Sự trở lại của Nga ở Trung Đông

Thứ Năm, 14/11/2019, 15:47
Sự trỗi dậy và trở lại của Nga với tư cách một nhà môi giới quyền lực lớn ở Trung Đông đã gây chú ý suốt thời gian qua, không chỉ vì điều này có vẻ trái ngược với lập trường không nhất quán của Mỹ trong khu vực mà còn vì trong một phần tư thế kỷ sau Chiến tranh Lạnh, Nga đã không hiện diện trong khu vực này.

Đúng lúc, đúng chỗ

Lực lượng không quân Nga đã cứu chế độ Assad khỏi một thất bại chắc chắn xảy ra. Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel phải chấp nhận sự hiện diện của binh lính Nga ở biên giới nước họ. Saudi Arabia đã trải thảm đỏ đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Và Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm ơn người đồng cấp Nga vì đã tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi vừa mới đây.

Nga hiện diện trên khắp Trung Đông, từ Bắc Phi đến vịnh Persia thông qua các vị khách cấp cao, vũ khí, lính đánh thuê và những thỏa thuận xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân.

Trong hàng thế kỷ, Nga đã chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Pháp để giành quyền tiếp cận Địa Trung Hải, bảo vệ các tín đồ Cơ Đốc giáo dưới sự cai trị của đế chế Ottoman và giữ một chỗ đứng ở vùng đất thánh. Trong phần lớn kỷ nguyên hậu Thế chiến II, Liên Xô là lực lượng chính ở Trung Đông.

Moscow đã hỗ trợ Tổ chức giải phóng Palestine trong cuộc đấu tranh của họ chống lại “thực thể Do Thái”. Ai Cập và Syria đã tiến hành chiến tranh chống lại Israel bằng vũ khí của Liên Xô, với sự giúp đỡ từ các cố vấn quân sự. Các kỹ sư và tiền bạc của Liên Xô đã giúp xây dựng đập Aswam ở Ai Cập.

Sau khi Liên Xô rơi vào thời kỳ khó khăn cuối những năm 1980, sự hiện diện yếu dần mới là lúc Mỹ ngày càng quen với việc hành động như một bá chủ trong khu vực, tiến hành các cuộc chiến tranh, áp đặt tầm nhìn chính trị của mình và tự ý trừng phạt các chính phủ không làm theo ý họ...

Trạng thái mới này kéo dài đến năm 2015. Mùa thu năm 2015, Nga đã điều binh lính đến Syria. Đã có ý kiến cho rằng liên minh các tổ chức đối lập do Mỹ hậu thuẫn sẽ vẫn giành chiến thắng trong cuộc nội chiến tại Syria và lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, động thái táo bạo của Moscow và sức mạnh bất ngờ của quân đội Nga đã nhanh chóng làm thay đổi chiều hướng các sự kiện, chứng tỏ rằng Trung Đông không có Nga thực sự là một sự chệch hướng, chứ không phải là chuẩn mực.

Chuẩn mực trước đây là một Trung Đông với Nga đóng vai trò nhà môi giới quyền lực lớn. Với việc giành chiến thắng tại Syria, Nga đã biến trạng thái bình thường cũ thành trạng thái bình thường mới.

Theo quan điểm của Moscow, việc quay trở lại chính trường quyền lực ở Trung Đông là một động thái hợp lý, thậm chí là cần thiết. Chế độ Assad là “khách hàng” còn lại cuối cùng của Nga - trong số đã “làm ăn kinh doanh” với nhau trong nửa thập kỷ trước.

Việc cứu chế độ Syria vừa là điều cần thiết nếu Nga muốn duy trì chỗ đứng ở Trung Đông, vừa là cơ hội để giáng một đòn vào Mỹ. Hơn nữa, Nga có những quan ngại an ninh trong nước về tác động gián tiếp của cuộc chiến ở Syria. Vị trí địa lý gần Trung Đông và đường biên giới dễ xâm nhập của Nga có nghĩa rằng việc chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố ở Syria sẽ hợp lý hơn là chờ chúng đến gõ cửa.

Chiến dịch Syria là một thành công của Nga. Nga không phải chịu nhiều tổn thất về tính mạng hay tài sản, thay vào đó, cuộc can thiệp này đã khôi phục vị trí nổi bật của Nga ở Trung Đông. Nó vừa chứng tỏ sức mạnh mới được khôi phục của quân đội Nga, vừa mang đến nhiều cơ hội để thử các loại vũ khí và khái niệm mới.

Việc quảng cáo những mặt hàng này trong một khu vực có tiền để mua vũ khí hạng nặng là điều hợp lý. Giờ đây, tất cả các nước trong khu vực sẽ biết Nga giúp đỡ đồng minh của mình, không như Mỹ, bỏ rơi bạn bè khi vừa thấy dấu hiệu khó khăn đầu tiên, như họ từng làm với cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak vào năm 2011.

Sự có mặt kịp thời của Nga tại Syria đã tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho lần trở lại Trung Đông này.

Nhà môi giới quyền lực

Trên cục diện chung hiện tại, Nga có mối quan hệ tốt đẹp và có thể đàm phán với cả Iran, Israel, Saudi Arabia và tất cả đều đang có cuộc chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh ủy nhiệm ác liệt tại Syria, do đó vai trò của Nga ở đây là không thể thiếu. Tuy nhiên, tất cả đều mong muốn nhận được điều gì đó để đổi lấy mối quan hệ từ Nga. Israel muốn Nga kiềm chế Iran và Hezbollah ở Syria, trong khi đó Iran và Hezbollah vẫn kiên định mục tiêu của mình. Saudi Arabia muốn Nga đứng về phía mình trong cuộc đối đầu với Iran...

Tuy nhiên, Nga đã đầu tư đáng kể vào mối quan hệ với Iran và sẽ không hy sinh nó để đổi lấy điều gì khác. Hồi tháng 6-2018, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã đưa ra quan điểm rõ ràng: Nga bác bỏ những cáo buộc của Mỹ và Israel rằng Iran là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Trung Đông và gọi các cuộc tấn công của Israel là điều không mong muốn.

Và nước Nga, khi họ đã giành được chiến thắng ở Syria, giờ đây họ cần phải giành được hòa bình. Một giải pháp chính trị ở Syria sẽ là thành tựu lớn nhất sau nỗ lực quân sự của Moscow. Làm được điều này, chắc chắn Nga sẽ nổi lên thành một nhà môi giới quyền lực ngang hàng và thậm chí quan trọng hơn Mỹ, sau khi thành công ở nơi Mỹ đã thất bại.

Sau khi đảm bảo hòa bình ở Syria, Nga có thể trông cậy vào nguồn tài trợ của châu Âu và các nước Arab giàu có để tái thiết Syria. Điều này sẽ mang đến những hợp đồng sinh lợi cho các công ty Nga, vốn vừa vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, để mang lại một nền hòa bình bền vững, Nga sẽ cần phải kiềm chế Iran và Hezbollah, cũng như trấn an Israel và Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình an ninh của họ. Và đây là việc không hề dễ dàng, đặc biệt đó lại là Trung Đông.

Nga đã quay trở lại một khu vực rộng lớn và bất ổn đúng lúc nơi đây bắt đầu thích nghi với sự không chắc chắn của một trạng thái bình thường mới xuất hiện: Một Trung Đông hậu Mỹ.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.