Những điều ít biết trong kỹ thuật hình sự phá án:

Sự man rợ vạch mặt kẻ giết người đồng tính

Thứ Tư, 19/10/2011, 09:10

Vụ án giết người, cướp tài sản tại ngõ 1 đường Âu Cơ, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội, được phát hiện trưa ngày 13/4/2011. Nạn nhân là ông Nguyễn B. (58 tuổi) là một người đồng tính nam, sống độc thân trong căn nhà mái bằng đang chờ giải phóng mặt bằng. Ông B. bị sát hại trong nhà, được người thân phát hiện khi tử thi đang trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi nồng nặc.

Trong hồ sơ các vụ trọng án được coi là "kinh điển" về công tác khám nghiệm hiện trường được lưu giữ tại Đội Khám nghiệm hiện trường, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội mà tôi có dịp tiếp cận, đa phần là các vụ án giết người, cướp tài sản của người độc thân mà trong công tác quản lý của lực lượng công an vẫn gọi là trọng hộ. Đối với công việc của Cảnh sát khu vực thì quản lý trọng hộ là một nhiệm vụ quan trọng, bởi tội phạm thường nhằm vào những hộ dân đặc biệt như vậy để gây án.

Lý giải về nguyên nhân vì sao tội phạm thường nhằm vào những người độc thân, từ các vụ án đã được khám phá cho thấy phần lớn  người độc thân là những người có tuổi và có tài sản. Do đó, đối với các vụ giết  người nhằm vào người độc thân, tính chất vụ án thường là giết người cướp tài sản. Người độc thân bao giờ cũng cảnh giác với người lạ. Không phải người nào lần đầu gặp gỡ cũng được người độc thân cho vào nhà. Thông thường, thủ phạm gây án ít nhất đã có một thời gian ngắn làm quen với nạn nhân, tạo được lòng tin và được cho vào nhà.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ giết người nhằm vào người đồng tính, chủ yếu là đồng tính nam. Đặc điểm của những vụ án này thường thủ phạm ra tay rất tàn bạo, có những vụ hạ sát dã man, khi khám nghiệm, pháp y nạn nhân phát hiện tới 25-30 nhát dao trên người.

Trong những vụ án giết người mà nghi vấn từ những mối quan hệ đồng tính, việc khẳng định nạn nhân có phải là người đồng tính hay không sẽ giúp cho việc định hướng điều tra. Ngoài những lời đồn đại của dư luận thì cán bộ khám nghiệm phải tìm ra những "đặc trưng" của người đồng tính từ các vật dụng của họ tại hiện trường.

Qua nhiều vụ án giết hại người đồng tính nam cho thấy ở phòng ngủ của họ có treo rất nhiều tranh ảnh cắt ra từ các tạp chí, họa báo trong và ngoài nước, những bức ảnh khiêu dâm, ảnh diễn viên, vận động viên, người mẫu nam có body đẹp.

Người đồng tính nam chia làm hai loại: Một loại có cơ thể là nam giới nhưng luôn nghĩ mình là phụ nữ, rất thích trang điểm son phấn, thậm chí mặc quần áo, cả đồ lót của phụ nữ. Một loại khác nhìn bề ngoài rất đàn ông nhưng chỉ thích quan hệ tình dục với nam giới. Những người này đôi khi đã có gia đình, vợ con nhưng sau một thời gian lại quan hệ cả với người đồng giới (hifi). Thực chất, người đồng tính đã được khoa học thế giới chứng minh do lỗi cấu trúc gen về sinh lý đã khiến họ bị lệch lạc về tình dục.

Một trong những vụ án giết người đồng tính lần đầu tiên phát hiện tại Hà Nội, xảy ra cách đây khoảng chục năm tại phường Chương Dương. Đưa bạn tình về nhà ân ái, ông S. đã bị đối tượng hạ sát để cướp xe máy. Khi khám nghiệm hiện trường, cán bộ kỹ thuật hình sự đã phát hiện khá nhiều đồ lót, vật dụng của phụ nữ trong căn nhà của người đàn ông này.

Đây là những căn cứ quan trọng để "kết luận" giới tính thứ 3 của nạn nhân, từ đó kết hợp những tài liệu khác, Ban chuyên án nhận định thủ phạm gây án là người có quan hệ "tình cảm", được nạn nhân tin tưởng đưa về nhà để loại trừ những nghi vấn khác, tập trung lực lượng điều tra.

Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội đánh giá, khó khăn trong điều tra những vụ án liên quan đến người đồng tính ở chỗ bản thân người đồng tính tìm mọi cách che giấu bản chất của mình trong quan hệ cũng như giao tiếp. Ngay những người thân của họ khi tiếp xúc với Cơ quan điều tra đều né tránh không muốn cung cấp thông tin, không muốn nói nạn nhân là người đồng tính do quan niệm nặng nề của xã hội với người đồng tính.

Đây là một thách thức với Cơ quan điều tra trong xác minh, tìm ra các mối quan hệ của nạn nhân. Muốn có bước đột phá trong những vụ án này, khám nghiệm hiện trường phải có sự phát hiện sớm để giúp cho việc định hướng điều tra qua những dấu hiệu ở hiện trường như tranh ảnh, thư từ, những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của nạn nhân...

Vụ án giết người, cướp tài sản tại ngõ 1 đường Âu Cơ, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội, được phát hiện trưa ngày 13/4/2011. Nạn nhân là ông Nguyễn B. (58 tuổi) là một người đồng tính nam, sống độc thân trong căn nhà mái bằng đang chờ giải phóng mặt bằng. Ông B. bị sát hại trong nhà, được người thân phát hiện khi tử thi đang trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi nồng nặc.

Khám nghiệm hiện trường vụ án sát hại người đồng tính.

Pháp y tử thi xác định trên người nạn nhân có 8 vết thương ở vùng đầu và cổ. Với những dấu vết vận động ở hiện trường của nạn nhân và thủ phạm cho thấy ông B. đã bị hạ sát khi đang cúi lom khom trong khu vực phòng ngủ, chân còn đi dép. Sau khi bị chém bất ngờ vào vùng đầu từ phía sau, nạn nhân gục ngã trên nền nhà. Để thực hiện hành vi quyết liệt hạ sát nạn nhân, thủ phạm tiếp tục dùng dao cắt cổ. Hạ sát xong, thủ phạm đã mang dao vào khu vực bếp, vào nhà vệ sinh lau rửa tay dính máu và lục soát tài sản trước khi tẩu thoát.

Bản thân ông B. có nhiều quan hệ xã hội phức tạp với nhiều người đàn ông khác nhau và thường đưa họ về nhà ngủ qua đêm nhưng không cố định là người nào nên những người thân của ông B. cũng không hề biết gì về những người bạn tình này của ông. Có thể vì giới tính như vậy nên ông B. cũng không mấy khi giao du với hàng xóm láng giềng, cũng không thân thiết với anh em ruột thịt. Chính vì cách sống khép mình như vậy, khi xảy ra vụ án, Cơ quan điều tra đã vấp phải rất nhiều khó khăn vì những người thân và hàng xóm hầu như không cung cấp được thông tin nào có giá trị về các mối quan hệ của ông B.

Đành phải "mò kim đáy bể", Cơ quan điều tra chuyển hướng xác minh khu vực tụ tập người đồng tính tại hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang… nơi những người như ông B. hay lui tới. Tìm hiểu thông tin từ những người thuộc giới tính thứ 3 này, Cơ quan điều tra xác định người được ông B. "yêu" lâu nhất là Trần Văn T., 28 tuổi, quê Hà Nam. T. quen biết ông B. từ năm 2006 và được ông B. rủ về nhà nhiều nhất.

T. cho biết trước khi phát hiện vụ án một tuần, một đêm T. có đến nhà ông B. thì gặp một thanh niên đồng tính khác tên Huy đang có mặt tại đó. Tuy nhiên khi xác minh, Cơ quan điều tra xác định Huy chỉ là tên giả của người thanh niên này khi tham gia "sinh hoạt" tại khu vực dành cho người đồng tính nam nhằm che giấu thân phận. Tên thật của Huy là Hoàng Hải T., 18 tuổi, ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. T. trình bày đêm đó, sau khi vui vẻ với ông B., T. đã lấy trộm của ông một đồng hồ nhãn hiệu Loncin mang bán.

Nghi vấn những người bạn tình đồng tính trên của ông B. được loại bỏ khi lực lượng khám nghiệm hiện trường đã thu thập được dấu vết rất quan trọng. Đó là một đôi giày thể thao lạ và dấu vân tay khá nét trên chiếc hộp sắt để gần tủ thờ. Quá trình lục soát tài sản, đối tượng đã mở chiếc hộp này ra và vứt lại hiện trường.

Kết quả giám định dấu vết vân tay này đã xác định đó là Đàm Văn Tuyên (23 tuổi) ở Lục Nam, Bắc Giang. Chưa đầy 3 ngày sau khi xảy ra vụ án, đối tượng Tuyên đã bị bắt khi đang lẩn trốn tại một ngôi chùa ở Đông Anh, Hà Nội.

Là một thanh niên bỏ quê sống lang thang ở Hà Nội, Tuyên đã tìm đến khu vực dành cho người đồng tính ở Bờ Hồ nhằm dựa vào những người có giới tính đặc biệt này để kiếm ăn. Lần đầu tiên được ông Nguyễn B. đưa về nhà, phát hiện ông B. sống độc thân, hơn nữa nạn nhân trót khoe khoang về món tiền 3 tỉ đồng được bồi thường giải phóng mặt bằng nên Tuyên đã lợi dụng sơ hở của nạn nhân, ra tay nhằm cướp tài sản.

Vụ giết một giám đốc công ty vệ sĩ tại khu vực cánh đồng Bông (huyện Từ Liêm), Cơ quan điều tra cũng gặp khó khăn bởi người nhà nạn nhân đều phủ nhận về chuyện nạn nhân có quan hệ đồng giới. Thậm chí họ đưa việc nạn nhân đã có gia đình, vợ con để chứng minh. Nhưng Cơ quan điều tra có nhiều căn cứ để xác định nạn nhân là người đồng tính.

Thứ nhất, khu vực xảy ra vụ án là "bãi đáp" của những người đồng tính nam. Chiếc cặp của nạn nhân tại hiện trường cũng hé lộ nhiều vấn đề về giới tính thứ 3 của vị giám đốc.

Trong chiếc cặp này, Cơ quan Công an đã thu được một số hộp kem bôi trơn dành cho người đồng tính nam khi quan hệ tình dục, kèm theo là một bản cam kết về mối quan hệ đồng giới tay ba giữa vị giám đốc này và một nhân viên trong công ty của ông ta. Nội dung của bản cam kết gồm 9 điều khoản, trong đó thể hiện rất rõ việc nạn nhân yêu cầu cậu nhân viên phải giữ liên hệ qua điện thoại và không được phép "yêu" người khác.

Từ việc khẳng định thủ phạm gây án phải là người có quan hệ đồng tính với nạn nhân, Cơ quan điều tra đã tập trung truy xét theo hướng này. Những người có tên trong bản cam kết đã được mời lên Cơ quan Công an làm việc. Tuy nhiên, những người này đã được loại khỏi diện nghi vấn. Do khu vực xảy ra vụ án đối diện với bến xe Mỹ Đình, nơi nhiều đối tượng tỉnh ngoài lang thang tụ tập, lực lượng điều tra đã lên danh sách số đối tượng này để tập trung xác minh, làm rõ.

Sau 1 tháng điều tra, Cơ quan Công an đã bắt giữ kẻ thủ ác là Đào Văn Hiếu, 20 tuổi, trú tại thôn 3 xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Hiếu khai nhận tối 28/10/2009, trong lúc lang thang tại bến xe Mỹ Đình tìm việc làm, Hiếu được ông giám đốc công ty vệ sĩ rủ "đi chơi" và đưa vào khu vực mà những người đồng tính hay tâm sự. Hiếu chấp nhận để người đàn ông này thỏa mãn nhu cầu tình dục để lấy tiền. Quá trình quan hệ, nổi lòng tham, y đã lợi dụng phút si tình của người đàn ông đồng tính, xuống tay sát hại để cướp tài sản…

Một vài lần, trao đổi công việc với Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự (hiện nay là Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội), tôi đã đặt câu hỏi với anh: Liệu có yếu tố tâm linh trong quá trình điều tra các vụ trọng án không? Thượng tá Dũng trả lời ngay rằng, ở bất cứ nghề nghiệp, công việc nào thì con người đều có giác quan thứ sáu. Đó là thứ linh cảm nghề nghiệp mà thường do kinh nghiệm mang lại. Đối với nghề điều tra, linh cảm nghề nghiệp sẽ củng cố thêm niềm tin cho cán bộ điều tra trong quá trình khám phá án. Nhưng không phải lúc nào linh cảm nghề nghiệp cũng đúng.

"Vậy có khi nào các anh phải nhờ đến các thầy cao tay, đi gọi hồn nạn nhân để hỗ trợ cho việc điều tra không?" - tôi hỏi. Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng "bật" ngay: "Nếu gọi hồn là đúng thì sao không gọi để chỉ đối tượng gây án, hoặc ít nhất là chỉ được nơi đối tượng tiêu thụ tang vật, tả lại hình dáng thủ phạm, bởi các vụ trọng án, nạn nhân đều là chết oan cả đấy chứ? Làm được như thế thì không phải thành lập Đội Điều tra trọng án với Đội Khám nghiệm hiện trường để làm gì mà nên thành lập "Phòng gọi hồn" thì hơn... 

Nói như vậy để thấy rằng riêng lĩnh vực trọng án thì không có yếu tố tâm linh nào cả. Để tìm ra thủ phạm là cả quá trình điều tra, rà soát và những định hướng đúng đắn của Cơ quan điều tra và những chứng cứ khoa học. Hà Nội hiện vẫn còn nợ khoảng hơn 10 vụ trọng án giết người. Đó đều là những trường hợp chết oan khuất đấy. Nếu là những bà "đồng" cao tay, sao không gọi được "hồn" để nhờ chỉ ra thủ phạm mà có chăng chỉ kể những chuyện khác? Chỉ cần chỉ ra một yếu tố nhỏ như tang vật vụ án ở chỗ nào, tự Cơ quan Công an sẽ làm nốt. Nếu gọi hồn được, anh em không phải lao tâm khổ tứ để làm gì".

(Còn tiếp)

Vũ Hương
.
.