Sự thật Phật hiện trên ngọn cây ở Hóc Môn

Thứ Tư, 11/06/2014, 20:05

Hơn 10 ngày nay, khu vực chùa Thiên Quang (Ngã Ba Bầu, ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP HCM) trở nên sôi động bởi tin đồn "Phật hiển linh về ngự trên cây sanh. Nhiều người bệnh nan y chứng kiến Phật hiển linh đã hết bệnh diệu kỳ. Có chị bán vé số bị khuyết tật chân, ngồi xe lăn đến trước cây sanh khấn xin. Khấn vừa xong, chị bỏ xe lăn đứng lên chạy đến gốc cây sanh lạy sùm sụp. Ai chứng kiến sự linh ứng cũng bật khóc". Tin đồn đã khiến hàng trăm người hiếu kỳ ở các khu vực lận cận lôi kéo nhau đến chùa Thiên Quang.

Tin đồn

Trưa ngày 21/5/2014, chúng tôi đến chùa Thiên Quang đã thấy vài chục người đứng lấp ló trong hiên chùa hoặc nép người trốn cái nắng gay gắt dưới hàng kiểng trồng dọc lối vào chánh điện. Mọi người đều lộ vẻ thành kính bất thường, mắt nhìn chăm chắm về phía ngọn cây sanh mọc vươn lên từ phía sau hậu liêu chùa. Có người chắp tay trước ngực lầm rầm đọc kinh. Có người đưa điện thoại lên chụp ảnh ngọn cây rồi xầm xì bàn tán. Một vài người vừa chụm đầu vào nhau vừa láo liên ánh mắt tranh cãi về những con số đề đóm.

Cây sanh cao khoảng 10 mét nên phần tán lá vượt khỏi mái tôn nhà hậu liêu khoảng 5 mét in rõ mồn một trên nền trời xanh. Tán lá hình chóp nón, đỉnh ngọn hơi tròn.

Một người phụ nữ mặc đồ bộ, che kín toàn thân, trừ đôi mắt nhìn chăm chú về phía ngọn cây sanh, miệng nói liên tục: "Mô Phật! Đức Phật hiện mồn một trên ngọn cây. Đó! Đó! Ổng ngồi xếp bằng, mắt nhắm nghiền. Trời ơi! Mắt, mũi, miệng, vai, đài sen đều rõ mồn một. Trời ơi trời! Xung quanh người ổng còn có vầng hào quang nữa. Mô Phật! Mô Phật!".

Một vài cô gái trẻ ngắm nhìn ngọn cây sanh rồi nêu thắc mắc: "Sao con hổng thấy Phật, chỉ thấy ngọn cây không hà". Người phụ nữ lập tức lườm nguýt, cất giọng đay nghiến: "Tụi bây chỉ lo ăn diện nhảy nhót, không lo đi chùa đọc kinh thường xuyên nên Phật không cho thấy. Phật chỉ hiển linh với người thành tâm thôi. Tụi bây thành quỷ hết rồi nên không thấy Phật. Mô Phật! Đức Phật rõ mồn một như vậy mà tụi quỷ này chỉ thấy ngọn cây".

Bà ta quay sang những người khác kêu gọi sự đồng tình: "Bà con nghe tui nói đúng hôn? Bà con nhìn thử coi, đó là ngọn cây hay đức Phật ngồi?". Những người đang ngồi bàn số đề, nghe hỏi, lao nhao hưởng ứng: "Không tin thì đi chỗ khác, nói bậy, Phật giận dỗi bỏ đi, tụi tui uýnh số trật sao?".

Nhóm những cô gái trẻ bị la rầy, lẳng lặng bỏ đi.

Những người ở lại tiếp tục ca ngợi "ngọn cây" một cách mụ mị. Chúng tôi cũng cố gắng định thần để tìm nét tương đồng giữa hình ảnh ngọn cây sanh và hình ảnh đức Phật tọa thiền nhưng thất bại hoàn toàn. Ngọn cây vẫn là ngọn cây.

Người phụ nữ mặc đồ bộ, bịt kín mặt tự nhận là cư dân địa phương nhưng cương quyết không dám giới thiệu tên, cho biết: "Nếu chưa tích đủ âm đức thì ban ngày nhìn ngọn cây không ra hình đức Phật đâu. Người thiếu âm đức chỉ nhận ra đức Phật vào ban đêm thôi".

Chị mở điện thoại khoe một bức ảnh chị mới chụp đêm hôm qua. Quả thật, qua bức ảnh chụp đêm bằng điện thoại trong điều kiện thiếu sáng, ai cũng dễ dàng trông thấy bóng đen ngọn cây rất giống dáng tượng đức Phật đang ngồi tham thiền. Trên nền trời tối, xung quanh "bóng đức Phật" có quầng sáng. Vùng tiền cảnh, những lá cây và ánh sáng đèn tạo thành những tia hào quang thẳng hàng.

Thoáng nhìn qua, chúng tôi cũng tin là bức ảnh do chính chị chụp. Tuy nhiên, khi xem kỹ thì chúng tôi phát hiện bức ảnh có đường viền, chứng tỏ chị chụp lại một bức ảnh đã tráng trên giấy. Hoặc, chị copy bức ảnh chụp sẵn của một ai đó.

Quan sát kỹ bức ảnh gốc chúng tôi nhận thấy, tác giả đã sử dụng kỹ xảo nhiếp ảnh cố tình tạo bức ảnh bóng ngọn cây in trên nền trời đêm thành hình đức Phật có vầng hào quang.

Ngọn cây sanh rất bình thường (ảnh trái) được kẻ nào đó dùng kỹ xảo tạo hào quang rồi tung tin đó là... “Phật hiện”.

Khi chúng tôi đề nghị chị cho biết ai là người phát tán bức ảnh đã dàn dựng ấy, chị phụ nữ "địa phương" tái xanh mặt rồi bỏ đi một cách khẩn trương đáng ngờ.

Đến lúc đó một số người có mặt mới lên tiếng cho biết, người phụ nữ ấy không phải là người địa phương. Chị ta mới xuất hiện kể từ ngày "Phật hiện trên ngọn cây". Chính chị ta là người phát tán, chuyền tay bức ảnh đã dàn dựng.

Sự thật

Chúng tôi tìm gặp một cư dân địa phương cư ngụ gần chùa Thiên Quang tên H. hỏi thăm. Ngay sau khi biết mục đích thăm viếng của chúng tôi, chị H. khoát tay: "Rất là nhảm nhí!".

Chị kể: "Sự việc bắt đầu từ ngày lễ Phật đản 15/4 Âm lịch, tức ngày 13/5/2014. Hôm đó chùa chuẩn bị đèn đóm trang hoàng cho ngôi chùa. Chiều hôm đó, nắng vừa tắt, chùa mở thử đèn. Đúng lúc đó có 2 nữ sinh đi học về ngang. Một đứa nhìn ngọn cây sanh rồi hét lên: Ngọn cây giống bóng Phật ngồi quá. Quả thiệt, bóng đèn từ dưới chùa soi lên khiến ngọn cây đổ bóng hơi giông giống bóng người ngồi tọa thiền. Một vài người đi ngang qua nghe cô bé nói đứng lại xem. Người này truyền cho người kia, thiên hạ bu nhau xem quá trời".

Chị H cho biết thêm, đêm đó chùa tổ chức lễ Phật đản nên sự đồn thổi nhanh chóng lan khắp các phật tử đến chùa cầu nguyện. Có người chụp ảnh ngọn cây, dùng kỹ xảo tạo thêm "hào quang" rồi in ảnh ra giấy chuyền tay nhau.

Có người bật khóc, quỳ sụp lạy như điên. Có người chắp tay đi lòng vòng, miệng đọc kinh thật to. Mọi người gọi điện kêu gọi nhau đến xem Phật hiện. Hầu hết những người có mặt hôm đó đều như lên đồng.

Đêm hôm sau, lượng phật tử ùn ùn đổ về chùa để xem Phật hiện hình khiến các ngã đường vào chùa bị tắc nghẽn. Những bức ảnh giấy càng làm nhiều người tin rằng: "Đêm Phật đản, đức Phật biến hình vào ngọn cây, ai có duyên mới thấy". Nhiều người không có ảnh giấy đã dùng điện thoại chụp lại bức ảnh giấy để dành… khoe. Mỗi lần khoe, họ lại thêm thắt vào vài chi tiết hiển linh cho câu chuyện thêm hấp dẫn.

Mãi đến tận hôm nay, dù lễ Phật đản đã qua nhưng hàng đêm nhiều người vẫn tìm đến để xem Phật. Không chỉ những người dân địa phương mà còn có cả những người từ trung tâm TP HCM và một số tỉnh khác cũng đua nhau kéo về chùa để "diện kiến Phật" khiến cho khu vực xung quanh chùa Thiên Quang thêm phần nhốn nháo và mất trật tự. Trước tình hình đó, đêm nào chính quyền xã Trung Chánh cũng phải cử lực lượng dân quân đến chùa giải thích. Tuy nhiên, lượng người ngày một đông, lực lượng dân quân đành sử dụng biện pháp… đóng cửa chùa.

Cửa chùa đóng, người hiếu kỳ vẫn đứng bên ngoài chùa hướng về phía ngọn cây sanh van vái, đốt nhang quỳ lạy.

Từ lời kể của một số nhân chứng tại địa phương, chúng tôi nhận ra, có kẻ nào đó cố tình thêu dệt hiện tượng lạ, tạo luồng dư luận rồi phát tán với mục đích gây bất ổn an ninh trật tự.

Đại đức Thích Thiện Hiếu, 79 tuổi, trụ trì chùa Thiên Quang cho biết: "Phật không dạy chúng ta tin vào những điều huyền hoặc, dị đoan. Ngọn cây là ngọn cây. Phật là Phật. Ngọn cây không thể hóa ra Phật tổ được. Đó là điều không nên tin".

Đại đức Thích Thiện Hiếu - Trụ trì chùa Thiên Quang.

Được biết chùa Thiên Quang có gần 100 năm tuổi và là một trong những “ngôi chùa kháng chiến” ở Hóc Môn. Thời kháng chiến chống Pháp, lẫn chống Mỹ, chùa Thiên Quang là một địa chỉ đáng tin cậy để các cán bộ hoạt động cách mạng ẩn trú. Năm 2007, chùa Thiên Quang được UBND TP HCM ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. 

Chính quyền địa phương cần tuyên truyền mạnh để sớm ổn định tình hình.

Tháng 12/2013, chùa Phước Sơn (xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) tổ chức lễ Khánh Đản. Những ngọn đèn phục vụ cho buổi lễ đêm đã làm bóng ngọn cây sao gần đó in rõ trên nền trời. Thế là xuất hiện tin đồn, Phật Di Lặc giáng trần vào ngọn cây sao. Tin đồn đã thu hút hàng trăm ngàn lượt người hiếu kỳ từ khắp các địa phương thuê xe du lịch đến xem ngọn cây sao. Có người từ TP HCM tốn 10 triệu đồng tiền taxi để mong chiêm ngưỡng Phật. Khi đến nơi không thấy Phật đâu mà chỉ thấy ngọn cây sao.

Nông Huyền Sơn
.
.