Dịch giả khuyết tật Nguyễn Bích Lan:

Sống như ngày mai là ngày cuối cùng…

Thứ Bảy, 07/11/2015, 15:30
Sau khi Chuyên đề ANTG đăng tải loạt bài 2 kỳ về nghị lực diệu kỳ của chàng trai khiếm thị - nhà thơ Nguyễn Việt Anh và cô gái tật nguyền - nhà văn Trần Thị Ngọc Lan, rất nhiều bạn đọc đã gửi thư, gọi điện về Tòa soạn chia sẻ bày tỏ sự cảm phục, trân quý đối với họ.

Cũng qua phản hồi của bạn đọc, chúng tôi được biết, tại nhiều vùng miền trên cả nước, còn rất nhiều những bạn trẻ không may mắn bị tật nguyền nhưng đã tìm được niềm vui sống, nghị lực sống với văn chương. Họ, đã nỗ lực hơn nhiều lần người bình thường để vượt qua định mệnh nghiệt ngã, đóng góp cho cuộc đời quả thơm, trái ngọt.

Đó, cũng chính là lý do để ANTG tiếp tục đăng tải loạt bài tiếp theo về họ.

Định mệnh nghiệt ngã

Căn phòng xinh xắn đầy ánh nắng, đầy hoa lá trên một tòa chung cư đủ để thả những ước mơ bay qua khung cửa sổ có chiếc máy tính màn hình to của chị. Căn phòng gọn gàng, ngăn nắp dù đầy kỷ vật của độc giả, bạn bè tặng chị trong suốt tháng năm qua. Đến với chị, cảm nhận chị, lắng nghe chị, để đôi khi "ồ, à" đầy ngạc nhiên, đôi khi cười với niềm vui và cả đau những giọt nước mắt mặn mòi cùng chị, một người phụ nữ đầy nghị lực, đầy lòng đam mê và đầy tình yêu cuộc sống. Chị đã vững vàng bước đi trên đôi chân bé nhỏ, yếu ớt của mình, để khẳng định rằng, niềm tin và nỗ lực là một sức mạnh siêu nhiên có thể cứu rỗi con người vượt qua nỗi bất hạnh…

Nguyễn Bích Lan sinh ra và lớn lên tại Hưng Hà, Thái Bình. Tuổi thơ của chị dù vất vả, khó khăn nhưng êm đềm trôi qua trong khung cảnh làng quê tĩnh mịch và êm đềm của tình gia đình, chòm xóm. Bích Lan kể lại rằng, trong ba chị em, chị là người mê chơi nhất. "Không hiểu sao khi còn bé tôi lại khát khao được tự do vui chơi mãnh liệt đến thế. Đã có lúc trên cánh cửa bếp, dọc bức tường bao quanh sân, trên nắp bể nước ở nhà tôi… luôn có những chữ "lười" kèm tên tôi. Đó là những "bản cáo trạng" mà chị gái tôi ấm ức viết ra trước hoặc sau khi chị phải làm những phần việc vặt mà tôi đã vô tư đẩy cho chị để chuồn đi chơi.

Trong những mùa gặt, trong lúc người lớn bận tối mắt tối mũi, tôi đầu têu lũ trẻ con lau nhau thi thố khả năng nghịch ngợm quanh mấy đống rơm. Chúng tôi vật nhau giữa những cọng rơm được phơi tái, đã mềm mềm, còn nồng mùi đồng nội. Chúng tôi oẳn tù tì để chia cả bọn thành hai phe, phe thắng ngồi trên ngọn đống rơm (bất kể đống rơm ấy của nhà ai), phe thua phải đẩy đống rơm đi.

Chúng tôi lộn, trượt, nhảy từ ngọn đống rơm xuống đất, và ngược lại. Chúng tôi kéo, giật làm rơm đổ xuống, rối tung chẳng còn ra đống xá gì nữa. Người lớn sẽ khó biết được chúng tôi có thể chơi nhiều trò với rơm rạ, nếu không có một đứa trong bọn bị rách áo, bị rơm chọc vào mắt hay bị trật khớp tay, trẹo chân, gãy răng…".

Dù nghịch ngợm như con trai, nhưng ở sâu trong tâm hồn, Bích Lan lại là một cô bé yêu văn học, mê mẩn đọc tủ sách của ông để lại, những "Tam quốc diễn nghĩa", "Không gia đình"… đã được chị đọc từ những ngày thơ bé. Qua tuổi 12, Bích Lan lớn phổng, nặng khoảng 44 kg. Chị đã bắt đầu có những hình dung về thời thiếu nữ, giống như nhiều cô bé mới lớn khác.

Lan cũng mải mê đọc, học, hồn nhiên tận hưởng những niềm vui mà cuộc sống đưa đến tầm tay của mình, nhưng rồi, có một biến cố đã đến. Đó là mùa đông năm 1988, khi Bích Lan 13 tuổi, và cứ gầy đi trông thấy. Ngày ngày đạp xe đến trường, chị cảm thấy có sự khác thường về vận động, cơ thể trở nên cứng nhắc và không còn chạy được nữa. Có khi đang đi bình thường, chị bỗng khuỵu gối và ngã sóng xoài trên mặt đất. Đôi khi chị cảm thấy những chỗ mình ngã cứ như có cái bẫy vô hình hoặc tất cả chỉ là trò đùa dai nào đó. Và chị đợi trò đùa đó kết thúc.

"Nhưng đó không phải là trò đùa và nó không có hồi kết, Những cú ngã ngày càng nhiều hơn. Những cú ngã khiến tôi đau đớn, thậm chí chảy máu, bầm tím mình mẩy. Nhưng hơn cả cảm giác đau đớn thể xác là sự đau đớn về tinh thần, là cảm giác xấu hổ của đứa con gái ở tuổi mới lớn khi nhận ra mình ở trong tình cảnh, tư thế không hề mong muốn.

Càng ngày tôi càng ý thức rõ hơn có điều gì đó rất nghiêm trọng đang xảy ra với mình. Móng chân, móng tay của tôi thường xuyên bị gãy, khuỷu tay bị chai sau những lần cố gắng. Tôi không giơ tay qua đầu được nữa, cầm bát cơm ăn, tôi thấy khó khăn như thể đang nhấc cả bao gạo. Việc đứng dậy từ vị trí ngồi thấp nhất như bậc cửa hay sàn nhà trở thành việc khó nhọc, khiến tôi mất sức nhất, vì vậy tôi đứng gần như cả ngày...".

Căn bệnh của Nguyễn Bích Lan được các bác sĩ chẩn đoán là mắc phải một dạng bệnh cơ nan giải, gây thoái hóa dần hệ thống cơ bắp và hiện chưa có thuốc chữa…

Tìm ánh sáng trong đường hầm tối

Càng ngày bệnh tình của chị càng nặng hơn, khi bước lên bậc thềm, chị phải hoàn toàn dựa vào sức người khác, cột sống ngày càng cứng hơn, chị không thể cúi xuống được nữa, không thể tự nhặt những vật đánh rơi xuống sàn nhà. Nếu đánh rơi cây bút, chị sẽ phải dùng chân di chuyển nó tới gần giường hoặc một điểm đủ cao để chị có thể ngồi xuống cái điểm ấy, nhoài người cố nhặt nó lên.

Khi cầm được cây bút trên tay, chị lại phải tập trung sức lực và quyết tâm để thực hiện động tác đứng dậy. Có lần em trai chị đùa rằng, nếu nhìn thấy cả một túi vàng dưới đất, chắc chị cũng bó tay.

Bích Lan chia sẻ: “Rất có thể vào một lúc nào đó trong đời, một biến cố lớn sẽ đẩy chúng ta đến cái điểm mà ta không xác định được mình là ai, có mặt trên đời này để làm gì. Ta cảm thấy thế giới đang đứng yên hoặc ta đã đứng bên lề vòng quay ấy tự lúc nào. Ta cảm thấy trong lòng mình chẳng còn gì ngoài sự trống rỗng mênh mông.

Thật may cuối cùng một thay đổi đã xảy ra. Mùa thu năm 1992, khi em trai tôi học cấp 3, sau ngày khai giảng mang về một cuốn sách giáo khoa tiếng Anh và khoe với cả nhà rằng mình bắt đầu học môn này ở trường. Ngồi học bài trong gian buồng riêng, em không ngại đọc oang oang từng từ tiếng Anh bằng cái giọng ngàn ngạt bẩm sinh. Những từ ấy như những mảnh nhỏ của một cái gì đó rất thực, rất lạ lẫm, rất dễ gợi tò mò đã ào ạt bay vào thế giới trống rỗng của tôi. Tôi dùng tâm trí chộp lấy những mảnh nhỏ đó như một đứa trẻ chộp lấy những món đồ chơi mới mà nó hằng ao ước".

Bằng tất cả sự nỗ lực của việc tự học, tự bồi đắp kiến thức cho mình, cuối cùng chị đã có một đường hướng riêng với con đường tự học và dịch thuật bằng tiếng Anh, để sau này, chị có thể có một đường đi riêng của mình, và trong tay chị hiện đang có 30 đầu sách dịch dày dặn, những cuốn sách đã nổi tiếng trên thế giới và hiện đang nằm trên giá sách của nhiều người như "Triệu phú khu ổ chuột" (Tác phẩm dịch được giải thưởng Hội Nhà văn năm 2010), Nick Vujicic "Cuộc sống không giới hạn"… Và là tác giả của 4 cuốn sách, trong đó có tự truyện "Không gục ngã" được nhiều bạn đọc tìm đọc. Chị vào Hội Nhà văn năm 2010.

Nói về số phận mình, Bích Lan đôi lúc ngậm ngùi, một trong những bước ngoặt lớn trong đời khiến chị trưởng thành, đó là sự ra đi của bố, trong lúc gia đình đang đầy bấn loạn, rối bời, thì bố chị ra đi biền biệt gần 10 năm, không để lại bất cứ một lý do nào.

Nguyễn Bích Lan.

Chị kể: "May mắn thay, mẹ tôi rất kiên cường, chỉ khi nhiều khó khăn, nhiều biến cố xảy ra, tôi mới biết mình có một người mẹ tuyệt vời như thế nào. Mẹ luôn tỏ ra cứng cỏi, can đảm. Tôi biết nỗi buồn của mẹ được nén lại như những con sóng ngầm dưới lòng biển sâu. Hàng ngày mẹ vừa đi dạy, vừa gồng mình để lao động nuôi cả nhà. Những học trò lớp 8 của mẹ tôi ở trường làng thường kéo đến nhà tôi chơi vào những buổi các em đi lao động hay sinh hoạt. Dường như bọn trẻ lấy làm lạ về tôi lắm.

Chắc hẳn các em tự hỏi không biết cái gì hấp dẫn tôi đến mức tôi có thể ngồi lì trong phòng rộng chưa đầy 10m²

cắm cúi, cặm cụi không màng gì đến xung quanh. Mẹ bảo với các học trò rằng tôi đang học tiếng Anh, rằng tôi biết tiếng Anh. Không biết những đứa trẻ ấy về nhà nói gì với mẹ mà bỗng dưng có mấy phụ huynh đánh tiếng nhờ tôi dạy tiếng Anh cho con họ… Có 9 em tất cả, bọn trẻ ngồi bệt lên sàn nhà. Tôi lấy viên phấn trong hộp phấn của mẹ viết lên bảng từ tiếng Anh đầu tiên cho bài giảng đầu tiên, cho một trang mới của cuộc đời mình".

Sau này, khi được mời làm nhân vật của chương trình "Người đương thời" của Đài Truyền hình Việt Nam, 3 trong số các học trò lâu nhất của lớp học "Cây táo", người dẫn chương trình đã hỏi các em, rằng Bích Lan đã mang lại cho các em điều gì, các em đã trả lời rất mạch lạc, hào hứng và đầy xúc động, nhưng khi hỏi ngược lại rằng các em đã mang lại gì cho cô giáo, thì các học trò nhìn nhau không trả lời.

Và Bích Lan bảo rằng, các em đã mang lại cho chị cơ hội được làm việc, cho chị cơ hội vô cùng quý giá rằng mình vẫn là người có ích, cho chị hình dung sống động nhất về cái thời trung học mà chị không được trải nghiệm. Các em mang cả thế giới bên ngoài đến cho chị khi căn bệnh hiện nay vô phương cứu chữa cùng sự tiến triển đáng ghét của nó đang giam hãm chị giữa bốn bức tường và chị không thể làm gì ngoài việc chờ đợi và hy vọng.

Tự chữa lành những vết thương bằng tình yêu văn chương

Tôi từng hỏi chị, có số phận nào trong những trang văn đã thay đổi cách nhìn về cuộc đời, về số phận và niềm tin vào cuộc sống ở nơi chị? Nguyễn Bích Lan đã chia sẻ rất chân tình: Chị đọc sách từ khi 5 tuổi. Chị gặp rất nhiều số phận qua các trang sách. Tất cả họ và cách các nhà văn đưa họ đến với người đọc đều có tác động ít nhiều đến chị.

Chị không bao giờ quên nhân vật Remi, cậu bé trong tác phẩm "Không gia đình" của nhà văn Hector Malot, một nhân vật dạy chị biết yêu gia đình một cách có ý thức từ khi chị 7 tuổi. Chị biết ơn Helen Keller trong cuốn tự truyện của bà, một người phụ nữ đầy nghị lực bị mù và điếc nhưng vẫn quyết tâm, kiên nhẫn học chữ, không chỉ có thế, bà học hết đại học, trở thành nhà hoạt động xã hội và tác giả nổi tiếng khắp thế giới. Có lẽ bởi những trang viết đã bồi đắp nên nghị lực ở chị, dường như không bao giờ có sự yếu mềm, lùi bước, không có sự nản chí mà chỉ có một mục tiêu là vươn lên phía trước, dù trong khi cuộc sống và công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Chị khẳng định rằng: “Khi con người gặp những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua được mà lại vượt qua được thì phần thưởng lớn nhất mà người đó nhận được là cách vượt khó, khả năng giữ bình tĩnh, tinh thần lạc quan, sáng suốt trước khó khăn và niềm tin vào khả năng vượt khó của mình. Chẳng ai biết phía trước có những khó khăn nào đang đợi mình, nhưng nếu có được thái độ tích cực thì khả năng vượt khó được rất cao. Không phải tôi không có lúc yếu mềm”.

Không con người nào có tâm hồn văn chương lại không có lúc yếu mềm. Chị rất dễ khóc khi thấy một hình ảnh của sự bất hạnh, bất công và sự bất lực của con người trước mất mát. Chị thấy an tâm vì trong khi mình rắn rỏi vượt qua những thách thức, mình vẫn đủ yếu mềm để rung động và cảm động trước sự đời. Cũng bởi vậy mà gần đây Nguyễn Bích Lan ngoài dịch thuật, đã viết truyện ngắn và làm thơ. Văn của chị ngắn gọn và súc tích, đơn giản mà bất ngờ, chị thường hướng tới những cái kết có hậu, hướng tới những người thiệt thòi, những người làm điều thiện. Và chị làm thơ, thơ luôn là một phần thiêng liêng của tâm hồn chị. Với chị thơ ca là một phương tiện để chị giãi bày với chính mình những điều mà các cách khác không thể. Nhiều lúc tôi thấy may mà đời sống của con người có thơ để chúng ta có thể chia sẻ với chính mình và với nhau.

Chị viết: "Cây lộc vừng/ giũ những cơn buồn xuống hồ gió/ mùa hè ra đi từ đêm con ve ngoảnh mặt vào chiếc lá/ không thiết chơi với ai nữa/ buồn không!/ Em cũng có chuyện gì hôm nay/ không ai đoán nổi/ em ngồi im thế/ môi không biết hé ra/ cho một tiếng hỏi ngập ngừng/ Để chị gọi đứa trẻ lên ba/ vào nhà cho em tập nói/ lại tập nói những ngây thơ đi em/ như cây lộc vừng/ giũ những cơn buồn xuống hồ gió/ rồi lại bập bẹ/ búp tơ" (Một ngày buồn).

Đôi khi tôi vẫn cho rằng, có nhiều thứ mất đi, có nhiều người thiệt thòi, nhưng cái cách mà người ta vươn lên làm chủ trong cuộc sống mới là điều làm nên giá trị của người đó. Nguyễn Bích Lan như một người bước ra từ cổ tích với những chiến tích của mình, chị đã làm được rất nhiều điều không chỉ cho mình mà cho cả những người gặp những bất hạnh trong cuộc sống. Chị đã nhiều lần đứng trên bờ vực mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa được và mất, giữa tồn tại hay không tồn tại, nhưng chị đã chiến thắng và vượt qua nó.

"Lời khuyên của tôi dành cho những ai vẫn đang phải mò mẫm trong đường hầm tối của thử thách khó khăn là, hãy tin vào ngày mai tốt đẹp hơn. Nhưng chỉ tin thôi không đủ, hãy hành động theo niềm tin đó. Nếu như năm 13 tuổi, tôi được biết mình bị mắc căn bệnh nan y chưa có thuốc chữa và tôi cứ ngồi yên đó tin rằng rồi y học sẽ tìm ra thuốc chữa căn bệnh của mình và không làm gì cả, không quyết tâm tự học, không chủ động tự cứu mình thì có lẽ ngày hôm nay sẽ không có một tác giả, dịch giả Nguyễn Bích Lan...”.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.