Sự kiện “Mãi mãi tuổi 20” ra đời như thế nào?

Thứ Năm, 18/08/2016, 20:35
Cùng với “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) bình chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong năm 2005. Hơn thế nữa, tác phẩm còn trở thành tên phong trào “Tiếp lửa truyền thống” của thế hệ trẻ cả nước; là tên một tủ sách với hàng trăm cuốn tư liệu vô giá và là tên một Quỹ phi chính phủ của các cựu chiến binh (CCB)...

Vậy sự kiện “Mãi mãi tuổi 20” đã ra đời như thế nào? Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo ANTG, tác giả của sự kiện nêu trên, kể lại với tư cách là người trong cuộc...

Một ngày giữa năm 2004, người trực điện thoại của cơ quan chuyển cho tôi cuộc gọi từ một công ty du lịch: Nhà văn Andrew Carroll, tác giả của cuốn sách War Letters, From American Wars (Những bức thư từ những cuộc chiến tranh của Mỹ), một trong những ấn phẩm bán chạy nhất của The New York Times vừa đến Việt Nam, trong chặng đường “vòng quanh thế giới”. Anh ta muốn gặp đích danh tôi để nhờ giúp đỡ một việc... “không liên quan đến chính trị và kinh doanh”.

Đó là một người Mỹ còn trẻ, cao gầy, tóc cắt ngắn và đeo kính cận. Anh ta tự giới thiệu: “Trước khi sang Việt Nam, giáo sư Benjamin F. Schemmer, (nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nổi tiếng của Mỹ, tác giả của cuốn sách The Raid viết về vụ tập kích Sơn Tây năm 1970) đã khuyên tôi cần phải tìm gặp bằng được Mr. Hung, nhất định sẽ nhận được sự giúp đỡ”.

Tôi đã tiếp thân mật Carroll gần hết buổi sáng. Anh ta thẳng thắn đề nghị: “Nghe nói Báo ANTG rất có uy tín ở VN. Tôi muốn ông giúp đỡ bằng cách thông báo trên tờ ANTG việc tôi đang sưu tầm thêm những bức thư chiến tranh”... Tôi nói với Carroll rằng: Với tư cách là một nhà văn, CCB, tôi đánh giá cao công việc và ủng hộ anh. Tuy nhiên, người VN chúng tôi sẽ có cách làm riêng!

Trên ANTG số giữa tháng 12/2004, nhân danh một nhóm các nhà văn và CCB, tôi đã cho công bố Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”.  Ý tưởng này đã chạm một nhu cầu sẵn có trong đời sống, nên chỉ sau một tháng, tôi đã nhận được cả vạn bức thư, hàng trăm cuốn sổ tay nhật ký từ khắp mọi miền đất nước gửi về…

Như một sự “hữu duyên”, đầu năm 2005 tôi đã phát hiện ra bản thảo nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đó là bản phô tô cuốn sổ dày 240 trang viết tay, mang tên “Chuyện đời”. Với kinh nghiệm của một người đã nhiều năm làm báo và làm thơ, tôi đã nhận ra đó là những trang tuyệt bút của một anh lính binh nhì, trước khi ra trận và hy sinh.

Bản thảo này hội tụ quá nhiều thông tin và chi tiết mang tính điển hình mà báo chí và các phương tiện tuyên truyền hồi đó đang cần. Đó là chưa kể đến số phận bi tráng của tác giả, với những trang viết đầy chất nhân văn, lý tưởng cao đẹp, tình đời và tình người... đại diện cho cả một thế hệ lính sinh viên trong kháng chiến chống Mỹ.

Nhưng để biến cuốn sổ tay thành một tác phẩm, cần phải biên soạn rất kỳ công; đồng thời, chọn một cái tên sách khác, cho phù hợp hơn và quan trọng hơn là cần phải viết một bài giới thiệu hay và hấp dẫn, để bạn đọc hiểu được Nguyễn Văn Thạc là ai, nội dung và ý nghĩa của tác phẩm này hay như thế nào.

Trước hết là về cái tên sách “Mãi mãi tuổi 20”: Trong khi bản thảo nói trên đang được xử lý, một buổi sáng, tình cờ chị Như Anh (người bạn gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc năm xưa) đến thăm tôi. Lúc đó, tại phòng làm việc, tôi đang tiếp chuyện hai bạn sinh viên thực tập. Sau khi nghe tôi giới thiệu họ làm quen với nhau, bỗng hai bạn trẻ bất ngờ “phỏng vấn”:

- Bác Như Anh ơi! Hồi bác yêu anh Thạc có giống như chúng cháu yêu bây giờ không?

Tại sao lại là “bác” Như Anh và “anh” Thạc nhỉ? Trong đời thực, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc nhiều hơn chị Như Anh một tuổi cơ mà. Thì ra, hầu hết các liệt sĩ của chúng ta đều hy sinh ở lứa tuổi 20. Và mãi mãi các anh chị vẫn ở tuổi này. Không ai gọi các liệt sĩ là “ông”, hay “bà”, hoặc “cụ”, cho dù ngày nay đã bao nhiêu tuổi! Cũng như tôi dám chắc rằng: dù bao nhiêu thế kỷ nữa trôi qua, thì 10 cô gái TNXP đã hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc vẫn chỉ là... 10 cô gái!

Buổi tối hôm ấy, đi uống cà phê với mấy người bạn trở về, tôi đã thức trắng đêm. Và cái tên sách “Mãi mãi tuổi 20” đã chợt đến, ra đời như thế. Đó là một cái tên sách khá “đắc địa”, sau này đã trở thành phong trào “Tiếp lửa truyền thống” của tuổi trẻ cả nước.

Tìm được cái tên sách ưng ý, khiến tôi tự hài lòng và cảm giác thật sung sướng. Tôi đọc kỹ lại bản thảo một lần nữa, rồi bắt đầu thức đêm để viết lời giới thiệu “Mãi mãi tuổi 20 hay là cuộc đời bi tráng của chàng trai giỏi văn nhất miền Bắc một thời”. Bài viết này, tôi dành nhiều tâm huyết, nên viết khá nhanh. Chưa an tâm, để tác phẩm có “sức nặng” hơn, tôi còn thuyết phục được nhà thơ Phạm Tiến Duật (1941-2007) viết “lời bạt” cho cuốn sách.

Nhà văn Đặng Vương Hưng trong một chuyến công tác hoạt động xã hội từ thiện tại Quảng Nam.

Tôi chuyển bản thảo “Mãi mãi tuổi 20” cho NXB Thanh niên, thông qua BTV Nguyễn Thanh Bình. Nhưng đó đã là thời điểm việc phát hành sách rất khó khăn. Liếc qua nội dung bản thảo, Giám đốc Mai Thời Chính rất thờ ơ. Anh đang bận dự một lớp học chính trị, nên ít đến cơ quan. Vả lại, cơ chế thị trường khiến anh phải thận trọng mỗi khi quyết định một bản thảo đưa in. Vì vậy, tôi đã phải vận động, thuyết phục, nhiều lần điện thoại làm “căng” để thúc ép Giám đốc Mai Thời Chính in cuốn sách trên, bởi “nó rất phù hợp với Thanh niên!”.

Chưa hết, tôi đã nhờ cả nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (đồng ngũ của Nguyễn Văn Thạc, anh rể của Mai Thời Chính) dùng tình cảm vận động. Thậm chí, tôi đã nói với Giám đốc Mai Thời Chính không phải một lần: “Anh cũng là một CCB, nếu không cho in cuốn sách này là có tội với đồng đội và sau này sẽ ân hận đó!”. Nhưng tôi cũng hứa với anh rằng: Bài giới thiệu sách tôi viết sẽ được đăng trên ANTG, và cam kết là nhất định cuốn sách sẽ bán được!

Tôi nhớ, hồi đó tôi và BTV Nguyễn Thanh Bình đã làm việc rất ăn ý và hiệu quả. Chúng tôi đã khiến cho NXB không có lý do gì để từ chối và phân vân trong việc ấn hành 1.000 bản sách đầu tiên. Giám đốc Mai Thời Chính còn đồng ý với đề nghị: Trước khi phát hành, NXB Thanh niên nhất định sẽ tổ chức họp báo giới thiệu cuốn sách này!

Trước khi những bản in lần đầu tiên của “Mãi mãi tuổi 20” phát hành, tôi đã rút gọn lời giới thiệu, và cho công bố trên ANTG số 447, ngày 30/4/2005 phóng sự “Chuyện đời bi tráng của chàng trai giỏi văn nhất miền Bắc một thời”. Bài viết gây xôn xao dư luận, với quá nhiều hồi âm, báo hiệu sự thành công của tác phẩm sắp ra mắt bạn đọc.

Ngày 2/5/2005, một buổi họp báo trang trọng và cảm động đã diễn ra tại phòng họp của Trụ sở Trung ương Đoàn (60 Bà Triệu, Hà Nội). Đã lâu lắm, NXB Thanh niên mới có một buổi họp báo giới thiệu sách mà các phóng viên đã tham dự từ đầu tới cuối chương trình. Tất cả các ý phát biểu đều cảm động và rưng rưng nước mắt.

Ngay hôm sau, 3/5/2005, trong chương trình thời sự “Chào buổi sáng”, VTV1 đã dành trọn thời lượng của chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách” và “Khách mời” để giới thiệu “Mãi mãi tuổi 20”. Đó cũng là sáng thứ 3, tôi được Tổng Biên tập Hữu Ước giao nhiệm vụ đi dự giao ban báo chí hằng tuần tại Ban Tuyên giáo TW. Nhà báo Hữu Thọ (1932–2015, hồi đó là Ủy viên TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW) đã bất ngờ khen ngợi “Mãi mãi tuổi 20” mà ông tình cờ xem được buổi sáng.

Ông nói đại ý: “Cuốn sách rất hay, rất cảm động và rất có ý nghĩa với thế hệ trẻ. Đề nghị Đoàn thanh niên vào cuộc ngay, các báo nên ủng hộ hoạt động này”. Có lẽ nhờ vậy, mà ngay trong tháng 5/2005, hầu hết các báo đều lần lượt có bài giới thiệu “Mãi mãi tuổi 20” và cuộc đời của tác giả Nguyễn Văn Thạc. NXB Thanh niên cũng đã cho thay bìa mới và tái bản cuốn sách...

Tuy nhiên, để bạn đọc thực sự tìm mua và “Mãi mãi tuổi 20” trở thành sự kiện, thì phải đợi thêm 2 “cú hích” quan trọng nữa.

 Thứ nhất, là việc Báo Tuổi trẻ cho đăng nhiều kỳ “Mãi mãi tuổi 20”. Thông qua nhà báo Thúy Nga, tôi đã chuyển bản thảo và thuyết phục chị cho đăng “Mãi mãi tuổi 20” trên chuyên mục “Hồ sơ tư liệu”. Lúc đầu, báo này chỉ dự định đăng khoảng 3 kỳ, vì chưa có tiền lệ giới thiệu sách như thế, và cũng là để thăm dò dư luận.

Nhưng sau 2 kỳ báo đăng, thấy hồi âm bạn đọc quá nhiều, Ban Biên tập đã quyết định kéo dài thêm chục kỳ nữa, thậm chí còn mở cả diễn đàn “Tuổi 20 của chúng ta”. Cuối năm ấy, Báo Tuổi trẻ và cá nhân tôi cùng được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong việc sưu tầm và giới thiệu cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc”.

Thứ hai, là đêm truyền hình trực tiếp mang tên “Mãi mãi tuổi 20” do VTV1 phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động VN tổ chức vào tối 23/7/2005 tại TP HCM. Kịch bản do ông Trần Trung Tín, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động VN và tôi hoàn thiện. Tư liệu và nhân chứng quá xúc động. Hình ảnh “Tân thủ khoa Sao Mai điểm hẹn” Ca Sim Hoàng Vũ cùng các bạn trẻ vừa hát, vừa áp cuốn sách vào trái tim mình trong ánh nến lung linh, đã thực sự gây ấn tượng mạnh với hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ cả nước.

Chương trình đã có tác dụng “cộng hưởng” tạo nên “cơn sốt” thật sự về  “Mãi mãi tuổi 20”. Người ta xếp hàng trước NXB Thanh niên, lùng tìm mua cuốn sách ở tất cả những nơi có bán nó và truyền tay nhau đọc. NXB Thanh niên đã đặt hàng in, cho chạy máy hết công suất, mà vẫn không kịp nhu cầu phát hành...

Ngày 16/8/2005, Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” ra đời. Đó cũng là thời gian TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Hội CCB Việt Nam tổ chức phong trào “Tiếp lửa truyền thống Mãi mãi tuổi 20” rầm rộ cả nước...

Mới đó mà cả chục năm đã trôi qua. Thế hệ làm ANTG đầu tiên đã lần lượt nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác mới. Nhưng kỷ niệm về sự kiện “Mãi mãi tuổi 20” vẫn là một trong những dấu mốc ấn tượng nhất trong cuộc đời làm báo của tôi.

Hà Nội, tháng 7 năm 2016

Nhà văn Đặng Vương Hưng
.
.