Sứ giả tiền tệ người Mỹ và tờ quân dụng phiếu Phan Bội Châu

Thứ Ba, 24/02/2015, 11:20
Với bộ sưu tập tiền độc đáo của mình, chủ nhân của nó không chỉ tự hào về giá trị và độ hiếm của từng hiện vật, mà bản thân còn bị mê hoặc bởi những câu chuyện lịch sử và bối cảnh đồng tiền ra đời, vì thế dù đã có hơn 50 năm nghiên cứu lịch sử tiền tệ Việt Nam, nhà nghiên cứu Howard A. Daniel vẫn khiêm nhường tự nhận mình là một người đang trong quá trình học hỏi chứ không phải là một chuyên gia.

Nhắc đến Howard A. Daniel, giới sưu tập tiền không thể không nhắc đến kho tư liệu về tiền tệ khu vực Đông Nam Á được biên soạn công phu, chứa đầy tâm huyết cùng bộ “tiền Trường Sơn” và tờ quân dụng phiếu Phan Bội Châu thuộc hàng độc nhất vô nhị của người cựu chiến binh Mỹ này.

“Tiền Trường Sơn” trong một cửa hiệu đồ cổ ở… Paris

Ông Howard Daniel nguyên là một cựu chiến binh Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, từng phục vụ tác chiến hậu cần trong khoảng thời gian từ năm 1965-1973. “Trung sĩ Daniel” có nhiệm vụ đào tạo cho các nhân viên ngân hàng của chính quyền Sài Gòn biết cách sử dụng máy tính.

Theo lời ông mô tả thì khi đó, một cỗ máy tính IBM đời đầu có kích thước to gần bằng… một ngôi nhà, và để sử dụng được nó không phải là một chuyện dễ dàng.

Cậu bé Daniel từ nhỏ đã mắc bệnh có liên quan đến khớp gối khiến việc di chuyển của cậu gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa có thể tự đến trường thì cậu phải ở nhà và bố mẹ cậu phải mời gia sư, họ còn hay mua về cho con trai thứ đồ chơi là những con tem, tiền xu, tiền giấy của các quốc gia khác nhau.

Người gia sư ngoài việc dạy các môn học căn bản còn giải đáp cặn kẽ cho Daniel biết về nơi xuất xứ những món vật này như là một cách giới thiệu về thế giới bên ngoài. Bị mê hoặc bởi những câu chuyện phiêu lưu, cậu bé Daniel bắt đầu sưu tầm rất nhiều món đồ khác nhau: bản đồ, thìa, tiền của các quốc gia, tem… những thứ mà cậu cho rằng, chúng có thể lưu lại những câu chuyện lịch sử và giúp mình hiểu về thế giới nhiều hơn nữa.

Ông Howard A. Daniel.

Cũng nhờ phương pháp điều trị tích cực, hiệu quả nên khi lên lớp 5, cậu bé Daniel đã có thể tự đi đến trường được. Học xong trung học, Daniel quyết định gia nhập quân đội Mỹ bởi vì Daniel muốn cứng cáp và trưởng thành hơn nữa trong môi trường khắc nghiệt, kỷ luật như quân đội.

Năm 1964, khi đang công tác tại Nhật Bản, Novak - một người bạn đã khuyên ông nên sưu tầm tiền Việt Nam vì loại tiền này chưa có ai sưu tầm. Với một người ưa thích thử thách và ham mê tìm kiếm như Daniel thì đây quả thực là một lời gợi ý rất hấp dẫn.

Bị điều động sang Việt Nam, Daniel xem đây là cơ hội làm đầy thêm cho bộ sưu tập tiền Việt Nam của mình. Mặc dù ông biết rằng, việc sưu tầm không dễ dàng như… nhặt vỏ đạn!

Những ai lần đầu tiên tiếp xúc với Daniel sẽ không khỏi ấn tượng trước vóc dáng cao to và sự thân thiện, ấm áp. Ông thường dùng cả hai tay để bắt tay với người khác và luôn nở nụ cười, tạo cho người đối diện cảm giác thoải mái, dễ gần.

Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà riêng nằm sâu trong một con hẻm khá yên tĩnh ở đường Huỳnh Văn Bánh, ông đã vội khoe ngay quyển sách vừa mua được ở Nhà sách Fahasa - Nguyễn Huệ. Người đàn ông đã 74 tuổi nhanh nhẹn lật vội vài trang sách và chỉ ngay vào dòng chữ “tháng 6 năm 1965”.

Ông giải thích: Đó là tháng và năm người ta bắt đầu in tiền Trường Sơn, hay còn gọi là “Phiếu Bách hóa Trường Sơn” - một loại tiền tệ được bộ đội Trường Sơn sử dụng.

Ông rất hào hứng với chi tiết này bởi vì trong số 20 quyển sách nói về đường mòn Hồ Chí Minh mà ông đã mua trước đây không hề có cuốn nào đề cập đến thời điểm nói trên. Với ông Daniel, tìm được thông tin xuất xứ của tờ tiền mình sưu tập là một niềm vui khó diễn tả được bằng lời.

Lần đầu tiên ông nhìn thấy tiền Trường Sơn là lần một người bạn, làm việc cho cơ quan tình báo, mang đến một mảnh giấy mà ông chẳng biết đó là gì. “Người bạn chỉ nói cho tôi biết đó là một loại tiền. Sau khi xem xét kỹ, tôi thấy rằng đây là loại tiền sản xuất ở miền Bắc lạ nhất mà tôi từng biết. Mất một thời gian sau, tôi mới biết đó là “tiền Trường Sơn” được sử dụng trên chiến trường đường mòn Hồ Chí Minh”.

Tiền Trường Sơn được sản xuất ở một nơi rất bí mật vì thế Cơ quan tình báo Mỹ tại Sài Gòn khi đó cố gắng tìm kiếm thông tin về nơi sản xuất loại tiền này nhưng hầu như vô vọng. Mặc dù bị tờ tiền Trường Sơn hấp dẫn nhưng ông Daniel vẫn không thể sở hữu được nó, bởi vì tờ tiền này là hiện vật quan trọng mà Cơ quan Tình báo Mỹ thu thập được.

Phải đợi cho đến sau khi Việt Nam thống nhất, ông mới có cơ hội được sở hữu nó, nhưng không phải trên đất Việt Nam.

Howard Daniel mua được tờ tiền Trường Sơn đầu tiên tại một cửa hàng ở quận 9, thủ đô Paris - nơi có nhiều tiệm tiền cổ nhất ở Pháp vào những năm 80 của thế kỷ XX.

Chiều theo ý khách mua, người chủ cửa hàng mang ra hàng chục hộp chứa vô số các loại tiền khác nhau có nguồn gốc từ Việt Nam. Ông tỉ mỉ dò tìm từng tờ một và bất chợt bắt gặp tờ “tiền” năm xưa. Daniel mừng đến muốn hét lên nhưng ông phải cố giữ vẻ ngoài bình thản, vì nếu người chủ cửa hàng nhận biết điều đó thì ông ta sẽ “hét giá” cho tờ tiền Trường Sơn. Và thế là Daniel đã mua được tờ tiền này chỉ với giá 1 đôla.

Ông phân bua: “Sở dĩ tôi mua được với cái giá ấy là vì người bán không chịu nghiên cứu mà thôi”. Để chứng minh cho điều trên, ông còn kể, vài lần ông còn mua thêm được “tiền Trường Sơn” từ những người cựu chiến binh Mỹ trong những dịp họ dọn nhà. Dân Mỹ có thói quen đem đồ không dùng nữa ra bán rẻ trước sân nhà (garage sale). Thu được chiến lợi phẩm là những tờ tiền Trường Sơn nhưng nhiều người chẳng biết đó là tờ giấy gì nên giờ đem ra bán rẻ như cho.

Quân dụng phiếu Phan Bội Châu in năm 1912.

Điều hấp dẫn ông Daniel không phải chỉ là độ hiếm của loại tiền này mà còn là giá trị lịch sử lưu lại trên nó. Trên mặt sau của tờ “tiền” có những mẩu ghi chú của người sử dụng giúp cho người sưu tập có thể hình dung được thời gian diễn ra bối cảnh sinh hoạt như số năm, những vật dụng cần mua, hay tên của một người nào đó…

Người vợ Việt Nam đã giúp ông dịch các mẩu chữ viết tay trên các tờ tiền này sang tiếng Anh để ông có thể hình dung lại cảnh những người bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn sử dụng tiền để giao dịch mua bán như thế nào. “Với tờ có mệnh giá số 2, người ta có thể mua được kẹo hoặc có thể gửi thư về hậu phương” - ông Daniel cho biết.

Theo giới sưu tập thì Phiếu Bách hóa Trường Sơn ước chừng có khoảng 16 loại khác nhau với 4 phiên bản còn chưa xuất hiện đầy đủ trong các bộ sưu tập. Hiện nay cũng chỉ có vài người sưu tập tiền Việt Nam trên thế giới có bộ sưu tập 12 loại. Phiếu Bách hóa Trường Sơn chỉ để sử dụng ở đường mòn Hồ Chí Minh.

Điều làm nên sự khác biệt của phiếu này với các loại phiếu khác là chỉ in được trên một mặt và mặt còn lại để trống. Hơn nữa, trên phiếu này chỉ ghi các mệnh giá 1, 2, 5 và 10 mà không có in đơn vị đồng như mọi tờ phiếu bách hóa khác, và bên trong có in dòng chữ nhỏ “thật thà, khiêm tốn, phục vụ tốt”.

Thời gian đầu, Phiếu Bách hóa Trường Sơn không in đường chỉ gạch chéo, nhưng do sau này quân đội Mỹ phát hiện ra và cho làm giả nên đường gạch chéo được in thêm lên mỗi tờ.

Tùy theo từng thời điểm mà phiếu có đường chéo bên trái hay bên phải, vì thế mà có thời gian một số chiến sĩ của ta về lại hậu phương, đem phiếu này ra sử dụng thì người dân thấy lạ tưởng là dùng tiền giả nên báo cho công an. Đến khi cơ quan công quyền giải thích, người dân mới biết sự tồn tại của Phiếu Bách hóa Trường Sơn. Điều này cho thấy Phiếu Bách hóa Trường Sơn có tính bảo mật rất cao.

Sau năm 1975, “tiền Trường Sơn” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và phải bị thu hồi. Mặc dù giới sưu tầm ra sức tìm kiếm các tài liệu liên quan nhưng những thông tin về chúng vẫn chưa được giải mã hết.

“Độc nhất vô nhị” - Quân dụng phiếu của cụ Phan Bội Châu

Câu chuyện để mua được tờ giấy bạc độc nhất vô nhị này với ông là sự tình cờ và do... duyên số và sự may mắn. Đó là vào năm 1970, tại hội chợ đấu giá tiền tổ chức ở Hồng Kông, hàng trăm nhà sưu tập tiền đủ mọi giới từ các nơi trên thế giới đổ về đây.

Daniel bắt gặp tờ quân dụng phiếu kỳ lạ này nằm trong phần tiền Trung Quốc. Điều làm ông nhận biết được đây không phải là tiền Trung Quốc chính là nhờ chữ “Annam” được in trên đó.

Các phiên bản khác nhau của phiếu Bách Hóa Trường Sơn.

Trực giác của một người chơi tiền Việt lâu năm mách bảo ông rằng, đây là loại tiền lạ mà ông chưa từng thấy, một báu vật. Ông lập tức nói với người bạn rằng, mình muốn mua nó trong buổi đấu giá với số tiền là 500 đôla mặc dù giá khởi điểm chỉ 65 đôla mà thôi.

Người bạn này khuyên ông không nên vội vàng vì với giá ông đưa ra như thế, chắc chắn người bán sẽ tìm các thông tin liên quan về loại tiền này và có thể ra giá cao hơn. Nhờ sự tư vấn đó mà ông mua được tờ quân dụng phiếu Phan Bội Châu chỉ với giá 85 đôla.

Trong niềm vui sướng tột độ, Daniel vẫn không quên tìm cách xác tín giá trị cũng như phải làm rõ lai lịch của nó. Thế là ông copy lại tờ tiền này và gửi cho một người bạn ở Trung Quốc, và tìm kiếm thêm một số thông tin từ giới sưu tầm thì ông mới biết đây là quân dụng phiếu của tổ chức Việt Nam Quang Phục hội do cụ Phan Bội Châu và Cường Để lãnh đạo, trong cuộc vận động người dân Việt Nam đóng góp tiền mua vũ khí kháng chiến chống thực dân Pháp.

Loại quân dụng phiếu này được phát hành vào đầu năm 1912. Mặt trước của tờ quân dụng phiếu, phía trên có in quân kỳ của Việt Nam Quang Phục hội, chính giữa có in hình chiếc xe lửa và dòng chữ in bằng 2 thứ tiếng Hoa - Pháp.

Mặt sau ghi bằng tiếng Hoa, nội dung: “Loại giấy bạc này được Cục Kho bạc phát hành để đáp ứng nhu cầu chi trả các chi phí quân sự của quân đội và được lưu hành tương đương với đồng bạc đôla mà không có sự chênh lệch về tỉ giá.

Loại tiền giấy này có các mệnh giá 1, 5, 10 và có thể quy đổi tại ngân hàng và các công ty được chỉ định bởi Cục Kho bạc. Chúng được sử dụng như một loại tiền tệ chính thức ở những nơi mà quân đội đóng quân và cũng có thể dùng để đóng thuế. Bất kỳ người nào giả mạo, sử dụng gian lận hoặc từ chối chấp nhận loại tiền này sẽ bị phạt theo mức tối đa của pháp luật quy định. Sắc lệnh lưu hành loại tiền này được ban hành bởi Tư lệnh Lực lượng Hải quân và Cục trưởng Cục Kho bạc”.

Đây cũng là khoảng thời gian Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc bùng nổ, lập ra Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và đã trở thành một hình mẫu nhà nước mới cho các nhà cách mạng Việt Nam hướng tới. Cụ Phan Bội Châu và Cường Để cùng với hơn trăm người đại diện cho nhiều lực lượng yêu nước đã họp tại Quảng Châu (Trung Hoa) lập ra Việt Nam Quang Phục hội với tôn chỉ “Khôi phục Việt Nam. Kiến lập Việt Nam Dân Quốc Cộng hòa”.

Mô phỏng theo Cách mạng Tân Hợi, Việt Nam Quang Phục hội đã tiến xa trên con đường dân chủ tư sản. Cụ Phan vẫn chủ trương dựa vào sự giúp đỡ của nước ngoài để tiếp tục con đường bạo động đánh Pháp. Theo chủ trương đó, ngay khi ra đời, Việt Nam Quang Phục hội đã tích cực vận động sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc do Tôn Trung Sơn lãnh đạo để tranh thủ xây dựng lực lượng chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp.

Ông Daniel dựa vào các cứ liệu lịch sử trên để kết luận rằng, giấy bạc quân dụng Phan Bội Châu được in tại Trung Hoa dưới sự giúp đỡ của chính phủ Tôn Trung Sơn. Không giấu được vẻ tự hào, ông Daniel tiết lộ, hiện nay chỉ có duy nhất một tờ giấy bạc quân dụng mệnh giá 1 đồng này còn sót lại.

Một số nhà sưu tập tiền Việt ở hải ngoại sẵn sàng trả 10.000 đôla để được sở hữu tờ quân dụng phiếu này nhưng ông nhất quyết không bán. Với ông, việc sở hữu tờ “tiền” này quan trọng nhất là nó chứa đựng một thời đoạn lịch sử quan trọng trong công cuộc giành tự do độc lập trường kỳ của dân tộc Việt Nam.

Ước nguyện của “Sứ giả tiền tệ”

Trong quá trình nghiên cứu và sưu tầm, ông Daniel đã phải đối mặt và tìm cách vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách bằng đam mê và nỗ lực cá nhân của mình. Ở Mỹ, các danh mục tiền đồng và tiền tệ Việt Nam do Howard Daniel biên soạn là cứ liệu tham khảo đầy giá trị đối với các học giả người Việt nghiên cứu về tiền và lịch sử. Mỗi danh mục bao gồm nhiều danh sách phân loại tiền xu, tiền giấy, tiền kim loại dạng thỏi và dạng vòng, chi phiếu quyết toán và các loại tiền đặc biệt thuộc các bộ sưu tập cá nhân.

Nhà sưu tập Huỳnh Văn Thành nhìn nhận: “Ông Daniel rõ ràng là có duyên nợ và gắn bó với Việt Nam. Ông tìm kiếm và cóp nhặt từ các nguồn khác nhau rồi viết sách hoặc biên tập sách. Có lần, hai vợ chồng ông đến nhà tôi xin tài liệu và họ ở lại đây từ sáng cho tới chiều. Ông thì xách máy scan, còn vợ thì hì hục ngồi kẻ lại kích thước từng tờ tiền, ghi chép lại những số liệu. Có một người nước ngoài chuyên tâm sưu tập, lưu hiện vật và viết catalogue bằng tiếng Anh giới thiệu tiền Việt Nam cho thế giới biết như ông Daniel là một điều rất quý”.

Từng thuyết giảng tại các hội sưu tập tiền ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước châu Á, ông Howard Daniel được người trong giới chơi tiền đặt cho biệt danh “Sứ giả tiền tệ”. Ở Indonesia, Singapore, Malaysia, Brunei hay Myanmar, các hội chơi tiền đều đã thực hiện công tác biên soạn danh mục với sự giúp đỡ của ông Daniel.

Ông Daniel mong mỏi Việt Nam, Lào và Campuchia có thể sớm thành lập các hội chơi tiền chuyên nghiệp để khuyến khích người dân nghiên cứu về tiền tệ và có thể biên soạn các danh mục cho riêng quốc gia của mình.

Sau lần đầu tiên trở lại Việt Nam vào năm 1989, vào khoảng thời gian từ tháng 10 cho đến tháng 3 hằng năm, ông Daniel và người vợ Việt Nam, là nhân viên ngân hàng mà ông đã gặp trong thời gian chiến tranh, lại về sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ông hay nói vui với mọi người rằng, đây là thời gian vợ chồng ông về Việt Nam “tránh rét”. Gắn bó với con người và cảnh vật nơi đây, ông thích đi dạo trên những con đường nhỏ rợp xanh tán cây dưới ánh nắng của buổi bình minh và luôn miệng “Hello - Xin chào!” với lũ trẻ ông gặp trên đường, hoặc về quê vợ ở Bến Tre, thực hiện những chuyến đi từ thiện vì trẻ em và người dân nơi vùng sâu nghèo khó.

Ông Howard Daniel bộc bạch rằng, sau này ông sẽ trao tặng cho Bảo tàng Việt Nam một nửa bộ sưu tập của mình và nửa còn lại sẽ bán cho người chuyên sưu tập lấy tiền dành cho những công việc thiện nguyện, vì với ông chỉ có những người sưu tập mới có thể hiểu và biết trân trọng những “đứa con tinh thần” của ông.

Hơn 50 năm nghiên cứu lịch sử tiền tệ Việt Nam, Howard Daniel vẫn chỉ tự nhận mình là một người đang trong quá trình học hỏi chứ không phải là một chuyên gia, vì: “Một chuyên gia thì không còn gì cần phải học nữa. Trong khi tôi luôn tìm thấy điều gì đó mới mẻ để học hỏi mỗi ngày trong thư viện, các kho lưu trữ và qua những bộ sưu tập”.

Quang Dũng - Hiếu Thảo
.
.