Sông Lam thêm một cây cầu

Thứ Hai, 24/09/2012, 11:25

Một sự kiện được ghi vào sử giao thông nước Việt: sáng 7/9/2012 khánh thành cầu Bến Thủy 2! Khởi nguồn từ cao nguyên Xiêng Khoảng, chưa rõ trên địa phận đất Lào dài non trăm kilômét, tên gọi Nam Khan của sông Lam đã có cây cầu nào chưa? Nhưng 361km của Ngàn Cả sông Lam qua địa phận đất Nghệ An đã có thêm một cây cầu Bến Thủy 2 cách Bến Thủy 1 gần 800m về phía thượng lưu.

Mãn tải Bến Thủy 1

Từ Mãn tải có lẽ chưa thỏa đáng và thích hợp lắm với cây cầu Bến Thủy 1 nhưng đành dùng tạm vậy. Mới tròn 22 năm vận hành cầu Bến Thủy đâu phải như cầu Long Biên đã quá đát sử dụng mà vẫn còn xài, còn dùng tiếp dài dài... Phải cái nó đã xuống cấp nhiều.

Một sự cố làm trầm trọng thêm thứ xuống cấp ấy là đầu tháng 1/2011, chiếc ôtô biển KS 57K-5572 kéo rơ mooc chở 3 chiếc máy đào hạng nặng. Khi đi gần hết cầu Bến Thủy theo hướng Bắc Nam bất đồ chiếc xe tông thẳng vào giằng cầu làm cả cây cầu Bến Thủy rung chuyển. Hậu quả hai giằng cầu bị nghiêng. Mỗi khi xe chạy qua, cầu bị rung lắc rất mạnh. Một thời gian dài, hai bên cầu phải dựng biển Lái xe chú ý! Cầu có sự cố nguy hiểm. Khoảng cách các xe là 30m. Tốc độ tối đa 30km/giờ. Không biết đến bây giờ hệ thống dầm móng có vấn đề chi không nhưng có thứ nhỡn tiền: đường trên mặt cầu lồi lõm ổ gà, có đoạn vá chằng vá đụp. Đoạn sát chân cầu mặt đường bị co dãn thành những gờ rất nguy hiểm v.v...

Thời chiến cũng như thời bình, Bến Thủy luôn là một công trình trọng điểm của ngành GTVT. Có thể để cứu nguy việc mãn tải cây cầu, cũng có thể để giải tỏa những ách tắc trên huyết mạch giao thông Bắc Nam, tháng 3/2010, được Chính phủ cho phép, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng phát lệnh khởi công xây dựng cầu Bến Thủy 2.

Phút hợp long hai đầu cầu Nam - Bắc.

Chọn mặt gửi... cầu

Trọng trách xây cầu Bến Thủy 2, đơn vị trúng thầu là Tổng Công ty xây dựng Công trình GT 4  (Cienco4).

Trưa một ngày tháng 6 mới đây, nhân đi thắp hương ở Truông Bồn, chúng tôi vòng xuôi xuống Vinh để dự buổi hợp long cầu Bến Thủy 2. Sải bộ lên công trường cầu Bến Thủy, trong cơn gió Lào ràn rạt, cứ thấy thiêu thiếu đi thứ gì? Không phải quên mũ nón... Phải rồi, chúng tôi vừa mới hương khói Truông Bồn, trọng điểm giao thông nơi các liệt sĩ TNXP nằm xuống mùa đông năm 1968. Bến Thủy ngày đêm chường mặt với bom đạn Mỹ còn ác liệt hơn Truông Bồn.

Người ta tạm tính, mặt bằng 2km2 của phà Bến Thủy, từ năm 1968 đến năm 1973 đã hứng 3.300 đợt oanh kích của không quân Mỹ với 24.000 quả bom, thủy lôi, rốc két các loại. Đội hình đảm bảo giao thông phà Bến Thủy tổn thất không nhỏ. Gần 30 liệt sĩ và gần 100 người bị thương. Đơn vị hai lần được phong tặng Anh hùng LLVT và Anh hùng Lao động. Thế mà Bến Thủy, trận địa ác liệt ngày ấy vẫn chưa có một đài tưởng niệm nào để hương khói? Cũng có một nhóm tượng đấy. Tượng Công Nông thâm thấp bằng xi măng đặt gần nhà máy điện Vinh, phía bờ Bắc. Nhưng từ khi cầu Bến Thủy đưa vào sử dụng năm 1990, nhóm tượng ấy đâm mất đắc địa, bị khuất khó ngó thấy?

22 năm trước, đúng dịp 19-5, trời đất cũng ràn rạt gió Lào khô nóng nhưng oi nồng hơn bởi những cơn mưa bóng mây, tôi vinh dự được dự buổi thông xe cầu Bến Thủy. Bây giờ ngó những khuôn mặt trẻ trung, những khuôn ngực vậm vạp của đám thợ trẻ trên mặt cầu đang hối hả hoàn tất những phần việc cuối cùng để chuẩn bị hợp long - nối thông nhịp cầu lao từ đôi bờ Nam - Bắc, cứ loáng thoáng như đã gặp ai trong số này? Ai là những người thợ cầu các đơn vị 473, 479, CT 65 của TCTXDCT 4 (Cienco4) từng phối thuộc với những người thợ cầu Thăng Long, đơn vị chủ công làm cầu Bến Thủy năm ấy. Nếu còn trong đội hình kia thì giờ hẳn là thưa lắm?

Ngày khởi công là 1/3/1983. Ròng rã 7 năm trời, cây cầu nhích và vươn nhọc nhằn trong thời bao cấp khốn khó. Dài 630 mét, 12 trụ (4 trụ giữa sông), mặt cầu chỉ rộng 11,5 mét. Kỹ thuật dựng cầu là dùng thiết bị lao cầu bằng cầu nổi CN-100 (khi ấy kể cũng là tiên tiến) chứ đâu được hiện đại đỡ chật vật như bây giờ là sử dụng phương pháp đúc hẫng (chế bê tông ngay trên mặt sông). Bến Thủy 2 kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực với công nghệ đúc hẫng lẫn khoan cọc nhồi. Phương pháp tiên tiến ấy cho phép đẩy nhanh tiến độ làm cầu. Và nữa, những cọc thép dài 58-62 mét của Bến Thủy 2 cắm phập xuống lòng sông Lam một cách dễ dàng để làm trụ cầu chứ không phải loay hoay tất tả giếng chìm chở nổi (thiết bị xây trụ) như lớp làm cầu đàn anh những năm 70, 80!

Bộ trưởng Đinh La Thăng với thợ trẻ cầu Bến Thủy.

Vơ vẩn trên mặt cầu mới khi các thành viên trong tổ công tác ai vào việc nấy, tôi lẩn thẩn nghĩ thêm về tác giả Bến Thủy 2. Cienco4 hình như không nổi danh này khác từng góp cho cơ chế những Bộ trưởng, Thứ trưởng, những Ủy viên Bộ Chính trị... như Cienco8 (Liên hiệp XN XDGT 8) như Cienco5 (Tổng công ty Xây dựng GT 5)! (ông Lê Ngọc Hoàn, Bộ trưởng Bộ GTVT; ông Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GTVT) và Cienco5 có ông Tô Huy Rứa nguyên là TNXP của Cienco5, tiền thân là Liên hiệp các XNGT 5). Nhưng cái chất chắc chắn vững vàng của Cienco4 bao năm đã làm nên một thương hiệu cầu Việt vang xa?

Nhớ năm 1996, sự kiện Cienco4 trúng thầu 19 công trình cầu suốt từ Nam ra Bắc kể ra đã hãi? Rồi một loạt công trình trọng điểm GT đã chọn mặt Cienco4 mà gửi Cầu Pa Uôn có trụ cao nhất Việt nam (97m) Cầu Hàm Luông, Bến Tre. Cầu Cửa Đại, Quảng Nam. Cầu Hiệp, Thái Bình. Cầu Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Cầu Phụng Hiệp, Sóc Trăng. Nhơn Hội Bình Định... Đâu đó lâu nay có ý kiến rằng cỡ đàn em như Cienco4 chỉ đủ sức mần những công trình vùng xa vùng sâu hoặc những công trình vừa và nhỏ (!?) Nhưng thời gian gần đây, Cienco4 chững chạc tự tin cùng là vinh dự (trúng thầu) dàn quân trên dự án cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân qua sông Hồng. Công trình vành đai 3 Hà Nội. Dự án Cầu Nhật Tân - Nội Bài, Dự án cao tốc Giẽ - Ninh Bình v.v...

Mới đầu năm nay có việc vô Bạc Liêu lại được ghé Cienco4 để uống rượu mừng. Mừng khởi công cây cầu Giá Rai. Cây cầu Giá Rai không chỉ giải tỏa những nghẽn tắc giao thông trên toàn tuyến Giá Rai - Gành Hào - Phó Sinh của riêng đất Bạc Liêu mà còn thông thương thông thoáng cho cả miền Tây. Cầu Giá Rai cũng là tuyến phòng thủ liên hoàn thông thẳng ra biển Đông rất đắc dụng của an ninh quốc phòng. Ngó sắc đồng phục màu ghi sáng của quân Cienco4 từng thấp thoáng ở nhiều công trình trọng điểm GT ở Vinh, ở Hà Nội, ở Đà Nẵng, ở cực Nam Trung Bộ, ở TP HCM... và nay ở xứ miền Tây Tổ quốc thấy dậy lên cảm giác là lạ nhưng tự hào!

...Trên mặt cầu Bến Thủy đợi hợp long, Tổng giám đốc Lê Ngọc Hoa bộc bạch rằng, trở thành chủ thầu chính và phụ nhiều công trình ở Hà Nội, Cienco4 phải gắng gỏi để vượt lên sức ép của... Thủ đô! Và ngay chính công trình này cũng vậy? Anh bạn đồng nghiệp cùng đi tò mò muốn biết cung cách giải tỏa những sức ép ấy như thế nào? Ví dụ công trình Bến Thủy 2 phải hoàn thành trong 33 tháng phấn đấu rút xuống còn 23 tháng đã không đạt được? Cienco4 phải chịu những sức ép gì? Tổng Giám đốc Lê Ngọc Hoa nói ngay rằng. Sở dĩ không đạt được tiến độ 23 tháng là do công trình phải đợi mất 6 tháng để giải phóng mặt bằng. Nhưng công trình vẫn đảm bảo tiến độ thi công. Đảm bảo tiến độ? Phải gắng để kịp dịp 50 năm thành lập Cienco4. Anh bạn tôi đế thêm...

Nhưng ông Tổng Giám đốc giọng bình thản rằng, không phải, dịp kỷ niệm ấy vào thời điểm cuối năm. Ban nãy các anh có hỏi trong tình thế suy thoái và cắt giảm công trình, Cienco4 vẫn tìm ra việc? Chúng tôi có cách riêng để giải tỏa sức ép lẫn đảm bảo tiến độ và khắc phục khó khăn. Cách riêng ấy một phần trong sự chuyển hướng chiến lược. Chẳng hạn như việc chủ động tìm kiếm việc làm, tìm kiếm mở rộng thị trường năng động sáng tạo để tiếp cận với các nguồn vốn ODA, WB... và các nguồn vốn khác. Như Bến Thủy 2 là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trên 1.200 tỉ đồng. Rồi phải uyển chuyển sáng tạo trong việc hỗ trợ tài chính, tạm thanh toán trả trước các khối lượng công việc đã hoàn thành. Rồi việc khôn khéo tiết giảm chi phí hạ giá thành nhưng tuyệt đối không được ảnh hưởng đến chất lượng công trình v.v...

Giây phút chuẩn bị hợp long.

Tôi để ý đến vẻ kiệm lời nhưng rất lanh lẹ thuộc việc của người trợ lý Tổng giám đốc Lê Ngọc Hoa. Tổng giám đốc trẻ trung thế sao chọn trợ lý tuổi đã cưng cứng? Sau hỏi lại mới biết, kỹ sư Phạm Đức Mỹ, tên người trợ lý năm nay tuổi lục tuần vừa về hưu được Tổng giám đốc Lê Ngọc Hoa chọn việc mới. Một chút lý lịch trích ngang. Quê Hương Sơn Hà Tĩnh. Tham gia chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị. Tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội năm 1981. Tên những công trình ông có mặt cũng dài như lịch sử tham chiến của Cienco4 vậy. Ghép, Bến Thủy, Gianh, Quán Hàu. Hiền Lương. Đà Rằng Nhơn Hội Bình Định. Vĩnh Tuy. Nhật Tân. Vành đai 3 Hà Nội. Phụng Hiệp Bến Lức v.v... Nguyên là Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ của Cienco4 và nhiều năm là Trưởng Ban Giám khảo các cuộc thi thợ trẻ của công ty. May mắn có một gia đình êm thuận với sự đảm đang tháo vát của vợ. 1/2 thời gian công tác xa nhà. Có 3 con. Hai cô con gái đầu theo nghiệp bố hiện công tác tại Cienco4. Còn cậu con trai là kỹ sư xây dựng tương lai. Một thế hệ thợ trẻ trung sung sức đang tiếp bước ở Cienco4.

Tính từ thời điểm hợp long Bến Thủy đã hơn 3 tháng. Chiều muộn ngày mồng 5/9, trên điện thoại Tổng giám đốc Lê Ngọc Hoa thông báo rằng, mọi công việc cho ngày thông xe - khánh thành đã hoàn tất!

Bữa nay, Lam giang xứ Nghệ có thêm một cây cầu trên hệ thống huyết mạch Bắc Nam. Ngành GTVT lấp lánh thêm một thương hiệu cầu Cienco4

X.B.
.
.