại xới lên những chuyện khác. Dựa trên các cơ sở khoa học người ta phân tích về cây bạch đàn có vô số trong di tích. GS Trần Lâm Biền khẳng khái: "Lá cây bạch đàn rất độc, khi rơi xuống làm cho đất khô cằn, làm hại những cây khác cho nên người ta không trồng bạch đàn trong di tích. Mà nơi cửa đền, có vị thần linh thiêng, luôn phổ độ mọi chúng sinh, nay lại chính những cây ấy diệt chết những cây khác. Thì điều đó không nên có trong di tích”. Và ông còn nhấn mạnh: "Khi nhận thức của con người chưa được đầy đủ thì phải trả giá và sự trả giá ấy bằng sự nuối tiếc".

Những người thợ đang đẽo gọt gỗ lim để trùng tu tôn tạo lại Đền Voi Phục.

Thế là, được dịp, người nói qua, kẻ nói lại, về việc cần phải bỏ hết những cây bạch đàn trong di tích. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, nôn nóng cho việc giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công chặt những cây bạch đàn khi chưa có giấy phép là sai luật, nhất là trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay, "lâm tặc" hoành hành ngay giữa thủ đô, thì không nên để cho bất cứ điều tiếng dị nghị nào không hay, đáng tiếc xảy ra.

Còn một câu chuyện nữa, cách đây chưa lâu, cây giàng giàng hơn 200 tuổi, ngay sau lưng đền, qua một đêm, cơn lốc xoáy, cành cây đổ nhào về phía sau. May mắn sao, cành cây to đổ về hướng Tây, chứ nếu đổ về hướng Đông sẽ đè nát lên ngôi đền. Mọi người đều nói Thánh thiêng quá.

Gốc cây mục ruỗng ở giữa, giờ vẫn chỏng chơ ở phía sau bên sân đền. Trong dự án trùng tu, tôn tạo, các nhà khoa học đã tính toán chính xác địa điểm đặt ngôi nhà thờ Mẫu, để tạo thành một tổng thể kiến trúc hài hòa, cân đối cho ngôi đền. Kỳ lạ thay, khi tôi đến, ngay tại chính gốc cây giàng giàng bị đổ hôm nào là gian nhà thờ Mẫu đang được xây thô... Quả đúng là không còn nơi nào đặt gian nhà thờ Mẫu hợp lý hơn đến thế. Gần gian nhà thờ Mẫu, những khúc gỗ lim Lào to khỏe, chắc nịch đang được đẽo gọt làm cột kèo...

Có lẽ, qua việc trồng cây trong di tích đền Voi Phục, ta nhận ra cây ở đời thường được đưa vào di tích một cách vô lối và cũng bị vứt bỏ vô lối. Sự việc này không chỉ có ở đền Voi Phục mà đang tái phát ở nhiều địa danh di tích khác. Không nên quá dễ dãi trong nhận thức để rồi bóp méo không gian của người xưa, bóp méo văn hóa của tổ tiên. Và chuyện trồng cây, hay chặt bỏ cây trong di tích chẳng phải đơn giản. Do sự thiếu hiểu biết, người ta trồng nhiều cây không có ý nghĩa.

Sự việc "có sao trồng nấy" cũng cần phải chấm dứt với các di tích văn hóa lịch sử khác... Những cây thiêng, cây thế nguyên khai trên con đường mòn tâm tưởng như dẫn hồn người về miền thường trụ. Cây cối trong di tích tạo nên một không gian tươi tốt góp nét đối trọng cho cuộc sống ồn ào, dẹp lòng trần, khởi lòng tâm niệm hướng về cõi Phật, vì vậy không thể lơi là, xem nhẹ

Tương truyền, Đức thánh Linh Lang chính là Hoàng tử thứ 4 của Vua Lý Thánh Tông với bà phi người làng Bồng Lai, huyện Đan Phượng. Hoàng tử Hoàng Chân được sinh ra ở Trị Chợ, làng Thủ Lệ. Khi giặc Tống sang xâm lược nước ta, Hoàng tử Hoàng Chân xin vua cha 2 con voi và một đội quân thiện nghệ ra đánh giặc. Chàng đánh thắng quân Tống, rồi về sống tại nơi đây.

Trong một hôm giông gió nổi lên, cát bụi mù trời, chàng gối đầu lên phiến đá, bỗng chốc biến thành rồng, trên thân rồng có những vẩy sáng lấp lánh, rồi cuốn xuống hồ Tây biến mất. Để tưởng nhớ công ơn của chàng, nhà vua đã phong cho là Đức Đại vương Tây trấn Thượng Đẳng và xây ngôi đền trên đúng chỗ đất "Hoàng tử hóa rồng".

Nhớ đến 2 con voi đã cùng Hoàng Chân đi đánh giặc nên dân làng Thủ Lệ đã đắp tượng voi ngay trước cửa đền. Và từ đó đền mới có tên là Voi Phục.

Trần Mỹ Hiền
.
.